Tự do đích thực


Trong thế giới ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, đời sống con người được cải thiện và nâng cao. Cũng vì đó, con người ngày càng đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn cho bản thân, cho phe nhóm của mình. Sự đòi hỏi quyền lợi đó rất tốt, nó làm cho xã hội ngày càng phát triển và công bằng hơn nếu ta không đi quá giới hạn đến chỗ bỏ quên những quyền lợi của người khác và trái với những quy luật của tự nhiên. Một trong số đó là quyền tự do. Con người ngày nay đòi hỏi tự do nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do giới tính,… Điều đó thật chính đáng nhưng dường như nó đã đi quá giới hạn của mình. Phải chăng họ đã hiểu sai về khái niệm và ý nghĩa của tự do.

 

Những nhà đấu tranh cho quyền phá thai, bình đẳng giới, hôn nhân đồng tính hay nhiều vấn đề khác một cách thái quá, phải chẳng họ đang mưu cầu quyền lợi cho chính mình và phe nhóm? Họ mang danh nghĩa nhân quyền, quyền tự do để đổi lấy sự hưởng thụ không chính đáng cho bản thân. Họ đấu tranh cho quyền phá thai chỉ vì họ muốn thực hiện hành vi tính dục một cách tuỳ tiện và thiếu trách nhiệm. Họ đấu tranh cho bình đẳng giới đến việc thụ phong linh mục cho nữ giới, phải chăng họ đi ngược lại với truyền thống của các Tông đồ và ý định của Thiên Chúa? Người nam và người nữ được Thiên Chúa dựng nên là để bổ khuyết cho nhau và mỗi người có một vai trò riêng. Những cặp đồng tính không thể bổ túc và giao hoà với nhau theo ý định tự ban đầu của Thiên Chúa. Vì vậy, họ không thể sống cuộc hôn nhân đồng tính chỉ vì những lệch lạc giới tính và đam mê tính dục sai trái của mình. Họ đấu tranh cho nhiều thứ đi ngược lại với những quy luật tự nhiên, ngược lại với ý định của Thiên Chúa. Con người ngày nay nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm. Trước mắt chúng ta có nhiều con đường và ta có thể tuỳ ý chọn con đường nào mình muốn, đó là tự do của mình. Đó là cách hiểu về tự do của con người ngày nay.

 

Tự do theo cách hiểu của con người ngày nay dường như sai lạc trầm trọng so với tự do đích thực của Theo Chúa. Để làm rõ tự do là gì chúng ta cùng xét đến phạm trụ trái ngược với tự do là “nô lệ”. Xã hội ngày nay tạo ra cho con người những nhu cầu hưởng thụ và dần con người mất đi tự chủ và bị lệ thuộc vào nó. Nô lệ ở đây không chỉ nói đến một ai đó đang bị lệ thuộc, bị chi phối hay bị điều khiển bởi một người khác, nhưng còn bị lệ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi những thứ khác như ma quỷ, xác thịt, tội lỗi và nhiều thứ khác,… Những thứ đó chi phối, ảnh hưởng và điều khiển tư tưởng và hành động của ta. Chúng khiến ta đưa ra những quyết định sai trái, đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa. Chúng làm cho ta ngày ngàng xa khỏi vòng tay của Thiên Chúa. “Hỡi những ai phạm tội thì làm nô lệ cho tôi” (Ga, 8: 34). Trong câu chuyện người đàn bà ngoại tình, thoạt nhiên ta theo cái nhìn của ta, cô gái có tự do của của riêng cô. Cô có thể lựa chọn ngoại tình hay không ngoại tình. Nhưng thật sự cô có tự do không khi cô đang bị chi phối và bị điều khiển bởi dục vọng và tình cảm sai lạc. Những đam mê xác thịt đã lôi kéo cô đi vào con đường tội lỗi. Tự do là không phải muốn làm gì thì làm nhưng là không còn phải làm nô lệ cho ma quỷ, thế gian và xác thịt. Đó là lúc ta được giải phóng làm con người thật của chính mình. Ta được tự do tự tại chọn những việc theo ý muốn của Thiên Chúa để mang lại hạnh phúc cho ta mà không có sự ràng buộc hay lôi kéo theo điều ngược lại từ ma quỷ. Con người thật của ta xuất phát từ Thiên Chúa và luôn hướng về Ngài. Tất cả những thụ tạo khác được Thiên Chúa tạo ra tự bản chất nó là tốt. Chỉ vì ta đặt nó ở một vị trí cao hơn vị trí của Đấng Tạo Hoá. Nó nằm ở vị trí cao hơn vị trí nó đáng được có trong lòng ta. Chính Chúa Giêsu đã giải phóng ta ra khỏi tình trạng nô lệ khi ta lãnh nhận bí tích Rửa tội nhưng vì ta không thể ở mãi trong ân nghĩa với Thiên Chúa, ta lại chọn con đường trái với thánh ý của Ngài nên ta lại một lần nữa trở nên nô lệ.

 

Chúng ta hãy phân biệt giữa tự do đích thực và thứ tự do chọn lựa mà ta vẫn đang cố gắng đấu tranh mỗi ngày. Thiên Chúa cho ta có quyền lựa chọn bất cứ con đường nào kể cả con đường lìa xa Ngài. Đó là tự do lựa chọn của ta. Khi Thiên Chúa tạo nên con người, Ngài đã trao cho con người có lý trí suy xét đúng sai và một tự do lựa chọn. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta có thể chọn lựa hạnh phúc bên Thiên Chúa hay lìa xa Ngài trong đau khổ. Thiên Chúa muốn ta sống hạnh phúc nhưng Ngài không thể phủ nhận lại chính mình trong việc ban cho ta sự tự do. Một bà mẹ cứ mãi ép buộc con mình làm theo tất cả những gì bà muốn. Điều đó có thể làm cho người con không phạm phải những sai lầm, đau khổ, nhưng tình yêu của bà mẹ có thật sự vị tha. Chỉ vì bà biết rằng con bà đau khổ cũng sẽ dẫn đến việc bà đau khổ. Bà không muốn chịu đau khổ cùng con bà. Con của bà có thật sự hạnh phúc khi sống dưới những quyết định của người khác? Nó có thật sự là chính mình? Tình yêu của bà phải chăng chỉ là một tình yêu vị kỉ. Còn Thiên Chúa, Ngài muốn cho chúng ta hạnh phúc với những quyết định của mình. Ngài chấp nhận rủi ro khi trao cho ta sự tự do. Ngài chấp nhận đau khổ cùng chúng ta và Ngài biết Ngài có thể cứu cho ta ra khỏi những sai lầm đó bằng cái chết của Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta thật sự là chính mình trong những quyết định của mình và Ngài đồng ý đau khổ vì ta. Thiên Chúa trao cho ta món quà vô giá là sự tự do lựa chọn nhưng không vì thế mà ta lựa chọn con đường lìa xa Thiên Chúa. Vì chẳng ai muốn mình phải chịu đau khổ. Vì vậy, chúng ta cần học lấy sự tự do đích thực để trở nên hạnh phúc bên cạnh Thiên Chúa.

 

