Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ. Tranh ghép mảnh trong nhà thờ chánh tòa thánh Máccô, Venice, Ý. Thế kỷ 13.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Mỗi dịp mùa Chay về, bạn và tôi không chỉ chú ý đến ăn chay, hãm mình, cầu nguyện và làm việc bố thí, mà quan trọng thêm vào là ta cần ý thức chuẩn bị tâm hồn, để với ơn Chúa ta có thể phân định và tìm ra cách ứng xử tốt nhất, khi ta đối diện với sự dữ, với tên cám dỗ là Satan, kẻ không bao giờ chịu thua cuộc, mà nếu có thua cuộc lần này, chúng sẽ bỏ đi nhưng rồi tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thời cơ trở lại (x.Lc 4,13).
Khi trở lại chúng kéo theo bè lũ mạnh mẽ hơn để cám dỗ và chiếm ngự (x.Mt 12,43-45).
Đối diện với ma quỷ và sự dữ luôn là điều người Kitô hữu, là bạn và tôi, trăn trở để tìm ra các phương thế giúp ta tránh được những mánh lới thâm độc của chúng.
Mời bạn cùng bắt đầu những suy tư đơn sơ với câu chuyện dưới đây:
Một Rabbi nổi tiếng kia muốn tìm hiểu tâm tư con người nên làm một thí nghiệm như sau. Ông gọi ba người tình cờ đi ngang qua và đặt cho họ một câu hỏi: “Giả như bạn lượm được một túi đầy vàng thì bạn sẽ làm sao?”
Người thứ nhất đáp:”Tôi sẽ trả lại cho người đánh rơi nó”. Vị Rabbi nhận định: “Đồ ngốc!”
Người thứ hai đáp: “Tôi sẽ giữ lấy mà xài. Dại gì mà không xài của quý từ trời rơi xuống”.
Rabbi kết: “Đồ khùng!”.
Người thứ ba: “Tôi cũng chẳng biết tôi sẽ làm sao nữa, bởi vì nếu khi đó tôi không chống lại nổi cám dỗ của ma quỷ trong tôi thì sao? Tuy nhiên nếu khi đó có ơn Chúa khuyến khích thì tôi sẽ trả lại túi vàng cho người đánh mất”.
Rabbi khen: “Tuyệt lắm. Bạn mới thật là người khôn ngoan”.
Qua câu chuyện này, chắc chắn bạn và tôi sẽ chọn nhân vật thứ ba, để chúng ta mặc lấy không chỉ sự khôn ngoan mà trên hết là đức khiêm nhường luôn biết cậy trông vào Chúa Giêsu, chính Ngài cũng đã trải nghiệm sự ranh ma khôn lanh tàn ác của ma quỷ.
Câu chuyện mà chúng ta tưởng rằng mình biết rõ lắm, nhưng thực ra cái biết của ta còn nông cạn lắm. Đó là biến cố của Chúa Giêsu sau 40 ngày ăn chay hãm mình, như là để “sạc bình đầy năng lượng”, Chúa phải đón tiếp một vị khách không mời vẫn đến: ma quỷ, kẻ cám dỗ Chúa trong sa mạc.
Nhưng tại sao lại là sa mạc?
Sa mạc được coi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nghĩa là nơi người ta có những trải nghiệm tích cực (positive), là gần gũi và được Chúa cho sống kết hiệp và nên một với Chúa. Một kinh nghiệm lìa xa hạ giới để mặc lấy mọi điều thuộc về thiên giới.
Tuy nhiên, sa mạc cũng là nơi người ta trải nghiệm những điều tiêu cực (negative), như việc bị cám dỗ bởi ma quỷ hay thần dữ. Vâng, sa mạc thì trống trải cô đơn, sa mạc thì khô cằn và nóng nực, sa mạc luôn có rắn độc và nhiều loài thú hiểm nguy đe dọa đến phận người.
Ôi thiêng và tục gần nhau lắm!
Rồi con số 40 ngày có ý nghĩa gì?
Dân tộc được Chúa yêu thương và chọn không bao giờ có một hành trình nhung lụa, mà trên hết là thử thách và khổ đau, khủng hoảng và đôi khi là bất trung bội phản Thiên Chúa đã ghi dấu trên hành trình 40 năm trong sa mạc của họ. Như thế, 40 năm là thời gian thử thách lòng người, thời gian “vàng thử lửa”, để rồi với thời gian của con số 40 năm hay 40 ngày, ai giữ được sự trung thành và tinh ròng qua sự trợ giúp của ăn chay, khổ chế, ăn năn, khiêm tốn và cầu nguyện, người đó sẽ được tiến vào Đất Hứa.
Chúa chịu ma quỷ cám dỗ, nhưng bản chất của ma quỷ là gì và có lộ liễu hay không?
Cám dỗ mà lộ liễu thì kẻ cám dỗ đó chưa xứng là “cháu của Satan”. Thật vậy, Satan không mời chúng ta trực tiếp đến điều xấu, như thế thì quá vụng về. Đội lốt thiên thần, nó trở thành người tư vấn giúp chúng ta thấy điều tốt: loại bỏ các ảo tưởng và sử dụng các sức lực của chúng ta thật hiệu quả để hoàn thiện vũ trụ. Nó xuất hiện dưới những đòi hỏi thực tiễn: điều thực tại và trước mắt là điều tiên quyết. Đó là quyền lực và lương thực, là hưởng thụ và tiền bạc, là nổi tiếng trên mạng xã hội và ngày càng được mọi người khen ngợi. So sánh với những điều này, những gì thuộc về Thiên Chúa xem ra không thực, như một thế giới tuỳ phụ, không cần đến (Xem. Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần I, s.59.).
Satan còn thích thách thức và đặt giả thiết. Chữ “nếu” của Satan là cái lỗ thật to của bẫy độc được mở ra. Ai thích chữ “nếu” của Satan, sẽ dễ dàng rơi tủm vào bẫy giăng rộng trước mắt.
Satan cũng rất thích “gãi” cho chúng ta thèm. Khi nói đến cám dỗ, người ta thường liên tưởng đến nhiều điều cụ thể, như dục tình, dối trá, ghét ghen, hờn giận, căm thù. Rồi còn thói ngồi lê mách lẻo, nói xấu người khác hoặc những việc tương tự. Tất cả đều rất phàm tục. Nếu chúng ta quan sát và suy gẫm, cám dỗ quả thật đáng sợ, chúng ta thấy cám dỗ của ma quỷ khiến chúng ta thèm có khả năng chế biến mọi sự thành cơm áo; thúc giục chúng ta tìm đủ mọi cách để thành kẻ đại gia giàu có, rồi kế bên đó là danh vọng, quyền lực và địa vị, nghĩa là chúng ta thèm được để ý, chúng ta thèm quyền hành. Bởi vì có quyền là có thể hành quyền trên người khác, là dễ dàng đạt được mục đích riêng tư của bản thân nhắm đến.
Hơn nữa, cái đáng sợ của ma quỷ, là nó kéo con người xuống chỗ thấp kém là đồ vật, là tiền bạc và vật chất, nói khác đi ma quỷ có thể biến người thành đồ vật, hay tệ hơn nữa thành kiểu “súc vật” chỉ chạy theo dục tính và luôn tìm cách để thoả mãn, đến nỗi không màng tới những hậu quả nghiêm trọng xảy ra sau đó: là gia đình căng thẳng với nhiều cuộc cãi vã, rồi cuối cùng là tan nát với ly thân rồi ly dị. Hậu quả là biết bao nhiêu người trở thành nạn nhân. Nạn nhân trực tiếp của ma quỷ là những người trong cuộc. Nạn nhân gián tiếp và vô tội là các em bé và con cái trong các gia đình tan nát.
Ta cũng nhìn ra bản chất khác của ma quỷ, là chúng luôn ích kỷ và kiêu ngạo, cùng với “hoa trái” của nó, là tranh giành và ganh đua, tạo nên chia rẽ và bè phái, tham lam cách điên cuồng, giả dối lật lọng như một trường hợp giả mạo đấng thẩm quyền trong Giáo Hội, để rồi lãnh được chức thánh thiêng. Tất cả mọi điều đó ma quỷ điều khiển và sẵn sàng làm mà không màng đến phương tiện tốt hay xấu và cũng chẳng thèm để ý đến hậu quả tai hại xảy ra. Điều quan trọng là được việc cho chúng và chúng thắng được Thiên Chúa.
Rồi Satan còn “bỏ nhiều gia vị xấu vào trong nồi súp ngon”, để hòa cái xấu vào cái tốt, cái trần tục vào điều thánh thiêng, hầu chúng khuấy đảo mọi thứ theo ý chúng, và khi nồi súp tràn đầy mùi vị “hôi thối”, chúng mở nắp nồi rộng ra để mọi người, dù muốn hay không, đều phải đưa mũi ra mà hít, mà ngửi và rồi nháo nhào cả xóm, cả làng và trên nhiều trang mạng.
Cuối cùng, khi lộ diện, Satan chẳng sợ cho mọi người thấy bản chất xấu xa đê tiện của nó. Vì qua đó, nó chứng tỏ rằng: ta là kẻ chiến thắng. Ai theo ta, cũng sẽ là kẻ chiến thắng như ta.
Thắng hay bại, đó cũng là điều bạn và tôi cần phân định rõ ràng. Trong tiến trình này, ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu, vị Thầy tốt lành của chúng ta.
Sống để ăn hay ăn để sống?
“Tên cám dỗ đến gần Người”. Mon men và nhẹ nhàng đến gần luôn là cách thức của ma quỷ. Nó nói với Chúa theo thể điều kiện nếu ông là Con Thiên Chúa. Kiểu thách thức này ma quỷ vẫn tiếp tục dùng, ngay cả khi Chúa đã bị đóng đinh trên Thánh Giá: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40).
Chúa Giê-su đứng trước những thách thức của ma quỷ và chờ đợi của người đời, họ đòi hỏi Ngài phải làm phép lạ nhãn tiền, như thế họ mới tin. “Chế nhạo và cám dỗ hoà lẫn với nhau nơi đây: Đức Ki-tô phải minh chứng cho những đòi hỏi của mình, để có thể tin được. Việc yêu cầu bằng chứng sẽ đi kèm suốt cuộc đời Đức Giê-su, vì người ta luôn trách cứ là Người đã không tự minh chứng đủ: đáng lý Người phải làm những phép lạ vĩ đại, để loại bỏ những nghi ngờ, chống đối và cho mọi người thấy thật minh bạch, Người là ai, là gì và không phải là gì” (Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần I, s.61).
Nhưng Chúa đâu thuận theo thách thức và chào thua cám dỗ. Trong đôi mắt của Chúa, đâu phải những gì ta cho là quan trọng lại là điều tối cần thiết cho đời người. Như ta vẫn thường cho rằng “sống để ăn”, nhưng có phải cả đời chỉ trố mắt vào “tấm bánh mì hay bao gạo”?
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Sự cám dỗ về lương thực như là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt đối với những ai đang đói, như Chúa Giê-su ở trong hoàn cảnh đó, sau 40 ngày Người ăn chay. Điều thường tình chúng ta thấy qua việc cám dỗ này là muốn sống và tồn tại, con người cần phải có cơm bánh. Nếu không có cơm bánh thì cuộc sống con người sẽ tàn lụi từ từ và kết thúc với cái chết vì đói. Vì thế, người ta tự động sẽ coi trọng cái ăn, đặt lẽ sống ở tấm bánh mì và chén cơm, rồi cuối cùng là “dán chặt” câu thành ngữ tự đặt ra trên miệng mình: “sống để ăn”.
Nhưng không lẽ cuộc sống con người chỉ hệ tại ở cơm bánh thôi sao? Không lẽ đời người chỉ sống để ăn thôi à? Có điều gì quan trọng và cần thiết hơn cơm bánh, hơn lương thực vật chất không?
“Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x.Đnl 8,3). Bình tâm, nhẹ nhàng, khôn ngoan và dứt khoát, Chúa dựa vào chính Lời Chúa để bắt tên cám dỗ khuất phục và phải chân nhận giá trị của cuộc sống không thể lấy cơm bánh là điều quan trọng nhất của đời người. Chúa đã “xô nhào” điều ma quỷ cho là quan trọng cho con người: “sống để ăn”. Thay vào đó Chúa đặt lại mục đích của đời người là “sống” và sống cho thật tốt, thật tốt cho cả thân xác và cho cả linh hồn. Như thế, lương thực cần ăn không chỉ là cơm bánh, mà trên hết là Lời Chúa, là tình yêu của mỗi người chúng ta với Chúa và với nhau.
Vẫn biết rằng cơm bánh là lương thực cần thiết để sống, nhưng trong cuộc sống còn có điều quan trọng hơn cơm bánh, đó chính là đời sống Đức Tin vào Thiên Chúa, vào Lời của Chúa, vào Nước Chúa và trên hết đó là chính Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn… Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Lc 12,22.29-31).
Qua cơn cám dỗ đầu tiên Chúa Giê-su chịu, chúng ta cũng ý thức rằng đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thoả mãn những khao khát của thể xác, và nếu chúng ta để những nỗi thèm thuồng vật chất có chỗ trong tâm hồn và luôn cào cấu trong chúng ta, nếu lẽ sống và giá trị cuộc đời chúng ta đặt trong “nồi cơm” và “ổ bánh mì”, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. Vì thế, xin Chúa giúp bạn và tôi biết nghe lời và vâng phục Chúa, luôn lấy Lời Chúa là lương thực, là ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi (x.Tv 119,105). Cũng xin Chúa ban ơn để cùng Chúa ta vượt qua cơn cám dỗ thứ nhất, hầu có sức đối diện với cám dỗ thứ hai với lời thách đố để cám dỗ ta phải chứng tỏ cho người khác biết về sự tuyệt vời của ta.
Cần có thái độ nào trước lời thách đố?
“Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi” (Lc 4,9). Như thế, khung cảnh của cám dỗ này là ở tại Giê-ru-sa-lem, và cụ thể hơn là ở trên nóc Đền Thờ. Vẫn với cách cám dỗ trước, quỷ nói với Chúa trong thể điều kiện: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”.
Một lần nữa quỷ thách thức Chúa và dụ dỗ Chúa tỏ quyền năng của Ngài. Lần này không còn là biến đá thành bánh, mà là nhào xuống, gieo mình xuống từ nóc đền thờ. Với quỷ, sẽ có thiên sứ giúp đỡ và cứu Chúa. Chúa có dám liều mình làm việc phi thường không? Chúa có muốn chứng tỏ quyền năng của Chúa trước sự thách thức này không? Thật là một cám dỗ nguy hiểm.
Sự ranh ma của quỷ còn được bộc lộ qua việc quỷ trích dẫn Kinh Thánh trong việc cám dỗ lần thứ hai này. Nghĩa là, quỷ đã dùng Thánh Vịnh 91 để thách thức Chúa:
“Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,
bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,
và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91,10-12).
Ma quỷ cho thấy mình cũng là người hiểu biết Thánh Kinh, biết trích Thánh vịnh cách chính xác. Cuộc đối thoại trong cám dỗ thứ hai mang hình thức tranh luận giữa hai nhà thông thái. Ma quỷ xuất hiện dưới hình dạng một nhà thông thái, một thần học gia rành rẽ Thánh Kinh đó bạn!
Vì thế đừng bao giờ khinh thường ma quỷ, và đừng bao giờ tự kiêu với đời sống đạo đức cũng như sự hiểu biết tường tận về Thánh Kinh, Thần Học và Giáo Lý của mình.
Trước sự ranh ma xảo quyệt của ma quỷ, Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúa đã trả lời ma quỷ bằng cách Ngài trích dẫn lời Thánh Kinh từ sách Đệ Nhị Luật: “Anh em đừng thách thức ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em” (6,16).
Càng đạo đức và càng cảm thấy hiểu biết Lời Chúa nhiều hơn, ta càng dễ bị những lời thách đố dễ làm ta ngứa ngáy, đến nỗi ta trở nên nông cạn, kiêu ngạo khi lên tiếng mạnh mẽ nói với người bên cạnh, để chứng tỏ đức tin ta mạnh mẽ: “Tôi có Chúa, virus không bao giờ xâm hại tôi được. Tôi có Chúa, tôi không cần chích Vắc-xin”.
Thay vì gãi chỗ ngứa, ta nhẹ nhàng âm thầm đón nhận cơn ngứa mà không gãi, và trong cầu nguyện xin Chúa cho bạn và tôi mặc lấy dung mạo hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu, như thế ta sẽ trở nên chân thật như người thứ ba trong câu chuyện được nhắc ở phần mở đầu. Người thứ ba khi được hỏi, anh ta trả lời rất thật và khiêm tốn:
“Giả như bạn lượm được một túi đầy vàng thì bạn sẽ làm sao?”
“Tôi cũng chẳng biết tôi sẽ làm sao nữa, bởi vì nếu khi đó tôi không chống lại nổi cám dỗ của ma quỷ trong tôi thì sao? Tuy nhiên nếu khi đó có ơn Chúa khuyến khích thì tôi sẽ trả lại túi vàng cho người đánh mất”.
Với tâm tình khiêm tốn và chân thật đó, Chúa sẽ giúp bạn và tôi tiếp tục leo cao, nhưng cẩn thận, coi chừng té đau.
Càng trèo cao càng dễ té đau ?
Cảm giác của người leo núi sẽ đạt được cao điểm, khi người đó đạt đến chóp đỉnh cao nhất của ngọn núi. Trên chóp đỉnh, ta có thể giơ rộng đôi tay nhỏ bé và ôm tất cả mọi khung cảnh trước mắt vào lòng, từ chân ta đến tận cuối chân trời lọt vào mắt ta.
Ma quỷ tinh ma nhận ra cái đam mê tham muốn đó nơi con người, và chúng dựa vào đó để cám dỗ Chúa, Đấng mang nhân tính của con người yếu đuối chúng ta.
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”.
Ma quỷ từ một thụ tạo sa ngã đã tự tôn mình lên là kẻ giơ tay ban phát, mà lại ban phát cho Chúa nữa. Thật là thói hỗn xược, xấc láo đầy kiêu ngạo của ma quỷ.
Chúng muốn ban phát cái gì? Quyền lực và danh vọng.
Ma quỷ muốn biến Vương quốc Đức Kitô thành một vương quốc chính trị với vinh quang của nó. Quyền lực chính trị và quân sự có thể xoá đi sự bất lực của đức tin, bất lực trần thế của Đức Giêsu Kitô.
Qua bao nhiêu thế kỷ, biết bao hình thức của cám dỗ này luôn xuất hiện, để Đức Tin được quyền lực bảo đảm, nhưng chính Đức Tin lại gặp nguy hiểm, phải chết ngạt trong vòng tay quyền lực. Cuộc chiến đấu cho Hội thánh được tự do, cuộc chiến giúp cho vương quốc của Đức Giêsu không bị đồng hoá với bất cứ cơ cấu chính trị nào, phải diễn ra trong mọi thời đại. Vì cái giá phải trả cho việc trộn lẫn Đức Tin với quyền lực chính trị nằm ở chỗ: cuối cùng Đức Tin chỉ phục vụ cho quyền lực và phải cúi đầu theo tiêu chuẩn của chính trị (X.Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần I, s.73).
Ngoài ra, trong cơn cám dỗ thứ ba này, một cách nào đó, quỷ đã đụng tới sứ mạng của Chúa là Đấng Cứu Thế, nghĩa là Ngài sẽ cai trị muôn dân. Ở đây có những vấn nạn: đây không phải là sứ vụ của Đấng Messias sao? Người không phải là vua vũ trụ sao? Kết hợp thế giới vào vương quốc vĩ đại của bình an và hạnh phúc sao?
Nhưng vương quốc của Chúa Giê-su thì khác với vương quốc quỷ cám dỗ, khác với vương quốc trần gian. Vương quốc trần gian mà ma quỷ giới thiệu mang một vinh quang, như thuật ngữ doxa trong tiếng Hy-lạp, rất dễ tan vỡ và sẽ sụp đổ. Vinh quang đó chỉ là hình bóng, là bọt bèo.
Vương quốc trần thế cũng là vương quốc của con người. Và vương quốc của con người vẫn luôn là vương quốc của con người, và ai cho rằng mình có thể thiết lập một thế giới được cứu độ, người đó sẽ lặp lại câu giả trá của Satan và thao túng vũ trụ trong tay mình.
Vương quốc của ma quỷ và của trần thế mời mọc và đưa con người lên cao, nhưng rồi con người là bạn và tôi có thể ngã nhào bất cứ lúc nào, ngã vì tự cao tự đại, ngã vì ngủ mê trong quyền lực, ngã vì danh vọng như chiếc bong bóng bay lơ lửng giữa trời cao và vỡ toang khi bụi xấu với hình gai nhọn đâm vào.
Còn vương quốc của Đức Ki-tô không có thứ vinh quang theo kiểu của vương quốc trần gian. Vương quốc của Chúa phát triển qua việc rao giảng thật khiêm tốn nơi những ai muốn trở thành môn đệ của Người, được thanh tẩy trong danh Chúa Ba Ngôi và tuân giữ giới răn của Người (x.Mt 28,19t). Vinh quang của vương quốc Chúa Kitô tràn đầy khiêm tốn và đầy khổ đau của tình yêu Chúa; vinh quang này đã không mất đi nhưng tồn tại mãi mãi.
Cuối cùng, Chúa đã mạnh mẽ đáp lời ma quỷ trước cám dỗ về quyền lực và danh vọng như sau: Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.
Câu trả lời của Chúa Giêsu được trích từ những lời mà ông Mô-sê đã ngỏ lời với dân Do thái trong bối cảnh dân bị thử thách cúng tế các thần Ba-an của dân Ca-na-an: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ” (Đnl 6,13). Giới răn căn bản của Ít-ra-en cũng là giới răn của các Ki-tô hữu: chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
Chúng ta cũng nên trở về lại với câu Thánh Kinh thời danh của Ít-ra-en là Shema Israel: “Hãy nghe, hỡi Israel: Chúa Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất; và anh em phải yêu mến Chúa, là Thiên Chúa của anh em với hết tâm hồn, và hết linh hồn và hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).
Đối với tính tuyệt đối của Thiên Chúa, các tín hữu phải đáp trả bằng một tình yêu tuyệt đối và hoàn toàn, cam kết cả cuộc đời, sức lực và tâm hồn mình. Ta cần chạy đến với Đấng Tối Cao để thờ lạy và kính sợ và yêu mến Ngài. Trong tâm tình này Chúa có đưa ta lên cao để gặp Chúa, ta cũng không té đau, ngược lại ta được trú ẩn trong vòng tay nhân ái dịu êm của Ngài.
