Khát Thánh Lễ muốn chết được

           

Một buổi chiều nắng nhẹ trong những ngày giãn cách xã hội, tôi và em trò chuyện qua màn hình máy tính. Cuộc gặp gỡ tuy gần nhưng lại xa, tuy xa thật đấy mà hóa ra gần. Lặng một khoảng, em nói với tôi: “em khát thánh lễ muốn chết được”

Lâu lắm rồi, hai anh em chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau trên mạng xã hội. Một phần vì giờ giấc trái nhau, phần khác vì em phải bận rộn kiếm việc làm thêm giữa mùa cách ly xã hội. Chúng tôi quen nhau cách tình cờ qua một buổi sinh hoạt sinh viên Công Giáo. Thật tình mà nói, em đam mê làm việc và ước mơ làm giàu cách cuồng nhiệt hơn hẳn các bạn khác trong nhóm sinh viên mà tôi biết. Em cũng có nhiều hoài bão. Điều em ôm ấp và khao khát nhất đó là ước chi Giáo Hội cho phép giáo dân tham dự thánh lễ và xưng tội qua mạng “online” để em có nhiều giờ hơn để đi đây đi đó.

 Ban đầu, tôi thấy lạ lùng khi ngồi nghe mong ước của em. Tôi hỏi lại: “thế sao em thích lễ với xưng tội qua mạng hơn là đi đến nhà thờ thế?”. “Nói chung là gò bó lắm thầy ạ, em thích cái gì hiện đại và thích nghi hơn kìa, đơn giản thế thôi”: em trả lời tỉnh queo trong khi đầu tôi đang vẫn vơ với những nỗi niềm riêng cõi.

Đại dịch ập đến như lưỡi hái tử thần rảo khắp nẻo địa cầu. Đâu đó, con người ta thấy trên báo chí, trên những đoạn phim quay lén tại vùng tâm dịch rồi những lời nói truyền tai nhau về những cuộc ngã xuống. Từng người rồi nhiều người lặng lẽ ra đi, hữu hóa không trong lòng đời còn u ám. Chưa biết con số sẽ dừng lại ở bao nhiêu nhưng đã nhiều số phận được đặt dấu chấm hết vì cơn dịch. Cuối cùng, Giáo Hội cũng đã có hướng dẫn cụ thể rằng: “tạm dừng các thánh lễ cộng đồng” để chung tay ngăn ngừa và đẩy lùi đại dịch.

Xóm đạo từ đó vắng tiếng chuông, nhà thờ thiếu tiếng kinh cầu. Thánh lễ chuyển sang hình thức xem trực tuyến, các nhóm sinh viên chuyển qua cầu nguyện và tĩnh tâm mùa chay từ tụ họp sang ngồi lẻ loi trước màn hình máy tính. Mọi thứ dường như được “tắt nguồn”.

Bỗng nhiên, em nhắn tin cho tôi vào một chiều nắng hạ. “Thầy ơi! Em khát thánh lễ muốn chết được”: em nhắn tin ngắn ngủn như thế cho tôi. Tôi hỏi em: “chẳng phải giờ em có thể tham dự Thánh Lễ tại nhà rồi sao? Chỉ có xưng tội là chưa thôi?”. Em dành một khoảng lặng giữa cuộc trò chuyện rồi nói tiếp: “Cho em rút lại đi thầy ạ, em khát thánh lễ, em khát luôn gặp gỡ các bạn trong nhóm, em cũng khát luôn những cái nắm tay, chẳng được đến nhà thờ mà ở nhà cầm điện thoại riết cũng chán lắm rồi.”

Con người ta cũng thật lạ lùng, bình thường lại thích sống một cõi riêng tư với chiếc điện thoại và khi bị bắt buộc phải giữ khoảng cách với nhau lại mong ước được sát kề. Hóa ra trong cuộc sống hiện đại, con người ta cũng khát nhiều thứ lắm chứ. Công nghệ tiên tiến, văn minh tột bậc, hiện đại tối tân cũng không thể lấp đầy cái nỗi niềm sẻ chia nơi cõi thẳm sâu của con người. Cái thuần túy đó người ta gọi là “tương quan”.

“Em khát thánh lễ, em khát gặp gỡ các bạn và em khát những cái nắm tay”. Những cái khát tưởng chừng như đơn giản lại hóa xa xỉ quá đỗi. Người ta vẫn thường thấy tại các quán cà phê, trên các băng ghế đá công viên… những nhóm bạn hẹn nhau rồi chỉ để mỗi người một điện thoại để tương tác trong thế giới ảo diệu nhiều lớp che dấu. Đâu đó, người ta vẫn để lọt vào ống kính của những nhà nhiếp ảnh về cuộc sống thời đại số cảnh người người ngồi cạnh nhau nhưng mỗi người lại đang chìm trong cõi khác.

Lặng lẽ dạo bước dưới hàng cây dầu vào mùa thay lá, tôi chợt hỏi: “liệu công nghệ có thể thay thế cho những cuộc gặp thể lý không? Sao mà tương tác giữa người hiện nay lại sang chế độ phức tạp quá? Thay vì trò chuyện trực tiếp, họ lại thêm đường truyền 3G, 4G rồi sắp đến là 5G để biểu đạt cảm xúc, nỗi niềm với từng dòng chữ vô hồn dù người cần nghe chỉ cách đó chưa đến 1 mét. Cho dẫu người ta có uống no say những tiện ích của sản phẩm công nghệ mang lại hay có lúc chếnh choáng với những lối sống văn minh thì họ vẫn cần những cái nắm tay nồng ấm, những cuộc gặp gỡ thân tình, những thánh lễ với ca đoàn, giúp lễ đồng thanh lời thưa đáp sốt sắng. Những mối tương quan trực tiếp vẫn là dòng nước giải khát cho những tâm hồn khát tình thân thương mến. Dù có thể gặp nhau, thấy nhau qua màn hình với khoảng cách xa xôi vạn dặm, nhưng con người vẫn mong có những cuộc hạnh ngộ. Đơn giản là vì con người đâu thể ôm trọn cái nồng ấm của nhau qua màn hình sinh động. Cơn khát tương quan vẫn trào tràn trong tim mỗi người.

Lướt qua những người bạn tôi quen trên mạng xã hội, ghé thăm trang cá nhân của một vài bạn trẻ cùng giáo xứ, tôi thấy một cơn khát thánh lễ trào lên. Cơn khát ấy âm thầm thôi nhưng cũng mạnh mẽ lắm. Những hình ảnh kèm theo dòng trạng thái “thèm đi lễ muốn phát điên”, “nhớ mấy đứa nhỏ trong lớp giáo lý quá”, “không biết người ta cho mình đi lễ lại chưa ta?”, “lâu rồi không nghe tiếng chuông nhà thờ”… Điều làm tôi bất ngờ hơn là có những dòng tâm sự về nỗi niềm nhớ nhung thánh lễ sớm hôm lại từ những bạn trẻ vốn dĩ mê đi làm hơn đi lễ.

Đời con người ta có thể gặp những cơn khát. Có những cơn khát chỉ thuộc về thể lý. Những cơn khát tinh thần cũng xen kẽ vào đời bôn ba của kiếp người. Khát gì thì khát, nhưng khát Chúa và khát anh em là phải được giải khát ngay. Vài tuần lễ cách ly xã hội là những tháng ngày giúp cho mỗi người cảm nếm sự ngọt ngào của tình thân với những người xung quanh. Một khoảng lặng nơi các xứ đạo lại làm cho nỗi niềm khao khát được cất lời ca Chúa lại được dâng trào.

Khát Chúa, khát anh em, khát thánh lễ đã trở nên những kinh nghiệm tuyệt đẹp nơi tâm hồn mỗi người tín hữu trong cơn đại dịch. Cơn khát trong đời thì nhiều nhưng chỉ có một vài cơn khát là quan trọng mà thôi. Nhìn về những hàng ngói đỏ thẫm của nhà nguyện đã no căng lộc trời khi được gột rửa bởi những nàng mưa đầu mùa, lòng tôi hóa lâng lâng khi cảm nghiệm về những tâm hồn khô cằn đã tìm và uống thỏa thuê trong dòng nước ngọt lành của Chúa và nơi những người thân yêu giữa mùa dịch.

Tu sĩ. JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *