Mới đây, vào ngày 27-5-2014, Tổ chức Lao động Quốc tế, gọi tắt là ILO (International Labour Organization) đã công bố bản “Báo cáo về lao động toàn cầu năm 2014”. Một trong những con số báo cáo và dự báo được nhiều người quan tâm là tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2013 vừa qua, và dự báo tỉ lệ thất nghiệp những năm tiếp sau đó. Cụ thể, theo như bản báo cáo nêu rõ, cuối năm 2013, số người thất nghiệp trên toàn thế giới là 199,8 triệu người, với tỉ lệ thất nghiệp là 6%, và dự kiến tỉ lệ này sẽ duy trì đến năm 2017. Như vậy, dựa trên tỉ lệ thất nghiệp này, báo cáo cũng dự báo đến năm 2019, tổng số người thất nghiệp sẽ vào khoảng 213 triệu người. Nguyên nhân chính khiến tỉ lệ thất nghiệp hiện nay ở mức cao và tiếp tục gia tăng trong những năm kế tiếp là tình trạng khủng hoảng kinh tế trong thời gian gần đây, đặc biệt ở những quốc gia phát triển [1].
Ngay sau ngày công bố bản “Báo cáo về lao động toàn cầu năm 2014”, tổ chức ILO đã tổ chức phiên họp lần thứ 103, từ ngày 28-5-2014 đến ngày 12-6-2014 tại Geneva, Thụy Sĩ, với hơn 4.000 đại biểu đại diện cho chính phủ, giới chủ, và giới người làm công trên toàn thế giới tham dự, để bàn về tình trạng lao động cưỡng bức, nền kinh tế chính thức và tình trạng di cư [2]. Trong dịp này, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi tới hội nghị một thông điệp để bày tỏ sự quan tâm của Giáo hội đến những vấn đề nóng bỏng về thực trạng lao động của thế giới, đặc biệt về tình trạng thất nghiệp hiện nay. Trong thông điệp đề gửi trực tiếp cho Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder, Đức giáo hoàng nhận định rằng tình trạng thất nghiệp hiện nay đang đẩy biên giới của nghèo đói rộng thêm ra, và điều này khiến cho những người trẻ đang lâm vào cảnh thất nghiệp cảm thấy nản chí, đánh mất ý thức về các giá trị, cũng như thấy mình trở nên xa lạ với xã hội chung quanh. Để đối phó với thực trạng này, Đức giáo hoàng kêu gọi mọi người trong khi tạo cơ hội việc làm cho người lao động, cần nhận thức rằng chỉ “ngang qua lao động tự do, sáng tạo, có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau thì con người mới có thể diễn tả và nâng cao phẩm giá của chính đời sống họ”. Ở đây, ngài đã trích lại một đoạn trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của ngài, ở số 192 của tông huấn [3].
Báo cáo nói trên của Tổ chức Lao động Quốc tế, cũng như thông điệp gởi đến hội nghị của tổ chức này của Đức giáo hoàng Phanxicô, cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội và Giáo hội đến tình trạng của người lao động, và cụ thể hơn là phẩm giá của người lao động. Hai sự kiện này diễn ra trong thời gian gần đây mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu, tiếp tục hiệp ý cầu nguyện với Đức giáo hoàng theo ý chỉ cầu nguyện chung của tháng 6-2014 là: “Cầu cho những người thất nghiệp: Xin cho những người thất nghiệp có được sự nâng đỡ và tìm được việc làm mà họ cần để có thể sống xứng với nhân phẩm.”
(Trần Thanh Minh, SJ)
1. http://www.ilo.org/global/research/global-reports/world-of-work/2014/lang–en/index.htm
2, http://www.ilo.org/global/about-the-ilo/multimedia/audio/WCMS_245553/lang–en/index.htm
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2014/documents/papa-francesco_20140522_messaggio-ilo.html
3. x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 192.