blogs.wsj.com, Liam Moloney, 5-9-204
Mauro Pallotta, một nghệ sĩ ở Rôma, đang đọc truyện Siêu nhân khi truyền hình chiếu chương trình tài liệu về Đức Giáo hoàng, và từ đó ông nảy ra một ý tưởng. Tại sao không vẽ một bức tranh tường thể hiện Đức Giáo hoàng Phanxicô như một siêu anh hùng?
Thế nên, vào một buổi tối trời lạnh cuối tháng 1-2014, chàng họa sĩ 42 tuổi với nghệ danh MauPal, cùng với người canh chừng là bạn gái mình, lên đường đi vẽ Đức Giáo hoàng lên một bức tường cạnh Vatican. Bức tranh tường nói lên một giáo hoàng mặc áo chùng trắng đang bay, tay mặt đưa lên đúng kiểu siêu nhân, tay trái cầm cặp đựng các “giá trị”. Vatican đăng lên twitter của mình ảnh chụp bức tranh này.
Bức tranh tường họa hình Đức Giáo hoàng Phanxicô như Siêu nhân, tác phẩm của Mauro Pallotta, nghệ danh MauPal.
Trong vòng 48 giờ, các nhà chức trách Rôma đã xóa đi bức tranh tường này của MauPal, nhưng nó vẫn còn ở trong các báo, các tài liệu và ở trong lòng người, từ đó tác phẩm này đã trở thành một ví dụ nổi tiếng cho xu hướng nghệ thuật đường phố lấy cảm hứng từ Đức Giáo hoàng.
“Ngài là siêu anh hùng,” đó là nhận định của MauPal, và ông cũng đã vẽ thêm nhiều bức tranh tường ở các thành phố khác, trong một buổi tiếp kiến chung hồi tháng 2, ông đã tặng Đức Giáo hoàng một bảng gỗ với bức vẽ siêu giáo hoàng.
Trong vòng vài ngày sau, một bức vẽ khác của một nghệ sĩ giấu tên, lần này là vẽ Đức Giáo hoàng Phanxicô đang đi xe đạp, xuất hiện gần Vatican, cũng như tại quê nhà Buenos Aires của Đức Giáo hoàng. Trong mùa hè vừa qua, một bức tranh tương (graffito) đen trắng của nghệ sĩ đường phố người Anh, Banksy, vẽ Đức Giáo hoàng Phanxicô đang vẫy tay từ chiếc Vespa tự lái trên đại lộ chính dẫn đến Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
Có đôi chút khôi hài khi tầm đại chúng của Đức Giáo hoàng Phanxicô là chủ đề cho nghệ thuật đường phố. Trong thời Phục hưng, các giáo hoàng ủy quyền cho các đại nghệ sĩ như Raphael, Sandro Botticelli, và Titian, vẽ chân dung cho mình. Ngược lại, các bức tranh tường này lại được xem là dạng nghệ thuật nghèo nàn nhất, thường giễu cợt cơ chế hội họa và muốn được là một nghệ thuật tự do không gói gọn trong bảo tàng.
Stefano Antonelli, thuộc phòng triển lãm 999 Đương đại ở Roma, vốn tập trung vào loại hình nghệ thuật đường phố, đã cho biết, “Đức Giáo hoàng Phanxicô là một chủ đề hoàn hảo cho nghệ thuật này, một loại hình nghệ thuật của những người bình dân. Ngài là một người như chúng ta.”
Quê cha đất tổ của Đức Giáo hoàng Phanxicô là vùng Piémont, Tây Bắc Ý, cũng góp phần vào phong trào này, họ tổ chức một cuộc thi vẽ bức tranh tường dài 37m, trong đó có vẽ về Đức Giáo hoàng, và đây cũng là một chuẩn bị cho cuộc viếng thăm vào năm tới của Đức Phanxicô.
Bảng hướng dẫn du lịch của Migliandolo, một làng với 600 dân cách Turin khoảng 50km, gần với quê của Đức Bergoglio, đang kỳ vọng sẽ có được 50 bài tham dự cuộc thi này. Các nhà tổ chức đã đưa ra giải thưởng 1000 euro cho người thắng cuộc, cũng là người sẽ chịu trách nhiệm vẽ lên bức tường của hội đồng thành phố, vốn không dành cho graffiti, các khẩu hiệu bóng đá, hay những lời bày tỏ yêu đương.
Định hướng này đã bị vài người phàn nàn. Chỉ một ít thời gian sau khi giới chức thành phố Rôma xóa bức tranh tường của MauPal, họ nghĩ lại về sáng kiến này, và đã để nghệ sĩ Kitô giáo người Pháp, Guemy họa một bức hình Đức Giáo hoàng Phanxicô vui tươi với ngón tay tán đồng đặc trưng của ngài, trong một trạm dừng tàu điện ngầm tại Spanish Steps.
Thái độ chấp nhận tranh tường này, sớm trở nên nổi tiếng nhờ các bức ảnh tự chụp trên mạng, đã làm cho nghệ sĩ MauPal buồn. Và Guemy, biệt danh là C215, với sự hỗ trợ của các nhóm nghệ sĩ Pháp, vốn mang tính bài giáo sĩ mạnh, đã chỉ trích MauPal là phản ứng quá mạnh.
Trong khi đó, bản thân Đức Giáo hoàng cố gắng để hạ bớt những thổi phồng chung quanh mình, và gần đây ngài đã nói với một nhật báo Ý rằng, ngài không thích được họa hình như một siêu anh hùng.
Tháng 3-2014, trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera ngài nói rằng, “Giáo hoàng là người cười, khóc, ngủ, và có bạn bè như tất cả mọi người khác. Một người bình thường.”
Trong mùa hè vừa qua, một bức tranh tương (graffito) đen trắng của nghệ sĩ đường phố người Anh, Banksy, vẽ Đức Giáo hoàng Phanxicô đang vẫy tay từ chiếc Vespa tự lái trên đại lộ chính dẫn đến Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
J.B. Thái Hòa dịch
(Mọi trích dẫn hoặc đăng lại từ website này phải chắc chắn nhằm phục vụ hoàn toàn phi lợi nhuận và ghi rõ “Trích từ nguồn Website Dòng Tên Việt Nam www.dongten.net)