Sau một thời gian dài thương lượng, cuối cùng, ngày 28 tháng 3 năm 2010, hai bức tranh sơn dầu khổ nhỏ của họa sĩ thuộc trường phái Tượng trưng (Symbolism) Pháp Edgard Maxence (1871-1954), từ bảo tàng Saint-Nazaire cũng đã được chuyển nhượng về bảo tàng Orsay-nổi tiếng ở Paris. Theo các nhà quản lý ở bảo tàng Orsay: “Đây là một tin vui!”
Cả hai bức tranh đều vẽ về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (*).
Edgard Maxence vẽ hai bức tranh này trong năm 1932. Ngay sau đó, cả hai, đã được chính phủ Pháp mua và đưa về trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Paris. Một thời gian ngắn sau, cả hai, được chuyển nhượng cho bảo tàng Luxembourg, Paris, và ở đó cho đến năm 1949. Từ 1949 đến 2010, cả hai lại được chuyển nhượng cho bảo tàng Saint-Nazaire.
Việc các nhà quản lý ở bảo tàng Orsay thiết tha muốn có hai bức tranh này, được giải thích như sau:
Một, họa sĩ Edgard Maxence, càng ngày, càng được nhìn nhận như một đại diện tiêu biểu của nền hội họa Hàn Lâm Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – một vị thế mà trong nhãn quan Hiện đại chủ nghĩa, cả một thời gian dài, người ta đã muốn loại trừ…
Hai, cả hai bức tranh đều thật đẹp. Một vẻ đẹp dung dị và thánh thiện. Đó là sự dung hòa hoàn hảo giữa phong cách Tiền-Raphael yêu chuộng sự duyên dáng, tao nhã và mang tính hình thức với sự thành kính hướng đến vẻ đẹp cao cả, nghiêm nghị của nghệ thuật Công giáo đầu thời Phục hưng…
Ba, đây là hai tuyệt tác nghệ thuật hiếm hoi về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Nghệ thuật phương Tây từ nửa sau thế kỷ XIX không còn sốt sắng với các hình tượng Thánh như xưa. Sự hiếm hoi này, đã khiến cho hai tác phẩm Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu của Edgard Maxence trở nên đặc biệt quý giá, có sức lôi cuốn lớn đối với đại chúng. Sự có mặt của chúng, được hy vọng, là sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của bảo tàng Orsay.
Dường như, các nhà quản lý ở bảo tàng Orsay đã đúng. Chỉ trong vòng một năm kể từ khi đón tranh về bảo tàng, hàng triệu ấn phẩm in dập nổi từ bức tranh thứ hai đã được bán hết. Dưới đây là ảnh phiên bản đó:
Về bức tranh thứ nhất – đặc tả chân dung Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu – với người xem bình thường, có vẻ như là một bức tranh dang dở, hay chỉ như là phác thảo cho bức tranh thứ hai. Tuy nhiên, với các nhà phê bình, và người trong giới mỹ thuật nói chung, đây là một tác phẩm thực sự đặc sắc.
Sự “buông bỏ”, để nguyên những vệt màu xao động ở phần thể hiện khăn choàng đầu và cổ, dường như được tiếp thu từ các họa sĩ Ấn tương. Nó làm cho cái vẻ đẹp sáng láng và thuần khiết nơi chân dung vị Thánh như đang lan tỏa, và cả bức tranh trở nên lấp lánh, sinh động…
Bức tranh thứ hai, có cấu trúc hình diện của một bức “tranh thờ” điển hình – vừa dễ hiểu vừa nghiêm nghị. Nhưng thêm một lần nữa, chính phần chân dung đã làm cho tác phẩm có một trữ lượng cảm xúc hết sức khó tả…
Chân dung Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu trong bức tranh thứ hai
Một giám tuyển (Art Curator) ở bảo tàng Orsay, trong lần đầu tiên giới thiệu tác phẩm với công chúng, đã nói: “Bức chân dung vừa rất thực vừa toát lên một vẻ đẹp siêu thoát lạ thường. Đây quả thực là hình ảnh của một vị Thánh mà bằng tình yêu và sự hy sinh của mình đã hóan cải các linh hồn!”…
*
Thêm nữa, khi nói về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, không thể không nói đến Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa ở Lisieux (Basilique Sainte-Thérèse de Lisieux), một công trình kiến trúc Công giáo được xem là lớn nhất ở thế kỷ 20.
Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa ở Lisieux, được bắt đầu xây dựng vào năm 1929 và mãi đến năm 1954 mới chính thức hoàn thành. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ (có sức chứa đến 4.000 người) theo phong cách La Mã, Byzantine, được cho là lấy cảm hứng từ Vương cung Thánh đường Sacré-Coeur nổi tiếng được xây dựng trước đó mấy mươi năm (1875-1814), ở Paris.
Dự án xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa này, được đưa ra bởi các Giám mục Bayeux, Lisieux, Lemonnier, và được sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Piô XI. Gần như cả thế giới Công giáo đã đóng góp tiền bạc và công sức để thực hiện công trình.
Tác giả của Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa ở Lisieux là các kiến trúc sư: Louis Marie Cordonnier (1854-1940), Louis-Stanislas Cordonnier (1884-1960), điêu khắc gia Robert Coin (1901 – 2007) và họa sĩ Pierre Gaudin (1908-1973) – những tên tuổi nổi tiếng ở Pháp đương thời.
Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa ở Lisieux có hình dáng như một cây thánh giá Latinh đặt nằm với mái vòm cong ở giữa. Kiến trúc này cho phép loại bỏ các cột chống phụ giúp thông thoáng ở mọi góc nhìn, và giảm nhẹ trọng lượng trần khiến cho việc trổ những khung cửa kính từ trên cao đón ánh sáng tự nhiên trở nên dễ dàng hơn… Gần như hầu hết phần nội thất của Vương cung thánh đường được phủ kín bởi những bức tranh và những họa tiết trang trí bằng đá mài có màu sắc rực rỡ…
Qua những hình ảnh minh họa dưới đây, có lẽ, tôi không cần phải mô tả thêm về vẻ đẹp kỳ vĩ và linh thiêng của Vương cung thánh đường này nữa.
Điểm đặt biệt nơi Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa ở Lisieux là sự có mặt của những gian thờ đại diện cho 18 quốc gia sùng kính Thánh Têrêsa đặt ở hai bên cánh ngang. 18 quốc gia này gồm có: Mexico, Tây Ban Nha, Ý, Ukraine, Chile, Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha, Mỹ, Colombia, Anh, Scotland, Đức, Cuba, Ireland, Canada, Bỉ, Ba Lan. Đây chính là những quốc gia đã đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng Vương cung thánh đường…
Tầng hầm có chiều cao đến 37m bên dưới Vương cung thánh đường được xem là không gian đặc biệt nhất. Đây là nơi dành riêng cho việc tôn kính Thánh Têrêsa.
Tầng hầm này, được trang trí bằng đá cẩm thạch với những bức tranh đá mài kể lại cuộc đời và công nghiệp của vị Thánh.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, tầng hầm Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa là nơi “trú ẩn an toàn nhất” đối với cư dân ở Lisieux.
Trong khuôn khổ một bài giới thiệu ngắn, tôi xin tạm dừng ở đây. Chỉ xin nói thêm: Cùng với sự nổi tiếng ngày càng gia tăng của vị Thánh trẻ, Vương cung thánh đường Thánh Têrêsa ở Lisieux, ngay sau khi hoàn thành, đã trở thành điểm hành hương lớn thứ hai ở Pháp, chỉ sau Lourdes (một trung tâm hành hương nổi tiếng “thiêng liêng” nằm trong vùng hành chính Midi-Pyrénées, thuộc tỉnh Hautes-Pyrénées, miền tây nam nước Pháp – tham khảo thêm: http://vi.wikipedia.org/wiki/Lourdes). Ngày nay, mỗi năm, trung bình có hơn hai triệu du khách đến thăm Vương cung thánh đường…
Nguyên Hưng
(*) Trong “Lịch sử Linh đạo” (Histoire de la Spiritualité) xuất bản năm 1994, hai học giả người Pháp Raymond Darricau và Bernard Peyrous đã viết về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tóm tắt như sau: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897) tuy đến khi về với Chúa chỉ mới 24 tuổi, nhưng đã để lại một ảnh hưởng lớn “đáng kinh ngạc” lên đời sống tâm linh Công giáo toàn cầu. Ảnh hưởng này bắt đầu từ khi cuốn tự truyện của Người mang tên “Câu chuyện của một linh hồn” được xuất bản và gây được tiếng vang lớn. Cuốn tự truyện này đã được chuyền tay nhau đọc khắp thế giới nhờ được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Người ta nhận thấy rằng, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, với “con đường nhỏ” của mình, đã mở ra một linh đạo, và thậm chí là một cách sống thánh thiện thích hợp cho tất cả các tín hữu Công giáo. Bằng chính cuộc sống hết sức thầm lặng, khiêm tốn của mình, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chứng minh: sự thánh thiện là điều có thể đạt tới ngay trong một cuộc sống rất “đời thường”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu không chìm vào những trạng thái thần bí. Thái độ phó thác hoàn toàn vào Chúa cho đến cả những điều nhỏ bé nhất là phương cách để Chúa có thể biểu lộ tình yêu mãnh liệt và lòng khoan dung vô bờ của Ngài đối với mỗi người. Không thể bàn về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nếu không đặc biệt để tâm tới tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã cầu xin cho lòng yêu thương trở lại với con người. Như vậy, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã đưa vào bên trong thế giới tâm linh một phương cách mới để gần gũi Chúa Giêsu, gần gũi trong tĩnh lặng và an bình.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong chân phước năm 1923, và phong thánh vào năm 1925.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110929/12788