Gặp Chúa giữa đời thường

Nhiều bạn trẻ ngày nay có khao khát gặp Chúa. Nhiều người trong số họ chia sẻ rằng họ thường khó gặp được Chúa vì họ quá bận rộn với công việc hàng ngày. Họ không có thời gian tham dự những khóa tĩnh tâm. Có người chia sẻ rằng vì họ là giáo dân, không phải các linh mục tu sĩ nên khó gặp được Chúa. Những chia sẻ của các bạn trẻ ở trên phản ánh quan niệm khá phổ biến nơi nhiều người chúng ta đó là để gặp được Chúa thì cần phải đi tĩnh tâm, để gặp được Chúa thì cần phải thánh thiện.

Quan niệm trên chỉ đúng một phần nào đó. Một cuộc gặp gỡ đích thực luôn luôn là một cuộc gặp gỡ hai chiều, nghĩa là Thiên Chúa đến gặp chúng ta và chúng ta đến gặp Thiên Chúa. Biết được cách Thiên Chúa xuất hiện, chúng ta sẽ biết làm thế nào để có thể gặp được Ngài. Ngày Lễ Hiển Linh nói cho chúng ta nhiều điều về cách Thiên Chúa thường xuất hiện và cách chúng ta có thể gặp Ngài.

Trong lịch phụng vụ của Giáo hội, Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng sinh là Lễ Hiển Linh. Từ “hiển linh” đã diễn tả phần nào ý nghĩa của ngày lễ này. Theo truyền thống của Giáo hội, lễ Hiển Linh cử hành việc Chúa Giêsu Kitô tỏ mình cho ra cho dân ngoại. Nói một cách dễ hiểu, hiển linh là việc Chúa Giêsu “ra mắt” công chúng. Chúng ta có thể ví việc Chúa Giêsu hiển linh giống với việc đăng quang của các vua chúa thời xưa. Màn “ra mắt” của Chúa Giêsu đã được thánh sử Matthêu ghi lại trong trình thuật về việc các nhà chiêm tinh đến bái lạy Chúa Giê-su Hài Nhi[1]. So với màn ra mắt của các vua chúa, màn “ra mắt” của Chúa Giêsu có nhiều điều khác biệt.

Thứ nhất, Chúa Giêsu đã tỏ mình một cách hết sức âm thầm và lặng lẽ. Không có nhiều người hay biết về sự xuất hiện của Ngài. Tin mừng Matthêu kể lại rằng chỉ có mấy nhà chiêm tinh đến từ phương Đông nhận ra sự xuất hiện của Ngài và lên đường tìm kiếm dưới sự hướng dẫn của một ngôi sao trên bầu trời. Dân chúng ở thành Giêrusalem không hay biết về việc Chúa Giêsu ra đời. Khi các nhà chiêm tinh đến hỏi họ về nơi ở của Chúa Giêsu, họ đã rất ngạc nhiên và bàn tán xôn xao.

Thật ra, việc Chúa Giêsu xuất hiện đã được các ngôn sứ tiên báo từ xa xưa. Các ngôn sứ đã dự báo rằng vị lãnh đạo Ít-ra-en sẽ ra đời ở Bê-lem. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu ra đời, ngoài cha mẹ của Ngài và một số mục đồng, không ai biết về sự xuất hiện của Ngài. Lễ đăng quang của các vua chúa thường là dịp đại lễ của cả một quốc gia. Lễ đăng quang không thể thiếu sự hiện diện đông đảo của dân chúng và các vị khách quý. Tuy nhiên, trong lễ ra mắt của Chúa Giêsu, chỉ có các nhà chiêm tinh hiện diện, thờ lạy và dâng các tặng phẩm. Khó có một vị vua nào có màn ra mắt âm thầm và lặng lẽ như Chúa Giêsu.

Thứ hai, trong lễ “ra mắt” của Chúa Giêsu, chỉ có dân ngoại hiện diện. Đáng lý ra với tư cách là Vua được Thiên Chúa hứa ban cho dân It-ra-en, thì dân Ít-ra-en phải hiện diện cùng với các nhà chiêm tinh khi Chúa Giêsu “ra mắt”. Trong lễ đăng quang của các vua chúa, bên cạnh sự tham dự của vô số khách mời là những nguyên thủ và chính khách của những quốc gia lân bang, không thể không kể đến sự hiện diện đông đảo của thần dân. Thế nhưng, trong lễ ra mắt của Chúa Giêsu, không hề có sự hiện diện của dân It-ra-en, mà chỉ có các nhà chiêm tinh vốn có nguồn gốc chủng tộc và tôn giáo xa lạ với dân It-ra-en.

Chắc hẳn chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao Chúa Giêsu lại chọn cách ra mắt hết sức âm thầm và lặng lẽ như thế? Và tại sao Ngài lại tỏ mình ra cho những người dân ngoại?

Có lẽ Chúa Giêsu đã chọn tỏ mình ra theo cách âm thầm và lặng lẽ vì Ngài muốn như vậy. Thiên Chúa dường như thích đến gặp gỡ con người trong những khung cảnh đơn sơ của đời sống thường ngày để Ngài dễ dàng gặp gỡ chúng ta và để chúng ta dễ dàng gặp gỡ Ngài. Như thế, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong cuộc sống thường ngày của mình. Những con người chúng ta gặp gỡ, những công việc chúng ta làm, những khó khăn chúng ta đang phải đối diện, hay những thành công chúng ta gặt hái được đều có thể là nơi để Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta và cho chúng ta gặp được Ngài. Ở đây chúng ta không thể không nhắc đến Bí Tích Thánh Thể. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu đã hiển linh theo cách thức rất âm thầm, đơn sơ và khiêm tốn đến nỗi chúng ta có thể dễ dàng gặp gỡ Ngài hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho cả dân ngoại vì dường như Ngài muốn gặp gỡ mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, giai cấp và cả tôn giáo. Nói cách khác, ai cũng có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Bất luận chúng ta là ai, cho dẫu không có địa vị gì trong xã hội, hay bị những người khác xem thường, hay tội lỗi ngập đầu ngập cổ, thì chúng ta vẫn luôn có thể gặp được Thiên Chúa. Trong con mắt của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều có một vị trí đặc biệt. Thiên Chúa luôn muốn xuất hiện trước chúng ta, bất kể chúng ta là ai.

Như thế, không chỉ chúng ta có khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là khởi nguyên và cùng đích của vũ trụ vạn vật, mà chính Thiên Chúa cũng muốn tỏ mình ra cho chúng ta, muốn gặp gỡ chúng ta và để chúng ta gặp được Ngài. Hơn thế nữa, Thiên Chúa thường tỏ mình ra theo cách thức âm thầm, lặng lẽ, không phân biệt sang hèn, để bất kỳ ai cũng có thể gặp gỡ Ngài trong chính cuộc sống thường ngày của mỗi người.

Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Tuấn, SJ

………….

[1] Mt 2,1-12

Kiểm tra tương tự

Thầy Phó tế Giuse Trần Ngọc Huynh, S.J. – Nguyện sống đời phục vụ, trở nên bạn đường của Thiên Chúa

  Vào ngày 3/12/2024, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, Tổng Giáo …

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *