Trong những năm học cấp 3, tôi có ghi danh vào nhóm Chủng sinh của Tổng Giáo Phận Huế. Mang tiếng là chủng sinh ngoại trú, hay gọi cách dân dã hơn là “dự tu”, nhưng mỗi năm chúng tôi chỉ họp nhau một lần tại nhà thờ chính tòa để mừng lễ thánh bổn mạng là Tôma Thiện vào ngày 21/9. Với một đứa học sinh vùng quê như tôi thì đây cũng là cơ hội để về thành phố chơi, lại được gặp bạn bè đến từ khắp xứ mọi nơi trong Giáo phận. Hình thức sinh hoạt đơn giản vậy thôi nhưng đã góp phần giúp nuôi dưỡng ơn gọi của tôi và của rất nhiều anh em khác nữa.
Tôi nhớ trong một lần họp mặt, trước khi ra về thì mỗi người được tặng một cuốn sách mang tự đề “Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục” của linh mục Giuse Maria Nhân Tài. Tôi không có ấn tượng gì nhiều với nội dung cuốn sách. Chắc có lẽ do lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu những gì ngài chia sẻ về đời tu. Tuy nhiên tôi lại trân trọng cuốn sách như là nó được viết riêng cho tôi – “người muốn đi tu làm linh mục”. Tên cuốn sách nhắc nhở tôi về con đường tôi ao ước dấn thân. Nó cũng giúp tôi ý thức hơn về căn tính của mình như là một người “dự tu”. Theo đó, dù có cùng mối bận tâm học hành như những người bạn bè cùng trang lứa khác nhưng lòng tôi luôn giữ khao khát “muốn đi tu làm linh mục”. Vâng, dù một cuốn sách nhỏ thôi, hay nói đúng hơn là tựa đề một cuốn sách thôi, cũng đủ để thắp sáng ước mơ đẹp nơi tâm hồn một người trẻ.
Gần đây có bạn trẻ chia sẻ với tôi rằng bạn rất thích đọc sách do các Cha các Thầy hay các Sơ viết, nhất là sách viết cho người trẻ. Tôi nhận thấy người trẻ không đòi hỏi và cũng chẳng ưa thích gì những triết lý cao siêu. Điều các bạn cần hơn chính là hướng dẫn từ phía Giáo hội về những vấn đề rất cụ thể trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng thực tế là các đầu sách hay bài viết dành riêng cho người trẻ tương đối ít so với các lĩnh vực khác. Các bạn trẻ rất khao khát được lắng nghe tiếng nói chính thức từ các vị mục tử trong Giáo hội. Tiếc là hiện nay chưa có nhiều Tu sĩ dấn thân vào công việc đối thoại với người trẻ.
Là một người đang sống đời tu, tôi hiểu rằng viết sách suy niệm Lời Chúa, nhật ký truyền giáo hay bàn luận các chủ đề Thần học thì có vẻ dễ hơn là viết cho người trẻ. Khó khăn ở đây chính là ở khoảng cách thế hệ. Dẫu gì thì giữa các Tu sĩ và các bạn trẻ luôn có sự khác biệt về tuổi tác. Vì vậy không dễ gì để các Tu sĩ có thể hiểu mối bận tâm của người trẻ hay hiểu được ngôn ngữ của các bạn. Tôi nghĩ để có thể viết cho người trẻ thì nơi một người Tu sĩ cần hội đủ 3 yếu tố sau:
1. Một trí óc hiểu biết, giàu kinh nghiệm
Tất nhiên tất cả các Tu sĩ đều là những người đã từng trải qua thời tuổi trẻ. Họ cũng từng có những thao thức và thắc mắc về đời sống đức tin và luân lý như các bạn trẻ bây giờ. Có thể nói rằng họ là những người đã “dậy thì thành công”. Họ được coi là mẫu mực của người trưởng thành mà các bạn trẻ muốn lắng nghe học hỏi. Do vậy các Tu sĩ có thể chia sẻ lại kinh nghiệm mình đã trải qua bằng ngôn ngữ phù hợp với các bạn trẻ hiện nay.
Để truyền tải được một thông điệp đến với các bạn trẻ cách hữu hiệu nhất, người Tu sĩ phải chăm chú lắng nghe tâm sự của người trẻ qua các kênh thông tin, rồi lại phản tỉnh về chính kinh nghiệm bản thân mình, đồng thời cũng phải trau dồi học hỏi nghiên cứu để tìm ra giải đáp tốt nhất cho mỗi vấn đề được các bạn trẻ quan tâm. Điều này đòi hỏi người Tu sĩ phải nỗ lực rất nhiều, bởi vì không phải ai cũng có sẵn tố chất và điều kiện để làm những việc kể trên.
2. Một con tim đầy lòng yêu mến
Các tu sĩ cũng giống như cha mẹ hay anh chị muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau những bài học mà chính họ đã đúc kết được. Đó có thể là những thành công nhưng cũng có thể là thất bại. Vì lòng yêu mến dành cho thế hệ trẻ, các Tu sĩ bày tỏ sự đồng cảm với các bạn trẻ đang vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống. Các bạn trẻ yên tâm, luôn có những vị mục tử trong Giáo hội sẵn sàng lắng nghe và đồng hành với các bạn.
Các Tu sĩ không phải là những con người hoàn hảo. Họ cũng mang nơi mình những yếu đuối của phận người. Điều làm nên đời tu chính là tình yêu mà họ muốn san sẻ với người khác, nhất là với người trẻ. Các Tu sĩ muốn được bước đi cùng người trẻ, cùng chia sẻ những thao thức, cùng chung vai vác lấy gánh nặng của người trẻ. Họ muốn người trẻ cảm thấy rằng các bạn không bao giờ lẻ loi trên hành trình tìm kiếm lý tưởng cuộc đời mình.
3. Một đôi tay hăng say phục vụ
Không có tinh thần phục vụ thì chắc có lẽ người Tu sĩ sẽ chẳng nghĩ đến việc viết cho người trẻ. Công việc viết lách đòi hỏi nhiều thời gian suy tư tìm hiểu, trong khi người Tu sĩ phải luôn bận rộn với công việc cộng đoàn và mục vụ. Phải có lòng hy sinh phục vụ thì họ mới chịu đầu tư vào mảng này. Tôi biết có nhiều Tu sĩ thông thái và tài năng lắm, nhưng điều họ thiếu chính là bắt tay dấn thân phục vụ.
Phục vụ người trẻ không phải là một sứ mạng dễ dàng. Các bạn trẻ đầy hăng say nhưng đôi khi vẫn bồng bột, sai lầm. Các bạn trẻ rất ham học hỏi nhưng lại không đủ khả năng để lĩnh hội kiến thức chuyên môn. Các bạn sẵn sàng dành nhiều giờ cho giải trí nhưng lắm lúc không đủ kiên nhẫn để đọc hết một chương sách. Do đó người Tu sĩ muốn viết cho người trẻ phải cố gắng làm sao để ngôn ngữ của mình vừa đủ độ sâu nhưng cũng vừa đủ đơn giản và hấp dẫn với các bạn. Đó là một thách đố không hề nhỏ, đòi hỏi người tu sĩ phải hy sinh nhiều để phục vụ người trẻ cách tốt hơn.
Để kết thúc, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến những người Tu sĩ đã và đang dấn thân trong sứ mạng đồng hành với các bạn trẻ. Đóng góp của quý Cha, Thầy và quý Sơ đôi khi dù âm thầm nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến người trẻ. Nghe các bạn trẻ chia sẻ niềm vui khi cầm trên tay cuốn sách họ thích, tôi tạ ơn Chúa vì đã gửi đến những Tu sĩ có khả năng, đầy lòng yêu mến và tinh thần quảng đại phục vụ một thành phần rất quan trọng trong Giáo hội lẫn xã hội.
Xin mọi người cùng hiệp lời cầu nguyện để Giáo hội có thêm nhiều Tu sĩ sẵn sàng tham gia đồng hành với người trẻ theo nhiều phương thức khác nhau, nhất là qua việc viết bài chia sẻ và xuất bản sách.
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