Cho dù ở đâu, đi đâu hay làm gì, trong khả năng hết sức có thể, tôi – một tín hữu công giáo được mời gọi dành thời gian thích hợp trong ngày Chúa Nhật đến nhà thờ để thờ phượng, ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh lễ. Nhưng ngày Chúa Nhật hôm nay khác lạ quá! vì dịch Covid-19 mà hầu hết các nhà thờ phải tạm ngưng cử hành Thánh lễ tập trung đông người với thông báo công khai, rõ ràng. Giáo xứ tôi cũng không ngoại lệ.
Quyết định tạm ngưng cử hành Thánh lễ tập trung đông người vì Covid khiến những cụ già trên 80 tuổi ở xứ tôi thấy hụt hẫng, chưa kịp hiểu; các em thiếu nhi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng khi nếp sống đạo đức, sinh hoạt Giáo lý ngưng trệ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta chia sẻ rất nhiều về những trường hợp linh mục không cầm được nước mắt khi cử hành Thánh lễ trong ngôi Thánh đường rộng thênh thang nhưng lại vắng lạnh vì không có giáo dân tham dự. Cha Quản xứ giáo xứ chỗ tôi cũng nghẹn lời trong lúc dang rộng đôi tay cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em”, và trong khi dâng lời Vinh Tụng Ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, …” Cũng phải thôi, tâm tư người Mục Tử mà!
Tôi tự hỏi rằng tình trạng hiện tại có thật sự u ám và bi quan quá không? Chợt một ý tưởng đến khiến tôi phần nào cảm nghiệm được sức sống đức tin và niềm hy vọng mới nơi Giáo hội như thời sơ khai, bị bách hại:
- Khi xưa, người Công giáo bị cường quyền bách hại, cấm cản công khai thì nay các tín hữu bị tấn công bởi những siêu vi trùng, âm thầm và len lỏi. Tuy nhiên, lịch sử đã minh chứng rằng dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Giáo hội vẫn nảy sinh một sức sống đức tin sống động theo những cách thức khác nhau.
- Với cuộc sống hiện đại, ngày Chúa Nhật thường là dịp tụ tập vui chơi giải trí, ồn ào và náo động nhưng nay lại im ắng lạ thường. Tất cả các thành viên sum vầy bên gia đình. Họ cùng nhau trang trí lại bàn thờ tư gia cách đặc biệt hơn với hương, hoa, đèn, nến để chuẩn bị tham dự Thánh lễ, đọc kinh, lần hạt, cầu nguyện cho gia đình, giáo xứ, Giáo hội, anh chị em đồng nghiệp, các nhân viên y tế, Tổ quốc và Thế giới được bình an trước cơn đại dịch này. Họ cảm thông, sẻ chia và nâng đỡ người khác nhiều hơn.
- Trong thời đại công nghệ 4.0, người tín hữu bị cuốn hút vào những show thời trang bỏng mắt, những chương trình ca nhạc sôi động, những bộ phim uỷ mị, những trò chơi điện tử bạo lực; thì nay các Thánh lễ trực tuyến, chia sẻ Lời Chúa, bài giảng của Đức Thánh Cha, Đức Cha và quý cha được “lên ngôi”. Tôi nhận thấy rằng:
a/ Hôm nay là lần đầu tiên người Công giáo trong cùng gia đình với trang phục chỉnh tề, đứng,
quỳ gối để tham dự Thánh lễ trực tuyến và cùng hiệp thông cầu nguyện cho nạn dịch chóng qua.
b/ Tôi tin chắc là lượng khán giả truyền hình giải trí hôm nay sẽ giảm đi và lượng truy cập các trang Công giáo tăng cao. Như thế, chắc là dịch vụ đăng ký kết nối wifi cá nhân và dung lượng truyền tải internet nâng cấp các trang mạng Công giáo kể từ ngày mai sẽ tăng đột biến.
Hôm nay, tạm gọi là Chúa nhật buồn đối với hầu hết người Công giáo, nhưng tôi sẽ không bi quan vì đây là cơ hội để giúp tôi tái khám phá căn tính Ki-tô hữu và sống đức tin của mình trong thời khắc nguy khốn này. Đặc biệt, chỉ vài ngày nữa là đến ngày Lễ Đức Giêsu Phục sinh vinh hiển – niềm hy vọng cho mọi tín hữu. Tôi tin và tôi hy vọng Chúa có cách của Ngài và nhân loại sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa.
Khi viết những dòng tâm sự này, tôi càng xác tín và tự hào vì mình là tín hữu trong một Giáo hội Duy Nhất- Thánh Thiện- Công giáo và Tông Truyền.
Dương Sơn, ngày 29/03/2020
Phaxico Atxidi Ngọc Tăng Phạm
Giáo xứ Dương Sơn – Giáo phận Huế
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)