Sau một khoảng thời gian sống tại thế, thực thi những việc lành phúc đức, bị giết chết và đã sống lại, Đức Giêsu trở về Trời, là nơi Ngài đã ở trước đó. Các thánh sử đã nói về sự kiện này rất vắt tắt, ngắn gọn và hết sức bình thường, chứ không mô tả nó theo một cách thức hùng tráng và ly kỳ như những thước phim hay truyện cổ mà ta vẫn đọc. Tuy nhiên, nếu dành giờ suy nghĩ trong tâm tình cầu nguyện, ta sẽ thấy ẩn chứa nơi biến cố này những ý nghĩa hết sức thâm thúy và cả một lời mời gọi không thể cưỡng lại được.
Đức Giêsu về Trời. Ngài là con người đầu tiên được trở về nhà, kể từ khi tổ tiên loài người phạm tội. Ngày Adam và Eva bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, cửa Thiên Quốc cũng đóng kín bấy lâu nay. Kể từ đó đến nay, không một con người nào được phép trở lại chốn hạnh phúc miên viễn ấy. Hậu duệ của họ phải sống một kiếp tha hương không bến đỗ, lây lất chỗ này chỗ kia. Đức Giêsu, trưởng tử của mọi loài, là con người đầu tiên mở toang cánh cửa đã bị niêm phong ấy. Đã đành đấy là nhà của Ngài trước khi giáng thế, nhưng lúc ấy, Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, mang bản tính Thiên Chúa, chứ không phải một Đức Giêsu có xương có thịt vừa là Thiên Chúa, vừa là con người như lúc này.
Khi Đức Giêsu bước vào cổng Thiên Đàng, Ngài đã mang theo cả bản tính con người về cùng Cha với mình. Từ đó, Ngài khơi lên trong chúng ta một niềm hy vọng lớn lao là một ngày nào đấy, chính chúng ta cũng sẽ được bước vào nơi ấy, nơi ngập tràn hào quang và ánh sáng nhiệm mầu của Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu về Trời, không phải để tìm về chốn an nhàn cho riêng mình, nhưng như chính lời Ngài nói: Ngài đi là để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta để mai ngày, chúng ta cũng có một chỗ đứng bên cạnh Ngài. Cuộc hội ngộ khi ấy sẽ chẳng bao giờ tan.
Hình ảnh Đức Giêsu bước vào Thiên Đàng gợi cho chúng ta nghĩ đến cuộc khải hoàn quang vinh. Sở dĩ có được khoảnh khắc này, chính là nhờ Ngài đã can đảm đương đầu với thế lực sự dữ với tất cả sức mạnh từ niềm tín thác vào Cha. Ngài đã hiên ngang tiến thẳng vào tâm điểm của bóng tối để đánh đổ tất cả mọi âm mưu và quyền lực của tử thần. Ngài đã dũng cảm vác thập giá lên đồi cao và Ngài đã biến cây thập giá ấy thành vũ khí chiến đấu bất bại. Từng vết sẹo trên thân thể Ngài là dấu tích của một tình yêu bao la khôn kể xiết.
Giờ đây, Ngài về với Cha, Ngài hân hoan kể cho Cha biết là Ngài đã yêu Cha và thực thi những lời Cha truyền như thế nào, rằng Ngài đã có kinh nghiệm sống trong kiếp phàm nhân đầy ngang trái ra sao. Trong kiếp sống ấy, Ngài đã nỗ lực không ngừng để trao ban tình thương và âm thầm phục vụ người khác. Ngài đã không ngớt lời chia sẻ về Cha dấu yêu của mình cho bao người Ngài gặp gỡ. Ngài đã làm những phép lạ để trợ giúp những người nghèo, người bệnh, người bị xã hội bỏ rơi. Những gì Cha muốn Ngài làm, Ngài đã hoàn thành cách xuất sắc. Và giờ đây, nơi cung lòng ngọt ngào của Cha, Ngài vui hưởng niềm an vui thần nhiệm.
Một ngày nào đó, khi ta phải đối diện với Chúa Cha, ta cũng sẽ có cùng một thái độ như Giêsu chứ? Ta sẽ hân hoan chạy đến bên Ngài, khoe với Ngài những vết thương, là những chiến tích trong cuộc chiến đấu trường kỳ của ta, hay ta sẽ cúi đầu xuống, hổ thẹn vì đã chưa một lần dám chịu đau chịu khổ vì chân lý của Ngài? Chúa gửi ta đến trần gian này là để ta chiếu rọi ánh sáng của Chúa cho thế gian đầy tăm tối, để ta ướp mặn trần đời nhạt nhẽo này. Ta có chu toàn điều ấy không, hay chính chúng ta cũng bị bóng tối âm u của thế gian phủ lấp, và chính cuộc sống của chúng ta còn lạnh lùng và băng giá hơn cả người khác?
Sống trên đời này, chẳng bao giờ ta thấy mình không bị lôi vào những cuộc chiến nội tâm: chiến đấu giữa thiện và ác, giữa lòng quảng đại với sự ích kỷ, giữa việc cho đi và thu vén… Thay vì noi gương Đức Giêsu, ta dường như thấy mình thích thỏa hiệp nhằm mưu cầu thỏa mãn cho bản thân, hơn là đương đầu, chịu mang thương tích vì chân lý. Ngày nào đó, khi về với Cha, ta có gì tốt đẹp để khoe với Ngài không? Ta có dành sẵn món quà nào đó Ngài thích để tặng cho Ngài không?
Biến cố Đức Giêsu về Trời nhắc nhớ chúng ta một điều hết sức quan trọng, mà nhiều khi vì quá bận rộn với việc mưu sinh nên chúng ta hay quên, đó là: ngôi nhà thật sự của chúng ta không phải ở dưới thế này, nhưng là ở trên kia, nơi cung lòng của Thiên Chúa. Chúng ta sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hành trình tại thế chỉ là một cuộc hành hương tạm bợ, là một cuộc hồi hương về đất hứa. Nơi thế gian này, ta vừa được thử thách, vừa được tôi luyện qua những cuộc chiến lớn nhỏ diễn ra trong cuộc sống và nội tâm của mình.
Cánh cổng Thiên Đàng đã được Người Anh Cả Giêsu dùng giá máu và cây thập giá mở toang. Người Anh ấy vẫn hằng dõi mắt theo chúng ta, trợ giúp chúng ta, khuyến khích chúng ta hăng hái lên đường làm chứng cho tình yêu Chúa, đón nhận lấy hết tất cả những đau thương mà cuộc đời mang đến vì danh nghĩa môn đệ của ta. Có một chỗ đã được dọn sẵn cho ta trên Thiên Đàng rồi, ta có đủ niềm tin và hy vọng để phấn đấu, tìm đến chỗ đó không? Điều đó tùy thuộc vào việc ta có những vết thương ở tay, ở chân, ở cạnh sườn để khoe với Chúa Cha, như Đức Giêsu đã làm không.
Ước gì chúng ta luôn biết kêu xin Chúa để Người ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta hướng nhìn về Trời mà thẳng tiến!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