Đọc lại sắc lệnh 4, Tổng Hội 32 (1975): “Sứ mạng chúng ta hôm nay: phục vụ đức tin và thăng tiến công bình”

Trong suốt lịch sử 472 năm hiện diện, Dòng Tên luôn theo đuổi “đức tin thực hiện công bình” (faith doing justice). Đây là sứ mạng được đề ra trong Tông thư thành lập Dòng của Đức Giáo Hoàng Phao-lô III (Regimini Militatis Ecclesiae, 1540) và được Đức Giáo Hoàng Julio III tái xác chuẩn năm 1550 (trong tông thư Exposcit Debitum). Sứ mạng này được ghi trong trong Bản Định Thức của Dòng, số 1 như sau: “… đặc biệt nỗ lực cho việc bảo vệ và truyền bá đức tin và cho việc tiến triển của các linh hồn trong đời sống Ki-tô hữu và trong giáo thuyết …”

Bảo vệ đức tin và thăng tiến công bình trở thành một “sợi chỉ đỏ” vốn cần được xuyên suốt thời gian hiện hữu của Dòng với tư cách là một tập thể hay từng cá nhân. Tổng hội 32 (1975) đã long trọng tái xác chuẩn sứ mạng này trong sắc lệnh 4: Sứ Mạng Chúng Ta Hôm Nay: Phục Vụ Đức Tin Và Thăng Tiến Công Bình. Những điều được đề cập trong sắc lệnh này tiếp tục được nhắc lại hoặc đào sâu trong các Tổng Hội kế tiếp: phục vụ đức tin, thăng tiến công bình, căn tính Dòng Tên, cộng đoàn tông đồ, nhận định tông đồ, được sai đi, tinh thần hợp tác, cộng tác quốc tế … Sắc lệnh vẫn còn nguyên tính thời sự và sâu sắc của mình và là một khởi hứng tông đồ mãnh liệt.

Trong việc chuẩn bị mừng lễ thánh Alberto Hurtado, vị thánh của sứ mạng tông đồ xã hội, Tông đồ xã hội xin được giới thiệu sắc lệnh 4: “Sứ mạng chúng ta hôm nay: phục vụ đức tin và thăng tiến công bình”. Ước mong các anh em Giê- su hữu, đặc biệt những anh em đang dấn thân và muốn dấn thân vào lãnh vực tông đồ xã hội, tiếp tục đọc và suy nghĩ trong tinh thần “(các) tài liệu này phải được chăm chú học tập trong việc đọc riêng cũng như trong những lần cộng đoàn trao đổi, phải được cân nhắc trong cầu nguyện và nhận định” (Thư giới thiệu Tổng Hội 32 cho toàn Dòng của cha Pedro Arrupe, SJ).

(Cha Pedro Arrupe, SJ: 1907 -1991)

TỔNG HỘI DÒNG TÊN 32

Sắc lệnh 4: Sứ Mạng Chúng Ta Hôm Nay: Phục Vụ Đức Tin Và Thăng Tiến Công Bình

Dẫn nhập và tổng lược

  1. Từ khắp nơi, anh em Giê-su hữu đã gửi nhiều thỉnh nguyện đến Tổng hội, với ước mong có những chọn lựa rõ ràng và những hướng dẫn minh bạch liên quan đến sứ mạng hiện tại của chúng ta. Tổng hội 32 đáp lại những thỉnh nguyện đó như sau:
  2. Sứ mạng của Dòng Tên hôm nay là phục vụ Đức Tin. Sứ mạng này tuyệt đối đòi hỏi chúng ta phải thăng tiến công bình, vì đây là việc hòa giải con người với nhau để họ có thể được hòa giải với Thiên Chúa.
  3. Sứ mạng của Dòng, dù luôn luôn đã có những hình thái khác nhau[1], nhưng với những nhu cầu và khát vọng của con người thời nay, sứ mạng này mang một ý nghĩa mới và một mức khẩn trương đặc biệt. Dưới ánh sáng này, chúng ta muốn tìm hiểu sứ mạng ấy với một cái nhìn mới. Thực vậy, ngày hôm nay chúng ta đang đối diện với hàng loạt những thách đố mới.
  4. Một thách đố mới đối với sứ mạng tông đồ của chúng ta: đây là lần đầu tiên khi thế giới có hơn hai tỷ người chưa nhận ra Cha và Người Con mà Ngài đã cử đến là Đức Giê-su Ki-tô[2]. Tuy nhiên, họ rất khao khát gặp Thiên Chúa, Đấng họ hằng tôn thờ trong tận cõi lòng, dù không hay biết Ngài là ai.
  5. Một thách đố mới đối với sứ mạng tông đồ của chúng ta: bị các khả năng của lý trí loài người mê hoặc, và có khi bị chi phối hoàn toàn, một số đông người đương thời đã đánh mất “cảm thức về Thiên Chúa”, sống quên lãng hoặc phủ nhận mầu nhiệm về ý nghĩa tối hậu của đời người.
  6. Thách đố mới đối với sứ mạng tông đồ của chúng ta: thế giới ngày nay có đặc điểm là con người càng lúc càng tùy thuộc lẫn nhau nhưng đồng thời vẫn chia rẽ vì bất công. Bất công đó không chỉ có giữa các cá nhân, mà còn kết tinh thành các định chế và các cơ cấu kinh tế, xã hội, chính trị, chi phối đời sống các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
  7. Việc đáp ứng các nhu cầu khẩn trương mới này chỉ có giá trị nếu nó mang tính toàn diện, tập thể, được bén rễ trong Đức Tin cũng như trong kinh nghiệm, và dưới nhiều hình thức khác nhau:

–         Toàn diện: phải nhờ việc sốt sắng cầu nguyện, phải hành động với xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới hoán cải được lòng con người, đồng thời phải vận dụng cả bản thân chúng ta cũng như tất cả những gì chúng ta có trong tay: nhân lực, vật lực, cộng đoàn, các tổ chức, và những công cuộc tông đồ.
–         Hợp tác: mỗi anh em trong Dòng phải tùy theo khả năng và chức vụ mà đóng góp vào sứ mạng chung; cùng cộng tác với những nỗ lực của người khác cho thân thể Dòng. Sứ mạng mang tính cộng tác này được thực thi dưới sự lãnh đạo của Vị kế nhiệm thánh Phê-rô, vì ngài có trách nhiệm trên Giáo hội phổ quát, và đứng đầu những người mà Thánh Thần đặt làm mục tử các giáo đoàn.[3]

–         Bén rễ trong đức tin và trong kinh nghiệm: nhờ kinh nghiệm, chúng ta sẽ biết rõ hơn phải làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới, do những hoàn cảnh mới tạo ra.
–         Dưới nhiều hình thức: hoàn cảnh của thế giới mỗi nơi mỗi khác. Chúng ta phải phát triển khả năng thích nghi để biết linh động đáp ứng với hoàn cảnh trong khi vẫn luôn nhắm mục tiêu duy nhất và cố hữu là phục vụ Đức Tin và thăng tiến công bình.

8. Nếu thế giới hôm nay đặt chúng ta trước những thách đố mới, thì nó cũng đặt vào tay chúng ta những dụng cụ, phương thế mới hơn và thích hợp hơn để hiểu biết về con người, thiên nhiên, xã hội; để thông đạt tư tưởng, hình ảnh, và tình cảm; cũng như để hành động hữu hiệu hơn. Chúng ta phải tập sử dụng các lợi khí ấy để loan báo Tin Mừng và phát triển con người.

9. Do đó, chúng ta cần phải xét lại các phương pháp tông đồ cổ truyền, các thái độ và các tổ chức của chúng ta, hầu thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại, cũng như của một thế giới đang biến chuyển nhanh chóng.
10. Vì thế, cần phải nhận định: Thánh I-nhã đã dạy chúng ta về việc nhận định thiêng liêng này trong kinh nghiệm Linh thao. Đó cũng là phương thế ta phải dùng để hiểu biết sâu xa hơn những khuynh hướng, những khát vọng, và những cuộc đấu tranh đang kích động mọi người; tóm lại, tất cả những gì con người đang thao thức.
11. Như thế, sứ mạng của chúng ta hôm nay là rao giảng và bày tỏ Đức Ki-tô để mọi người nhận biết Đấng từ nguyên thủy đã muốn hiện diện giữa con cái loài người và đã vui lòng hành động trong lịch sử loài người. (Châm ngôn 8, 22-31; Col 1, 15-20).
12.  Khi thi hành sứ mạng này, mọi người phải xác tín hơn rằng “những phương tiện nối kết chúng ta với Thiên Chúa và đặt chúng ta như khí cụ trong tay Ngài thì hữu hiệu hơn những phương tiện thế gian.” (Hiến Chương, 813).

A.    Sứ Mạng Của Chúng Ta: Hôm Qua và Hôm Nay
 
Biệt Ân Của Dòng
 
13. Chúng ta được kêu gọi tham dự vào sứ mạng của Giáo hội, là sứ mạng mặc khải cho mọi người về tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta, một tình yêu trở thành lời hứa ban sự sống đời đời. Thiên Chúa Cha ngắm nhìn thế giới, đã cử Đức Giê-su đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn dân (x. Mt 20, 28). Cũng vậy, là Ki-tô hữu, chúng ta nhận lãnh sứ mạng chung từ sứ mạng của Đức Giê-su: chúng ta thuộc về Giáo hội, được cử đến với mọi người để mặc khải cho họ ơn cứu độ, và làm cho sự sống được triển nở dồi dào (x. Ga 10,10; Mt 9,36; 10,1-42; và Ga 6).
14. Trong kinh nghiệm thiêng liêng của Linh thao, thánh I-nhã và các anh em đầu tiên đã muốn dành nhiều thời giờ quan sát thế giới để tìm ra những nhu cầu của thời đó.  Họ đã chiêm ngắm “Thiên Chúa Ba Ngôi đang nhìn toàn thể mặt đất đầy người” và quyết định “Ngôi Hai làm người để cứu độ nhân loại”. Cùng với Thiên Chúa, họ cũng nhìn xem những người thuộc thời đại họ “kẻ trước người sau với bao sự khác biệt trong y phục và cử chỉ, kẻ trắng người đen, kẻ khóc người cười, kẻ khỏe mạnh người đau yếu, kẻ sống trong hòa bình người lâm cảnh chiến tranh, kẻ sinh ra người chết đi,…”[4] Nhờ vậy họ đã biết phải làm thế nào để đáp lại lời Đức Ki-tô mời gọi thiết lập vương triều của Ngài.[5]

15. Được quy tụ trong cùng một cái nhìn đức tin, được củng cố nhờ cùng một niềm hy vọng, và bén rễ trong cùng một tình yêu Đức Ki-tô, với ước muốn trở thành bạn đường của Ngài, thánh I-nhã và nhóm tông đồ đầu tiên của ngài đã tin tưởng rằng việc họ muốn phục vu người đương thời sẽ càng đạt nhiều kết quả hơn nếu họ càng liên kết chặt chẽ với nhau nên một cộng thể tu sỹ, tông đồ, tư tế, liên kết cách đặc việt với vị kế nhiệm thánh Phê-rô bằng tinh thần yêu mến và phục vụ, và luôn sẵn sàng chia sẻ sứ mạng chung của Giáo hội.
16. Nhìn gương sáng ấy, chúng ta được mời gọi sống mãnh liệt hơn chiều kích tông đồ đích thực của đời dâng hiến. Thực vậy, việc chúng ta tận hiến cho Thiên Chúa là một từ bỏ mang tính ngôn sứ: từ bỏ các ngẫu tượng thế gian luôn gây cám dỗ tôn thờ: tiền bạc, vui thú, uy tín, quyền lực. Đời sống khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục của chúng ta phải minh chứng cho thế gian thấy điều đó. Các nhân đức này, dù mới chỉ là những nét chấm phá bất toàn về nước trời tương lai, làm cho thế gian thấy rằng, nhờ ơn Chúa giúp, con người có thể hiệp thông được với nhau theo tinh thần Tin Mừng: chia sẻ chứ không chiếm đoạt, hiến thân và tìm đến người khác hơn là đòi cho mình đặc ân vì địa vị, giai cấp, hay màu da, phục vụ chứ không thống trị hay bóc lột. Đó là những nét chấm phá đầy ý nghĩa của niềm hy vọng cánh chung mà con người thời đại chúng ta đang cần tới.
17. Các tông thư của Đức Phao-lô III (1540) và Juliô III (1550) đã xác định Dòng Tên được thiết lập để “thi hành nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ và truyền bá Đức Tin, cùng giúp đỡ tha nhân tấn tới trong đời sống và Giáo lý Ki-tô giáo, bằng việc công khai hướng dẫn và thuyết giảng, bằng mọi cách thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, bằng Linh thao, bằng việc hướng dẫn Giáo lý cho trẻ em và những người bình dân; củng cố đời sống thiêng liêng của tín hữu nhờ việc trao ban bí tích Hòa giải và các bí tích khác.” Dòng cũng “hoạt động để hòa giải những người đã bị chia rẽ, giúp đỡ và phục vụ những người trong lao tù và trong các bệnh viện, cũng như các công việc từ thiện khác nếu thấy có lợi hơn để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích chung”.[6] Việc nhìn về nguồn như vậy luôn rất quan trọng để giúp ta biết suy xét và chọn lựa.
Ngày Nay
18.  Sứ mạng ngày nay của Dòng Tên là phục vụ Đức Tin với tư cách tư tế, nghĩa là hoạt động tông đồ nhằm giúp con người mở lòng đón nhận Thiên Chúa và sống đầy đủ mọi chiều kích cũng như các đòi hỏi của Tin Mừng. Để sống theo Tin Mừng, con người phải thanh luyện đời sống khỏi mọi thứ ích kỷ và mọi tìm kiếm lợi lộc riêng tư, cũng như mọi hình thức bóc lột người khác. Đó chính là một đời sống chiếu tỏa đức công bình hoàn hảo của Tin Mừng: sẵn sàng nhìn nhận và tôn trọng quyền của mọi người, nhất là những người thấp cổ bé miệng, hơn nữa còn phát huy hữu hiệu quyền lợi và nhân phẩm của họ; rộng lòng giúp đỡ mọi người gặp cảnh khốn khó, ngay cả ngoại kiều hay kẻ thù, đến độ lấy hòa giải để tha thứ mọi xúc phạm và vượt qua hận thù. Nguyên sức con người không thể đạt được thái độ này vì đây chính là hoa quả của Thánh Linh. Chính Ngài biến đổi lòng dạ chúng ta, thông ban cho chúng ta lòng thương xót và chính sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đã bày tỏ sự công chính của Ngài khi thương xót chúng ta đang lúc chúng ta ăn ở bất chính với Ngài, và mời gọi chúng ta sống thân tình với Ngài.[7] Theo ý nghĩa này, việc thăng tiến công bình rõ ràng là một phần cốt yếu của việc phục vụ đức tin với tư cách linh mục (tư tế).
19. Sứ mạng đến với những người không tin Chúa dưới nhiều hình thức ở thời đại chúng ta được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI trao phó cho Dòng trong kỳ Tổng Hội 31, và coi đó như cách thế giữ đức vâng phục của chúng ta hôm nay đối với ngài. Sứ mạng đó được ngài nhắc nhở một lần nữa trong bài huấn từ ngày 3.12.1974. Ngài đã khen ngợi các Giê-su hữu lỗi lạc qua bao thế kỷ đã hiện diện tại giao điểm của những ý thức hệ, và ở giữa các xung đột xã hội – nơi người ta đối diện với Những khát vọng nóng bỏng của con người, cũng như với sứ điệp bất biến của Tin Mừng.[8] Nếu chúng ta muốn trung thành với đặc nét của tông đồ Dòng Tên là nhận lãnh sứ mạng do Giáo hội ủy thác, chúng ta phải “chiêm ngắm” thế giới hôm nay, theo cách thánh I-nhã đã nhìn ngắm thế giới thời ngài, để một lần nữa nhận ra tiếng gọi của Đức Ki-tô, Đấng đang chết và sống lại giữa những khốn cùng và những khát vọng của con người.
20. Trong thế giới hôm nay, trước mắt chúng ta, hàng triệu người đang khốn khổ vì nghèo đói, vì của cải và tài nguyên không được phân chia đồng đều và công bình, vì hậu quả của nạn phân biệt xã hội, màu da và chính trị. Khắp nơi, sự sống và nhân phẩm bị đe dọa hằng ngày. Cho dù có những phương tiện kỹ thuật dồi dào, nhưng càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn là con người chưa sẵn sàng chịu hy sinh để kiến tạo một xã hội công bình và nhân đạo hơn.[9]

21. Mọi người đều ít nhiều cảm thấy rằng vấn đề không chỉ nằm trên bình diện xã hội và kỹ thuật, mà còn trên bình diện cá nhân và tinh thần nữa. Nó liên quan trực tiếp đến chính ý nghĩa, tương lai, và vận mạng của con người. Con người trong thời đại chúng ta không chỉ đói của ăn, mà còn đói khát Tin Mừng (Đnl 8,3; Mt 4,4). Chính vì vậy, Tin Mừng phải được loan báo với một khí lực mới để mọi người đều có thể lãnh hội được. Thoạt nhìn, dường như Thiên Chúa đang vắng bóng trong đời sống xã hội, và ngay cả trong lương tâm con người. Tuy nhiên, nếu biết chú ý, ta sẽ thấy khắp nơi con người đang lần mò đi tìm Đức Giê-su Ki-tô, và mong đợi vương triều yêu thương, công chính và hòa bình của Ngài.
22. Chúng ta đã nghe được âm vang rõ rệt những khát vọng này của mọi người, mọi giới qua hai kỳ Đại hội Giám Mục vừa qua khi bàn về vấn đề công bình trên thế giới và việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hiện đại. Nhờ đó, chúng ta biết được những ước vọng của con người thời đại này, và nhận ra những con đường cụ thể phải đi để làm chứng và hoàn thành sứ mạng của chúng ta hôm nay.
23. Vả lại, những vấn đề và những ước vọng đó của thế giới cũng là của chính chúng ta. Một mặt, chúng ta chưa thoát khỏi sự mù quáng và bất công của thế giới vừa mô tả, nên chính chúng ta cũng cần phải được Tin Mừng cải hóa, cần gặp gỡ Đức Ki-tô đang hoạt động trong thế giới với quyền năng của Thánh Linh Ngài. Mặt khác, đó chính là thế giới chúng ta đã được cử đến: chúng ta có sứ mạng loan báo Tin Mừng để đáp lại tiếng kêu cứu của những nhu cầu và khát vọng ấy.

B.     Những Thách Đố Mới
 
Nhu Cầu Mới, Ước Vọng Mới

24. Sự kiện tiêu biểu nhất của thế giới ngày nay đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng: dù mỗi nơi mỗi khác, nhưng đâu đâu chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô Giê-su cho những người thật sự chưa hề nghe nói về Ngài, hay chưa hiểu biết đủ về Ngài
Ngày xưa, ở những miền chúng ta gọi là “xứ truyền giáo,” nhiều anh em của chúng ta đã đến loan báo Tin Mừng, chung sức gầy dựng và vun xới những cộng đoàn tín hữu mới. Ngày nay, trực tiếp loan báo Tin Mừng bằng việc loan báo Đức Giê-su Ki-tô vẫn là điểm chính yếu. Thật vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay có nhiều người chưa được nghe lời của Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế. Đồng thời, việc đối thoại với các tôn giáo khác ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với chúng ta.
Mặt khác, trong những miền Ki-tô giáo lâu đời, các công việc, phong trào, các nhà tĩnh tâm, các trường học, học viện của chúng ta vẫn còn đóng vai trò cần thiết cho việc phục vụ Đức Tin. Tuy nhiên, Lời Chúa vẫn chưa tới được với biết bao người khác, nếu chúng ta chỉ rao giảng trong những tổ chức ấy. Chính những xứ sở mệnh danh là “Ki-tô giáo” nay lại trở thành “xứ truyền giáo”.
25.  Một sự kiện khác mang tính quyết định trong việc loan báo Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài là các khả năng mới của khoa học kỹ thuật, và những khám phá của khoa học nhân văn. Những khám phá này đã làm thay đổi những quan niệm cổ truyền, vì chúng tương đối hóa, có khi đến tận gốc, nhân sinh quan và vũ trụ quan quen thuộc của chúng ta.
Sự biến đổi văn hóa và cơ cấu xã hội đã thật sự ảnh hưởng đáng kể trên đời sống cá nhân, cũng như trên đời sống tập thể và cách tổ chức xã hội. Cũng thế, ở khắp nơi, các bậc thang giá trị và những biểu hiện quen thuộc dần tan biến khi những khát vọng mới bùng dậy, cố gắng kết thành những dự án, chương trình, và những công cuộc cụ thể.
26. Sự tục hóa con người và thế giới mang những hình thức khác nhau tùy theo những nhóm, tầng lớp, thế hệ, và địa phương. Tuy nhiên, ở khắp nơi, nó gây ra một thách đố mới chưa từng thấy trước kia đối với việc loan báo Tin Mừng.
Một mặt, rõ ràng ta không còn có thể dung túng những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa như là Đấng đang che chở và hợp thức hóa sự sống còn của những cơ cấu bất công. Sâu xa hơn, cũng không thể chấp nhận những hình ảnh hàm hồ về một Thiên Chúa tước đoạt các trách nhiệm riêng của con người.
Cùng với những con người thời nay, chính chúng ta cũng đã cảm thấy được điều đó. Nhưng có lẽ ta còn cảm thấy sâu xa hơn họ, vì chúng ta muốn loan báo về Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, với chính chúng ta cũng như với người khác, chúng ta phải nỗ lực tìm thấy một thứ ngôn ngữ mới, một biểu hiện mới giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa dễ dàng hơn, và giúp người khác vượt qua những thần tượng đã sụp đổ để gặp được Thiên Chúa chân thật, Đấng đã chọn dự phần vào cuộc phiêu lưu của con người, và đã sống chết với kiếp người nơi Đức Giê-su Ki-tô. Với hình ảnh Đức Giê-su sống động trong lòng, chúng ta phải sống lòng trung thành sáng tạo ấy.
Mặt khác, chúng ta cần xét lại một vài cách thức loan báo Tin Mừng được xem như gắn liền với một thứ trật tự xã hội đã lỗi thời. Cùng với nhiều định chế trong Giáo hội, những tổ chức tông đồ của chúng ta thường cũng chịu cùng số phận mà người ta gọi chung là cuộc khủng hoảng định chế và trung gian. Đó là điều chúng ta đang cảm nghiệm một cách thật xót xa với con người trong thời đại hôm nay. Nhiều khi những người xung quanh đã không nhận ra giá trị của việc chúng ta dấn thân trong đời sống tu sỹ, linh mục và tông đồ. Và có thể chính chúng ta cũng không nhận thấy rõ giá trị đó, cho dù đức tin và những xác tín của chúng ta vẫn kiên vững. Vì thế, có những bất ổn, và dường như có những thái độ câm lặng, những lần bỏ cuộc. Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện nay của việc đổi mới đời sống tôn giáo trong Giáo hội phải khích lệ chúng ta dấn thân hơn và tìm thấy những phương thức mới để loan báo Tin Mừng.
27.  Còn một điểm khác đầy ý nghĩa, và quan hệ đặc biệt đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta: con người ngày nay có thể làm cho thế giới nên công bình hơn, nhưng họ đã thực sự không muốn. Làm chủ được thế giới và chính mình bằng một hình thức mới, con người thường lợi dụng để bóc lột cá nhân, tập thể, và các dân tộc hơn là chia sẻ đồng đều các nguồn tài nguyên của trái đất. Điều đó khiến con người xa cách và chia rẽ hơn là hiệp thông và giao hảo với nhau; áp bức và thống trị hơn là tôn trọng quyền lợi cá nhân và tập thể bằng tình huynh đệ thiết thực hơn giữa người với người. Chúng ta không được phép nghĩ rằng những chênh lệch và bất công này là do “nghiệp chướng”, nhưng đúng hơn là do hành động và tính ích kỷ của con người gây nên. Do đó, muốn thăng tiến công bình toàn vẹn theo đúng nghĩa Ki-tô giáo, không thể bỏ qua việc loan báo Đức Giê-su Ki-tô và mầu nhiệm Hòa giải mà Ngài đã hoàn tất. Thực vậy, chính Đức Ki-tô là Đấng đã mở đường khai lối cho một cuộc giải phóng hoàn toàn và dứt khoát; và từ đáy lòng mình, con người khát mong được hưởng sự giải phóng đó. Ngược lại, không thể thực sự loan báo Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài nếu không muốn cương quyết dấn thân thăng tiến công bình.
Dấn Thân
28.  Những thỉnh nguyện của các anh em đang làm việc khắp nơi trên thế giới đều nhất loạt tha thiết xin Dòng cương quyết dấn thân vào việc thăng tiến công bình qua một lựa chọn rõ ràng của Tổng Hội. Sứ mạng tông đồ của chúng ta hôm nay đòi hỏi chúng ta phải cấp bách chọn lựa công việc đó. Thật vậy, đây là trung tâm điểm của sứ điệp Ki-tô giáo: nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa tỏ mình là Cha của hết mọi người, và nhờ Thánh Linh, Ngài mời gọi con người hoán cải. Cuộc hoán cải đó gồm hai thái độ không thể tách rời nhau: thái độ của một người con đối với Chúa Cha, và thái độ của một người anh em đối với tha nhân. Không thể thực sự trở về với tình yêu Thiên Chúa nếu con người không trở về với tình yêu tha nhân và những đòi hỏi của công bình. Do đó, chính lòng trung thành với sứ mạng tông đồ đòi hỏi chúng ta đưa dẫn mọi người đến với ơn cứu độ toàn diện của Ki-tô giáo, nghĩa là biết yêu mến Chúa Cha, và nhờ đó biết yêu mến tha nhân và thực thi công bình. Loan báo Tin Mừng là công bố một đức tin được sống bằng lòng yêu mến con người (Gl 5,6; Eph 4,15): chúng ta không thể loan báo Tin Mừng cách thiết thực nếu không thăng tiến công bình.
29.  Thăng tiến công bình làm cho các việc tông đồ của chúng ta được phong phú, và đặc biệt nó đi đôi với sứ mạng đến với những người chưa tin Chúa. Quả thực, khi chối bỏ phẩm giá và quyền lợi của con người – hình ảnh của Thiên Chúa và là anh em của Đức Giê-su Ki-tô[10] – thì sự bất công hiện thời dưới nhiều hình thức tạo nên một hình thức chối từ Thiên Chúa. Đại hội Giám Mục năm 1971 đã kết án tội ác của sự bất công được cơ chế hóa, kết quả của việc tôn thờ tiền bạc, tiến bộ, uy danh, và quyền lực. Tội ác này đưa cả người bị áp bức lẫn kẻ áp bức vào vòng nô lệ và sự chết.
30.  Ngày nay, trong khi nhiều người tìm cách tổ chức và xây dựng một thế giới không Thiên Chúa, chúng ta phải cố gắng chứng tỏ rằng niềm hy vọng Ki-tô giáo không phải là một liều thuốc phiện ru ngủ, nhưng là một cam kết thiết thực và vững chắc để biến đổi thế giới, tạo nên một dấu chỉ hữu hình về một thế giới khác, một dấu chỉ – và là bảo chứng– về “một trời mới đất mới” (Kh 21,11). Thượng hội đồng Giám mục vừa qua đã nhắc nhở và xác nhận: “đối với con người và đối với xã hội, Tin Mừng được ủy thác cho chúng ta phải là Tin Mừng cứu độ được bắt đầu và tỏ hiện ngay tại thế gian này, cho dù cuộc giải phóng toàn vẹn chỉ đạt mức sung mãn ở đời sau[11] Thăng tiến công bình là phần không thể thiếu trong việc loan báo Tin Mừng.
31.  Như thế, chúng ta làm chứng cho một Tin Mừng ngàn đời nối kết tình yêu Thiên Chúa với việc phục vụ con người. Trong thế giới hiện nay, con người hiểu biết sức mạnh của những cơ cấu xã hội, kinh tế và chính trị, cũng như sự chuyển vận và định luật của chúng. Vì thế, việc phục vụ Tin Mừng cũng cần đến các nhà chuyên môn về những cơ cấu đó.
32.  Tuy nhiên, xưa cũng như nay, cho dù việc thăng tiến công bình và giải phóng con người rất cần thiết, nhưng nếu chỉ dừng ở bình diện xã hội và cơ cấu thì vẫn chưa đủ. Cần phải chống bất công ngay tận gốc rễ, nghĩa là ngay trong lòng con người: vậy chúng ta cần phải cố gắng góp phần thay đổi những thái độ, những khuynh hướng sinh ra bất công và nuôi dưỡng những cơ cấu áp bức.
33.  Hơn nữa, để đạt trọn vẹn mục đích, nỗ lực thăng tiến công bình của chúng ta phải làm sao giúp con người biết khát khao và đón nhận sự giải thoát cũng như ơn cứu độ cánh chung. Những phương tiện và những hoạt động của chúng ta trước hết phải tỏ lộ tinh thần của những mối phúc thật mà Đức Ki-tô đã công bố, và phải góp phần vào việc hòa giải mọi người với nhau. Nhờ đó, nỗ lực thăng tiến công bình của chúng ta sẽ luôn gắn liền với sứ mạng bày tỏ tinh thần và sức mạnh của Thiên Chúa, và đáp ứng được những nhu cầu sâu xa nhất của con người: con người không chỉ cần cơm áo và tự do, nhưng còn khao khát chính Thiên Chúa, làm con cái và làm bạn hữu với Ngài.
Những Điều Kiện Cần Thiết
34. Những thách đố trên thật lớn lao và vượt xa khả năng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta sẽ dùng hết mọi khả năng để bắt tay vào việc: quả thật, nhờ ơn Chúa, một ý thức tông đồ mới dường như đang vững mạnh trong toàn thân thể Dòng. Khắp nơi đều vang lên những ước muốn và đã có người cương quyết dấn thân, để canh tân và thích nghi những công việc tông đồ hiện có, cũng như bắt tay vào những công việc mới. Vậy, những đường hướng vạch ra ở đây trước hết nhằm xác nhận và xác định một số chọn lựa, và thúc giục chúng ta cương quyết dấn thân hơn.
35.  Cương Quyết Vào Đời: chúng ta thường quá xa cách, ít tiếp xúc thực sự với môi trường vô tín ngưỡng, ít biết những hậu quả cụ thể hằng ngày của những bất công và áp bức. Bởi đó, chúng ta có nguy cơ không thể nghe tiếng Tin Mừng mời gọi nơi những con người của thời đại hôm nay. Vì thế, vào đời cách cương quyết hơn sẽ là một trắc nghiệm để đo lường đức tin, đức cậy, và đức mến tông đồ của chúng ta. Sau khi đã suy xét và được những cộng đoàn tông đồ sống động nâng đỡ, chúng ta có sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn mà đức tin và đức cậy sẽ bị vô tín và bất công thử thách không? Mặt khác, để hiểu biết và giải quyết những vấn đề trong lãnh vực thần học, triết học, và các khoa học nhân văn ngày càng thiết yếu trong thời đại này, chúng ta có sẵn sàng miệt mài trong việc học hành đến nơi đến chốn không? Nếu chúng ta muốn chia sẻ đức tin và niềm hy vọng, cũng như loan truyền một Tin Mừng phù hợp với những chờ đợi và khát vọng của con người thời đại, chúng ta nhất thiết phải vào đời bằng đường lối ấy.
36.  Việc tông đồ vào đời đã mang những hình thức khác nhau tùy theo mỗi miền. Nhưng dù dưới hình thức nào, việc vào đời vẫn luôn đòi hỏi chúng ta phải được huấn luyện vững chắc, gắn bó keo sơn với cộng đoàn, và ý thức rõ rệt căn tính của mình. Như thế, ở mọi nơi, tùy theo mỗi quốc gia, mỗi nhóm, mỗi tầng lớp và môi trường, việc vào đời phải nhằm hội nhập vào văn hóa địa phương, vì đó là điều cần thiết để chúng ta loan báo Tin Mừng, và giúp người ta đón nhận Đức Giê-su Ki-tô.
37.  Hợp Tác Chặt Chẽ Hơn Với Người Khác: việc vào đời càng mang tính cách tông đồ thật sự khi chúng ta càng hợp tác chặt chẽ hơn với những thành phần khác trong Giáo hội địa phương, với những Ki-tô hữu thuộc các thệ phái khác nhau, với những tín đồ của các tôn giáo khác, với tất cả những người “đói khát sự công chính”, và với những ai muốn biến thế giới này thành nơi sống của con người trong tình huynh đệ, biết rộng mở để nhận ra Đức Giê-su Ki-tô và đón nhận Thiên Chúa là Cha chúng ta. Công cuộc đại kết vì vậy không chỉ là một thừa tác vụ đặc biệt, nhưng còn trở nên một tinh thần, một nếp sống, cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Ngày nay, để con người đón nhận Tin Mừng chúng ta loan báo, chúng ta rất cần đến một tinh thần đại kết mang chiều kích toàn cầu, vì Tin Mừng phải lưu tâm đến mọi nền văn hóa và giá trị của những truyền thống tâm linh, cùng những khát vọng của mọi nhóm và mọi dân tộc.
38. Về Nguồn: do đó, chúng ta cần trở về với việc thực hành Linh thao. Chính trong Linh thao mà chúng ta làm mới lại kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ vậy đức tin và niềm hy vọng tông đồ của chúng ta luôn luôn được sống động, đồng thời ý muốn được làm bạn đường  của Đức Giê-su trong sứ mạng của Ngài cũng được thêm vững mạnh: để cùng xây dựng nước Ngài, trong tình liên đới với người nghèo như Ngài. Cũng nhờ kinh nghiệm Linh thao, chúng ta không ngừng xét lại chúng ta đã dấn thân thế nào, nhờ đó chúng ta dần dần thấm nhuần đường lối sự phạm tông đồ của thánh I-nhã. Đường lối này phải được ghi dấu nơi mọi hoạt động của đời sống chúng ta.

C.    Sứ Vụ Tông Đồ Hôm Nay
Con Người Và Cơ Cấu
39. Để Chúa được vinh danh hơn và cứu độ con người, thánh I-nhã đã muốn rằng ở đâu có hy vọng mưu cầu ích lợi phổ cập hơn, cũng như ở đâu có những người bị bỏ rơi đang cần được giúp đỡ hơn, thì là nơi anh em Dòng Tên chúng ta phải đến. Nhưng ngày nay ở đâu có nhu cầu lớn nhất? Ở đâu có hy vọng mưu cầu lợi ích phổ cập hơn?
40.  Con người ngày càng ý thức sâu xa hơn rằng, những cơ cấu xã hội góp phần định hình thế giới và chính con người, kể cả tư tưởng, tình cảm, và những khát vọng thầm kín nhất. Như thế, đối với chúng ta, việc biến đổi những cơ cấu này nhằm giải phóng toàn diện con người cả về tinh thần lẫn vật chất, được gắn liền với công cuộc loan báo Tin Mừng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép bỏ qua những công việc nhắm đến con người, là nạn nhân của các cơ cấu bất công, cũng như cả những người phần nào có trách nhiệm và ảnh hưởng lên các cơ cấu đó.
41.  Trước viễn tượng rộng mở ấy, niềm thao thức mưu cầu lợi ích phổ cập của chúng ta hòa hợp với ước muốn phục vụ những người khốn cùng nhất, để có thể loan báo Tin Mừng cho con người thời nay. Việc loan báo Tin Mừng sẽ được con người dễ dàng đón nhận hơn khi chúng ta thực sự dấn thân làm chứng tá trong việc thăng tiến công bình và chuẩn bị Nước Trời sẽ đến.
Dấn Thân Vào Xã Hội
42. Niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô và sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi chúng ta dấn thân thăng tiến công bình trong tình liên đới với những người thấp cổ bé miệng. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu kỹ càng những vấn đề khó khăn họ đang gặp phải, và nhận ra phần trách nhiệm mà chúng ta phải gánh vác trong xã hội.
43.  Mỗi cộng đoàn Dòng Tên phải giúp mỗi anh em trong cộng đoàn tìm hiểu thật sự những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị trong khu vực mình, cũng như trong quốc gia lẫn bình diện quốc tế, chứ đừng chống cự cách sợ sệt, hay giữ thái độ thờ ơ trước những vấn đề đó. Chỉ khi ý thức được những vấn đề trên, chúng ta mới biết rõ hơn phải loan báo Tin Mừng như thế nào, đồng thời biết chung sức với người khác trong nỗ lực thăng tiến công bình đích thực, theo mục tiêu tông đồ của chúng ta, chứ không dẫm chân vào lĩnh vực của họ.
44.  Phải phân tích vấn đề trong mỗi trường hợp một cách hết sức tỉ mỉ dưới quan điểm xã hội và chính trị. Trong khi phân tích, chúng ta phải vận dụng những khoa học đạo cũng như đời, những môn học lý thuyết cũng như thực hành. Muốn thế, cần phải có một nền học vấn sâu xa và chuyên môn. Cũng phải nghiêm túc nhận định vấn đề dưới nhãn quan mục vụ và tông đồ. Sau đó, chúng ta tiến tới dấn thân; và chính kinh nghiệm sẽ dạy chúng ta biết cách tiến tới hơn trong con đường dấn thân này.
45.  Anh Trưởng Nhà, có khi cả Giám Tỉnh, nên tham dự vào việc nhận định này với các anh em. Việc đó nhiều lúc giúp chúng ta vượt qua những căng thẳng không thể tránh khỏi, và bảo toàn sự đồng tâm nhất trí. Đối với một số việc tông đồ đặc biệt mà chúng ta phải lãnh nhận vì vâng phục, anh Trưởng nên giúp cộng đoàn cảm thấy được tinh thần liên đới trách nhiệm, chứ không phải chỉ biết chịu đựng. Nếu một cộng đoàn phải chịu khổ sở vì những dấn thân này sau khi đã trải qua việc nhận định chung, ít là qua trung gian của anh Trưởng, thì cộng đoàn đó sẽ sẵn sàng hơn để đương đầu với những khó khăn, vì đã được nâng đỡ, như Lời Chúa phán: “phúc cho kẻ bị bách hại vì lẽ công chính” (Mt 5,10).
46.  Muốn làm việc thăng tiến công bình, ta phải trả một cái giá nào đó. Nhưng công việc ấy sẽ làm cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta thêm ý nghĩa, và giúp con người dễ dàng đón nhận Tin Mừng hơn.
Liên Đới Với Người Nghèo
47. Khi đã chọn lựa như thế, chúng ta phải xét lại các mối dây liên đới của chúng ta, cũng như những ưu tiên tông đồ. Thật vậy, đối với chúng ta, thăng tiến công bình không chỉ là làm việc tông đồ trong lĩnh vực xã hội bên cạnh những lãnh vực khác. Nó phải là mối quan tâm của toàn thể cuộc sống chúng ta, và phải trở nên một chiều kích trong mọi công cuộc tông đồ của chúng ta.
48.  Cũng vậy, việc liên đới với những người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và những người bị áp bức tập thể không phải là công việc của chỉ một vài anh em mà thôi. Đời sống của tất cả mọi anh em chúng ta phải ghi dấu tình liên đới này, trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn, và cả toàn thân Dòng. Nề nếp và lối sống của chúng ta cần phải được thay đổi, để lời khấn khó nghèo làm cho chúng ta nên giống Đức Ki-tô nghèo khó, Đấng đã tự đồng hóa mình với những người trắng tay.[12] Xét lại và lựa chọn việc tông đồ là một việc làm cần thiết đối với các công cuộc tông đồ, cũng như giúp đem toàn thể định chế Dòng vào chiều hướng đó.
49.  Thường khi vì xuất thân từ những gia đình khá giả, rồi vì việc học và những liên hệ xã hội, chúng ta chưa sống một đời sống giản dị, chứ đừng nói đến đời sống khó nghèo với những lo toan thường ngày. Chúng ta có được những kiến thức và vị thế mà phần đông người khác không có. Thế nên, phải có thêm nhiều anh em của chúng ta chia sẻ cách thân thiết hơn với số phận của những gia đình có mức lợi tức thấp: đó là những người nghèo khổ và bị áp bức, và họ thường chiếm đa số trong mọi quốc gia. Nhờ tình liên đới nối kết chúng ta trong một thân thể Dòng, và nhờ được thông đạt, trao đổi với nhau, chúng ta phải biết nhạy cảm trước những khó khăn và những khát vọng của những người cùng khổ nhất, qua chính những anh em chúng ta đang sống gần bên họ. Như thế, ta đang học cách biến những nỗi lo lắng, bận tâm, niềm hy vọng của họ thành của chúng ta. Chính với cái giá này mà chúng ta mới dần dần tiến tới tình liên đới thật sự.
50.  Kiên nhẫn và khiêm tốn đồng hành với người nghèo, chúng ta sẽ học hỏi từ nơi họ nhiều điều, và biết cách làm gì để giúp đỡ họ. Nếu không âm thầm bước đi với họ như thế, thì hoạt động cho người nghèo và người bị áp bức sẽ là điều mâu thuẫn với ý hướng của chúng ta, và những người mà chúng ta muốn giúp đỡ cũng khó nói lên những khát vọng của mình hay tìm được những phương tiện để thực sự lãnh lấy trách nhiệm về vận mạng của mỗi người và của tập thể. Phục vụ khiêm tốn hơn, chúng ta sẽ có cơ may giúp họ khám phá ra rằng Đức Giê-su Ki-tô đang sống và hành động trong quyền năng của Thánh linh, ngay giữa những khó khăn và ngay trong cuộc đấu tranh của họ. Như thế, chúng ta mới có thể loan báo cho họ về Thiên Chúa Cha, Đấng hòa giải nhân loại với Ngài khi đặt con người vào trong sự hiệp thông của tình huynh đệ đích thực.
Phục Vụ Đức Tin
51. Đời sống của chúng ta, cái nhìn thần học về đời sống ấy, cùng với mối dây liên kết đích thân với Đức Ki-tô chính là trung tâm mọi tư tưởng và hành động của chúng ta: đó không phải là ba lãnh vực biệt lập làm nên ba ngành tông đồ khác nhau. Trái lại, việc thăng tiến công bình, trình bày đức tin, và giúp người khác đích thân gặp gỡ Thiên Chúa làm thành ba chiều kích bất biến trong mọi việc tông đồ của chúng ta.
52. Vì thế, không phải chỉ cần xét lại sự dấn thân cho công bình là đủ. Vì chân lý đem lại ý nghĩa cho việc dấn thân này, nên chúng ta còn phải xét xem cách thức chúng ta thông truyền chân lý, cũng như cách chúng ta dẫn tha nhân tìm gặp Đức Ki-tô trong lòng cuộc sống của họ có hợp với Tin Mừng hay không. Cũng thế, ta cũng phải xét lại tường tận những nỗ lực chúng ta đang thực hiện nhằm củng cố đức tin của những tín hữu đang gặp khó khăn về đức tin, cũng như để gặp gỡ thực sự những người chưa tin (x. Sắc lệnh 3, Tổng hội 31).
Loan Báo Tin Mừng Và Hội Nhập Văn Hóa
53. Trong những năm vừa qua, để diễn tả đầy đủ hơn tính công giáo của mình, Giáo hội đã lưu tâm nhiều đến sự dị biệt của các con cái Giáo hội. Hơn bao giờ hết, ngày nay Giáo hội đang tìm cách thu nhận căn tính của các nhóm, các quốc gia, và khát vọng được phát triển kinh tế, xã hội, cũng như khát vọng hiểu biết hơn về mầu nhiệm Ki-tô giáo, theo sự hòa nhịp với lịch sử và truyền thống đặc thù của mỗi dân tộc.
54. Phải làm sao để Đức Ki-tô được loan báo và được người ta đón nhận bằng nhiều hình thức khác nhau, tùy theo đặc tính của mỗi quốc gia và mỗi môi trường theo những gia sản riêng của họ, để Tin Mừng có thể nhập thể vào đời sống Giáo hội. Vì vậy, trong nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu, nhất là tại Châu Á và Châu Phi, nếu muốn thi hành con đường nhập thể này, họ phải đẩy mạnh nữa việc đối thoại với những người thừa hưởng các truyền thống tôn giáo lớn ngoài Ki-tô giáo. Những anh em Giê-su hữu đang hoạt động trong các quốc gia này phải lưu tâm đến điều ấy. Đối với một số quốc gia Phương Tây mà dường không còn được coi là Ki-tô giáo nữa, họ phải đổi mới ngôn từ thần học và phụng vụ. Sau cùng, đối với những quốc gia có những ý thức hệ rõ ràng là không tin vào Chúa, cần phải đổi mới cách loan báo Tin Mừng. Dù ở đâu đi nữa, muốn con người đón nhận Tin Mừng chúng ta loan báo, không những chúng ta cần phải dùng chính đời sống mình để làm chứng cho công bình là điều Đức Ki-tô mời gọi, mà còn phải thích nghi lề lối suy tư thần học, phương pháp hướng dẫn Giáo lý, hình thức cử hành phụng vụ và các hoạt động mục vụ sao cho phù hợp với nhu cầu được nhận ra từ những kinh nghiệm thực tế.
55.  Dòng Tên vốn có ơn gọi phổ cập và có truyền thống thừa sai, nên có trách nhiệm đặc biệt về những vấn đề này. Mỗi anh em chúng ta phải hướng trọn vẹn công việc của mình vào nỗ lực làm cho đức tin và đời sống Giáo hội được nhập thể trong những truyền thống và văn hóa riêng của các nhóm, hay các tập thể mà chúng ta muốn phục vụ, cũng như hướng vào nỗ lực làm cho các Ki-tô hữu được hiệp thông trong đức tin duy nhất.
56.  Vả lại, Giáo hội ngày nay ý thức rằng, không những phải hội nhập vào những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mà còn phải hội nhập vào những giá trị mới và phổ cập-kết quả của việc truyền thông sâu rộng và liên tục giữa các quốc gia: Dòng Tên phải phục vụ Giáo hội trong công việc “cập nhật hóa”, hay hội nhập văn hóa này, đối với những giá trị mới, ở bình diện toàn cầu.
Linh Thao
57. Trong tất cả những điều trên, việc tông đồ bằng Linh thao đóng một vai trò rất quan trọng. Đặc nét của Linh thao là loại bỏ những chướng ngại ngăn cách Thiên Chúa và con người, để chính Thánh Linh đưa dẫn con người gặp gỡ Thiên Chúa. Theo phương pháp của Thánh I-nhã, chúng ta phải tôn trọng mỗi người, cùng với nền văn hóa, di sản riêng và truyền thống đã đào tạo nên họ. Hơn nữa, Linh thao còn là một phương pháp tìm kiếm và phân định. Phương pháp này dạy con người biết khám phá được Thiên Chúa đang gọi anh từ đâu, Ngài muốn anh làm gì, ngay từ chính nơi mà anh đang sống, ngay trong lòng dân tộc của anh.
58. Linh thao cũng giúp đào tạo nên những Ki-tô hữu vừa có kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa cứu độ, vừa biết dè dặt trước những ngẫu tượng do các ý thức hệ tạo nên; đồng thời biết dấn thân cải tạo những cơ cấu xã hội và văn hóa nào đang cần được thay đổi. Vì vậy, Linh thao là một khí cụ có giá trị lớn lao đối với chúng ta; khí cụ đó vẫn luôn luôn hợp thời. Cần khuyến khích việc nghiên cứu nhắm đến việc giúp con người thời nay kinh nghiệm được sức sống của Linh thao khi khi cụ này được làm cho thích ứng với những nhu cầu của bản thân họ. Hơn nữa, tinh thần Linh thao còn cần phải thấm nhập vào mọi sứ mạng rao giảng Lời Chúa khác của chúng ta.
Các Hướng Dẫn Hành Động
59. Như thế, khi trình bày mọi chiều kích của hoạt động tông đồ, theo những đường hướng tổng quan vạch ra trong bài diễn văn trước Hội nghị Đại biểu năm 1970, Tổng hội muốn một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng đặc biệt của việc suy tư thần học, hoạt động xã hội, giáo dục, và truyền thông đại chúng – là những phương tiện loan báo Tin Mừng của chúng ta hôm nay. Những phương tiện này rất quan trọng, chúng cho phép chúng ta phục vụ con người cách phổ cập hơn, vì nó đạt tới những nhu cầu sâu xa nhất của con người.
60. Cách cụ thể:
–         Chúng ta phải ý thức hơn về sự cần thiết của việc nghiên cứu và suy tư thần học, được thực hiện trong tương quan với các môn học khác, và hội nhập sâu vào mỗi nền văn hóa và mỗi truyền thống. Chỉ như thế mới giúp soi sáng đúng mức các vấn đề trọng đại mà Giáo hội và nhân loại đang phải đối diện.
–         Phải nhấn mạnh hơn nữa việc gây ý thức Tin Mừng cho các tác viên xã hội, và đặc biệt chú trọng việc phục vụ người nghèo và những người bị áp bức.
–         Cần tiếp tục theo đuổi và tăng cường công việc huấn luyện trong mọi chiều kích, nhưng đồng thời lại phải không ngừng xét duyệt lại công việc đó. Chúng ta phải đào tạo cả anh em trẻ lẫn những anh em trưởng thành, để họ biết dấn thân, sống và hành động cho tha nhân và với tha nhân, hầu xây dựng một thế giới công bình hơn. Chúng ta cũng phải chú ý đặc biệt đào tạo để các sinh viên Ki-tô giáo có một đức tin chín chắn, gắn bó thân thiết với Đức Ki-tô, biết tìm gặp Ngài nơi tha nhân, và một khi gặp được Ngài, biết phụng sự Ngài nơi anh chị em mình. Nhờ đó, chúng ta có thể đóng góp gấp trăm vào tiến trình giáo dục của thế giới.
–         Phải kiểm thảo khả năng thông đạt những gì chúng ta tha thiết cho những người chúng ta gặp gỡ trực tiếp, cũng như cho những ai chúng ta chưa có dịp tiếp xúc riêng, những người mà ta chỉ có thể giúp đỡ được nếu chúng ta thành công trong việc làm cho bầu khí xã hội được nhân bản hơn, nghĩa là thay đổi tư tưởng và thái độ sống của con người trong môi trường chúng ta đang làm việc. Về phương diện này, những phương tiện truyền thông xã hội tỏ ra có một tầm quan trọng lớn lao.
61.  Chúng ta không nên xem những mục tiêu đang theo đuổi ở đây như thể chúng biệt lập hay tách rời nhau, nhưng đúng hơn phải xem chúng là những yếu tố bổ túc cho nhau trong cùng một nỗ lực tông đồ duy nhất, đó là hướng về việc thăng tiến toàn diện cho con người.
D.    Một Thân Thể Sứ Mạng
62.  Ơn gọi Dòng Tên là phải phải phân tán để làm việc tông đồ; và chính điều này đòi buộc chúng ta ngày hôm nay phải thắt chặt và làm mới những mối dây nối kết chúng ta trong tư cách là các thành viên của cùng một thân thể Dòng.
63.  Do đó, điều hết sức quan trọng là các cộng đoàn của chúng ta phải là nhưng cộng đoàn tông đồ; và bề trên cộng đoàn phải có trách nhiệm chính giúp cộng đoàn hướng về lý tưởng này. Mỗi anh em chúng ta phải có khả năng tìm thấy từ nơi cộng đoàn mình – qua chia sẻ cầu nguyện, tâm sự với anh em, hay qua cử hành thánh lễ – những nguồn lực cần thiết để làm tông đồ. Cộng đoàn cũng phải có khả năng cung ứng cho anh một môi trường phân định tông đồ phù hợp.
64.  Tổng hội 31 đã trình bày những điều thiết yếu của đời sống cộng đoàn trong Dòng.[13] Điều xét thấy cần thêm vào ở đây là cộng đoàn phải nhất thiết có tính cách tông đồ hơn nữa, ngay cả khi các anh em trong cộng đoàn phải phân tán vì những sứ vụ khác nhau.[14]

65.  Dù làm việc chung với các anh em khác hay hoạt động riêng rẽ, nhưng điều quan trọng là anh phải nghiệm thấy được rằng mình là người được sai đi. Trách nhiệm của bề trên, sau khi trao đổi với từng anh em qua nhận định, là phải nhận ra được rằng công việc tông đồ của mỗi cá nhân tháp nhập một cách hợp lý vào sứ mạng tông đồ chung của toàn Dòng trên thế giới. Mỗi cá nhân Giê-su hữu thường nhận sứ mạng từ Bề trên Giám Tỉnh của mình; nhưng nhiệm vụ của bề trên cộng đoàn là phải làm cho sứ mạng đó thích ứng với các hoàn cảnh cụ thể của địa phương, và làm thăng tiến cảm thức liên đới của các thành viên trong cộng đoàn với nhau và với toàn thân thể Dòng.
66.  Tình liên đới với Dòng này đóng vai trò then chốt. Nó quan trọng hơn bất kỳ lý do nào khác, dù đó là lòng trung tín với các tổ chức thuộc Dòng Tên hay không thuộc Dòng Tên. Tình liên đới đó cũng phải ghi dấu ấn lên bất kỳ một dấn thân vào “sứ mạng” nào khác. “Sứ mạng” đó được Dòng bảo trợ và coi sóc. Dòng có thể làm thích nghi hoặc điều chỉnh sứ mạng đó sao cho hợp với mục đích phục vụ Thiên Chúa hơn.
67. Bề trên có trách nhiệm đặc biệt là phải mạng lại cho việc bày tỏ lương tâm một sức sống mới, nhờ đó Bề trên mới có thể tham dự vào việc giúp đỡ mỗi anh em trong việc nhận định chiều hướng tông đồ này.[15] Với sự giúp đỡ của anh em, Bề trên cũng phải thường xuyên suy nghĩ về những nhu cầu tông đồ mới và xét xem có thể làm gì để đáp ứng những nhu cầu đó. Cuối cùng, Bề trên còn có trách nhiệm khuyến khích và thúc dục những anh em còn nhút nhát, hoặc lưỡng lự, để mọi anh em có thể hòa mình trong cộng đoàn và trong công việc tông đồ. Có như thế, họ mới hăng say làm việc và dám đương đầu với những khó khăn chắc chắn sẽ đến trong sứ mạng tông đồ của họ.
68.  Dòng là một thân thể tông đồ vượt lên mọi giới hạn của cộng đoàn địa phương. Chúng ta thuộc về một Tỉnh Dòng mà tự thân nó cấu thành nên một cộng đoàn tông đồ, nhưng cũng là một môi trường trong đó việc phân định và hợp tác các hoạt động tông đồ có tâm mức lớn hơn phạm vi của nó. Hơn nữa, Tỉnh Dòng là một phần của toàn thân Dòng, một cộng đoàn và một thân thể tông đồ duy nhất.
69.  Vì thế, tất cả anh em chúng ta phải hết sức sẵn sàng và linh động trong việc tông đồ, để phục vụ sứ mạng chung của Giáo hội. Với sự trợ giúp của các Cố vấn, Bề Trên Cả phải huy động toàn Dòng trong sứ mạng chung là phục vụ Tin Mừng và thăng tiến công bình. Tuy nhiên, mọi anh em khác, nhất là các Giám Tỉnh, cũng phải góp sáng kiến và luôn luôn hợp lực với Cha Bề Trên Cả trong nhiệm vụ huy động và phối hợp này, ngay cả khi công việc đó làm xáo trộn các thói quen và nếp sống bình lặng của chúng ta trong những lãnh vực ít phổ quát hơn. Xã hội hôm nay có sự tùy thuộc lẫn nhau rất nhiều về não trạng, về các cơ cấu, về các khát vọng, kể cả khát vọng tôn giáo; vì thế, nếu muốn trung thành với sứ mạng rao giảng Tin Mừng, ta không thể bỏ qua việc phối hợp các nỗ lực chung.
E.     Những Kế Hoạch Thực Tiễn
70.  Sau đây là một số điểm cụ thể được đề ra để thực hiện những lựa chọn và đường hướng tổng quát liên quan đến sứ mạng tông đồ của chúng ta hôm nay.
Kế Hoạch Gây Ý Thức Và Nhận Định Tông Đồ
71.  Vì anh em chúng ta làm việc trong các hoàn cảnh rất khác nhau, nên Tổng hội không thể xác định một chương trình chi tiết cho việc gây ý thức và hành động để thực thi đồng loạt trong tất cả các miền những chọn lựa và đường hướng đã trình bày ở trên. Vì thế, Tổng hội xin các tỉnh và các miền tiếp tục suy nghĩ và duyệt xét lại công việc tông đồ của mình để tìm ra những phương thức hoạt động thích hợp.
72.  Đây không phải là một cuộc điều tra nhưng là việc suy tư và thẩm định dựa trên truyền thống nhận định thiêng liêng của Thánh I-nhã. Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện, bình tâm, và sẵn sàng nhận lãnh sứ mạng tông đồ.
73.  Phương pháp chung để gây ý thức và nhận định đã được phác họa trong “Thư 80 năm” (Octogesima Adveniens, số 4), được trình bày như một tiến trình tương tác liên tục giữa kinh nghiệm, phản tỉnh, quyết định, và hành động theo lý linh đạo “chiêm niệm trong hoạt động” của Dòng Tên. Mục đích của phương pháp này là để giúp chúng ta hoán cải tinh thần và lối suy nghĩ đã thành tập quán, cũng như hoán cải chính tâm hồn của chúng ta. Chính điều này gây hiệu quả đến những quyết định tông đồ của chúng ta.
74.  Tiến trình lượng giá và phân định đó phải nhất thiết đi liền với việc xác định và phân tích những vấn đề liên quan đến sứ mạng phục vụ Đức Tin và thăng tiến công bình, cũng như đi liền với việc nhìn lại và canh tân các dấn thân tông đồ của chúng ta. Chúng ta đang sống ở đâu? Đang làm việc ở đâu? Làm thế nào? Với ai? Đâu là là điều chúng ta thực sự dấn thân? Hay đang tùy thuộc? Hay đang dấn thân cho những ý thức hệ, những thế lực? Chúng ta có biết trình bày Đức Giê-su Ki-tô cho những người chưa tin không, hay chỉ biết nói cho các tín hữu mà thôi? V.v. Đó là công việc nhận định không chỉ của mỗi người, mỗi cộng đoàn, mà còn là của toàn Dòng.
Lượng Giá Liên Tục Về Công Việc Tông Đồ Của Chúng Ta
75.  Khi lựa chọn những hoạt động tông đồ, và khi xác định một số ưu tiên hay một số chương trình tông đồ, Tổng hội yêu cầu mọi người lưu tâm đến những đường hướng đã được trình bày ở trên.
76.  Khi xét lại những sứ vụ và việc sử dụng các nguồn nhân lực và các nguồn tài nguyên khác, chúng ta phải rất chú ý đến vai trò của các trường học, các tạp chí, các giáo xứ, các nhà tĩnh tâm và các hoạt động tông đồ khác mà chúng ta đảm trách trong việc phục vụ Đức Tin và thăng tiến công bình. Không chỉ những hoạt động mang tính cơ cấu mới cần duyệt xét, nhưng hoạt động tông đồ của mỗi cá nhân cũng phải qua tiến trình này.
77.  Trong mỗi tỉnh hay mỗi miền, hay ít ra ở cấp độ Vùng, phải có một guồng máy chính xác để thẩm định và xét lại các công việc tông đồ (xem Tổng hội 31, Sắc lệnh 22). Bây giờ là lúc thích hợp để lượng giá cách cẩn thận xem những những guồng bộ máy này đang được thực hiện thế nào, và nếu cần thì phải thay đổi để có những bộ máy khác hiệu quả hơn và cho phép nhiều người tham dự hơn. Hằng năm, Bề trên thượng cấp phải tường trình kết quả của tiến trình duyệt xét này lên Cha Bề Trên Cả.
Một Số Trường Hợp Đặc Biệt
78.  Tổng hội xác định tầm quan trọng của việc anh em chúng ta hiện diện và làm việc với người khác trong những lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân văn, nhất là trong những khu vực đang bị tục hóa nhất của thế giới. Tổng hội cũng nhận ra những cơ hội đích thực dành cho công việc tông đồ ở trong một số trường hợp, nhờ việc đảm nhận một nghề nghiệp hay một công việc chuyên môn không liên hệ trực tiếp đến chức năng tư tế theo nghĩa hẹp của nó.[16]

79.  Tổng hội xét thấy rằng những dấn thân như thế có thể là một phần trong sứ mạng của Dòng, nếu chúng hội đủ những điều kiện:
–         Phải là một sứ mạng do bề trên sai phái.
–         Mục đích tông đồ của nó phải rõ ràng.
–         Ưu tiên dành cho những môi trường Công giáo bị mất sức sống hay bị bỏ rơi.
–         Hoạt động phải phù hợp với những đòi hỏi của đời sống tông đồ và đặc tính của Dòng là làm tông đồ với tư cách tư tế; đồng thời phù hợp với những đặc tính thiết yếu của đời tu là đời sống cầu nguyện nội tâm, có tương quan với một Giê-su hữu bề trên và với một cộng đoàn, có đời sống khó nghèo, và một sự sẵn sàng tông đồ.
80.  Bất cứ một kế hoạch dấn thân thăng tiến công bình nào, nếu muốn mang tính thực tế, đều phải bao hàm những dấn thân vào hoạt động dân sự. Những hình thức dấn thân đặc biệt đều phải tuân theo những thể lệ chung của Giáo hội[17] và những chỉ thị Cha Bề Trên Cả đã ban hành.[18] Trong một số quốc gia, nếu cần thiết phải có những quy tắc và chỉ dẫn chi tiết hơn, thì chúng phải được Giám tỉnh – hoặc có thể là công nghị vùng – xét duyệt. Sau đó, những quy tắc và hướng dẫn này phải được trình lên Cha Bề Trên Cả để ngài phê duyệt. Khi đã được Cha Bề Trên Cả phê chuẩn, trong trường hợp có yêu cầu, các Giám tỉnh chỉ được cho phép hay từ chối áp dụng chúng sau khi đã hỏi ý kiến và được sự đồng ý của Giám mục sở tại, hay của Hội đồng Giám mục.
Hợp Tác Quốc Tế
81.  Tất cả những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta đều mang chiều kích quốc tế. Vì thế, nhất thiết phải có một sự sẵn sàng và tinh thần mở ra với sự thay đổi đích thực hầu phát huy việc cộng tác và phối hợp trên phạm vi toàn thân Dòng. Tất cả mọi Giê-su hữu, đặc biệt là những anh em trong các nước giàu có, cần nỗ lực làm việc với những người dẫn dắt dư luận quần chúng, cũng như những tổ chức quốc tế, để thăng tiến công bình giữa mọi dân tộc. Để đạt mục đích đó, Tổng hội yêu cầu Cha Tổng Quyền ủy nhiệm một cố vấn của ngài lo tổ chức sự hợp tác trong Dòng theo đòi hỏi của sứ mạng phục vụ Đức Tin và thăng tiến công bình.

Chuyển dịch: Anthony Trần Khắc Bá, SJ


[1] X. Định Thức, nhất là số 1.

[2] X. Linh thao 102.

[3] X. Cđ. Vat. II, “Ánh Sáng Muôn Dân”, 22.

[4] Linh thao 102 và 106.

[5] X. Linh thao 91-100.

[6] Định thức 1.

[7] X. Rm 5,8-9.

[8] X. Phao-lô VI, “Huấn từ cho Tổng Hội Dòng Tên 31”, ngày 3.12.1974.

[9] Về những ưu tư và thắc mắc của thời đại chúng ta, chúng ta nghe được những âm vang của Tin Mừng và tiếng nói tông đồ trong “Vui Mừng và Hy Vọng”, “Mẹ và Thầy”, “Hòa Bình Trên Thế Giới”, Thư 80 Năm”. Những văn kiện này của huấn quyền cho thấy chúng ta phải lấy đời sống và việc tông đồ để đáp lại những nhu cầu của thế giới hôm nay.

[10] Về phẩm giá con người xét như hình ảnh của Thiên Chúa, em của Đức Ki-tô, xem “Ánh Sáng Muôn Dân” số 42, “Vui Mừng và Hy Vọng” số 22,24,29,38,93, “Sứ Điệp Công đồng Vaticano II Gửi Toàn Thế giới” ngày 20.12.1962, các tuyên bố của Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971 và 1974, các huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI.

[11] Tuyên bố kết thúc của Thượng hội đồng Giám mục 1974, số 12. Xem Huấn từ bế mạc Thượng hội đồng Giám mục của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI.

[12] X. Linh thao 90, 147, 167; Mt 25,35-45; Sắc lệnh 12, Tổng hội 32 về Nghèo Khó.

[13] Xem Sắc lệnh 19, Tổng hội 31.

[14] Xem Những Chỉ dẫn của Tổng hội này về sự “Đồng Tâm Nhất Trí”, đặc biệt là về Đời Sống Thiêng Liêng Và Cộng Đoàn.

[15]  Như trên.

[16]  Xem Tổng hội 31, Sắc lệnh 23, số 12.

[17] Thượng hội đồng Giám mục 1971.

[18] ActRSJ, XV, 942.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *