Từ sự kiện chiến tranh suy ngẫm về ơn sám hối

Mấy tuần này cả thế giới đều hướng về tâm điểm của cuộc chiến tại Ukraina. Mỗi ngày trôi qua là biết bao hậu quả của cuộc chiến để lại. Chiến sĩ của cả hai bên thiệt mạng, dân thường bị thương vong, nhà cửa bị tàn phá, dòng người tị nạn mỗi lúc một gia tăng. Nền kinh tế của cả thế giới cũng đang và sẽ chịu những hậu quả trầm trọng từ việc các nước đang trừng phạt lẫn nhau.

 Không ai muốn chiến tranh, nhưng chiến sự đang xảy ra. Trước biến cố này, ai cũng dễ dàng nhận thấy một bức tranh ảm đạm sẽ bao trùm lên cả nhân loại ít là trong năm 2022 này. Cuộc chiến càng kéo dài và càng nhiều bên tham chiến, bức tranh ấy chắc chắn sẽ còn u ám hơn nhiều. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình thế giới, nhất là cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo nhận được ơn hoán cải để chữa lành vết thương thù hằn, chấm dứt chiến tranh.

Trên đây là câu chuyện của thế giới chúng ta. Ở mức độ nhỏ hơn, trong Tin Mừng hôm nay chúng ta cũng thấy một câu chuyện tương tự. Số là tổng trấn Philatô với quyền trinh sát trong tay, ông đã giết một số người Ga-li-lê. Lịch sử ghi lại rất nhiều cuộc đổ máu tại Giêrusalem do chính Philatô gây ra. Chưa hết, thánh sử Luca còn dẫn chứng thêm một ví dụ về mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Nhiều người cho rằng họ đáng tội chết. Từ hai ví dụ này, chúng ta thấy: 1. cái chết có thể đến từ con người, 2. hoặc từ tai nạn ngoài ý muốn. Cả hai đều gây nên nỗi kinh hoàng cho nạn nhân và gia đình.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên về cách trả lời của Đức Giêsu trước hai câu chuyện trên đây! Ngài nói: “nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy.” (Lc 13,3). Chúng ta cũng có quyền hỏi Chúa: “Tại sao? Chúng con đâu làm gì nên tội mà phải chịu cảnh chết chóc, khổ đau như thế?” Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta thử tìm hiểu một chút về từ “sám hối” mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta trong Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay. 

Sám hối hay còn gọi là ăn năn. Minh nhiên thuật ngữ này liên quan đến tôn giáo. Chúng ta đã biết ăn năn là hối hận vì đã phạm tội, đã xúc phạm đến sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời dốc lòng chừa. Ngoài việc xưng thú tội lỗi của mình với vị linh mục giải tội, hối nhân còn được mời gọi làm việc đền tội, sửa đổi và nhất là quay về với Thiên Chúa. Những ai làm theo lời dạy của Chúa và sống theo giới luật yêu thương của Người thì đều được sống trong bình an. Lý do là Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ một cách lạ lùng, vì vài lần chính Đức Giêsu đảm bảo rằng: “hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28).  Hoặc nói như cảm nghiệm của Thánh Phanxicô Salêsiô: “Thiên Chúa đánh giá rất cao lòng sám hối. Chỉ cần có lòng sám hối một chút ở trần gian, miễn là thành thật, cũng làm Chúa quên hết mọi tội lỗi, đến nỗi dù là quỷ dữ Chúa cũng tha hết tội cho chúng nếu chúng có thể sám hối.” (Youcat 229)

Như vậy, sám hối là trở về với Thiên Chúa. Từ khởi đầu mới ngày, người ta cũng sẽ có tương quan tốt với anh chị em đồng loại và có được bình an trong tâm hồn. Trong những mối dây hài hòa này, có lẽ sẽ tránh được rất nhiều xung đột. Ở tầm mức rộng lớn hơn, các cộng đoàn, quốc gia sẽ tránh được thù hằn chiến tranh, nếu các nhà lãnh đạo nhận được ơn hoán cải sám hối này. Điều này nghe có vẻ lạ tai, nhưng chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho chính mình, cho những nhà lãnh đạo các quốc gia biết yêu chuộng hòa bình, có tinh thần hoán cải để dựng xây một thế giới bớt đi thù hận chiến tranh.

Đừng quên, sám hối cũng là một ơn huệ của Chúa ban cho từng người. Chúng ta thấy điều này trong phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu kể rằng có một bác làm vườn ra cây vả để tìm trái. Bác làm vườn thất vọng lắm, vì đã ba năm nay bác ra tìm trái đều không thấy. Bác đề nghị chặt bỏ cây vả này đi, vì để chỉ tốn công chăm sóc và hại cho đất đai. Anh làm vườn khẩn cầu rằng: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,8-9). Bác ta đã cho cây vả một cơ hội để hoán cải.  

Cây vả chính là cuộc đời của mỗi người. Nếu tôi và bạn không hoán cải, không sinh hoa trái là những điều tốt đẹp, thì chúng ta có nguy cơ xa rời Thiên Chúa. Như thế thì khốn khổ vô cùng, vì chúng ta cũng sẽ bị tiêu vong, bị loại bỏ khỏi khu vườn hạnh phúc của Thiên Chúa. May mà Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, rất giàu tình thương luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về. Không bao giờ là quá muộn cho một hối nhân. Mở ngoặc nơi đây, có nhiều người quan niệm rằng cứ ăn chơi thoải mái, đến khi gần chết thì sám hối, trở về với Thiên Chúa, cũng không muộn! Câu trả lời là chắc chắn sẽ muộn màng, bởi chúng ta không biết giờ chết. Như tháp Si-lô-ác đổ xuống bất cứ khi nào, thì chúng ta cũng có thể ra đi bất cứ giờ nào. Hơn nữa, không ai dám chắc sau một quãng đường dài sống trong tội lỗi và bất trung với Thiên Chúa, người ấy có thể đột ngột tin yêu Chúa hết lòng, hết tâm hồn, hết trí khôn. Do đó, sám hối là hành động của mỗi chọn lựa, mỗi ngày sống. Càng sám hối, chúng ta càng được hạnh phúc bình an. Nhất là người sám hối không sợ cái chết, và họ luôn sẵn sàng trở về với Thiên Chúa trong hân hoan.  

Không ai muốn chiến tranh. Chúng ta chỉ muốn hòa bình. Thay vì “nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”, Thiên Chúa dạy chúng ta một cách khác: “Nếu muốn tránh chiến tranh, hãy xây dựng hòa bình”[1]. Con đường hòa bình theo triết lý Phương Đông là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân là sám hối, là ăn năn và là trở về với những điều thiện hảo. Là người Công giáo, chúng ta sám hối nghĩa là muốn sửa đổi đời sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Càng tin yêu Thiên Chúa, người ta càng tiến gần đến hòa bình. Điều này vẫn luôn đúng cho mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn và cả trên bình diện quốc tế.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraina và cho thế giới:

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình [2].

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

————–

[1] Nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đặt đoạn “bảo vệ hòa bình” (số 2302-2306) trước đoạn nói về “tránh chiến tranh” (số 2307-2317).

[2] KINH HÒA BÌNH của Thánh PHANXICO ASSISI – Nhạc KIM LONG

Kiểm tra tương tự

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Đường Về – Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá

DẪN NHẬP Anh chị em thân mến, chúng ta đã đi được một thời gian …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *