Viết cho Linh mục Maximilian Kolbe!

Cha kính yêu,

Ngay từ nhỏ, con luôn ngưỡng mộ và thích thú về câu chuyện anh dũng của cha. Ngưỡng mộ vì cha đã dành cả một đời để chăm lo chữa trị căn bệnh thời đại: Thờ ơ với tôn giáo. Vả lại, con thích thú vì tinh thần quả cảm của cha dám chết thay cho một tù nhân trong thời Đức Quốc Xã. Hôm nay Giáo hội mừng lễ của cha, con có dịp đọc lại tiểu sử và sống lại những năm tháng thi hành sứ mạng tông đồ của cha trên quê hướng đất nước Ba lan.

Từ ngày cha mở mắt chào đời (ngày 7 tháng 1 năm 1894), ông bà cố cứ lo lắng không biết cuộc đời cha sẽ ra sao. Các ngài có lý để lo lắng than thở bởi sức khỏe của cha không được tốt như những đứa trẻ cùng thời. Tuy vậy, Thiên Chúa và Đức Mẹ đã quan phòng cho cha với một sứ mạng lớn lao. Còn nhớ có lần Ðức Mẹ hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một màu trắng, một màu đỏ, rồi Ðức Mẹ hỏi cha có muốn nhận các triều thiên ấy không. Con ngỡ ngàng nghe câu trả lời thánh thiện khôn ngoan của cha: “Con muốn cả hai! (Màu trắng là thanh khiết, màu đỏ là tử đạo.)”

Từ đó cha lên đường thực thi sứ mạng Chúa trao. Mới 16 tuổi cha nhanh chóng gia nhập tiểu chủng viện Dòng Phanxicô. Sau những năm học triết và thần học, cha được Thiên Chúa tuyển chọn lên chức Linh mục ở tuổi 24. Từ đó cánh cửa mục vụ của cha bắt đầu ở toang với những giấc mơ mà cha hằng ấp ủ. Đầu tiên, cha nhạy bén nhận ra căn bệnh thờ ơ tôn giáo của thời đại vùng trời Châu Âu. Lúc ấy cách mạng công nghiệp và tri thức duy lý lên ngôi, con người tưởng chừng làm được mọi sự và họ cho Thiên Chúa ra rìa. Để chữa căn bệnh nguy hiểm này, cha mau chóng sáng lập tổ chức Đạo Binh của Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Đường lối và mục đích của Đạo Binh này không gì khác hơn là chống lại sự dữ, sự thờ ơ tôn giáo bằng con đường cầu nguyện, làm việc lành phúc đức và đón nhận đau khổ. Bên cạnh đó, cha còn phát hành tờ Hiệp Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm như một phương tiện truyền thông hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng.

Để vận hành tờ báo này, cha thành lập một “Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm” ở Niepolalanow. Hằng ngày có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc ở đó. Nhanh chóng tờ báo như một món ăn tinh thần không thể thiếu cho người dân Ba Lan. Cả tổ chức và tờ nguyệt san của cha có khi lên đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Đó là phương tiện mà cha miệt mài gieo hạt giống đức tin, thông truyền niềm hy vọng và lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa cho mỗi độc giả của cha. Phải chăng nhờ thế mà căn bệnh thờ ơ tôn giáo ngày càng thuyên giảm trên mảnh đất Ba Lan. Rồi sau này Ba Lan nhanh chóng trở nên đất nước Công Giáo với tinh thần sống đạo dâng cao.

Với thành công trong sứ mạng, với nhiều hy vọng trong tương lai, Thiên Chúa lại trao cho cha triều thiên tử đạo. Nếu cả thế giới kinh hoàng với sự tàn ác của chế độ độc tài Hiltle, thì đất nước láng giếng Ba Lan của cha lại là nước hứng chịu nhiều nhất. Từ khi lên nắm quyền năm 1933, Hiltle kiểm soát mọi mặt của đời sống. Một trong những chính sách bạo tàn của Đức Quốc Xã dưới thời Hiltle là diệt chủng, bài Do Thái và các chủng tộc hạ đẳng. Kết quả là hàng triệu người Do Thái và các nạn nhân khác, nếu Quốc Xã cho là “đáng ghét, hạ đẳng, không mong muốn”, đều bị khủng bố và tàn sát trong cuộc diệt chủng Holocaust. Tiếc thay cha là một trong số hàng triệu nạn nhân trong cuộc diệt chủng này.

Tại sao họ lại bắt cha? Khi Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 (sự kiện mở màn chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu), cha và các tu sĩ Phanxicô nhanh chóng trong tầm ngắm của họ. Đơn giản Hiltle thừa biết mức độ ảnh hưởng của cha cũng như những việc tông đồ cha đang làm. Trước khi bị bắt, cha làm chủ biên tờ báo “The Knight Immaculate” và tờ “The Little Daily”. Đây là hai tờ báo được phát hành trong vùng phát xít chiếm đóng ở Ba Lan. Họ bắt cha và nhiều tu sĩ Phanxicô khác, nhưng chưa đầy ba tháng tất cả được trả tự do. Con nhớ trong lần tù đày này, cha không ngừng khuyên nhủ bạn tù: “Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao?”

Tuy vậy năm 1941, cha lại bị bỏ tù vì Đức Quốc Xã xem cha thuộc giới tri thức, có mức độ ảnh hưởng lớn lao và là vị lãnh đạo tài ba. Từ ngày hôm đó, phúc tử đạo của cha bắt đầu hé mở nơi trại tập trung kinh hoàng nhất của chế độ diệt chủng: trại tập trung Auschwitz.

Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của trại tập trung Auschwitz là hễ ai bỏ trốn thì 10 người khác phải chết thay. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1941, có một tù nhân trốn thoát. Thế là 10 tù nhân trong trại phải lãnh án tử hình. Cha may mắn không thuộc nhóm này. Tuy nhiên, tên cai tù ngạc nhiên khi tù nhân số 16670 can đảm bước ra để xưng phong thế chỗ cho một tù nhân đang khóc than: “Tôi còn vợ và con!” Thế là cha Kolbe được chết thay cho trung sĩ Francis Gajowniczek.

Trong hầm giam, người ta ngỡ ngàng nghe được những bài thánh ca mà nhóm của cha cất lên. Thay vì oán trời trách đất, cha đã giúp họ cầu nguyện để chết đói trong bình an. Gần nửa tháng sau, chỉ còn bốn người sống sót, trong đó có cha. Thấy thế, tên cai tù kết thúc cuộc đời cha bằng một mũi thuốc độc. Sau đó cả nhóm của cha bị thiêu đốt. Vậy là cha đón nhận triều thiên màu đỏ vào trước ngày Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14 tháng 8 năm 1941).

Là linh mục thánh thiện, là chủ biên tập tài năng và là vị tử đạo kiên cường, cha được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong bậc hiển thánh ngày 10 tháng 10 năm 1982. Cũng từ đó, cha thánh Maximilian Kolbe được đặt làm bổn mạng các nhà văn, nhà biên tập và ký giả phò sinh. Trong ngày mừng lễ của cha, xin cha giúp chúng con chữa trị căn bệnh thờ ơ với tôn giáo trong thời đại hôm nay. Xin cha đồng hành với những nhà văn, nhà báo và ký giả. Được như thế, chúng con ước mong phương tiện truyền thông có thể mang con người đến gần Thiên Chúa và Đức Mẹ hơn.

Mừng lễ của cha thánh Maximilian Kolbe, ngày 14 tháng 8

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ  

Kiểm tra tương tự

10 cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta đặc biệt phù hợp trong thời đại kỹ thuật …

5 câu Kinh Thánh giúp bạn tìm lại sự tự tin

Đây là một sự giúp đỡ bé nhỏ dành cho những ai đang cảm thấy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *