(Làng Lao là 1 trong 13 họ giáo, thuộc giáo xứ Mỹ Hưng – giáo phận Hưng hóa, do Cha Giuse Cấn Xuân Bằng làm quản xứ. Họ giáo Làng Lao, thôn Làng Lao, xã Cát Thịnh, huyện Văn Trấn, tỉnh Yên Bái.)
Trải qua 8 tiếng đồng hồ rong ruổi khắp ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, lội qua hết con suối này đến con suối nọ, len lỏi, chui rúc, bò trườn các kiểu cuối cùng con bé cũng đến được bản Làng Lao – nó na ná với việc khám phá ra một bộ tộc mới mà con bé đã từng gặp trên tivi. Thật sự thấy lạ lùng!
Suốt chặng đường đi không ít lần nó than trách bản thân vì đã “ngu muội” nhận lời đi Lễ chầu ở nơi ấy, bởi lẽ mọi thứ nó phải trải qua trong suốt hành trình thật kinh khủng. Những đoạn đường ghập ghềnh trơn trượt, những con dốc dựng đứng đầy đá lởm lởm, những bụi cây rậm rạp như muốn ôm trọn cả người, những con suối chảy xiết…..Tất cả những cảnh tượng ấy khiến nó suy sụp hoàn toàn. Nó nhớ lại mỗi lần bò lên sườn núi cao, nó phải dùng cả hai tay để nắm đám cây dại lấy đà leo lên. Những lúc như thế nó chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại vì sợ sẽ bị choáng mà ngã ngửa. Nó chỉ biết lẩm nhẩm: “Xin phó thác linh hồn và xác trong tay Chúa”. Đúng là mọi thứ khác hoàn toàn với những gì mà nó đã tưởng tượng trước khi đi.
Cuộc sống thật trớ trêu, đôi khi nó đặt con người ta vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, khiến ta bất lực đến “âm vô cùng”. Và lần này nó cũng vậy, đó là khi nó phải lựa chọn: hoặc là đi tiếp, hoặc là quay về (trong khi nó đã đi được 1/3 quãng đường). Nếu đi tiếp nó buộc phải đi nốt 2/3 quãng đường dã man phía trước cùng mọi người. Nếu không đi tiếp nó sẽ phải lủi thủi về một mình với con đường mù mịt chẳng kém. Vậy đấy, nó muốn khóc, muốn la thét, muốn có một phép màu để biến khỏi nơi ấy.
Chiều muộn, khi mọi thứ đã chìm vào màn sương trắng xóa cũng là lúc nó lết được cái thân tàn tạ đến nhà thờ. Lại một lần nữa nó bị vỡ mộng. Ngôi nhà thờ không đẹp kiểu nhỏ nhắn, xinh xắn như nó tưởng tượng, ngược lại nó thật sự bị sốc khi chứng kiến cảnh nhà thờ ngay sát nhà dân và xung quanh nhà dân đầy những con lợn xấu xí đang dũi đất tung tóe. Ấy là chưa nói đến lũ trẻ con, quần áo phong phanh, đầu tóc bù xù, đôi chân trần giẫm bì bõm dưới nền đất lầy lội, mặt mũi nhem nhuốc đứng lấp ló trong nhà, ngoài sân, thỉnh thoảng lại cười rúc rích khi thấy người “Kinh” đến.
Buổi tối là khoảng thời gian hồn vía nó ổn định nhất, cùng ngồi nướng sắn, nướng cá với mọi người khiến lòng nó ấm lại. Đêm đến, ngồi bên bếp củi nó được nghe những câu chuyện không có mở đầu và không có kết thúc của ông Trưởng bản. Giọng ông trầm trầm, cách kể chuyện chân chất không hoa mỹ bóng mượt của ông đã thực sự cuốn hút nó.
Ông kể về cuộc sống khó khăn vất vả của người dân nơi đây, về cuộc đời mình, về mơ ước của ông và của bà con trong bản. Tất cả chắp vá lại thành một câu chuyện dài mà nhưng không có hồi kết….Trước đây khi ông chuyển đến nơi này, mọi thứ hoàn toàn là sơ khai. Cả bản chỉ có mình ông theo Đạo Thiên Chúa, vậy mà đến giờ phút này ông đã truyền đạo cho hết thảy mọi người trong bản để mọi người nhận biết mình là con cái Chúa và sống sao cho đẹp lòng Chúa. Để mọi người giữ trọn phép đạo, đích thân ông đã lặn lội xuống núi tìm gặp Cha để xin cho lập giáo họ và được Cha dâng lễ. Tạ ơn Chúa vì Người đã trả công bội hậu cho ông khi ông được Cha nhận lời cho thành lập giáo họ, cho xây dựng nhà thờ và hàng năm sẽ có…..1 Thánh lễ vào ngày chầu lượt. Ông vui mừng, bản làng vui mừng khi biết Chúa đã nhận lời họ. Nhưng phải làm sao để mọi người được dâng lễ nhiều hơn, phải làm sao để các Cha, các Dì và bà con đến được với Làng Lao cách dễ dàng hơn thay vì phải đi mất một ngày trời? Đấy thực sự là một câu hỏi khó.
Đã bao nhiêu lần ông vất vả ngược xuôi xin người này người kia giúp đỡ để có điều kiện mở mang đường xá, đơn giản chỉ là bạt đi những con đường gồ ghề vòng quanh sườn núi, san cho phẳng mặt đường để con đường được to rộng thêm cho bà con dễ đi hơn. Ông nói: “làm được đường thì các cháu đi học không lo bị trơn ngã; Các Cha, các Dì và bà con dưới đấy đi lên lễ dễ hơn, mà bọn con trên này muốn mang cái gì đi bán cũng tiện chứ bây giờ cứ lặn lội đi đường núi hiểm trở vậy muốn mang thứ gì đi bán hay mang đồ dưới đấy lên cũng khó”. Vậy đấy, ước mơ của họ thật giản dị mà cũng thật lớn lao. Chỉ là mở được con đường để đi cho dễ, cho khỏi trơn ngã, cho mọi người được đến gần nhau hơn……
-“Để làm được đoạn đường ấy thì mọi người cần chi phí nhiều không – Nó hỏi
– 2 tấn gạo thì làm được 6km. Tất cả đoạn đường từ dưới đó lên đây là 30km – Ông trả lời
– Chỉ cần gạo là làm được đường ạ ?
– Chỉ cần gạo để nấu cho mọi người ăn lấy sức mà làm thôi, rồi bọn con sẽ lấy rau rừng làm thức ăn – ông cười cười.
– Ông đã đi xin ở những đâu rồi?
– Con đi khắp, ở đâu có người quen thì con xin, Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình….biết ai thì con xin người đấy rồi nhờ họ xin hộ.
– Thế có nhiều người giúp chưa?
– Được một Cha ở Đà Nẵng, do bạn người bạn của con giới thiệu, Cha cho 10 triệu nên chúng con mới làm được đoạn đường đẹp đẹp mà hôm nay mọi người đi đấy. Hết gạo nên chúng con không làm tiếp được nữa. Mai mốt lễ xong con lại đi xin tiếp, vì con là ban hành giáo nên con được bà con giao trách nhiệm liên lạc xin chỗ nọ chỗ kia để mở mang đường xá. Như thế mới mong có được nhiều lễ và bọn trẻ đi học cũng tiện.”
…………………………………………
Đêm. Lạnh. Có tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên, lửa tàn và mọi người ai cũng thấm mệt. Đã đến lúc tìm cho mình một góc dưới nền đất trải bạt của nhà thờ để nghỉ. Nó cũng không ngoại lệ, đắp lên mình tấm chăn mỏng, trùm khăn lên đầu và cuộn tròn như con kén. Mắt nó đã nhắm tịt rồi nhưng trong đầu vẫn ong ong về câu chuyện và khuôn mặt chất phác, đầy khắc khổ của ông Trưởng bản. Dường như câu chuyện của ông đã đụng chạm đến trái tim nó. Nó thầm nghĩ: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì???? Phải chăng người đưa con đến đây vì muốn thực hiện một điều gì đó? Là một kế hoạch sắp sẵn ư? Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu nó và bỗng nhiên nó thấy yêu con người nơi đây, yêu chuyến đi cách lạ lùng. Nó thầm cảm tạ Chúa vì chính Người đã dẫn dắt cho nó được đến đây. Nó ước mong Chúa sẽ dùng nó để thực thi điều Người muốn và…..Xin dành tặng một góc nhỏ trong trái tim cho Làng Lao yêu dấu!
Têrêsa Thu
* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.