Vấn đề về huyền nhiệm của con người

baby-girl-cutest

Dẫn nhập

Chị là một giáo viên quê ở Đà Lạt. Chị và anh có hai người con gái và người con chị đang cưu mang cũng là một bé gái. Chồng chị nhất quyết không chấp nhận đứa bé ấy chào đời, vì anh muốn có con trai. Chị hoàn toàn không muốn giết bỏ đứa con mình vì lương tâm không cho phép. Câu chuyện này đặt ra hai cái nhìn về con người rất khác nhau: vấn đề và huyền nhiệm.

Triết cổ truyền (essence) đã chú tâm đến những ý niệm trừu tượng, quên đi thân phận và định mệnh con người. Ngược lại, phong trào hiện sinh (existence) hứa hẹn cho con người cái nhìn chính xác và phong phú hơn về “hữu thể người” (human being). Một trong “tứ trụ” của triết học hiện sinh là Gabriel Marcel (1889-1973)[1] đã thổi luồng gió mới và nâng con người lên đúng tầm mức và phẩm giá khi nhìn nhận con người còn là một huyền nhiệm.

Trong giới hạn về thời gian và kiến thức, ở đây người viết xin trình bày quan niệm triết học về con người dưới cái nhìn của một vấn đề và dưới cái nhìn huyền nhiệm mà Gabriel Marcel đã minh giải trong hai tác phẩm Having and Being (1935) và The Mystery of Being (1951).

 1. Con người dưới cái nhìn “problem-vấn đề”

Thông thường, vấn đề là chuyện chẳng lành, rắc rối và khó khăn cần có giải pháp rốt ráo. Trong triết lý khi tầm nguyên từ “vấn đề” theo ngôn ngữ Hy lạp thì “problem” bắt nguồn từ một “khách thể”; nó là cái gì đó bị ném ra trước mặt tôi, cái tôi gặp trên đường[2]. Ngoài ra, nếu là một vấn đề thì ta có thể lĩnh hội được nó như một vật thể ngoài ta; về nguyên tắc, ta có thể điều khiển và thao túng được nó[3]. Như vậy, dưới góc nhìn của vấn đề, bào thai trên đây có thể cân đo đong đếm, tính toán thiệt hơn và đưa ra một phải pháp rốt ráo được. Vả lại bào thai ấy bây giờ không mang lại lợi ích gì nên tốt hơn là cắt bỏ vấn đề ấy. Hiểu như thế còn thiển cận, vì bỏ quên phương diện hiện hữu – một con người đang sinh trưởng từng ngày trong dạ mẹ.

Rộng hơn, không chỉ trong nạn phá thai, Marcel chứng minh rằng một khi nhìn con người thuần tuý dưới cái nhìn vấn đề, ta có nguy cơ lãng quên khía cạnh rất quan trọng của con người là hiện hữu. Phải nói rằng Marcel không thích những ý niệm cao đẹp theo kiểu Platô cũng là vì nó ít liên hệ đến hiện hữu và hiện sinh của con người. Với tiểu luận “Existence et Objective”, ông đấu tranh cho hiện sinh, phản đối việc xem con người thuần tuý là vấn đề. Ông nhận định rằng: cho tới nay phần lớn các triết gia duy tâm đã thu giảm vai trò hiện hữu đến chỗ nhỏ nhất. Và, người ta càng đi tới chỗ bỏ quên phương diện hiện hữu[4]. Như vậy, khi người ta đối xử với nhau nếu không dựa trên “hiện hữu người” với những phẩm giá thánh thiêng thì xung đột, bạo lực, ẩu đả, gây hấn, rạn nứt, đoạn tuyệt, vô cảm, an tử, chiến tranh, huỷ diệt v.v. là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, Marcel phản đối triết học xưa kia chỉ mới coi thân thể con người như một vật thể, chưa bao giờ triết học cổ truyền tri nhận vai trò chủ thể của thân xác. Ngày nay nhiều người cũng xem thường thân xác mình và người khác vì cái nhìn thiếu chính xác về con người. Marcel đã có công giúp mọi người ý thức và chân nhận thân thể con người có cả hai chức vụ bất khả phân tách: tôi có xác, tôi là xác. Vế thứ hai – quan trọng hơn – thuộc về huyền nhiệm. Còn vế thứ nhất phản ảnh tính chất của một sự vật hay vấn đề. Thực ra “có-having” và “là-being” trong trường hợp thân xác thì không thể tách rời. Cả hai luôn là một. Tôi có thân xác, và thân xác này cũng là tôi. Tuy nhiên, Marcel nhận thấy có vấn đề nguy hại khi ta sống bằng phạm trù “có xác”. Chẳng hạn Marcel nhận định rằng đối với nhiều người nói “tôi có xác” cũng giống như tôi có quyển sách, cái áo hay căn nhà. “Có” thuộc về quy chế của sự vật. Cái ta có không phải là ta và dĩ nhiên cũng dễ dàng loại trừ hơn cái ta “là”. Ví như khi tôi “có” một bào thai ngoài ý muốn, “có” cha mẹ già nua, tôi sẽ dễ dàng loại bỏ.

