- Dẫn nhập
- Định nghĩa về lương tâm
- Đặc điểm của lương tâm
- Vai trò của lý trí
- Vai trò của tình cảm
- Kết luận
Dẫn nhập
Trong buổi tiếp kiến các Đức Giám Mục Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm “ad limina”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu rằng: “Một trong những vấn đề mục vụ nổi cộm mà chúng ta đang phải đối diện chính là sự ngộ nhận lan rộng về vai trò của lương tâm, theo đó lương tâm và kinh nghiệm cá nhân được đề cao lên trên và đối nghịch với giáo huấn của Giáo hội”[1]. Nhận xét trên của Đức Giáo Hoàng giúp chúng ta nhận ra rằng có lẽ không phải tất cả mọi người đều hiểu một cách đầy đủ và vận dụng một cách đúng đắn lương tâm của mình. Vậy lương tâm là gì? Đâu là vai trò của lý trí và tình cảm trong việc phân định và chọn lựa của lương tâm? Bài viết này hy vọng sẽ làm sáng tỏ phần nào hai câu hỏi không kém thú vị và quan trọng ở trên.
Định nghĩa về lương tâm
Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, trước hết, “lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu”[2]. Không chỉ liên quan đến việc nhận thức về tính luân lý của các hành vi, lương tâm còn là “tiếng nói” thôi thúc con người hành động sao cho hợp với luân lý. “Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác[3]. Đặc biệt hơn nữa, lương tâm còn là không gian linh thánh: là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thật vậy, “lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ.[4]
Còn theo tác giả Sidney Callahan, lương tâm là một hoạt động có ý thức và mang tính cá nhân. Hoạt động ấy vận dụng lý trí, tình cảm và ý chí trong những phán quyết về chuyện đúng sai hay thiện ác[5]. Như vậy, lương tâm là một tiến trình nội tâm năng động diễn ta trong ý thức. Quá trình ấy có sự tham gia toàn vẹn của cả suy nghĩ, cảm nhận và ước muốn hành động nơi mỗi người[6]. Và sinh hoạt của lương tâm dường như không hướng đến những điều gì khác ngoài những giá trị luân lý[7].
Đặc điểm của lương tâm
Đầu tiên, lương tâm không phải siêu ngã (super-ego) trong tâm lý. Siêu ngã là những mệnh lệnh và cấm đoán của những người có thẩm quyền (ví dụ như cha mẹ) hình thành dần dần một cách vô thức trong tôi từ nhỏ. Lương tâm và siêu ngã có sự giống nhau bề ngoài ở chỗ đều là “tiếng nói” ra lệnh tôi phải làm điều này và không được làm điều kia. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa lương tâm và siêu ngã là sự khác biệt giữa “phải làm” và “muốn làm”.
Một cách cụ thể, cái “phải làm” của siêu ngã nhìn đến mệnh lệnh của những người có thẩm quyền. Trái lại, cái “muốn làm” của lương tâm hướng về những giá trị được cá vị hoá và nội tâm hoá. Siêu ngã hành động vì bổn phận vâng phục. Trong khi đó, lương tâm thực hiện sự tự do có trách nhiệm, nghĩa là sự tự do của việc muốn làm những gì tôi nên làm như một người tử tế. Trong thực tế, siêu ngã và lương tâm không tồn tại tách biệt nhau nhưng pha trộn trong mỗi quyết định của tôi. Nhưng để có thể nói rằng tôi đang hành động theo lương tâm thì phải có một sự ảnh hưởng đáng kể của những giá trị được nội tâm hoá vượt lên hẳn ảnh hưởng của siêu ngã và những áp lực từ bên ngoài[8].
