Trước khi bắt đầu tĩnh tâm, bạn hãy ngừng lại trong giây lát và để cho tâm hồn tĩnh lặng. Hãy hít thở thật sâu; hãy quẳng đi mọi nỗi bận tâm lo lắng, và ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu.
Lời Chúa (1 Ga 4,11)
“Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.”
Suy niệm
Cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Giê-su đã mặc khải tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là một tình yêu vĩ đại đến độ trí ta chẳng hề hiểu thấu. Thế nhưng, chính tình yêu ấy lại là nền tảng cho thấy chúng ta được mời gọi yêu thương người khác ra sao. Thiên Chúa làm cho tình yêu của Ngài hiển hiện ở giữa chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa có thể được tỏ lộ qua việc chúng ta quan tâm tới những người đau bệnh, hay chúng ta đi thêm một dặm với người lạ mặt. Ở những hoàn cảnh khác, tình yêu Thiên Chúa có thể được biểu lộ khi chúng ta đến với những người kém may mắn, hoặc chúng ta dành thời gian lắng nghe những người đang muốn sẻ chia. Tình yêu khơi nguồn tình yêu. Khi chúng ta nuôi dưỡng tình yêu Thiên Chúa nơi mình, tình yêu ấy sẽ được phản chiếu qua những cách thức chúng ta yêu thương người khác.
Câu hỏi phản tỉnh
Ngày hôm nay, tôi có thể làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ bằng những cách nào?
Đâu là những cách thức để tôi nuôi dưỡng tình yêu của Thiên Chúa ở nơi mình?
Lời nguyện
(Hãy dâng lên Thiên Chúa lời nguyện dưới đây hoặc lời nguyện của bạn)
Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã mặc khải tình yêu vô biên dành cho chúng con qua đời sống, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Xin cho con biết mở lòng trước tình yêu của Chúa và chia sẻ tình yêu ấy cho những người con gặp gỡ.
Quang Khanh, S.J.
(Nguồn: www.loyolapress.com)