Trước khi Linh Thao ít ngày, tôi quyết định nghỉ việc ở nơi làm cũ, cũng là nơi thứ tư tôi cộng tác kể từ khi tốt nghiệp. Cũng thời gian đó, tôi được mời đến phỏng vấn ở một công ty khởi nghiệp gần nhà. Chủ công ty là một thanh niên 27 tuổi như tôi; nhưng bạn có một công ty, ba căn nhà, một gia đình hạnh phúc với người vợ xinh và con trai đã gần hai tuổi. Tuổi 27 không khác nhiều với tuổi 26, đối với tôi, và cũng không khác nhiều tôi của tuổi 25, 24, 23, 22… Khi còn đi học, tôi ấp ủ nhiều dự định lớn lao, nhưng ở tuổi 27 tôi nhận ra đời không như giấc mơ. Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi, thấy bao lao công của mình chẳng có tiến triển, thấy dường như Chúa không còn thương tôi, không còn ủng hộ tôi, như ngày xưa khi Ngài vẫn thỉnh thoảng gửi đến cho tôi những điều bất ngờ. Tôi thấy sự im lặng của Chúa.
Tôi đến Linh Thao như thói quen vẫn giữ từ nhiều năm nhưng tâm hồn tôi trống rỗng. Tôi ngạc nhiên khi dường như chẳng có gì cản trở tôi cầu nguyện: chẳng có chia trí, chẳng có bận tâm. Tâm hồn tôi như một hố sâu thẳm. Tôi ngước nhìn lên Thánh Giá để xin ơn Thánh Thần, như công thức mọi ngày tôi vẫn lầm bầm trước và sau một đêm ngon giấc; nhưng cũng như mọi ngày, tôi không còn cảm thức về Thiên Chúa quan tâm. Thánh Giá trên cao vẫn nằm yên bất động, và tôi vẫn cứ lầm bầm một mình để cho các giờ cầu nguyện tuần tự trôi qua. Giờ cầu nguyện của tôi chán ngắt như chính cuộc sống của tôi: không có một công việc để gắn bó, không có một ai đó để yêu thương và cũng chẳng có điều gì để cậy trông, hy vọng. Thật ra, tôi vẫn tin vào Chúa, nhưng Thiên Chúa của tôi là Đấng ở xa, Ngài quan phòng mà không cần tôi cảm nghĩ. Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm về Thiên Chúa từ các lần Linh Thao trước, nhưng mỗi lần Linh Thao mới, tôi dường như vẫn xuất phát lại từ con số không như thế.
Nhưng như một con tàu mà mỗi hành khách khi đã lên tàu đều phải di chuyển, Linh Thao kỳ diệu ở chỗ, nó không để cho thao viên yên ổn ở lại trong sự cố chấp của mình. Trong một bài cầu nguyện, tôi tìm thấy được trường hợp của tôi trong Sách Khải Huyền, Thánh Gioan viết: “ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng” (Kh 3, 15). Tôi nhận ra mình không phải là kẻ vô tín ngưỡng không có niềm tin để chia sẻ, nhưng cũng không phải là người tín hữu coi trọng tình yêu Thiên Chúa và chịu xả thân. Tôi ưa thích một cuộc sống thanh nhàn, dễ dãi; thôi cố gắng khi hoàn cảnh thuận lợi, an yên. Tôi tự tạo ra Thiên Chúa của tôi: một Thiên Chúa cũng nhạt nhẽo, lãnh cảm như tôi. Tôi nhận ra gốc rễ các tội lỗi của tôi, tội trổ sinh muôn vàn tội lỗi khác, là không còn ý thức rằng Chúa mãi thương tôi bất chấp tội tôi. Tôi nhận ra chính tôi xa cách Ngài, chính tôi không còn giữ chỗ cho Ngài trong trái tim mình, chính tôi chạy trốn trong bộ giáp lá vả khi Chúa đi dạo trong vườn và cất tiếng gọi tôi.
Nhận ra tình Chúa yêu là khởi đầu của hành trình hoán cải. Nếu chỉ thấy tội thôi mà không thấy tình Chúa yêu là đi vào ngõ cụt, ngõ đã đưa Giuđa lên giá treo cổ. Đã bao lần nhìn lên Thánh Giá, tôi chỉ thấy con người mình tội lỗi; tôi tự trấn an mình vì tượng chịu nạn luôn luôn nhắm mắt; nếu tượng chịu nạn mở mắt, có lẽ tôi đã chẳng bao giờ ngước nhìn lên: tôi sợ ánh nhìn của Chúa, ánh nhìn đã đưa Phêrô trở về ăn năn. Tôi nhận ra, dù mỗi ngày tôi vẫn ngước nhìn lên Thánh Giá và lầm bầm những công thức quen thuộc, nhưng tôi mãi cô đơn vì lòng tôi cửa đóng then cài. Một khi tâm hồn này đã đóng lại với Chúa, thì cũng chẳng có chỗ cho tha nhân. Tôi nhận ra mấu chốt của cuộc sống tôi nhạt nhẽo là vì tôi đã không mời Chúa vào nhà mình. Tôi chần chừ vì ngôi nhà tôi bừa bộn, và cố chấp để sự bừa bộn ấy mãi là lý do.
Nếu trước đây, khi duyệt lại đời mình, tôi thấy, khi cuộc sống bắt đầu khó khăn và công việc bắt đầu trúc trắc, tôi lập tức chấp nhận như một sự dữ mà Chúa ban phép xảy ra để uốn nắn tôi. Tôi chấp nhận như những lần tôi bị ba phạt đòn vì không vâng lời, nhưng vẫn giữ trong lòng sự hờn giận, trách móc. Thì bây giờ, khi được ơn tái khám phá tình Chúa yêu, tôi tin rằng Chúa không muốn sự dữ, cũng như ba tôi chẳng muốn phạt tôi, nhưng bởi yêu thương mà Ngài phải sửa dạy tôi vì tôi cố chấp. Mặt khác, tôi cũng được an ủi rằng: Ngài đã vui lòng nhận mọi hy sinh của tôi khi tôi phải vất vả đương đầu với sự dữ, bao gồm thất bại, bất công, đau khổ, bệnh hoạn… Nhưng hơn hết, Ngài chia sẻ những vất vả ấy với tôi. Thật vậy, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha…, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32); hay như: “Nếu Thiên Chúa để anh em phải chịu nhiều đau khổ, thì đó là dấu Ngài đã có những chương trình lớn lao dành cho anh em; và chắc chắn Ngài muốn biến đổi anh em thành một vị thánh” (Thánh I Nhã).
Tái khám phá dung nhan tình yêu của Thiên Chúa cũng soi chiếu cho tôi về những lạc lõng trong tương quan với những người xung quanh, là những người tôi đã chưa trọn vẹn trách nhiệm đối với họ. Tôi nợ ba mẹ những cử chỉ ân cần, nợ bạn bè những chia sẻ thành thật, nợ đồng nghiệp những giúp đỡ chân tình, nợ tha nhân những động lòng trắc ẩn. Tôi được mời gọi để sống kinh nghiệm được tha thứ bằng cách lan toả niềm vui hoà giải trong cuộc sống của tôi, với mọi người quanh tôi và mọi người Chúa muốn gửi đến cho tôi. Kinh nghiệm này cũng giúp tôi sống cởi mở hơn vì chính Chúa là Đấng Toàn Thiện đã đón nhận tôi như chính tôi là, thì tôi cũng được mời gọi tự tin mở ra với mọi người bằng chính con người đầy khuyết điểm của tôi. Tôi nhận ra những khó khăn đã xảy ra dễ làm tôi chùn bước vì chính bản thân tôi đã sống như một người khiếm thị: không nhìn thấy đường cũng không nhìn thấy mình. Chúa gợi lại trong tôi lý tưởng “nên thánh” bằng thực hành những điều đơn sơ; và cũng gợi lại cho tôi về con đường tôi đã muốn đi, công việc tôi đã muốn làm, những người tôi đã muốn bận tâm từ khi còn đi học. Tôi như thấy mình trẻ lại vì góc nhìn của tôi lại rộng mở như nhiều năm trước đây.
Tạ ơn Chúa đã sáng tạo con cách lạ lùng, và cứu chuộc con cách lạ lùng hơn nữa, là Ngài đã cho Con Ngài chịu chết thay cho con ngay khi con còn là tội nhân, lại còn mãi mãi dõi theo con để uốn nắn con trở về với ơn cứu độ của Ngài: “Ngài gọi con, Ngài kêu con lớn tiếng, không để con mãi giả điếc làm ngơ” (Thánh ÂuTinh). Lạy Chúa, tình yêu Ngài làm sao phàm nhân hiểu được. Xin cho con mãi ngốc nghếch mà tín thác trọn vẹn đời con trong tình yêu Ngài. Dù cuộc đời phía trước sẽ không thiếu những điều không như mơ ước, xin cho con luôn tín thác rằng, nhờ tình yêu, tất cả đều sinh ích cho con và tất cả đều dẫn đưa con về cùng Chúa là Cha thật Nhân Hậu, về quê hương thật của chúng con là Vương Quốc Tình Yêu. Amen.
Luke Nguyễn
Thao viên Linh thao Sinh viên 2019
Đan viện Biển Đức Thiên Phước, 24-30/8/2019