Mỗi sáng thức dậy, chúng ta được tự do thả lòng mình trôi theo những luồng suy nghĩ hay những lo toan cho một ngày mới. Không ai có thể gò bó chúng ta trong cái tự do ấy, và cũng chẳng ai được phép ngăn cản chúng ta thực hiện cái tự do của chính mình. Tự do là một ân huệ cao quý mà Chúa Thánh Thần trao ban cho chúng ta khi chúng ta được làm người. Tự do trong suy nghĩ để chúng ta được lớn lên, tự do trong lời nói để chúng ta được trưởng thành và tự do trong hành động để chúng ta được biết mình là ai. Tự do quyết định mọi sự sẽ cho chúng ta một sự khẳng định về chính mình: Chúng ta thuộc về ai, và chúng ta là người tự do thực sự hay chỉ là kẻ nô lệ?
Ngay từ thuở ban đầu, sự tự do đã được trao ban cho con người; con người hoàn toàn tự do để quyết định vâng theo ý Chúa hay nô lệ cho ma quỷ. Trái cấm ngày xưa mà Thiên Chúa đã dùng như một công cụ để biết rõ lòng người, đã trở nên một hình ảnh sống động ngày nay cho chúng ta: Trái cấm phân định sự vâng phục và phản nghịch, trái cấm minh bạch tình yêu và thù hận, trái cấm tỏ tường lòng trung tín hay sự bất trung, trái cấm phân chia sự thật và giả dối… Tất cả chúng ta đều được tự do để dùng hay không dùng trái cấm ấy.
Nói đến sự vâng phục, chúng ta thường nghĩ đến một sự gượng ép nào đó. Đó cũng chính là cái tự do trong suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ rằng: sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa là sự tự do chọn lựa của chúng ta; thì chúng ta sẽ thật sự được tự do trong mọi cách thức, từ suy nghĩ cho đến hành động, để được sống đúng phẩm chất của một con người tự do, hay nói đúng nghĩa hơn là một người con của Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta nghĩ rằng: làm theo ý Chúa là không còn được thoải mái buông theo những gì mình muốn, thì chúng ta cũng được tự do đó thôi; nhưng xét cho cùng: sự tự do đó lại đưa chúng ta đến một sự lệ thuộc tệ hại hơn, đó là nô lệ cho những gì thuộc về thế gian này. Trái cấm mà Nguyên Tổ ngày xưa đã dùng vì nghĩ rằng mình sẽ được ngang bằng Thiên Chúa và được tự do trong mọi sự, đã dẫn đến hậu quả là sự nô lệ. Chúng ta cũng hoàn toàn tự do để chọn lựa sự vâng phục hay từ chối thánh ý Thiên Chúa. Nên nhớ rằng: những gì mà Thiên Chúa mong muốn ở nơi chúng ta, hay nói cách khác là mời gọi chúng ta theo ý Ngài, hoàn toàn là những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chúng ta. Trí khôn của chúng ta quá nhỏ bé nên không hiểu hết được tình yêu của Ngài. Tự do vâng theo ý Ngài là cách khôn ngoan nhất, để được trở nên một con người thật sự tự do. Tự do từ chối ý Ngài là điều dại dột, khiến chúng ta trở nên nô lệ cho chính những điều mà chúng ta tưởng rằng có lợi cho bản thân mình.
Nếu ai đã dưỡng nuôi tình yêu thì chẳng thể mang lòng thù hận! Tình yêu và thù hận là hai thái cực làm cho chúng ta trở nên tự do hay nô lệ. Tình yêu dẫn chúng ta vào những suy nghĩ tích cực về tha nhân, mở lối cho chúng ta bằng những lời nói tha thiết chân tình với tha nhân, đưa chúng ta đến những hành động cao thượng dành cho tha nhân. Có tình yêu, chúng ta được tự do trong mọi cách thức thể hiện tâm tư, tình cảm của mình với Thiên Chúa và với anh em. Có tình yêu, chúng ta được thỏa sức nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa và mở lòng ra với anh em. Có tình yêu, chúng ta được đắm mình trong sự gắn kết với Thiên Chúa và quên mình vì anh em. Tình yêu không ràng buộc chúng ta trong một khuôn khổ nào, cũng không trói buộc chúng ta bởi quy luật nào. Chúng ta hoàn toàn tự do để thể hiện tình yêu với Thiên Chúa và với tha nhân. Yêu Chúa và yêu tha nhân làm cho chúng ta trở nên một con người tự do thật sự. Sự hận thù luôn kìm hãm tâm trí chúng ta, làm cho chúng ta không thể mở lòng ra trước Thiên Chúa và tha nhân. Sự hận thù giam cầm chúng ta trong những lời nói thiếu bác ái, thiếu trân trọng và thiếu yêu thương. Sự hận thù trói buộc chúng ta trong mọi nghĩa cử cao đẹp, khiến chúng ta không còn thiết tha làm điều tốt. Chính sự hận thù đã đưa chúng ta đến sự nô lệ: Nô lệ cho một đời sống không tình yêu; nô lệ cho những việc làm sai trái; nô lệ cho chính những suy nghĩ, lời nói và hành động xấu xa của chúng ta.
Sống trong sự thật luôn làm cho tâm hồn chúng ta được thư thái và bình an. Đó là hệ quả của sự tự do mà chúng ta đã chọn lựa. Sự thật nhiều khi chẳng được ưng ý, hay thậm chí bị lên án khi có một thiệt hại nào đó xảy ra. Cho dù là thế nào, sự thật vẫn không bao giờ làm chúng ta áy náy lương tâm và trên hết là khi đối diện với chính Thiên Chúa. Tự do như thế thật là đáng quý, bởi chúng ta được là chính mình trong mọi hoàn cảnh. Còn sự giả dối, dù có đem lại nhiều lợi lộc trần gian này, thì cũng chẳng thể mang lại cho chúng ta một giấc ngủ ngon hay làm vơi đi những nỗi lo lắng. Người sống trong sự giả dối luôn mang trong mình một sự lo sợ ghê gớm: Sợ sự thật được phơi bày, sợ những mất mát của bản thân, sợ bị hạ thấp danh dự… Họ làm nô lệ cho những nỗi sợ và mất hoàn toàn sự tự do.
Trái cấm vẫn còn hiện diện xung quanh chúng ta và Thiên Chúa vẫn cho chúng ta quyền tự do để chọn lựa, quyết định. Tự do nào xuất phát từ Thiên Chúa luôn luôn là sự tự do đích thực, đưa chúng ta đến một cuộc sống tự do trong Ngài. Những gì thuộc về thế gian này, mà chúng ta tưởng rằng đó là sự tự do, sẽ biến chúng ta trở thành người nô lệ: Khi có nhiều tiền của, chúng ta được tự do tận hưởng ư? Thật sai lầm! Chúng ta có chắc rằng mình thoát được khỏi sự bận tâm, lo lắng về việc kiếm tiền để giàu hơn không? Đó là sự nô lệ cho tiền của! Khi địa vị cao sang, chúng ta tưởng rằng mình tự do phán quyết mọi sự theo ý mình ư? Thật sai lầm! Chúng ta có chắc rằng tâm trí mình không bị ràng buộc bởi những mưu mô hay thủ đoạn để giữ cho vững chiếc ghế không? Đó là sự nô lệ cho danh vọng!… Khôn ngoan chọn lựa là điều cần thiết nhất của mỗi chúng ta!
Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài đã trao ban sự tự do cho chúng con để chúng con được vui hưởng hạnh phúc. Nhiều lúc, chúng con đã thật dại khờ khi tự trói mình trong vòng nô lệ của những thứ mục nát ở trần gian này. Xin Ngài hãy dạy chúng con biết khôn ngoan bước đi trong sự tự do vâng theo Thánh Ý và tự do làm mọi sự theo sự chỉ dẫn của Ngài. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chỉ có sự tự do trong Ngài mới làm cho chúng con được trở nên những con người tự do thật sự, và là những người con yêu của Ngài.
Therese Trần Thị Kim Thoa