Đọc những hàng suy tư đơn sơ trên, có lẽ ít nhiều bạn rút ra được một vài điều giúp ta biết phải làm gì trước những mánh lới thâm độc của ma quỷ. Ngoài ra, ta có thể nhận ra thêm vài điều khác.
Luôn bám chặt và hướng mắt vào Chúa Giêsu, là Thầy Dạy tốt lành.
Càng chiêm ngắm Chúa Giêsu, ta càng nhận biết Chúa và sống gần Chúa hơn.
Càng gần Chúa Giêsu hơn, ta càng dễ dàng mặc lấy tinh thần của Chúa và yêu mến Chúa hơn.
Vì thế, khi ta chiêm ngắm Chúa trong biến cố Chúa chịu cám dỗ, sẽ giúp ta nhận biết Chúa nhiều hơn và khám phá sâu hơn tình yêu của Chúa trong thân phận làm người, như lời thánh giáo phụ Ambrosio (337-397), thành Milan chia sẻ: “Chúa Giêsu đã không hành xử như Thiên Chúa, khi phát huy quyền năng của Ngài; giả như Ngài đã làm như vậy, làm thế nào chúng ta có thể noi gương Ngài được? Đúng hơn, như một con người, Ngài đã tận dụng những nguồn lực mà Ngài có chung với chúng ta” (St Ambrose, Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).
Cũng là một giám mục thành Milan, đức cố hồng y Carlo Maria Martini (1927-2012) đã chia sẻ như sau: “Chúa Giê-su chiến thắng cho chúng ta, bằng cách Ngài đã chọn con đường đúng mặc dù bị cám dỗ nhưng Ngài không chọn con đường sai lầm. Ngài đã quyết định đúng đắn, vì tình yêu dành cho chúng ta Ngài đã sẵn sàng đặt mình vào cơn cám dỗ, để qua đó Ngài cứu rỗi chúng ta, và để cắm rễ sâu vào cuộc đời chúng ta. Trong ý nghĩa này, cơn cám cỗ Chúa chịu là một khởi đầu đem lại ơn cứu rỗi, vì đây không chỉ là một bài tường thuật, mà là một trải nghiệm thực sự mà Chúa Giê-su đã có trong chính thân xác của Chúa. Chúa Giê-su đã từ bỏ tất cả mọi quyền bính có ở trong Ngài, và Ngài đã chọn con đường phục vụ với tinh thần tự huỷ dẫn đến cái chết, dẫn đến sự thất bại. Ngài đã tự đặt mình vào trong mọi hiểm nguy dẫn đến thất bại. Ngài đã từ bỏ mọi sự bảo đảm và an toàn mà với sức mình và với tư cách của Đấng Mê-sia, Ngài có thể tạo nên và dựa vào được. Ngài cũng từ bỏ mọi cơ hội và mọi lợi ích để Ngài có thể trở thành một người siêu phàm có thể làm nhiều phép lạ. Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta khỏi khuynh hướng và cái nhìn của thế gian này. Ngài dạy dỗ chúng ta như là một Sư Phụ sống cuộc sống đích thật không chút giả dối”.
Chúng ta cũng nên nghe cha sở họ Ars giải thích: “Chúng ta may mắn biết bao có một vị Chúa làm mẫu gương. Chúng ta nghèo ư? Chúng ta có một vị Chúa sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng cỏ. Chúng ta bị khinh bỉ ư? Chúng ta có một vị Chúa dẫn lối chỉ đường, Ngài bị đặt trên đầu vương niệm bằng gai, bị khoác áo choàng đỏ và bị cử xử như một kẻ điên khùng. Chúng ta bị hành hạ một cách đau đớn ư? Trước mắt chúng ta có một vị Chúa thương tích đầy mình, hấp hối trong cơn đau đớn không thể tưởng tượng được. Chúng ta bị bách hại ư? Làm thế nào chúng ta có thể phàn nàn khi chúng ta có một vị Chúa bị những lý hình thi hành án tử? Cuối cùng, chúng ta bị quỷ thử thách ư? Chúng ta có Đấng Cứu Chuộc yêu dấu; Ngài cũng đã bị quỷ thử thách và hai lần bị thần ác đó đem lên cao; vì thế, dù những đau khổ chúng ta đang trải qua như thế nào, chúng ta luôn luôn có khắp nơi Chúa chúng ta dẫn lối chỉ đường cho chúng ta và đảm bảo cho chúng ta sự chiến thắng chừng nào chúng ta chân thành ước muốn nó” (Selected Sermons, First Sunday of Lent).
Thật vậy, hồng phúc cho chúng ta khi có Chúa Giêsu là gương mẫu và hồng phúc lớn hơn khi ta được phép bám chặt vào Chúa, đặc biệt trong những lúc vì yếu đuối ta rơi vào cám dỗ. Vâng, lúc đó ta không bao giờ quên hai lời cầu nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ”. Với lời cầu nguyện này, ta xin Chúa giúp ta biết nói không với ma quỷ và nói lời xin vâng với Thiên Chúa.
Không vâng lời ma quỷ. Như Chúa Giêsu ta luôn vâng lời Thiên Chúa.
Vâng phục là nhân đức đầu tiên của kiếp người. Ngay khi Chúa tạo dựng Adam và Evà, Ngài đã mời gọi hai ông bà sống nhân đức vâng phục Ngài với ý định tốt đẹp của Ngài. Nhưng rồi hành vi bất tuân Thiên Chúa và vâng phục con rắn là ma quỷ của ông bà đã làm biến dạng tất cả. Thật khốn cho kiếp người, khi vâng phục ma quỷ để rồi trở nên kiêu ngạo, tham lam và rồi đánh mất đi hạnh phúc tinh tuyền của thuở ban đầu!
Vì thế vâng phục Thiên Chúa là điều cần thiết nhất để đời người được hạnh phúc, và nhờ đó không sa lưới ma quỷ. Triết gia người Pháp là Montaigne đã viết: “Luật đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho con người là luật vâng phục. Đó là một mệnh lệnh đơn giản và tinh tuyền, trong đó con người không có gì để đòi hỏi hay tranh luận, vì vâng phục là nhiệm vụ thích hợp của một linh hồn có lý trí nhận biết Đấng bề trên và ân nhân trên trời. Từ sự vâng lời và quy phục mà mọi nhân đức khác phát sinh, cũng như từ sự cứng đầu và cố chấp mà tội lỗi phát sinh”.
Lời của thánh tiến sĩ Irênê cũng giúp ta nhận ra được giá trị của sự vâng lời nơi Đức Kitô, Đấng gương mẫu cho bạn và tôi: “Nơi Adam thứ nhất, chúng ta đã xúc phạm Thiên Chúa, bởi không thi hành mệnh lệnh của Người. Nơi Adam thứ hai chúng ta đã được hòa giải, trở thành vâng phục cho đến chết”.
Vì thế, bạn cùng tôi đừng quên giá trị của nhân đức vâng phục cao quý này, như lời thánh Philip Neri nói: “Triệt để tuân theo thánh. Ý Chúa thực sự là con đường mà khi đi trên đó chúng ta không thể sai lầm, và đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến nếm thử và vui hưởng sự bình an, mà con người nhục cảm và trần tục không thể biết được”.
Ngoài ra, vị thánh có trải nghiệm nhiều về việc chống trả các cám dỗ của ma quỷ, thánh Gioan Vianney đã khuyên chúng ta: “Sự vâng phục làm cho ý muốn của chúng ta dung dị. Nó đem lại sức mạnh để chinh phục bản thân, để chiến thắng sự lười biếng, và để chống lại các cám dỗ. Nó khơi dậy lòng can đảm để chu toàn những nhiệm vụ khó khăn nhất”.
Như thế, vâng phục giúp chúng ta kiên vững theo Chúa và xa lánh ma quỷ, vâng phục cũng giúp ta không lấy ác báo ác và kiên vững làm điều tốt lành, dù ta bị ma quỷ vây quanh và khuấy đảo.
Không lấy ác báo ác & kiên vững giữ điều tốt lành trong lòng cùng hết mình thực thi điều tốt.
Khi đến nơi nào để phục vụ trong một hội đoàn, cộng đoàn, điều thực tế là người phục vụ không bao giờ chỉ được đón nhận những đôi tay mở rộng đón chào, những nụ cười tươi làm mát lòng người mới đến, mà ít nhiều và sớm muộn ta cũng phải đón nhận những lời chối từ, xúc phạm và đôi khi hù dọa nữa.
Khi rơi vào tình trạng xấu đó, ta nên làm gì? Bỏ cuộc? Xắn tay áo lên bước vào cuộc chiến sống còn? Nhu nhược hèn nhát và thua cuộc để bóng đêm muốn nuốt chửng ánh sáng thế nào tùy ý?
Chúa Giêsu trong hành trình sứ vụ, Ngài luôn phải đối diện với rất nhiều chiếc lưới hiểm độc giăng ra, để loại bỏ, cô lập và triệt hạ Chúa. Chúa đã có thái độ nào trước những hoàn cảnh đó?
Chắc chắn sự khôn ngoan của Chúa giúp Chúa thoát khỏi mọi lưới hiểm độc, nhưng điều quan trọng ta học được nơi Chúa là Ngài không bao giờ lấy ác báo ác. Lời Chúa dạy trong bài giảng trên núi thật sống động: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39). Chúa đã sống lời đó như thế nào? Thập giá trên đồi sọ. Chúa Giê-su bị đóng đinh treo lơ lửng trên đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương của nhân loại. Ngài đã sẵn sàng đón nhận tất cả.
Trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giê-su vẫn lên tiếng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm”.
Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ là những kẻ hãm hại Chúa. Đó chính là lô-gic của tình yêu Thiên Chúa. Chúa không lấy ác báo ác, mà Chúa ôm ấp điều tốt lành và thực thi điều tốt lành là tha thứ và xin Cha tha thứ cho những kẻ bách hại và hãm hại Chúa.
Như thế, chúng ta được mời gọi nắm lấy lòng nhân, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng, trung tín, hiền lành và khiết tịnh và mọi sự tốt làn khác, để các điều thuộc về ma quỷ sẽ bị diệt trừ. Các điều thuộc về ma quỷ là hoang tưởng, bất tín, giả dối, nghi ngờ, thủ thế, sợ hãi, kiêu ngạo, ghen tị, tham lam, ham ăn, và dâm dục, cũng như bớt phun ra những thứ quỷ ám thù hận.
Vâng, Chúa không nói lời thù hận, mà Chúa lại mở lời cầu nguyện với Cha trên trời và xin Cha tha thứ cho kẻ hãm hại Chúa. Qua đó, ta nhận ra thêm một việc rất quan trọng giúp ta không sa lưới ma quỷ. Đó là cầu nguyện.
Cầu nguyện, phương thế hữu hiệu chống lại mọi cám dỗ của ma quỷ và giúp ta gặp được Chúa với tâm hồn bình an.
Câu chuyện Chúa vào sa mạc cầu nguyện 40 ngày và sau đó chịu cám dỗ đã nói lên được tầm mức quan trọng của cầu nguyện. Rồi trên hành trình sứ vụ, Chúa còn dạy dỗ các môn đệ, khi các ông đối diện với một trường hợp bị ma quỷ cám dỗ và các ông chẳng thể giúp gì. Họ hỏi Chúa: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,28-29).
Buổi đầu tiên dạy giáo lý cho một chị dự tòng, chúng tôi đặt câu hỏi: “Với chị cầu nguyện là gì?” Chị trả lời: “Cầu nguyện là connect – là kết nối với Thiên Chúa”. Câu trả lời thật tuyệt, tuyệt hơn khi câu trả lời đến từ một người đang bắt đầu tìm hiểu về Thiên Chúa.
Cầu nguyện nghĩa là bạn và tôi kết nối với Thiên Chúa trong mọi trường hợp của cuộc sống, nhất là khi ta sống trong lòng thế giới có sự hiện diện của ma quỷ và nhiều cám dỗ chúng giăng ra.
Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Linh hồn nào kết hợp với Thiên Chúa, ma quỷ sợ nó như sợ chính Thiên Chúa”. Lời của thánh nhân khuyến khích chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, và cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta đừng bao giờ kiêu ngạo, vì ma quỷ không sợ chúng ta đâu, mà chúng chỉ sợ Thiên Chúa. Vì thế, ai cao ngạo thì xa lìa Thiên Chúa và lúc đó ma quỷ sẽ mon men lại gần.
Vì thế, trong khiêm tốn và với sự cố gắng của bản thân, ta cố gắng luôn sống đặt mình trước nhan Chúa, và ý tứ giữ mình ở trước mặt Chúa, Chúa sẽ đỡ nâng ta trước ma quỷ tinh ranh, như thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Nếu chúng ta luôn đặt mình trước nhan Chúa, chỉ với ý tưởng Chúa thấu biết hết mọi ý nghĩ của ta, nghe biết mọi lời nói của ta và xem thấy mọi hành vi của ta, ý tưởng đó sẽ gìn giữ ta khỏi mọi ý nghĩ gian tà, mọi lời lẽ xấu xa và mọi việc làm độc ác”. Điều này cũng được các vị đại thánh khác nhắc nhở chúng ta.
Thánh Giêrônimô nói: “Việc nhớ đến Chúa hằng luôn hiện diện sẽ khóa kín linh hồn không cho tội lỗi xâm nhập vào”. Thánh Tôma Aquinô cũng có suy nghĩ tương tự: “Nếu chúng ta luôn nghĩ rằng Thiên Chúa hằng nhìn thấy chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ làm những điều trái mắt Ngài”.
Bạn có đồng ý với những gì các thánh nói ở trên không? Câu trả lời nằm ở trong kinh nghiệm của bạn và của tôi. Hãy trở về với một kinh nghiệm mà bạn đã không sa ngã vào cám dỗ, khi bạn cầu nguyện, tin tưởng và bám chặt vào Chúa.
Phần tôi, kinh nghiệm Đức Tin và kinh nhiệm về Thiên Chúa trong những lúc bị cám dỗ đã giúp tôi xác tín: cầu nguyện thật sự là một phương thế hữu hiệu chống lại mọi cám dỗ của ma quỷ. Và nếu ta có yếu đuối sa ngã cám dỗ và bị sự dữ khuấy đảo, thì cầu nguyện và niềm tin vào Chúa lại ban cho ta sức mạnh đứng dậy, thống hối ăn năn để thoát khỏi bóng đêm, trở về với con đường ánh sáng, trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch bình an.
Hơn nữa, việc cầu nguyện với Mẹ Maria cũng giúp ta thanh thoát và nhẹ nhàng hơn. Ta khiêm tốn cầu nguyện với Mẹ: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Chắc chắn Mẹ nghe lời cầu nguyện khiêm tốn của ta và phù trợ cho ta.
Truyền thống Giáo Hội còn để lại cho ta lời cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, khi ta rơi vào trong cám dỗ và thử thách của ma quỷ. Là phận người yếu đuối, được Tổng Lãnh Thiên Thần chở che, thì thật là phúc lắm!
Ngoài ra, cầu nguyện còn giúp ta gặp được Chúa với tâm hồn bình an sâu xa. Đó là hoa trái thật tốt lành mà thánh Edith Stein đã trải nghiệm và để lại lời thật đẹp cho bạn và tôi: “Cầu nguyện là chiếc thang Giacóp. Trên đó tinh thần con người vươn lên Thiên Chúa, và trên đó ân sủng của Thiên Chúa xuống trên con người” và “Cầu nguyện là tương quan giữa Linh hồn với Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì luôn ao ước ban tặng chính mình cách trọn vẹn, hơn nữa tình yêu không bao giờ đóng khuôn trong chính mình, mà luôn mở ra để vươn tới người khác, để tặng ban chính mình cho người khác, và làm cho người khác được hạnh phúc”.
Như thế, cầu nguyện đi vào sự sống của người Kitô hữu, đến nỗi ta có thể trả lời cho những ai đặt câu hỏi: “Kitô hữu là ai?”. “Kitô hữu là người cầu nguyện”. Chỉ trong cầu nguyện ta mới sống thật dồi dào và chỉ trong cầu nguyện ta mới có thể làm được những điều tốt lành để phục vụ Chúa và anh chị em. Đó là kinh nghiệm rất thật của thánh Têrêsa Cancútta: “Chúng ta cần cầu nguyện như cần hơi thở. Không cầu nguyện, chúng ta chẳng làm được gì”.
Cầu nguyện chắc chắn giúp ích chúng ta rất nhiều trong đời sống Đức Tin và là phương thế hữu hiệu chống lại mọi cám dỗ của ma quỷ, kẻ tinh ma hiểu biết rõ cả Thánh Kinh, nên chúng ta cũng cần phải trở nên những người nắm vững Thánh Kinh và có Hồn Lời Chúa trong lòng.
Nguyên nhân của mọi sự dữ là dốt Thánh Kinh.
“Nguyên nhân của mọi sự dữ là dốt Thánh Kinh”. Một giáo phụ và cũng là thánh tiến sĩ Giáo Hội, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói như vậy. Cả cuộc đời thánh tiến sĩ say mê Lời Chúa, ngài có mối thân tình sâu xa với Lời Chúa được vun trồng ở những năm sống ẩn sĩ, mối tình này đã phát triển nơi ngài một thôi thúc bất khả chống cưỡng trong việc rao giảng Phúc Âm, trong việc cống hiến cho người khác những gì chính ngài đã lãnh nhận trong những tháng năm suy niệm.
Với lòng yêu mến Lời Chúa, thánh nhân như nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Đức Tin. Thật vậy, ai có Lời Chúa là ánh sáng soi đường và ai có Lời Chúa là hồn sống trong mình, thì người đó như cây ở bên dòng nước, cứ đúng mùa thì sinh hoa kết trái và cành lá không bao giờ tàn tạ. Cành lá không tàn tạ, nghĩa là người đó không chiều theo sự dữ, không bị cám dỗ bởi lời “mật ngọt chết ruồi” của ma quỷ. Người có Lời Chúa trong lòng đã có đủ lời tốt lành để sống, không màng tới lời khác nữa.
Thánh Phaolô còn nhấn mạnh hơn nữa, khi mời gọi người tín hữu trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, nghĩa là ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao, ta cần phải đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa (Ep 6,16).
Thật vậy, đối với thánh tông đồ Lời Chúa là vũ khí cần thiết cho cuộc chiến của chúng ta, vì Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống (x.Ga 6,62), hướng dẫn ta và giúp ta vượt qua mọi đêm đen của đời người.
Ở trong biến cố Chúa chịu cám dỗ, Chúa đã nói rất rõ, Lời Chúa là lương thực nuôi sống chúng ta và ở phần cuối của Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã nhắc tới nền tảng của đời sống Đức Tin và của người môn đệ là biết xây dựng ngôi nhà của mình trên nền đá là chính Lời Chúa (x.Mt 7,21-27). Khi bạn và tôi luôn “ăn Lời Chúa” mỗi ngày, luôn thường xuyên chú tâm học hỏi Lời Chúa, cũng như khi Lời Chúa trở thành hồn sống của ta, là lúc Lời Chúa mỗi ngày lớn lên trong ta, và tự động lời của ta nhỏ lại và rồi lời mời mọc của sự dữ từ bên ngoài vang tới sẽ không còn trở nên hấp dẫn. Như vậy, ta đỡ phải sa vào vũng lầy và lạc vào bóng tối.
Ngoài ra, ta cũng biết rằng ma quỷ và sự dữ cũng rất rành Thánh Kinh. Sự khác biệt là chúng chỉ rành rẽ trên trí hiểu, nhưng chúng không để Lời Chúa trở thành hồn sống hướng dẫn và soi sáng chúng, vì thế bạn và tôi cần ý thức và nỗ lực để Lời Chúa lớn lên cách hài hòa trong đời sống Đức Tin của ta, nghĩa là ta cần phải học hỏi Lời Chúa luôn mãi, việc học Lời Chúa cần phải được thấm vào tâm hồn của ta, để mọi suy nghĩ, lời nói của ta thấm đậm “chất Lời Chúa”, cuối cùng Lời Chúa trở thành chất liệu quan trọng trong các hành vi và hành động của ta.
Ta cũng nhớ tới câu nói luôn thời danh của một vị thánh tiến sĩ khác, là thánh Giêrônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giêsu”.
Như thế Lời Chúa là cánh cửa mở ra để ta bước vào ngôi nhà của Chúa Giêsu, để ta được gặp gỡ Ngài, ở lại với Ngài như các môn đệ đầu tiên (x.Ga 1,35-39), để Ngài dạy chúng ta nên hoàn thiện như Cha trên trời (x.Mt 5,48), và để ta ở mãi trong Ngài, như cành nho gánh liền với thân cây nho (x.Ga 15,1-8). Có như thế cành lá của bạn và của tôi không bao giờ bị khô héo, không bao giờ trở nên vô dụng chỉ còn quăng ra ngoài để người ta dẫm đạp lên thôi.
Cuối cùng, Lời Chúa Giêsu nói và chính Chúa Giêsu đối với mọi học trò và môn đệ của Chúa luôn là điều tối cần thiết, vì như thánh Phêrô nói: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Không thể có lời kết.
Những dòng suy khép lại, nhưng không thể có lời kết, và bài viết không thể trả lời tường tận câu hỏi: “Trước mánh lới của ma quỷ ta cần phải làm gì?”, vì ma quỷ tinh ranh hơn ta tưởng.
Ngoài ra, chúng tôi chân nhận rằng, với sự khôn ngoan Chúa ban cho bạn cùng với kinh nghiệm cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ khám phá ra những phương thế hữu hiệu khác.
Vì vậy, xin mời bạn tiếp tục cùng suy tư và chia sẻ những phương thế khác giúp bạn và tôi đừng sa lưới kẻ thù tinh quái.
Cuối cùng, dù thế nào đi nữa, bạn và tôi đừng bao giờ làm một mình, mà luôn khiêm tốn bám chặt vào Chúa và sống trong ân sủng của Ngài.
Xin mời bạn cùng suy tư và tìm ra phương thế tốt chống trả cám dỗ của ma quỷ tinh quái!
Nürnberg, Những ngày đầu Mùa Chay Thánh 2023.