Mặt khác, vấn đề con người – một khi được khách quan hoá – luôn tồn tại những thiếu sót về mặt đạo đức và luân lý. Marcel khẳng định rằng tất cả mọi tương quan đều bị xuyên tạc nếu tôi nhìn theo quan điểm khách quan hóa: thân thể tôi, sự hiện hữu của tôi, sự vật, tha nhân, Thiên Chúa… sẽ không còn ở trong cuộc sinh tồn của tôi nữa. Khách quan hóa như thế tức là bỏ phạm vi hiện hữu để bước vào phạm vi chiếm hữu hay sở hữu, bỏ quan điểm tham dự để bước vào quan điểm phân tích đối tượng. Mà chiếm hữu là một hành vi suy vong điêu tàn, và phân tích đối tượng lại dễ dàng bỏ qua yếu tố hiện hữu.

Sau cùng, khi bàn về con người, “mấy bữa nay, tôi đột nhiên tìm thấy kiểu nói ‘huyền nhiệm hiện hữu’ để thay cho kiểu nói ‘vấn đề hiện hữu’”[5]. Đúng hơn vấn đề con người của Marcel khác xa so với các triết gia khác. Ông cho rằng vật thể không phải là một cái gì có thể hiện hữu suông trong tư tưởng. Trước J.P. Sartre, Marcel đã nhận rằng con người là một hiện hữu (être) mà ngay trong chính mình đã nêu lên hữu thể của mình[6]. Với Sartre, người ta chỉ đặt câu hỏi về mình khi người ta tách biệt khỏi mình và từ chối mình. Trái lại, Marcel cho rằng người ta là một câu hỏi cho chính mình vì đời người là một mời gọi (appel) và một thử thách (épreuve). Nói cách khác, con người luôn ôm trọn cả hai thực tại không thể tách rời: đó là một vấn đề của khách thể và trên hết con người luôn là một huyền nhiệm bất khả xâm phạm.

 2. Con người dưới cái nhìn huyền nhiệm

Marcel thường bắt đầu bằng hiện tượng đang xảy ra trong xã hội của ông: mối dây giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Con người trở nên lãnh đạm thờ ơ. Họ không còn xem sự hiện diện và sự sống của nhau như một quà tặng và một phẩm chất vô cùng thánh thiêng[7]. Nói khác đi, Marcel cho thấy mỗi con người có giá trị độc tôn bởi tính huyền nhiệm của nó. “Điều này rất mới mẻ và cũng đầy khó khăn”[8]. Mới mẻ vì nhiều triết gia trước ông không chấp nhận ý niệm “huyền nhiệm”, và khó khăn vì ông phải giải trình huyền nhiệm về con người như thế nào để người khác có thể chấp nhận.

Trước hết, theo Marcel, từ huyền nhiệm[9] có nghĩa là một số loại kinh nghiệm vĩnh viễn không bao giờ có thể được chuyển thành những sự vật “có đó” ở bên ngoài.

Mặt khác, “bản chất của con người là tồn tại trong hoàn cảnh” (Being in a situation). Nghĩa là tương quan liên nhân vị khác hẳn tương quan giữa người với hòn đá. Trong hoàn cảnh ấy “con người là hiện hữu duy nhất có khả năng nói ra các lời hứa”[10]. Theo đó, Marcel tin rằng đặc tính cơ bản của các mối quan hệ là “trung thành sáng tạo” (creative fidelity); nhờ đó mà con người tiếp tục xây đắp đời sống mình và vươn đến con người chân chính và trách nhiệm[11]. Như vậy trung thành sáng tạo là chìa khoá để mở ra ba thực tại huyền nhiệm mà Marcel nhiều lần bàn tới.

Thực tại thứ nhất là hiện sinh nhân vị. Người ta thấy hai chủ đề chính trong triết của Marcel là hiện hữu và chiếm hữu. Chiếm hữu là đặc tính của những ai cho con người là vấn đề hay vật thể. “Những người này không có chút giá trị tinh thần nào hết; họ chưa vươn tới hiện hữu”[12]. Nói cách khác, họ cư xử với nhau như lang với sói (Homo homini lupus). Loại người này thời nào cũng có: tham tham, ích kỷ, nhỏ nhen và mưu mô; khủng bố là một ví dụ điển hình. Ngược lại, hiện hữu khác xa với chiếm hữu ở hai đặc điểm của hiện sinh: tự do và định mệnh. Thực vậy, con người là động vật có lý trí phú bẩm, nhân cách mới là cái ta làm ra nhờ phú bẩm ấy. Cho nên tự do mới thực sự là thước đo giá trị nhân bản của con người – một nhân vị hiện sinh. Nhưng các tội phạm cũng có tự do vậy; nhiều bậc cha mẹ có tự do để từ bỏ đứa con của mình mà?! Marcel nhấn mạnh đến “tự do đích thực không phải muốn làm gì thì làm”. Ông lên án những kẻ hô hào tự do mà hành động bạt mạng, bất chấp luân thường đạo lý. Tự do cũng không phải tôi có toàn quyền quyết định và sử dụng thân xác tôi (Sartre). Quyết định và sử dụng là thuộc tính của chiếm hữu. Trên hết Marcel khẳng định rằng tự do đích thực là hành vi sáng tạo và là đặc tính của con người hiện sinh. Sáng tạo là chủ thể ấy sống tự do để chung tay với Tạo Hoá và trong niềm thông hiệp với Ngài. Thái độ của những ai một mực bảo vệ sự sống, quý trọng thai nhi là ví dụ điển hình để thấy thế nào là vị nhân sinh. Bởi đó mà Marcel được coi là một trong những người cha của thuyết nhân vị, vị kỷ và vị tha trong tự do sáng tạo.

Nhìn nhận và kính yêu tha nhân là mối bận tâm đặc biệt của Marcel. Nếu như khuôn mặt của tha nhân theo Levinas là lời gọi mời mang lấy trách nhiệm, thì cuộc gặp gỡ của Marcel là mối quan tâm của hai nhân vị hiện sinh trong lòng yêu mến. Đó là nhân đạo. Mỗi ngày ta gặp gỡ bao nhiêu khuôn mặt trên đường đời. Marcel cũng thế. Ông đã kể lại những trang thật đẹp về ý nghĩa của sự gặp gỡ này trong hai tác phẩm trên. Gặp gỡ là sự cảm thông của hai nhân vị, cảm thông hai chiều. Khi tôi chưa chân nhận bạn là chính bạn, thì cuộc gặp gỡ chưa đúng nghĩa; lúc ấy tôi độc thoại hơn là đối thoại. Ngược lại, khi có tính liên vị (intersubjective) giữa tôi và tha nhân, cả hai người nhìn nhận và tôn trọng hiện hữu huyền nhiệm của nhau; khi đó gặp gỡ với lòng trung thành sáng tạo sẽ đến gần (approaches concretes) yêu mến và thành toàn. Với trường hợp của chị trên đây cho ta thấy sự gắn kết, gặp gỡ sâu xa giữa mẹ và con. Nhờ đó, lương tâm hay lẽ phải mách bảo cho chị biết cần tôn trọng nhân vị hiện sinh huyền nhiệm này. Hóa ra cuộc hội ngộ là hoàn cảnh giúp người ta hướng tha trong lòng yêu mến trung thành.

Marcel xác tín rằng “hữu thể người” là một huyền nhiệm bởi lẽ con người có mối dây liên kết đặc biệt với Thượng Đế siêu việt toàn năng. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8, 5). Một tác giả am tường về Marcel viết: “Tất cả cá tác phẩm của Marcel cũng như chính lối sống của triết nhân, tựu trung chỉ là một cuộc lần lần khám phá ra Thượng Đế.”[13] Bởi đó Marcel gọi triết học của ông là “triết học mở rộng để chào đón tiếng nói của Đấng siêu việt”[14]. Tiếng nói ấy, ta vẫn gọi là “lương tâm” để hướng dẫn con người làm lành lánh dữ. Như vậy sợi dây “huyền nhiệm tình yêu” nối ta với Trời và cũng liên kết ta với tha nhân (mến Chúa-yêu người). Tình yêu ấy cũng là lời mời gọi cho những ai dám hoán cải từ phạm vi chiếm hữu để bước sang hiện hữu[15]. Bởi lẽ chỉ khi “đi vào hướng tình yêu, chúng ta chắc chắn sẽ gặp con người đích thực, ta sẽ cư xử với tha nhân một cách nhân đạo.”[16]

Nói tóm lại, dù tin hay chưa tin vào Thiên Chúa, xét trên bình diện nhân bản thì ai cũng được mời gọi sống huyền nhiệm hiện hữu này. Tình yêu ấy là quy chế của xã hội, là giới luật yêu thương. Một xã hội thiếu vắng tình yêu, và loại trừ Thượng Đế[17] hay Thiên Chúa, là một xã hội vô nhân đạo, bạo tàn và ác độc. Dường như càng vượt bậc trong khoa học kỹ thuật, ta lại càng thụt lùi về đạo đức, càng thiếu vắng tình yêu. Nếu vậy thì : “nhân loại ngày nay sống trên nghi ngờ, bình an của thế giới xây trên sợ hãi” (Mac Millan). Trước hiện trạng đó, triết thuyết vị nhân sinh của nhà hiện sinh Công giáo – Marcel có thể mang lại lối thoát khả dĩ cho ta trong khía cạnh thực hành và giúp nhau sống ý nghĩa huyền nhiệm con người.

3. Đôi dòng phản tư

Bối cảnh đệ nhị thế chiến và xã hội Pháp thời Marcel là một thế giới đổ vỡ. Nơi đó con người chẳng khác gì những tập hợp của chức năng robot. Họ đề cao khía cạnh vấn đề con người mà quên đi khía cạnh huyền nhiệm[18]. Thực ra xã hội nào cũng tồn tại hiện tượng này không ít thì nhiều. Một khi không dựa trên tính liên vị, lòng trung thành sáng tạo và tình yêu thì ta dễ xem con người đơn thuần chỉ làm việc như một cái máy. Một nền đạo đức xuống cấp, một xã hội thiếu nhân đạo, lòng chai dạ đá sẽ không cho người ta niềm vui, bình an và hạnh phúc. Hậu quả bi thương ấy một mặt là do ta hạ thấp phẩm giá con người, mặt khác là do ta lãng quên bản chất thánh thiêng và tình yêu mà Thiên Chúa gieo vào lòng con người.

Trên đường đời, hiện tượng vô nhân đạo vẫn xảy ra nhan nhản quanh ta: thai nhi khi không bị chính cha mẹ mình giết bỏ; con cái hắt hủi cha mẹ, cá lớn nuốt cá bé, người giàu khinh kẻ nghèo, người quyền thế áp bức dân lành, lạnh lùng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại v.v. Tóm lại, họ mất dần ý thức và cảm giác về hiện hữu. Do đó, gây lại ý thức và tìm lại cảm giác này cũng là điều cần thiết cho mỗi người hôm nay, để mọi người có thể hưởng được cuộc sống triển nở bình an.

Marcel được mệnh danh là triết học của những bước nhích lại gần (approaches concretes), mỗi lúc gần thêm một chút tới thực tại toàn vẹn, tới chân thiện mỹ. Đó là huyền nhiệm trong hành trình của mỗi người đi tìm hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc ấy vừa ẩn vừa hiện, vừa xa vừa gần, khó khăn nhưng lại dễ dàng đạt tới, tuỳ thuộc vào nhãn quan của ta về con người và về Thượng Đế. Quả vậy, con người có thể trung thành sáng tạo cho nhau hạnh phúc ấy, nó có thể nảy sinh từ những lần gặp gỡ chân thành trong tương quan liên vị, và đặc biệt nó luôn là món quà Thượng Đế ban cho con người. Vấn đề hệ ở chỗ con người có mở lòng để đón nhận món quà hay mở rộng để đón chào tiếng nói của Đấng siêu việt hay không?

Kết luận

Tôi muốn kết đề tài này với tin vui của gia đình chị trên đây. Chị cho biết: “nhờ vào lời cầu nguyện của một nữ tu, người đã lắng nghe và chia sẻ những bối rối của chị, mà Thiên Chúa hay Thượng Đế của chị đã phù hộ cho chồng chị thay đổi cái nhìn”. Thực vậy, anh đã đón nhận tình yêu và lòng chân thành của chị qua những tháng ngày chị miệt mài thuyết phục anh yêu thương đứa con vô tội này. Bây giờ anh đã có thêm một cô công chúa xinh đẹp ngoan hiền; và dĩ nhiên anh dành nhiều tình thương cho tổ ấm của mình; nơi đó từng sự hiện diện của mỗi thành viên là một quà tặng, một huyền nhiệm.

Như thế, nhận thức về con người có thể thay đổi tuỳ vào ý thức và dấn thân của mỗi người. Dù sao hai cái nhìn về con người: vấn đề và huyền nhiệm, sẽ hướng hành vi của ta theo hai lối rẽ khác nhau. Một con đường dẫn đưa ta đến ngăn cách lạnh lùng, chiếm hữu và vô nhân đạo; đường kia mở ra với những tương quan nhân vị, hiện hữu và huyền nhiệm. Bởi đó, khi ngẫm nghĩ những điều Marcel bàn về con người: vấn đề và huyền nhiệm, gặp gỡ và tình yêu, hướng tha và hướng Thượng, thiết nghĩ mỗi người cũng tìm được cho mình những điều hữu ích cho sự phục hưng một nền xã hội nhân đạo hơn.

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

[1] Ngoài ra còn có: Martin Heidegger (1889-1976), Karl Jaspers (1883-1969), và Jean-Paul Sartre (1905-1980)

[2] Kenneth T. Gallagher, The Philosophy of Gabriel Marcel, Fordham university, 1962, tr. 31

[3] Thomas C. Anderson, A Commentary on Gabriel Marcel’s The Mystery of Being, Marquette, tr.94

[4] Gabriel Marcel, Journal Métaphysique, tr.309

[5] Gabriel Marcel, Être et avoir, 1935, tr. 145

[6] “un être pour qui il est dans son être, question de son être”

[7] Thomas C. Anderson, A Commentary on Gabriel Marcel’s The Mystery of Being, Marquette, tr.90

[8] Thomas C. Anderson, tr. 91

[9] Mystery theo Marcel không có nghĩa là huyền nhiệm như các thần học gia quan niệm (Frederick Copleston, S.J., A History of Philosophy, Volum9, Cornwall, 1975, tr. 332)

[10] G. Marcel đồng ý với câu nói này của Nietzche

[11] Stumpf, Samuel Enoch, Lịch sử Triết học và Các Luận đề, dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Hà Nội, NXB Lao Động, 2004, tr.395

[12] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh, Văn Học, 2005, tr.280

[13] Troisfontaines S.J.,La philosophie de Gabrial Marcel, Vrin, 1953, tr. 207

[14] Gabriel Marcel, Être et avoir, 1935, tr. 174

[15] Être et avoir, tr. 224

[16] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh, Văn Học, 2005, tr. 297

[17] Bởi lẽ “yêu mến thực sự một người là yêu mến họ trong Thiên Chúa” (Journal Métaphysique, tr.158).

[18] Frederick Copleston, S.J., A History of Philosophy, Volum9, Cornwall, 1975, tr. 331

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *