Văn bản mới của Tòa Thánh: Xem xét tiềm năng và rủi ro của Trí tuệ nhân tạo (AI)

 

Trong một Ghi chú về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và trí thông minh của con người, các Bộ Giáo lý Đức tin, Văn hóa và Giáo dục nêu bật tiềm năng và thách thức của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, lao động, y tế, quan hệ con người và quốc tế, và chiến tranh.

 

Những cảnh báo của Đức Giáo hoàng về Trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây đã cung cấp phác thảo cho Văn kiện Antiqua et Nova” (Sự khôn ngoan vừa cổ xưa vừa mới mẻ), “Ghi chú về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và trí thông minh của con người”, đưa ra kết quả soi sáng lẫn nhau giữa Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa và Giáo dục. Tài liệu mới này được gửi đặc biệt đến “những người được giao phó việc truyền bá đức tin”, nhưng cũng gửi đến “những người chia sẻ niềm tin rằng những tiến bộ khoa học và công nghệ nên hướng đến việc phục vụ con người và lợi ích chung” [5].

 

Trong 117 đoạn văn, “Antiqua et Nova” nêu bật những thách thức và cơ hội của sự phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, công việc, sức khỏe, các mối quan hệ và chiến tranh. Ví dụ, trong lĩnh vực chiến tranh, tài liệu ấy cảnh báo về tiềm năng của AI trong việc gia tăng “các công cụ chiến tranh vượt xa phạm vi giám sát của con người và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang gây mất ổn định, với hậu quả thảm khốc đối với quyền con người” [99].

Những nguy hiểm và tiến bộ

Cụ thể, tài liệu liệt kê không chỉ những rủi ro mà còn cả những tiến bộ liên quan đến AI, điều được khuyến khích như “một phần của sự cộng tác giữa con người với Thiên Chúa” [2]. Tuy nhiên, nó không tránh khỏi những lo ngại đi kèm với tất cả các cải tiến, những tác động của chúng vẫn chưa thể đoán trước.

Phân biệt giữa trí tuệ nhân tạo và trí thông minh của con người

Nhiều đoạn của Ghi chú được dành để phân biệt giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và trí thông minh của con người. Trích dẫn Đức Giáo hoàng Phanxicô, tài liệu khẳng định rằng “việc sử dụng từ ‘trí tuệ’ trong cụm từ trí tuệ nhân tạo (AI) ‘có thể gây hiểu lầm’… Xét theo góc độ này, AI không nên được coi là một dạng nhân tạo của trí thông minh con người, mà là sản phẩm của nó” [35]. “Giống như bất kỳ sản phẩm nào của sự khéo léo của con người, AI cũng có thể hướng đến mục đích tích cực hoặc tiêu cực” [40]. “AI ‘có thể đưa ra những sự đổi mới quan trọng’” [48] nhưng nó cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm các tình huống phân biệt đối xử, nghèo đói, “khoảng cách số” và bất bình đẳng xã hội [52]. “Việc tập trung quyền lực đối với các ứng dụng AI chính thống vào tay một số ít công ty quyền lực làm dấy lên những lo ngại đáng kể về mặt đạo đức”, bao gồm “nguy cơ AI có thể bị thao túng để đạt được lợi ích cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc để định hướng dư luận vì lợi ích của một ngành cụ thể” [53].

Chiến tranh

Đề cập đến chiến tranh, “Antiqua et Nova” nhấn mạnh rằng các hệ thống vũ khí tự động và gây chết người có khả năng “nhận diện và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người là “nguyên nhân gây ra mối quan ngại nghiêm trọng về mặt đạo đức” [100]. Tài liệu lưu ý rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi cấm sử dụng chúng vì chúng gây ra “‘rủi ro hiện sinh’ bằng khả năng hành động theo những cách có thể đe dọa sự tồn vong của toàn bộ khu vực hoặc thậm chí của chính nhân loại” [101]. Tài liệu cho biết “Mối nguy hiểm này đòi hỏi phải được quan tâm nghiêm túc”, “phản ánh mối quan ngại lâu nay về các công nghệ mang lại cho chiến tranh ‘sức mạnh hủy diệt không thể kiểm soát đối với số lượng lớn thường dân vô tội’, thậm chí không tha cho trẻ em” [101].

Các mối quan hệ giữa con người

Về quan hệ giữa con người, tài liệu lưu ý rằng AI có thể dẫn đến “sự cô lập có hại” [58], rằng “nhân cách hóa AI” gây ra vấn đề cho sự phát triển của trẻ em [60] và việc trình bày sai lệch về AI như một con người là “vi phạm đạo đức nghiêm trọng” nếu điều này được thực hiện “vì mục đích lừa đảo”. Tương tự như vậy, “sử dụng AI để lừa dối trong các bối cảnh khác – chẳng hạn như trong giáo dục hoặc trong các mối quan hệ giữa con người, bao gồm cả khía cạnh tình dục – cũng được coi là vô đạo đức và cần được giám sát cẩn thận” [62].

Kinh tế và lao động

Sự cảnh giác tương tự cũng được yêu cầu trong lĩnh vực kinh tế -tài chính. “Antiqua et Nova” lưu ý rằng, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, “trong khi AI hứa hẹn sẽ thúc đẩy năng suất… thì các cách tiếp cận hiện tại đối với công nghệ có thể làm giảm kỹ năng của người lao động một cách nghịch lý, khiến họ phải chịu sự giám sát tự động và giao cho họ những nhiệm vụ cứng nhắc và lặp đi lặp lại” [67]

Sức khỏe

Ghi chú cũng dành nhiều không gian cho vấn đề chăm sóc sức khỏe. Nhắc lại về “tiềm năng to lớn” trong các ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực y tế, nó cảnh báo rằng nếu AI thay thế mối quan hệ giữa bác sĩ-bệnh nhân, nó sẽ có nguy cơ “làm trầm trọng thêm sự cô đơn thường đi kèm với bệnh tật” [73]. Nó cũng cảnh báo rằng “việc tích hợp AI vào chăm sóc sức khỏe cũng có nguy cơ làm tăng thêm những chênh lệch hiện có khác trong khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế,” với nguy cơ “củng cố mô hình ‘thuốc cho người giàu’, trong đó những người có phương tiện tài chính được hưởng lợi từ các công cụ phòng ngừa tiên tiến và thông tin sức khỏe được cá nhân hóa, trong khi những người khác phải vật lộn để tiếp cận với cả các dịch vụ cơ bản” [76].

Giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, “Antiqua et Nova” lưu ý rằng “AI mang đến cả cơ hội lẫn thách thức”. Nếu được sử dụng một cách thận trọng, AI có thể cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và cung cấp “phản hồi ngay lập tức” cho học sinh [80]. Một vấn đề là nhiều chương trình “chỉ cung cấp câu trả lời thay vì nhắc nhở học sinh tự đưa ra câu trả lời hoặc tự viết văn bản”; điều này có thể dẫn đến việc không phát triển được các kỹ năng tư duy phản biện [82]. Bản ghi chú cũng cảnh báo về “thông tin thiên vị hoặc bịa đặt” và “tin giả” mà một số chương trình có thể tạo ra [84].

Tin giả và Deepfake

Về chủ đề tin tức giả, tài liệu cảnh báo về rủi ro nghiêm trọng của AI “tạo ra nội dung bị thao túng và thông tin sai lệch” [85], diều sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nó được phát tán với mục đích lừa dối hoặc gây hại [87].

Antiqua et Nova” nhấn mạnh rằng “Những người sản xuất và chia sẻ nội dung do AI tạo ra phải luôn chăm chú xác minh tính xác thực của những gì họ phát tán và trong mọi trường hợp, nên ‘tránh chia sẻ những từ ngữ và hình ảnh hạ thấp nhân phẩm, thúc đẩy lòng căm thù và sự không khoan dung, làm giảm giá trị tốt đẹp và sự thân mật của tính dục con người hoặc lợi dụng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương’” [89].

Quyền riêng tư và sự kiểm soát

Về quyền riêng tư và sự kiểm soát, Ghi chú chỉ ra rằng một số loại dữ liệu có thể đi xa đến mức chạm đến “nội tâm của cá nhân, thậm chí có thể là lương tâm của họ” [90], với nguy cơ mọi thứ trở thành “một loại cảnh tượng cần được kiểm tra và thanh tra” [92]. Giám sát kỹ thuật số “cũng có thể bị lạm dụng để kiểm soát cuộc sống của những người tin và cách họ thể hiện đức tin của mình” [90].

Ngôi Nhà Chung

Về chủ đề chăm sóc tạo hóa, “Antiqua et Nova” cho biết, “AI có nhiều ứng dụng đầy hứa hẹn để cải thiện mối quan hệ của chúng ta với ‘ngôi nhà chung’ của chúng ta” [95]. “Đồng thời, các mô hình AI hiện tại và phần cứng cần thiết để hỗ trợ chúng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và nước, góp phần đáng kể vào lượng khí thải CO2 và gây căng thẳng cho tài nguyên” [96]

Mối tương quan với Thiên Chúa

Cuối cùng, Ghi chú cảnh báo về nguy cơ nhân loại trở thành “nô lệ cho chính công việc của mình” [105]. “Antiqua et Nova” nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo “chỉ nên được sử dụng như một công cụ để bổ sung cho trí thông minh của con người chứ không phải thay thế sự phong phú của nó” [112]

 

Nguồn: Vatican News

Tác giả: Salvatore Cernuzio

Chuyển ngữ: Anh Quân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ An táng cha cố Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

  Sáng nay, trong bầu khí trang nghiêm và đầy yêu thương, Đức Tổng Giám …

Vui tươi, bình an, triển nở, hạnh phúc – Hoa trái của đời sống thiêng liêng

  Ngồi bên cha một lúc, tôi bước ra ngoài, đi dạo một vòng và …