Để tìm hiểu tự do đích thực là gì? Chúng ta cùng nhìn đến Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và vô cùng. Đối với Thiên Chúa, tự do của Ngài là gì? Thiên Chúa là Đấng tốt lành và thông minh tuyệt đối. Chúng ta khẳng định và tin chắc với nhau về hai phạm trù đó của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối nên những gì trong suy nghĩ của Ngài đều là tốt lành nhất mà nó có thể đạt được và Thiên Chúa không thể phủ nhận lại bản tính của Ngài để xuất hiện những thứ kém tốt lành hơn hay xấu xa. Những gì trong suy nghĩ của Ngài đều xuất hiện trong hiện tại. Vì vậy, những thụ tạo đều là những thứ tốt lành nhất mà nó có thể đạt được. Cùng với đó, Thiên Chúa là Đấng thông minh tuyệt đối nên không thể có chuyện có nhiều con đường để Ngài lựa chọn nhưng chỉ xuất hiện một con đường tốt nhất trong suy nghĩ của Ngài. Đối với con người, bài toán 1 + 1 = 2 dường như là bài toán dễ nhất và ta không cần suy nghĩ. Đáp án 2 là đáp án duy nhất xuất hiện trong đầu ta ngay lập tức. Đối với Thiên Chúa, mọi chuyện đều dễ hơn việc con người tính 1 + 1 = 2. Trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình khi bị người Do Thái thách đố, trong suy nghĩ của Đức Giêsu chỉ có một mục đích duy nhất và một cách thức thực hiện duy nhất và đó là tốt nhất. Ngài không cần phải suy nghĩ có nên cứu chị hay không và làm thế nào để cứu chị. Vì trước mắt Ngài chỉ có một con đường thực hiện một mục đích tốt nhất. Có thể nói đối với Thiên Chúa, Ngài không có tự do (theo cách hiểu của con người) vì Ngài không có lựa chọn nào khác hơn. Nhưng đó lại là tự do tuyệt đối vì Ngài không bị chi phối bởi bất cứ một thọ tạo hay sự vật nào khác ngoài Ngài. Ngài là sự tròn đầy tuyệt đối.

Đối với con người, làm sao ta có thể đạt đến được sự tự do như Thiên Chúa? Vì con người chỉ là thụ tạo mỏng giòn và yếu đuối nên bị chi phối bởi rất nhiều thứ bên ngoài. Chúng tạo ra cho ta rất nhiều con đường ảo mộng có thể dẫn đến những khoái cảm nhất thời. Có con đường bị chi phối bởi danh vọng, có con đường dẫn đến nô lệ cho khoái lạc, có con đường đưa đến sự lệ thuộc vào của cải và hưởng thụ vật chất. Chúng làm con đường đưa đến Thiên Chúa bị mờ nhạt. Nhưng khi ta có thể loại bỏ được dục vọng thì tất cả những con đường hư ảo đấy đều biến mất, chỉ còn những con đường tốt lành và kém tốt lành hơn. Khi đó ta đã đạt được đến mức độ tương đối của sự tự do. Nền luân lý tự nhiên hay triết học đông phương như: Nho giáo, Đạo giáo,… đều dạy ta đạt đến điểm tự do tương đối này là không còn lệ thuộc vào dục vọng nữa. Nhưng người Kitô hữu không chỉ dừng lại tại đó mà phải tìm cách loại bỏ tất cả mọi con đường chỉ còn để lại một con đường là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong câu chuyện người đàn bà ngoại tình, những người bắt quả tang ngoại tình theo luật Môsê có thể tự do ném đá người đàn bà tội lỗi. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai trong các ông sạch tội cứ việc ném đá trước đi” (Ga, 8: 7). Nhưng thật sự họ có tự do để ném đá người phụ nữ ngoại tình kia không? Làm theo thánh ý Thiên Chúa thì ta không còn có tự do để làm điều này hay điều kia. Tự do đích thực là lúc ta không còn tự do theo kiểu người đời nhưng là tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Vì vậy tự do tuyệt đối là tự do chỉ có một con đường hiện ra trước mắt ta và con đường đó dẫn đến Thiên Chúa, theo ý muốn của Thiên Chúa và mang lại cho ta hạnh phúc đích thật tròn đầy. Đức Maria là mẫu gương sáng cho chúng ta. Mẹ chỉ một lòng nói tiếng “xin vâng” để rồi Mẹ trở thành thụ tạo có được sự tự do tuyệt đối.

Tóm lại, con người ngày nay có sự hiểu biết sai lầm về tự do. Từ đó, tạo nên một xã hội mất trật tự. Giáo hội Công giáo cũng đang là nạn nhân của sự hiểu biết sai lầm này. Vì vậy, ta cần phải thay đổi não trạng của con người, trả lại ý nghĩa thật sự cho “tự do” mà nó là, và sống đúng theo tự do đích thực. Chúng ta phải cố gắng vươn lên đến tự do tuyệt đối của Thiên Chúa, nghĩa là loại bỏ những dục vọng chi phối con người ta và chọn con đường duy nhất Chúa muốn ta đi. Đó mới là tự do đích thực của con người.

 

                                                                                                     Văn Phát

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *