Valladolid được chọn vì đó là thành phố năng động và tươi trẻ nhất ở Castilla[18]. Tất cả các bậc vị vọng của Tây Ban Nha đều phải có mặt để tiếp đón: công tước, hầu tước, nhiều giám mục, 6000 hiệp sĩ. Đó là một dịp hiếm có: nhiều người mặc quần áo dệt bằng sợi vàng hay bạc. Đó là buổi đón rước trọng thể nhất xưa nay ở Valladolid: trống, kèn, ban nhạc, các sứ thần. Trời mưa và tuyết rơi. Đám rứơc kết thúc ở nhà thờ Thánh Phaolô. Các quan đại thần, các bậc công hầu đi bộ tháp tùng vua mới. Các chị và em của nhà vua cùng với các chức sắc cao cấp Hội Thánh chờ ở nhà thờ. Hồng y Adrian chủ sự thánh lễ.
Sau lễ tuyên thệ là “mấy tháng lễ hội tưng bừng”[19]. Trong những ngày lễ hội, có thể thánh I-nhã tham dự những buổi hội diễn đua ngựa và đấu kiếm. Bên cạnh vua trên khán đài, ngoài quần thần còn có chị vua là công chúa Leonor, hai em là hoàng tử Fernando và công chúa Catalina[20]. Có lẽ đó là những ngày lễ long trọng nhất mà thánh I-nhã được tham dự. Chắc ngài ý thức những xung đột bên trong triều đình, và mặc dầu vua Carlos I là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Don Juan Velázquez de Cuellar mất chức khiến ngài hụt hững, ngài vẫn một lòng trung thành với vua và triều đình Castilla.
Năm 1981, Luis Fernández Martín công bố ba bản văn tìm thấy trong Văn khố Simancas liên hệ đến thánh I-nhã[21]. Tháng 12 năm 1518, có lẽ đang theo phó vương Navarra tháp tùng Carlos I đến Zaragoza, ngài nhờ phó vương hay ai khác trình với vua: vì bị Francisco de Oya dọa giết nên xin phép được mang võ khí. Tháng 11 năm 1519 nhân danh vua, Hội Đồng Hoàng Triều cho phép ngài mang võ khí và có một cận vệ. Phép này được nhắc lại vào tháng 3 năm 1520. Việc này đặt ra mấy vấn đề. (1) Tại sao trước đó thánh I-nhã đã bị cấm mang võ khí? (2) Đâu là nguyên do chính dẫn đến việc ngài đã bị đả thương và bị doạ giết?
Một nhà quý tộc đương nhiên có quyền mang võ khí. Thánh I-nhã bị cấm? Sau vụ Azpeitia 1515? Hay là vì đã sử dụng võ khí bừa bãi ở Arévalo? Dầu sao đi nữa, bị cấm mang võ khí là một điều sỉ nhục.