Vết thương lòng

Sáng nay, nó tới nhà dòng để gia nhập Đệ tử viện. Mọi con mắt đổ dồn vào nó lạ hoắc, ráo hoảnh. Trưa, ăn cơm xong, nó cũng học làm Sơ giống như mọi người nơi đây. Lớp của nó ai cũng vào trước nên đã hơi quen với môi trường mới, còn nó thì đang cảm thấy chơi vơi và bồn chồn. Nó đang rón rén bước từng bước giữa sân, chợt có tiếng kêu vọng ở phía sau :

– Này ! Lại đây nhặt giùm rau đi !

Nó mới tự nhủ thầm:

Trời ! Đi tu mà chẳng giống tu chút nào, ăn nói thì cộc lốc như búa dáng xuống vậy.

Nghĩ rồi vì đức vâng lời nó bước tới trả lời :

– Chị gọi em ạ ? Chị cần em giúp nhặt rau phải không ?

Cái giọng đanh đá như búa ấy lại thốt lên:

– Ừ ! Mới tới à ? Ở đâu ?

Nó chẳng có cảm tình gì với cái cung giọng khô khan đó nhưng nó cũng lễ phép trả lời :

– Dạ ! Em ở Hà Tĩnh.

Trong lúc nhặt rau, nó im lặng và cố gắng nhìn trộm ngươi chị ấy. Nó quan sát thật kỹ và nó thấy khuôn mặt ấy hiện lên dài, khô ráp, cặp mắt to, hoang dã giống như một con chim đại bàng, nhưng đổi lại có nét gì đó vui vui làm nó tò mò.

Nó liều và mạnh miệng hỏi :

– Chị tên gì và ở đâu ạ ?

Một nụ cười hiện lên trên khuôn mặt đó cùng với lời đáp trả :

– Tên Kim Yến, ở ĐắKnông !

Nó tự nhủ :

Hèn gì mà mặt giống chim, ở vùng dân tộc nên có vẻ hoang dại là phải.

Một số câu hỏi tiếp theo được đặt ra thế là nó biết được một ít nét về người chị có tên là Kim Yến. Nghe đâu chị ấy mới tập tu năm ngoái, là cháu ruột của bà phụ trách cộng đoàn này nên được cưng chiều. Trước lúc vào tập tu, chị đã từng là một cô gái có chút giang hồ. Học xong phổ thông, chị đã mở quán cafe bán nhưng bị thua lỗ, gia đình sợ hư nên đã hướng cho chị con đường ơn gọi.

Những ngày sau đó, khuôn mặt chị cứ ẩn hiện trong đầu nó, ngay cả giờ đọc kinh. Nó mới nghĩ ơn gọi thật kỳ lạ, có những người Chúa gọi trong môi trường thánh thiện song cũng có những người được kêu mời trong những lúc đã cùng đường và chẳng mấy thánh thiện.

Một tháng sau, có một bất ngờ xảy đến với chị và nó. Nó được chị phụ trách cộng đoàn gọi lên và bảo sẽ cho nó đi học cùng với ba chị trong đó có chị Kim Yến.

Lần đầu tiên được đi tàu vào Huế, ngồi gần toa số một, mấy chị đi với nó đều ngủ say mềm. Tàu lắc lư. Tiếng gió, cùng tiếng kêu sột soạt, lách cách của bánh tàu, làm cho ruột nó nóng lên bừng bừng. Nó tự hỏi : Sao lâu thế nhỉ ? Đã gần sáu tiếng rồi mà vẫn chưa tới nơi ! Lần này, tàu dừng lại ở một trạm ga. Rầm…rầm…rầm ! Thế mà mấy chị cũng ngủ cho được, trong tàu đủ mùi khó ưa, kể cả mùi mắm ruốc.

Chị Bảo Trang và Kim Yến ngủ say đến nỗi nước miếng chảy xuống cả cổ. Còn chị Mỹ Lan, người lùn bé tí oặn lưng sang một bên cùng với cặp kính rơi gần xuống mũi. Lặng nhìn mấy chị, rồi nó ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chợt có tiếng của nhân viên tàu hỏa hối thúc:

– Mấy con bé kia ! Dậy ! Tới Huế rồi ! Ngủ chi mà ghê rứa ?

Cả đám vội tỉnh dậy, vớ lấy đống hành lý rồi xuống tàu, chen chúc nhau để ra ngoài.

Thế rồi mọi chuyện cũng suôn sẻ. Theo chỉ dẫn, mấy chị em vào tới tận địa chỉ nhà số 4/Kiệt 46 Hàm Nghi. Trước ngồi trọ rộn lớn này cũng là một đường tàu, với tiếng còi tàu inh ỏi. Cứ chốc chốc lại có một đoàn tàu chạy qua làm rung động cả ngôi nhà. Tính cả bốn người mới vào nữa là tất cả có mười hai chị em. Nó là con bé còi nhất và nhỏ nhất.

Mỗi người được phân công theo học một ngành khác nhau phù hợp với khả năng của mình. Chỉ riêng chị Kim Yến được giao ôn thi để thi vào ngành điện tử tin học. Nhưng vì ôn mãi mà các môn tự nhiên lại rất khó nên chị chuyển sang thi vào học viện âm nhạc Huế. Năm đầu tiên, Kim Yến thất bại, tiếp theo năm nữa Kim Yến vẫn kiên trì cố gắng và năm đó Kim Yến đã đậu vào học viện. Còn nó thì đã bước sang năm thứ hai của khoa Xã hội và Nhân văn.

Kim Yến nhìn người thô ráp vậy nhưng mà cuốn hút người khác ghê. Đặc biệt, chị có tài làm MC, bắt giọng mọi miền Nam – Bắc – Trung đều ngon ơ. Dần dần, nó hiểu ra con người của chị nhìn vậy chứ không phải vậy. Bên ngoài có vẻ giống con trai nhưng lại rất nữ tính và biết quan tâm đến mọi người. Hơn thế, Kim Yến dành riêng cho nó một tình cảm rất đặc biệt. Đến nỗi mọi người trong nhà nhìn nó với cặp mắt ghen tị.

Nó thích ăn trứng vịt lộn và món ốc xào luộc và Kim Yến cũng vậy. Mỗi buổi chiều được nghỉ học sớm là cả hai chị em nó lại hẹn nhau ở đường Nam Giao. Có lần, Kim Yến ăn ốc nhiều quá về nhà miệng sưng lên mà không chịu chừa. Có những lần, chị và nó trốn đi ăn cháo và gỏi chân gà ở đường Phan Đình Phùng. Cái ngon diễn tả không hết!!!

Nó ngày càng tỏ ra mến chị. Nó xem chị như một thần tượng. Mọi vui buồn nó gặp phải trong cuộc sống và trong giảng đường nó đều kể cho chị nghe.

Thời gian cứ thế trôi đi với bao buồn vui đong đầy con tim thơ dại của nó. Đời tu của nó và chị gắn bó với cuộc sống sinh viên nên có cái gì đó mộng mơ khó tả. Vừa có dáng dấp của những ma-xơ vừa giống các thiếu nữ theo con mắt của người đời.

Khi Kim Yến bước sang năm thứ hai của học viện âm nhạc thì cũng lúc Minh Quân, một đệ tử của dòng kia đem lòng yêu thương và ngưỡng mộ chị. Minh Quân kém chị hai tuổi nhưng trông rất chững chạc. Anh là người con trai quê Quảng Nam, mệ mất sớm lại thiếu thốn tình cảm. Gặp Kim Yến, Minh Quân xem chị là một người thân thiết. Kim Yến cũng đối đãi với Quân giống như em trai mình. Đùng một cái! Minh Quân rời bỏ dòng và ngỏ lời nói lên tình cảm với chị. Kim Yến đã khước từ hoàn toàn. Đã nhiều lần Minh Quân tìm cách gặp chị, thậm chí còn quỳ trước mặt chị nhưng trái tim chị vẫn cứng rắn và khô khốc. Nó nể phục chị lắm, vì chị đã có một trái tim thanh thoát trước tình cảm và lời mời gọi của trần thế. Tình yêu đơn phương không được đền đáp, Minh Quân lâm bệnh và trở về quê hương. Từ đó Minh Quân bặt vô âm tính, không còn xuất hiện trước mặt chị và nó nữa. Đi tu có lúc chứng kiến những cuộc tình như thế cũng hay hay, nó nghĩ thầm.

Thời gian cứ thế trôi đi nối tiếp nhau với những kỷ niệm đẹp đẽ của thời sinh viên. Bước sang năm thứ thư của Đại học, bây giờ nó không còn là cô bé ngu ngơ nữa. Nó tiếp xúc với nhiều người và trải qua nhiều kinh nghiệm sống khác nhau, hiểu cách con người đối đãi với nhau. Xã hội kẻ xấu người tốt, thiên thần và ác quỷ, rồng phượng và rắn rết cùng ngự trị trong một con người.

Chị Kim Yến đang là sinh viên năm thứ ba của học viện. Tài năng của chị nở rộ. Kim Yến thành công và đạt thành quả cao trong những kỳ thi của lớp, của trường. Một diễn viên múa, một đàn sĩ,… Thật quá nhiều tài năng hứa hẹn cho công tác mục vụ của hội dòng sau này.

Thế nhưng điều đó lại không xảy ra và chẳng bao giờ được thực hiện vì chị dính vào một cuộc tình oan nghiệt, không hy vọng, không chút tương lai.

Cuối năm đó, nó tốt nghiệp ra trường để lại sau lưng bao luyến tiếc, bao lời biệt ly còn dang dở để trở lại với mái nhà tu viện. Nó rất tiếc phải trở về trước chị một năm. Hè năm đó, chị cũng dành những ngày hè để phục vụ cho việc dạy nhạc và dạy đàn tại cộng đoàn. Chị hẹn nó đến ngày tĩnh tâm năm sẽ gặp lại nó sau khi chị về nghỉ hè và vào Huế tiếp tục cho năm học cuối.

Ngày tĩnh tâm năm ấy, nó chờ mãi chờ hoài mà không thấy chị đâu như lời đã hẹn. Nó tò mò hỏi thăm người chị họ của chị. Chị ấy cho biết rằng: “Em đừng hy vọng gì nơi chị Kim Yến nữa, chị ấy đã làm cho bao nhiêu người thất vọng. Kim Yến đã bỏ nhà theo một người đàn ông có vợ và hai người đang vui vẻ với nhau ở Hạ Long”.

Như có tiếng sét đánh bên tai, nó bàng hoàng không thể tin vào những gì nó vừa nghe. Nó không dám nghĩ đó là sự thật. Nhưng đó là một sự thật quá phũ phàng với nó. Cả trời đất như sụp đổ dưới chân nó.

Thần tượng mà nó yêu quý đã không còn! Nó đã quên đặt thần tượng của mình vào một mình Đức Giêsu. Thần tượng người đời sụp đổ thảm hại như vậy đó! Những ngày sau đó, nó bỏ ngoài tai những lời cha giảng phòng. Nó bị sốc, nó khóc, mặt mũi sưng vù. Ngay cả trong những giấc ngủ nửa mê, nửa tỉnh, nó vẫn gọi tên chị. Nó không nghĩ chị lại hành động như thế. Tại sao chị lại bỏ nó ra đi không một lời từ biệt? Dù chị có sa ngã, nó vẫn thông cảm và yêu thương chị. Nó nghĩ là chị không cố ý bởi không ai có thể làm chủ con tim của mình khi yêu. Nó tự nói với lòng như thế. Nỗi buồn đè nặng con tim nó, nó chẳng biết người đó là ai mà lại làm chị thay ý đổi lòng.

Suốt những năm sau đó, nó chỉ nghe tin tức về chị qua lời người chị họ ấy. Rằng chị đã có hai đứa con với người đàn ông kia. Cuộc hôn nhân của chị không được xã hội và Giáo hội công nhận. Chị phải sống dưới sự khinh miệt của làng xóm, bị người đàn ông đó đánh đập dã man. Bỏ dở con đường đại học, chị phải chui lủi từ chỗ này qua chỗ khác để kiếm sống. Suốt mấy năm, chị không xưng tội rước lễ. Chị cảm thấy ân hận và tội lỗi vì những việc mình làm đối với Chúa và với những người thân yêu. Sau đó, chị bỏ người đàn ông kia và vào Sài Gòn sống với cha mẹ ruột, một mình kiếm sống nuôi con.

Nước mắt và sự thống hối của chị có thấu đến tai Chúa chăng? Nó vẫn quý mến chị! Dù chị đã đánh mất tất cả nhưng nó vẫn ước mong sau này có thể gặp lại chị, được thấy chị sống hạnh phúc như xưa. Nó nghĩ không có tội lỗi nào mà Chúa không thể tha thứ khi con người nhận ra lỗi lầm. Điều quan trọng là con người có từ bỏ dứt khoát với con đường cũ hay không mà thôi.

Hôm nay, nó sắp tiến lên một bước trong đời sống ơn gọi. Nó vẫn nhớ và cầu nguyện cho chị. Nó nghĩ cuộc đời chị đáng thương hơn là đáng trách. Nó ôm ấp lấy tất cả những vất vả và khó khăn mà chị đang phải chịu. Nó nguyện sống chết cho riêng một mình Thiên Chúa và Dân Thánh của Người.

– Mây Ngàn-

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …

Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em

Có nhiều anh chị em là một ơn xét theo nhiều phương diện. Đây chỉ …