Chủ đề: việc vâng phục Thần Khí của Đức Giê-su đã định hình cuộc sống của thánh I-Nhã. Những đặc tính ứng trực, di động, bao hàm là những biểu hiện của đức vâng phục của ngài.
Tiền nguyện: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con một trái tim biết vâng phục. Xin hãy mở tai con để con luôn lắng nghe và đáp trả lời Ngài trong mọi hoàn cảnh đời ống của con.
Đôi Nét về Thánh I-Nhã
Ngay lúc ban đầu trên hành trình thiêng liêng của mình, thánh I-Nhã đã học được bài học này: “Vâng lời thì trọng hơn của lễ?” (1 Sm 15,22). Sau khi dâng mình cho Chúa, thánh I-Nhã đã học vâng phục ngang qua cuộc chiến đấu với những cám dỗ.
Mặc dù xưng tội chung đã được kẻ ấy thực hiện ở Montserrat với đầy đủ sự quan tâm và đã được viết ra rất đầy đủ chi tiết, như đã nói, đôi khi kẻ ấy cho là còn chút ít điều gì đó chưa xưng thú. Điều này gây cho kẻ ấy nhiều đau khổ, bởi vì dù đã xưng thú tội đó, kẻ ấy vẫn không yên lòng. Vì thế, kẻ ấy bắt đầu tìm kiếm những người những người thiêng liêng có thể chữa trị kẻ ấy khỏi những bối rối này, nhưng không ai có thể giúp kẻ ấy được. Cuối cùng, một người rất thiêng liêng, là một tiến sĩ giảng dạy ở nhà thờ Chính Tòa, một hôm trong tòa giải tội đã bảo kẻ ấy viết ra tất cả những gì nhớ được. Kẻ ấy làm theo, nhưng sau khi xưng tội, các bối rối ấy vẫn quay trở lại mỗi lần một tinh vi hơn khiến kẻ ấy rất buồn phiền. Kẻ ấy nhận ra rằng những bối rối đó làm hại kẻ ấy nhiều và cần phải đuổi chúng đi nhưng kẻ ấy không tự mình làm nổi. Đôi khi kẻ ấy nghĩ rằng có thể chữa trị được nếu như cha giải tội nhân danh Đức Giê-su Ki-tô ra lệnh cho kẻ ấy không được xưng thú bất cứ điều gì trong quá khứ. Kẻ ấy muốn cha giải tội hướng dẫn mình theo cách ấy, nhưng không dám đề đạt với ngài.
Tuy nhiên, dù không có lời đề đạt của kẻ ấy, cha giải tội lệnh cho kẻ ấy không xưng bất cứ tội nào trong quá khứ, ngoại trừ có điều gì đó rất rõ ràng. Nhưng bởi vì kẻ ấy nghĩ mọi sự đều rõ nét nên lệnh ấy không đem lại lợi ích gì cho kẻ ấy, và như vậy, kẻ ấy tiếp tục gặp khó khăn…. Nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi những bối rối bắt đầu hành hạ kẻ ấy…. Sau đó, chợt đến trong tâm trí kẻ ấy câu chuyện về một vị thánh, để nài xin Thiên Chúa một điều vị ấy rất ước mong, vị ấy đã nhịn ăn nhiều ngày cho tới khi nhận được ơn đó. Nghĩ về chuyện này một lúc lâu, cuối cùng kẻ ấy quyết định làm như vậy; kẻ ấy tự nói với lòng mình rằng sẽ không ăn, không uống cho tới khi Chúa tới cứu hoặc cho tới khi kẻ ấy nhận thấy rằng tới lúc kẻ ấy sẽ chết nếu không ăn gì cả, kẻ ấy sẽ quyết định xin bánh mì để ăn (làm như vào thời điểm đó kẻ ấy còn có thể đi xin và ăn được).
Việc này đã diễn ra vào một ngày Chúa Nhật, sau khi rước lễ, kẻ ấy bắt đầu nhịn đói suốt cả tuần mà không bỏ bất cứ thứ gì vào miệng mà không ngừng các việc đạo đức hằng ngày, ngay như việc đi đọc kinh phụng vụ và quỳ gối cầu nguyện, thức dậy lúc nửa đêm v.v…. Nhưng vào Chúa Nhật sau đó, kẻ ấy đi xưng tội. Vì kẻ ấy thường kể với cha giải tội rất chi tiết những việc kẻ ấy đã làm, kẻ ấy cũng kể cho cha nghe việc kẻ ấy đã nhịn ăn trong suốt một tuần như thế nào. Cha giải tội ra lệnh cho kẻ ấy phải chấm dứt việc nhịn đói; mặc dù thấy mình vẫn khỏe, kẻ ấy đã vâng lời cha giải tội. Hôm đó và hôm sau, kẻ ấy cảm thất thoát khỏi cái bối rối. (dịch theo Olin and O’Callagham, Autobiography, các trang số 34-36).
Điểm dừng: Hãy suy xét những tâm tình của bạn về từ ngữ “vâng phục”. Đức vâng phục có vị thế nào trong cuộc sống của bạn.
Trích Lời Thánh I-Nhã
Trong một bức thư gởi các anh em Giê-su hữu của mình, thánh I-Nhã viết như sau:
Điều mà Thiên Chúa chúng ta ban cho tôi là ước vọng thấy được anh em trở nên trổi vượt trong đức vâng phục hơn là trong bất cứ nhân đức nào khác; không chỉ bởi vì điều tốt lành được tìm trong riêng đức vâng phục, như Kinh Thánh đã ca ngợi như vậy với những mẫu gương và những diễn từ nơi Cựu Ước và Tân Ước, mà còn vì (như thánh Grêgoriô nói): “đức vâng phục là một nhân đức mà tự nó ghi khắc trong tâm hồn mọi nhân đức khác, và một khi đã được in dấu, đức vâng phục sẽ gìn giữ các nhân đức nơi tâm hồn”. Chừng nào đức vâng phục còn triển nở, các nhân đức khác sẽ còn được tìm thấy là đang triển nở và trổ sinh hoa trái. Tôi cầu chúc cho tâm hồn anh em được cùng với ước vọng như Chúa chúng ta. Vì vâng phục, Người đã cứu độ một thế giới sống bất tuân.
Tôi cầu nguyện cho anh em, vì tình yêu của Đức Ki-tô Chúa chúng ta, để anh em không chỉ tuân giữ đức vâng phục mà còn vượt lên trước với mẫu gương của Người về đức vâng phục, để trí hiểu và tình yêu đích thực của Thiên Chúa chúng ta có thể chiếm hữu hoàn toàn và hướng dẫn tâm hồn anh em qua cuộc đời hành hương này,với nhiều mẫu gương khác nữa qua những phương tiện của anh em, nhằm đạt tới cùng đích và hạnh phúc viên mãn trong niềm hạnh phúc của Người.
Suy gẫm
Hạn từ “vâng phục” phát xuất từ một từ Latinh có nghĩa là lắng nghe. Thánh I-Nhã đã lắng nghe Chúa nói qua vị giải tội và nơi trái tim của Ngài. Khi vâng lời là ngài quảng đại phó dâng ý mình theo ý Chúa, trái tim của I-Nhã đã trải qua một cuộc biến đổi. Sau hết, ý Chúa muốn chúng ta yêu Ngài, yêu anh chị em mình và yêu chính bản thân mình. Nhờ vâng lời cha giải tội, thánh I-Nhã giải phóng mình khỏi các bối rối, ngài nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Biến cố này trở thành một tiêu chuẩn cho toàn bộ cuộc đời của I-Nhã. Trong câu chuyện cuộc đời ngài, ta nhận thấy nhiều thí dụ khác nữa về việc I-Nhã lắng nghe và làm theo ý Chúa.
Qua sự vâng phục của ngài, sự sung mãn của Thánh Thần có thể hoạt động trong I-Nhã. Thật nghịch lý, khi I-Nhã quy phục ý muốn của Chúa được nói qua Kinh Thánh, qua những vị hướng dẫn thiêng liêng, qua những đấng bản quyền của Giáo Hội, qua những kinh nghiệm và nơi con tim của riêng ngài, ngài có thể bước từng bước đầy tự tin trên hành trình thiêng liêng.
- Bằng cách nào chúng ta nghe được ý muốn của Chúa? Khi nào chúng ta biết vâng lời? Hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta phải biết yêu thương vì chính chúng ta đã được yêu thương, muốn chúng ta được đầy tràn niềm tin và hy vọng, và muốn chúng ta bước vào cuộc sống sung mãn. Bạn hãy tự hỏi bản thân mình câu hỏi sau đây, và viết câu trả lời cho từng câu hỏi; hãy để những ý tưởng và những mẫu gương tự do tuôn chảy từ trí nhớ, trí tưởng tượng và trí hiểu của bạn:
- Ai là tất cả những người tôi yêu, và những người yêu tôi?
- Tôi đặt niềm tin vào ai và vào điều gì? Đâu là ánh sáng soi dẫn đức tin của tôi trong cuộc sống?
- Những nguồn hy vọng của tôi là gì? Điều gì mang lại cho tôi sự mong đợi rằng, bằng cách nào đó, thì kết cục sẽ tốt đẹp?
- Đã bao giờ tôi xem việc tôi đáp trả những người này và những nguồn tin, cậy mến như việc vâng theo Thánh Ý của Thiên Chúa chưa? Có bao giờ tôi khước từ sự vâng phục lời mời gọi của Chúa để yêu thương, tin tưởng, và hy vọng vào Chúa?
Trong cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa về bao lần bao lần bạn đã vâng theo ý Chúa để yêu thương, tin tưởng và được chứa chan hy vọng.
Cầu xin lòng tha thứ của Chúa vì những lần bạn bất tuân theo ý Chúa.
Suy niệm về những cách thức mà bạn có thể vâng phục ý Chúa hơn và có thể kiên quyết, lắng nghe và vâng theo ý Chúa một cách toàn tâm toàn ý hơn.
- Thánh I-Nhã đã đưa vào cộng đoàn Giê-su hữu của ngài một cách thực hành gọi là “cởi mở lương tâm”. Mỗi thành viên trong cộng đoàn (mỗi tu sĩ trong dòng) được đề nghị phải cam kết chia sẻ một cách cởi mở với bề trên của mình tất cả những niềm vui, nỗi buồn, những thành công hay thất bại của mình. trong cùng một tinh thần như vậy, bạn hãy chia sẻ với một người khôn ngoan và đáng tin cậy về kinh nghiệm vâng phục, chịu chống đối và những thất bại của riêng bạn, và cả những ân huệ bạn đã nhận lãnh khi sẵn lòng vâng phục.
- Hãy vẽ một bức tranh về một khu vườn. Tại chính giữa khu vườn của bạn, hãy vẽ một biểu tượng cho đức vâng phục. Xung quanh biểu tượng đó, hãy phát họa những biểu tượng nữa tượng trưng cho kinh nghiệm của bạn về sự vâng phục.
Suy niệm với bức tranh của bạn. Bạn thấy những tâm tình của mình ra sao về đức vâng phục được trình bày trong bức tranh? Phải chăng hoa trái sự vâng phục của bạn rất rõ nét?
Đặt tên cho bức tranh của bạn bằng một câu trích từ kinh thánh bao gồm lời mời gọi và ý nghĩa của sự vâng phục đối với bạn.
Hãy mời Đức Giê-su dạo bước cùng bạn trong khu vườn đó. Hãy chia sẻ và thưởng thức hoa trái trong khi vườn của bạn với Đức Giê-su.
Lời Chúa
7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. (Dt 5,7-10)
Kết nguyện: Lạy Chúa, chúng con nguyện xin Chúa đổ tràn trên chúng con ánh sáng và sự sống của Ngài, để chúng con có thể thấy được từ bên trong chúng con vinh quang kỳ diệu của Ngài. Xin ban tình yêu Chúa chứa chan đời sống chúng con, ngõ hầu chúng con có thể coi là không có khó khăn để chịu đựng.