Thứ đến, lương tâm là một thực tại gồm ba chiều kích: (1) khả năng, (2) tiến trình, (3) phán quyết[9]. Trước hết, lương tâm là năng lực để phân biệt thiện và ác. Con người bình thường nào cũng có năng lực ấy (ngoại trừ một số người mắc những chứng bệnh liên quan đến não). Khả năng đó sẽ phát triển và hoàn thiện dần dần ngang qua kinh nghiệm cá nhân, sự trợ giúp từ người khác và sự soi sáng từ những nguồn mạch khôn ngoan luân lý. Nói cách khác, lương tâm cũng cần được huấn luyện[10]. Sau cùng, lương tâm thể hiện được năng lực đặc thù của mình khi đưa ra một phán quyết luân lý cụ thể nào đó. Đó là lúc lương tâm nói cho tôi biết rằng “đây là điều tôi chọn, bởi vì sự thật luân lý đòi hỏi tôi như vậy.”[11]
Thứ ba, lương tâm mang đặc tính tối thượng và bất khả xâm phạm trong việc hướng dẫn đời sống luân lý cá nhân. Điều này không có nghĩa rằng lương tâm tự mình quyết định thiện và ác; hay lương tâm sẽ tương đối hoá tính luân lý; hoặc phán quyết luân lý của một người là đúng chỉ do bởi việc phán quyết ấy đến từ lương tâm của người ấy. Đúng hơn, chọn lựa theo tiếng lương tâm đồng nghĩa với việc sống thành thật sâu xa với chính mình. Khi nói ‘lương tâm của tôi mách bảo’ có nghĩa ‘tôi có thể sai, nhưng tôi hiểu đây là một đòi hỏi khách quan của lương tâm và vì thế tôi phải chọn điều ấy nếu không tôi sẽ phản bội chân lý và phản bội chính tôi’[12].
Dù lương tâm hướng đến giá trị luân lý và cam kết làm lành lánh dữ, lương tâm vẫn có thể mắc sai lầm[13]. Đây là một đặc điểm khác của lương tâm. Ngay cả khi tôi đã hết sức chân thành tìm kiếm chân lý, thì những giới hạn của tôi có thể khiến tôi bỏ qua nhiều yêu tố quan trọng vốn ảnh hưởng đến phán quyết luân lý. Tuy nhiên, hành động với một lương tâm sai lầm không nhất thiết làm cho một người trở thành một người xấu. Có những sai lầm không thể tránh được. Và những phán quyết xuất phát từ những sai lầm kiểu như thế là “những sai lầm vô tội”[14].
Đến đây, có lẽ chúng ta đã có cái nhìn khá hệ thống về lương tâm và những đặc điểm chính yếu của nó. Như đã đề cập ở trên, lương tâm là phán quyết của toàn thể con người bao gồm cả lý trí và tình cảm. Như vậy, chắc hẳn lý trí và tình cảm phải có những đóng góp đáng kể trong việc phân định và chọn lựa của lương tâm.
Vai trò của lý trí
Lý trí được sử dụng để phân định một vấn đề luân lý cũng giống như phân định các vấn đề khác trong cuộc sống. Lương tâm sẽ trải qua tiến trình phân tích, lập luận và lượng giá các dữ kiện thu thập được liên quan đến vấn đề luân lý. Khi đó, lý trí sẽ sử dụng các tiêu chuẩn logic để đánh giá việc suy luận của lương tâm. Lý trí sẽ xét đến tính nhất quán, tính mạch lạc, và tính phù hợp của những lập luận so với thực tại. Lý trí sẽ giúp phát hiện và tránh những nguỵ biện, những lập luận sai lầm và cả những phán đoán méo mó về thực tại xuất hiện trong quá trình phân định luân lý[15].
Ngoài ra, lý trí còn đánh giá và kiểm soát diễn tiến tình cảm nảy sinh trong quá trình phân định và chọn lựa của lương tâm. Chúng ta có thể có những phản ứng không phù hợp đối với những phán quyết của lương tâm. Những tình cảm như thế có thể được nhận ra và được huấn luyện bằng những tiêu chuẩn lý tính[16].
Vai trò của tình cảm
Trong khi lý trí có thể đưa ra những phán quyết và chỉ dẫn liên quan đến tình cảm, đến lượt mình, tình cảm có thể hướng dẫn và theo dõi việc lập luận bằng cả cảm xúc tích cực và tiêu cực. Bằng những cảm xúc tiêu cực, tình cảm có thể khiến chúng ta phải xem xét lại lối lập luận của mình. Có những lập luận xuất hiện có vẻ rất hợp lý, rất hợp logic như việc cho phép tra tấn các tù nhân, hay lấy các cơ phận từ những cơ thể sống. Chúng ta có thể cảm nhận thấy rằng những giải pháp ấy là sai, ghê tởm và đáng khinh mặc dù chúng ta không thể phát biểu một cách rõ ràng mạch lạc những lý do tại sao chúng ta cảm thấy như thế. Những cảm xúc không thoải mái làm cho chúng ta phải nhìn lại lối lập luận trước đó và thúc dục chúng ta tiếp tục tìm tòi, phân tích để có thể đi đến một giải pháp hợp luân lý hơn nữa[17].
Những tình cảm tích cực như sự đồng cảm, sự yêu thương, … có thể gợi hứng để chúng ta đào sâu những suy tư về luân lý, quá đó góp phần huấn luyện lương tâm. Nhiều cuộc cách mạng trong lãnh vực luân lý đã bắt đầu bằng sự đồng cảm cho những người bị loại trừ và bị xem thường, chẳng hạn như người nô lệ, người phụ nữ… Chúng buộc chúng ta phải tái đánh giá những ý niệm luân lý trước đó về họ. Sự đồng cảm có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển lương tâm bởi lẽ khi có sự đồng cảm, thì sự quan tâm nảy sinh, và luân lý xuất hiện sau đó[18].
Trong quá trình tinh tế hơn và khó diễn tả hơn, tình cảm này có thể theo dõi và hướng dẫn tình cảm khác. Tình yêu và sự đồng cảm trung hoà những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ như khi tiếp xúc một bệnh nhân, sự đồng cảm nảy sinh một cách tự nhiên và thắng vượt cảm giác ghê sợ. Tình yêu có thể phá tan nỗi sợ hãi. Tình yêu cũng có thể xoa dịu sự tức giận hay giảm bớt đi sự khinh thường đối với lỗi lầm hay sự phản bội của người khác[19]. Như thế, một số tình cảm cũng đóng góp nhất định vào việc phân định và chọn lựa của lương tâm.
Kết luận
Tóm lại, lương tâm trước hết là một khả năng để phân biệt điều thiện và điều ác. Khả năng ấy được phát triển dần dần qua một tiến trình học hỏi suốt đời vốn không thể tránh khỏi những sai lầm. Và lương tâm được hiện thực rõ nét qua những phán quyết và chọn lựa cụ thể những hành vi hợp luân lý. Trong mỗi phân định và chọn lựa của lương tâm đều có sự đóng góp tương hỗ của lý trí và tình cảm. Lý trí đánh giá và hướng dẫn lập luận và tình cảm nảy sinh trong tiến trình chọn lựa của lương tâm. Ngược lại, tình cảm trắc nghiệm và hướng dẫn những lập luận của lý trí cũng như tác động lên chính tình cảm trong lương tâm. “Hãy luôn luôn để lương tâm hướng dẫn bạn”[20]. Có lẽ câu châm ngôn trên sẽ luôn luôn đúng và càng phát huy sức mạnh lớn lao của nó trong đời sống luân lý của mỗi con người khi giả định rằng đã có một sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về lương tâm nơi mỗi con người vốn là một chủ thể luân lý.
FX. Nguyễn Quang Tuấn
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam
Tài liệu tham khảo
CALLAHAN, Sidney, In Good Conscience: Reason and Emotion in Moral Decision Making, HarperCollins Publishers, New York, 1991
GULA, Richard, “Conscience” in Bernard Hoose, ed., Christian Ethics, Liturgical Press, Minnesota, 2003
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II, Adress Of His Holiness John Paul II To The Bishops Of The United States Of America On Their “Ad Limina” Visit, 1993, accessed 14/03/2014, <http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1993/september/documents/hf_jp-ii_spe_19930921_new-england-ad-limina_en.html>
Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II, Thông điệp Veritatis Splendor, 1993
[1] John Paul II, Adress Of His Holiness John Paul II To The Bishops Of The United States Of America On Their “Ad Limina” Visit, 1993, accessed 14/03/2014, <http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1993/september/documents/hf_jp-ii_spe_19930921_new-england-ad-limina_en.html>
[2] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1778
[3] Ibid, số 1776
[4] Ibid, số 1776
[5] Xem Sidney Callahan, In Good Conscience: Reason and Emotion in Moral Decision Making, HarperCollins Publishers, New York, 1991, tr. 14)
[6] Richard Gula, “Conscience” in Bernard Hoose, ed., Christian Ethics, Liturgical Press, Minnesota, 2003, tr. 114
[7] Sidney Callahan, op. cit., tr. 14-17
[8] Richard Gula, op.cit., tr. 111-112
[9] Richard Gula, op.cit, tr. 113
[10] Ibid, 115
[11] Ibid., 113
[12] Ibid., 114
[13] Ibid., 116
[14] Xem thêm Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1790-1794; Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II, Thông điệp Veritatis Splendor, số 62,63
[15] Sidney Callahan, op. cit., tr.125-127
[16] Ibid, 127-128
[17] Ibid, 129-133
[18] Richard Gula, op. cit., tr.120
[19] Sidney Callahan, op. cit., tr. 133
[20] Richard Gula, op. cit., tr. 113