Vòng tròn tình yêu

Tin Mừng Theo Thánh Gioan từ chương 13-17 gồm những diễn từ từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ, và với Chúa Cha. Những diễn từ này được chia thành ba chủ đề chính: Tình Yêu (agapaõ) – Lời Từ biệt (hupagõ) và Sự Tôn Vinh (doxazõ). Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga15,9-17), chủ đề về Tình Yêu (agapaõ) được nhấn mạnh với ba chuyển động khác nhau, bởi ba đối tượng: Chúa Cha, Chúa Giêsu, và các môn đệ. Điều thú vị ở đây là cả ba chuyển động đều được thực hiện trong vòng tròn tương quan tình yêu: Chúa Cha yêu Chúa Giêsu (Ga 15,9a), Chúa Giêsu yêu Chúa Cha và các môn đệ (Ga15,9b), các môn đệ được mời gọi để ở lại trong Tình Yêu Thiên Chúa, và yêu thương nhau (Ga15, câu 12 và 17). Trong vòng tròn yêu thương này, tình yêu vừa mang tính riêng biệt, nhưng cũng mang tính liên hệ, và hiệp thông.

Tình yêu và tính riêng biệt

Tình Yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu là độc nhất vô nhị. Chính Chúa Giêsu kinh nghiệm hơn ai hết điều này bởi Ngài đã từng tuyên bố trước đó là: “Chúa Cha đã yêu thương người Con và đã giao phó mọi sự trong tay Người”[1], hoặc một lần khác, Chúa Giêsu đã nói “Như Cha ở trong con, và con ở trong Cha”.[2] Tương quan Cha – Con này chứng tỏ rằng Chúa Giêsu có đủ điều kiện để phản ánh trọn vẹn nhất về Thiên Chúa cho nhân loại.

Bên cạnh đó, tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài cũng rất riêng biệt. Mặc dù yêu mến các môn đệ thuộc về mình, và Ngài đã yêu họ đến cùng (Ga13,1), Chúa Giêsu vẫn dành những tình cảm có vẻ riêng biệt hơn cho nhóm ba môn đệ thân tính là Phêrô, Giacôbê, và Gioan, cùng với chị em bà Matta, Maria, và Lazarô. Họ là những con người tiêu biểu trong mối tương quan bạn hữu mà Chúa Giêsu đề cập hôm nay: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. (Ga.15, 15). Còn chúng ta, chúng ta có đặt mình trong tương quan riêng biệt này không?

Tình Yêu và tính liên hệ

Vòng tròn tình yêu mà Thánh Gioan vẽ ra hôm nay không phải là tình đơn phương, xuất phát từ một chiều, một phía, nhưng có sự lắng nghe và đáp trả từ hai và nhiều phía. Cụ thể như, Tình yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu đã được Ngài đón nhận và đáp trả bằng chính tình yêu của một người con dành cho cha mình: đó là sự vâng phục, tìm thực thi Thánh Ý Cha trong mọi sự. Dù đó là khổ hình đau thương, hay cái chết ô nhục trên Thập Giá…Chúa Giêsu vẫn kiên định, và ở lại trong sự chuyển động của tình yêu dành cho Cha Chí Thánh. Các môn đệ cũng thế, được Chúa Giêsu yêu thương chọn gọi để sống, kinh nghiệm, và làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa. Các ông đã đáp trả lại tình yêu của Thầy mình bằng cách đi theo Thầy, lắng nghe, và học với Thầy, cùng Thầy đi tìm thực thi Ý Chúa Cha. Và nếu không có cảm tình, không yêu mến, chắc gì các ông dám từ bỏ mọi sự mà theo Thầy ngần ấy năm trời.

Như vậy, trong vòng tròn tình yêu mà Chúa Cha là điểm xuất phát, mọi đối tượng đều chuyển mình đón nhận và đáp trả tình yêu bằng chính nổ lực và sáng kiến của riêng họ. Còn chúng ta, chúng ta có đang chuyển động trong vòng tròn yêu thương mà Thiên Chúa đặt để nơi mình không?

Tình Yêu và tính hiệp thông

Câu đầu tiên trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu lớn tiếng mời gọi các môn đệ: Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy! (Ga 15,9). Động từ “Ở lại” (menō), theo tiếng Hi Lạp, không chỉ diễn tả hành động ở yên một chỗ, không đi đâu hết. Ở lại còn là một động từ chỉ về mối tương quan giữa hai chủ thể, gắn kết mật thiết với nhau, đặc biệt là trong tình yêu. Và hơn mối tương quan mật thiết, sự ở lại còn liên quan đến căn tính của người được gọi: giống như hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho. Nếu tách mình ra khỏi tương quan với Thiên Chúa, nếu không chịu “ở lại” trong vòng tròn tình yêu, thì làm sao chúng ta có thể hòa mình trong những chuyển động yêu thương, và sinh hoa kết trái trong tình yêu.

Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi các môn đệ hãy “giữ các điều răn của Thầy”, để được “ở lại” trong tình thương (Ga15,10). Mà các điều răn của Chúa là gì? Đó là “Anh em hãy yêu thương nhau! (Ga15,12.17). Quả vậy, một tâm hồn biết mến yêu và chu toàn các giới răn Chúa sẽ triển nở trong đời sống mình, đó là được chia sẻ, và hiệp thông với Chúa. Chính tình yêu mà các môn đệ trao cho nhau cũng sẽ biểu lộ cho mọi người thấy tình yêu của Thiên Chúa, được cụ thể nơi con người Chúa Giêsu, những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, và nhất là những gì Ngài để lại cho thế gian: vòng tròn tình yêu!

Lạy Chúa, trong cuộc sống bộn bề đa đoan này, nhiều lúc chúng con như mất đi phương hướng bởi những vòng xoáy của sự tìm kiếm thành công, mà lắm khi làm trái tim chúng con bị đóng kín trong những tị hiềm, và toan tính hơn thua. Xin cuốn hút chúng con, lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết đi vào trong những chuyển động của Tình Yêu Ngài. Nơi yêu thương luôn là xuất phát điểm của mọi mong ước, và là nơi không có chỗ cho những kỳ thị hay phân biệt, vì tất cả những ai kính sợ Chúa đều được Thánh Thần tình yêu tác động. Và sau cùng, xin ban ơn nâng đỡ và đồng hành với chúng con để mỗi người có đủ tự tin và nhiều sáng kiến hơn nới rộng con tim, và nối dài cánh tay cho yêu thương tỏa lan. Amen.

Quỳnh Thoại, CĐM

………….

[1] Ga3,35; 13,3; &17,7.

[2] Ga 17,21

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *