Ánh Sáng trên đường đời

 

Ánh Sáng trên đường đời (Mt 2,1-12)

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

Trong chương đầu tiên của Tin Mừng thứ nhất, chúng ta đã tìm hiểu và suy niệm về gia phả của Chúa Giê-su, cũng như biến cố truyền tin của Thiên Thần dành cho thánh Giu-se. Qua đó chúng ta nhận ra được sự hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử Ít-ra-en và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân tộc này, nhưng cũng vượt qua dân tộc này để ơn cứu độ đến với muôn dân. Chúng ta cũng nhận ra sự công chính của thánh Giu-se, dù ở trong hoàn cảnh éo le, nhưng thánh nhân đã kiên trung sống tinh thần công chính, bỏ đi những dự định và kế hoạch của mình, để đón nhận và thực thi sứ mạng cùng thánh ý Chúa cách trọn hảo.

 

Tiếp nối với hai trình thuật trên, thánh Mát-thêu kể tiếp cho chúng ta nghe về biến cố khác cũng rất thú vị. Đó là câu truyện các nhà chiêm tinh xa xôi tìm đến với Hài Nhi Giê-su được sinh ra ở làng Bê-lem nhỏ bé. Chúng ta cùng đọc lại trình thuật này: 1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem,2 và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.5 Họ trả lời: Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình (Mt 2,1-12).

Khi đọc trình thuật trên, chúng ta thấy có một cái khung rõ rệt với nhân vật là các nhà chiêm tinh. Trong câu đầu tiên, thánh sử Mát-thêu viết: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem” (2,1),  và câu cuối vời phần các nhà chiêm tinh đi khỏi: “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (2,12).

Chúng ta cũng thấy các nhà chiêm tinh là nhân vật chính trong bài Tin Mừng. Họ đi tìm Hài Nhi mới sinh để bái lạy (thờ lạy) người. Động từ “bái lạy” được nhắc đến hai lần và gắn liền với các nhà chiêm tinh: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (câu 02) và họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (câu 11). Ngoài ra, động từ “bái lạy” này còn được nhắc đến một lần nữa ở câu 08 gắn liền với ý định giả tạo của vua Hê-rô-đê, một nhân vật khác được nhắc đến trong câu truyện: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Trong trình thuật chúng ta cũng thấy Hê-rô-đê là một nhân vật lịch sử và địa danh Bê-lem là vị trí địa lý có thể kiểm chứng được. Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu và suy niệm trình thuật này.

Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Đoạn Tin Mừng bắt đầu với việc nhắc đến biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su ở tại Bê-lem. Thánh sử Mát-thêu tiếp tục nhắc đến tên của Hài Nhi là Giê-su. Tên Giê-su (Jesus – Jeshua), như chúng ta biết, có nghĩa là: Thiên Chúa cứu độ. Điều này cũng được diễn tả trong biến cố truyền tin của thánh Giu-se vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).

Như thế, chúng ta thấy ý nghĩa thần học được nêu lên ở đây, là chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi, mới có thể ban ơn cứu độ. Hài Nhi Giê-su có sự liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, liên kết trực tiếp với quyền năng thánh thiêng và cứu độ. Nếu chúng ta đọc và chiêm niệm những gì Chúa Giê-su làm trong hành trình sứ vụ, sẽ nhận ra được ý nghĩa của tên Giê-su. Ngài đã cứu chữa người bất toại nằm trên chõng do những người khiêng đưa xuống từ mái nhà. Ngài đã đưa mắt nhìn đến người phong hủi, khi anh ta xin Ngài: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Ngài đã trả lời: Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41). Với người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm, Ngài không giận dữ, khi bà ta lén đụng vào tua áo của Ngài với một niềm tin đơn sơ là sẽ được khỏi. Ngài đã gọi bà ra trước đám đông và nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34), và còn biết bao ơn chữa lành cứu rỗi mà Đức Giê-su ban phát. Thật vậy, đi đến đâu Ngài ban phát ơn lành đến đó.

 

Đức Giê-su sinh ra ở Bê-lem. Đó là địa danh của một làng nhỏ cách Giê-ru-sa-lem khoảng 7 Km về phía Nam. Nhưng Bê-lem có nghĩa là gì? Bê-lem có nghĩa là “nhà bánh”. Bê-lem cũng được nhắc đến trong Cựu Ước. Như trong sách 1Sm 16,1 có viết: “Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua”. Như thế, Bê-lem là quê của Gie-sê và cũng là quê hương của vua Đa-vít: “Anh Đa-vít đã nài nẵng xin phép con chạy về Bê-lem, thành của anh, vì ở đó có hy lễ hằng năm cho toàn thị tộc” (1Sm 20,6). Về điều này cũng được nhắc trong Tân Ước: “ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít” (Lc 2,4). “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” (Ga 7,42).

 

Ngoài ra, trong ý nghĩa thần học, Ratzinger giải thích rằng: “Bê-lem là nơi sinh của vua Đa-vít. Trong câu chuyện, ý nghĩa thần học của vị trí này sẽ được làm rõ qua câu trả lời của vua Hê-rô-đê cho câu hỏi của các nhà chiêm tinh, Đấng Mê-sia sẽ sinh ra ở đâu. Vị trí địa lý của Bê-lem được xác định thêm bằng phụ chú ‘tại Giu-đê’, có thể mang thêm một ý nghĩa. Trong lời chúc lành của Gia-cóp, vị tổ phụ này nói tiên tri với con mình là Giu-đa: ‘Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục’ (St 49,10). Trong một trình thuật về Đa-vít đích thực đến, vị vua mới sinh của người Do Thái sẽ cứu độ tất cả mọi dân tộc, đều phải nhận lời tiên báo này như nền tảng”.[1]

 

Ngoài Bê-lem và Giu-đê là hai địa danh, Mát-thêu cũng nhắc đến một nhân vật lịch sử: Vua Hê-rô-đê cả. Về ông vua này, cha Vũ Phan Long giải thích như sau: “Vua này cai trị miền Giu-đê (năm 37-4 tcn). Bởi vì ông xuất thân từ miền I-đu-mê, ở về phía nam xứ Giu-đê, và ủng hộ nền văn hóa Hy Lạp, nên ông bị người Do Thái ghét bỏ, cho dù ông đã cho sửa lại Đền Thờ thật huy hoàng.  Đến cuối đời, ông thường rơi vào trạng thái kinh hoàng, nên chỉ một chút nghi ngờ, là có thể hạ lệnh tàn sát, dù là tàn sát cả gia đình ông. Khi ông qua đời, nhiều tai ương đổ xuống trên xứ, đặc biệt là một cuộc suy sụp về kinh tế. Do đó, đất nước đầy những nhóm người bất mãn và nổi loạn”.[2]

 

Nhà thánh kinh học Pesch cũng suy tư về nhân vật Hê-rô-đê trong trình thuật này như sau: “Như trong Phúc Âm về Giáng Sinh (Lc 2,1-11) hoàng đế Au-gút-tô được gợi lên ngay khởi đầu, thì trình thuật của Mát-thêu trong chương 2 cũng khởi đầu bằng việc gợi lên danh tính Hê-rô-đê ‘vua dân Do Thái’. Nếu một bên là hoàng đế với đòi hỏi hoà bình cho thế giới như đối lập với Hài Nhi mới sinh, thì ở đây vị vua, được ân huệ của hoàng đế, cai trị đất Do Thái – điều này làm cho ông cũng đòi hỏi mọi người phải xem ông như Đấng Mê-sia, là đấng cứu độ cho toàn vương quốc Giu-đê”.[3]

 

Như thế, Chúa Giê-su sinh ra trong một địa danh và trong một lịch sử rõ rệt được ghi dấu qua nhân vật là vua Hê-rô-đê. Đến bây giờ chúng ta vẫn có thể kiểm chứng được địa danh và nhân vật này trong lịch sử. Vì vậy, câu truyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su không phải là một huyền thoại nào cả. Chúa Giê-su sinh vào cuộc đời và Người muốn ghi chính tên mình vào cuốn sách lịch sử nhân loại, tại một vùng đất rõ rệt và trong một giai đoạn lịch sử của một dân tộc.

 

Câu truyện kể tiếp rằng: “có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem”. Trước khi đi tìm hiểu về nhân vật “các nhà chiêm tinh”, chúng ta cũng nên dừng bước để khám phá một điều: “Bê-lem trong miền Giu-đa” có ý nghĩa ám chỉ Hài Nhi mới sinh ra tại đó được đặt đối diện với vua Hê-rô-đê đang trị vì ở Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, đối với Mát-thêu, Giê-ru-sa-lem là thành phố mà Chúa Giê-su đã bị kết án và bị giết chết: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,25). Nhưng cuối cùng ai mới là vị Vua thực sự của dân Ít-ra-en và của toàn thể nhân loại?

 

Giờ đây, chúng ta tìm hiểu các nhà chiêm tinh, họ còn được gọi là các đạo sĩ hay ba vua. Trong bản văn tiếng Hy Lạp là magos, diễn tả những người khôn ngoan, chuyên môn nghiên cứu tinh tú trên trời. Trong truyền thống Giáo Hội, câu truyện các nhà đạo sĩ được đọc với câu Thánh Vịnh:

“Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật”
(Tv 72,10).

 

Cũng như với lời của tiên tri I-sai-a:

“Đức Chúa là Đấng Cứu Chuộc và là Đức Thánh của Ít-ra-en,
Người phán thế này:
Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy
vì uy quyền của Đức
Chúa là Đấng trung thành,
là Đức Thánh của Ít-ra-en, Đấng đã tuyển chọn ngươi”
(Is 49,7).

 

Với Ratzinger, “theo hai đoạn Thánh Kinh trên các nhà đạo sĩ từ Phương Đông ‘trở thành’ các vị vua, và cùng với họ có cả lạc đà hai bướu, một bướu đều đến hang đá. Và nếu lời hứa của bản văn này đẩy xa điểm xuất phát của những vị này cho đến Phương Đông thật xa (Tarschisch = Tartessos bên Tây Ban Nha), thì lưu truyền đã triển khai về tính phổ quát đã được báo trước của vương quốc các vị vua này; các vị vua như đại diện cho ba lục địa đã được công nhận thời đó: Phi Châu, Á Châu và Âu Châu. Vị vua đen cũng thuộc về nhóm này: trong vương quốc của Chúa Giê-su không có sự phân biệt về dòng giống và xuất xứ. Nhân loại ở trong Người và được kết hiệp với nhau nhờ Người, mà không đánh mất sự phong phú của tính đa dạng. Sau này, người ta lại chia các vị vua tượng trưng cho số tuổi của con người – thiếu niên, trưởng thành và già lão. Đây cũng là một ý tưởng hay, cho thấy những hình dáng khác nhau của đời sống con người trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su, mỗi thời đoạn mang một ý nghĩa và sự hiệp nhất nội tâm.

 

Tư tưởng căn bản vẫn là: những người khôn ngoan từ phương Đông là một khởi điểm, họ cho thấy sự lên đường của nhân loại hướng về Đức Ki-tô, khai mở một tiến trình, xuyên suốt cả lịch sử. Không phải chỉ có họ là những con người đã tìm được con đường đi đến Đức Ki-tô. Họ hiện diện như một sự mong chờ sâu lắng của tâm trí con người, sự chuyển động của tôn giáo và lý trí con người đến gặp Đức Ki-tô”.[4]

 

Ngoài ra, còn có truyền thống gọi ba vua với tên Caspar, Melchior và Balthasar (thế kỷ VIII). Sau đó, Caspar được coi là một người da đen. Về hình ảnh của ba vua, ở đây xin nhắc đến một truyền thống rất tốt đẹp ở bên Đức và Áo. Đó là truyền thống của nhóm Sternsinger (tạm dịch là Hát với ngôi sao): vào ngày lễ Hiển Linh, trong mùa đông lạnh giá, chúng ta thấy các em giúp lễ mặc quần áo theo kiểu của ba vua với một em cầm ngôi sao đi đầu. Các em đi hết nhà này đến nhà nọ trong giáo xứ. Trước mỗi nhà các em dừng lại, bấm chuông và khi chủ nhà đón tiếp, các em vào nhà hát cho chủ nhà nghe một vài câu hát nói lên sứ điệp Giáng Sinh của Chúa Giê-su. Cuối cùng các em dùng phấn để viết lên trên cửa nhà số của năm đó và hàng chữ viết tắt, vd.: 20-C+M+B-19. Nghĩa là Christus Mansionem Benedicat – Đức Ki-tô chúc lành cho nhà này trong suốt năm 2019. Tuy nhiên, hàng chữ C+M+B, trong nguyên thuỷ ám chỉ về tên của ba vua: Caspar, Melchior và Balthasar. Đặc biệt hơn nữa, công việc của các em Sternsinger trở thành một công việc bác ái giúp cho những nơi nghèo khổ. Mỗi năm, các em hướng về một chương trình giúp cho các nước nghèo đã được chọn nhận sự giúp đỡ.

 

Trở về với bài Tin Mừng, các nhà chiêm tinh khi đến Giê-ru-sa-lem đã hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Ba nhà chiêm tinh là những người đi tìm, những người hỏi thăm và những người hy vọng sẽ tìm thấy được điều họ tìm kiếm. Câu hỏi của họ hướng về Hài Nhi chuẩn bị được sinh ra tại Bê-lem: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” theo Ratzinger, câu hỏi này rõ ràng không phải là cách diễn đạt của vùng Do Thái. Trong vùng Do Thái người ta không nói về vua của Ít-ra-en. Trong thực tế, thuật ngữ ngoại giáo về “vua dân Do Thái” sẽ trở lại một lần duy nhất trong cuộc xử án Đức Giê-su và trong bản ghi án trên thập giá, hai lần đều do người ngoại giáo Phi-la-tô sử dụng (x.Mc 15,9 và Ga 19,19-22). Ở đây, có thể nói, ngay lúc những người ngoại giáo đầu tiên hỏi về Đức Giê-su, mầu nhiệm thập giá đã xuất hiện cách ẩn kín, mầu nhiệm này liên kết chặt chẽ với vương quyền của Người”.[5]

 

Tiếp theo câu hỏi về nơi Hài Nhi sinh ra, ba nhà chiêm tinh đã nói rõ lý do họ đi tìm Vua dân Do Thái. Đó là họ đến để bái lạy Người. Khi nghe những lời của các đạo sĩ, vua Hê-rô-đê phản ứng thế nào? Thánh Mát-thêu thuật lại như sau: “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.5 Họ trả lời: Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Trước hết, có một điểm thú vị ở đây, đó là các nhà chiêm tinh đến đền vua Hê-rô-đê và hỏi về nơi trú ngụ của “Đức Vua mới sinh”. Điều này càng làm cho câu chuyện thêm phần ly kỳ chăng? Mát-thêu diễn tả tiếp rằng, Hê-rô-đê đã bối rối. Không bối rối sao được, khi một quân vương lại nghe tin về một cuộc sinh hạ bí nhiệm sẽ xảy ra trong vùng đất của mình, và hơn nữa em bé sinh ra sẽ xứng đáng lên ngôi. Chúng ta cũng không nên quên bản chất độc ác và rất sợ hãi cũng như luôn nghi ngờ mọi người của Hê-rô-đê.

Nhưng không chỉ Hê-rô-đê bối rối. “Vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”. Hình ảnh “bối rối chung của Hê-rô-đê và của cả thành Giê-ru-sa-lem” là một điều không tưởng được, vì theo các nhà chú giải, vua Hê-rô-đê không được chú ý ở thành Giê-ru-sa-lem, cũng như người dân Giê-ru-sa-lem không thích vua Hê-rô-đê, một vị vua có gốc gác là người ngoại, người I-đu-mê, và ông rất gian ác. Theo Ratzinger, “điều này như hướng ý đến việc Đức Giê-su tiến vào thành Thánh cách vinh quang trước ngày Người chịu khổ hình, như thánh Mát-thêu tường thuật “cả thành đều bị đánh động” (Mt 21,10). Dù sao, cả hai cảnh cho thấy vương quyền của Đức Giê-su cùng liên kết với đề tài khổ nạn”.[6]

Ngoài ra, sự liên hệ giữa Hê-rô-đê và dân thành Giê-ru-sa-lem ở đây, vẫn nêu bật thật rõ ràng việc dân Do Thái loại trừ Đức Giê-su và dân ngoại đón tiếp Người. Đối với Mát-thêu, Giê-ru-sa-lem là thành sẽ xảy ra cuộc đóng đinh; dân Giê-ru-sa-lem là những người sẽ nói trong phần cuối của Tin Mừng: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Sự bối rối của vua Hê-rô-đê và dân Giê-ru-sa-lem ở đây báo trước thái độ thù nghịch trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, Đấng Mê-sia.

Trước câu hỏi của các nhà chiêm tinh, dù bối rối đó, nhưng Hê-rô-đê làm gì để đi tìm được câu trả lời? “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu”. Chính Hê-rô-đê, một vị vua gian ác ngoại quốc thuộc gốc dân I-đu-mê, trở thành trung gian cung cấp cho người ta những thông tin chính xác. Ông triệu tập các thượng tế và kinh sư lại để hỏi cho biết Đấng Ki-tô sinh ra ở đâu. Hai nhóm người này đã trả lời Hê-rô-đê như thế nào? Họ đã tra khảo Kinh Thánh để trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Câu trả lời này mang tính cách sấm ngôn và gồm lời của ngôn sứ Mi-kha cùng một lời rút từ sách Samuen quyển thứ hai: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ sẽ được sinh ra” (x.Mk 5,1), “vị mục tử chăn dắt dân Ít-ra-en (x.2Sm 5,2).

Về câu trả lời này được trích dẫn từ hai sách trên, Ratzinger đã giải thích, bằng cách nhắc đến bản văn bằng tiếng Hy Lạp: “Khi trích dẫn những lời này, thánh Mát-thêu ghi thêm hai sự khác biệt thật tế nhị. Trong khi phần lớn của bản văn lưu truyền, đặc biệt là bản văn dịch bằng tiếng Hy Lạp, nói: ‘Người là thành nhỏ nhất giữa các thành Giu-đa’, thánh Mát-thêu lại viết: ‘Người không phải là thành phố không có ý nghĩa gì so với các thành to lớn của Giu-đa’. Hai cách nói của bản văn giúp chúng ta hiểu – mỗi bản văn một cách – sự nghịch lý của hành động Thiên Chúa, xuyên suốt trong Cựu Ước. Điều vĩ đại sẽ đến từ điều xem ra nhỏ bé và vô nghĩa theo tiêu chuẩn của nhân loại; bấy giờ điều xem ra là lớn trước mắt thế giới sẽ vỡ tung và biến mất… Một lời của Đức Maria rút từ thánh thi Magnificat tóm tắt sự nghịch lý của hành động Thiên Chúa: ‘Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường’ (Lc 1,52). Bản văn Cựu Ước đánh giá Bê-lem bé nhỏ giữa các thành Giu-đa, cũng đưa ra cách thức hoạt động của Thiên Chúa. Ngược lại, khi thánh Mát-thêu viết: ‘ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa’, xem như ngài muốn loại bỏ nghịch lý này. Thành phố không có một ý nghĩa gì, bây giờ được công nhận trong sự vĩ đại của nó. Từ thành phố nhỏ này, vị mục tử đích thực của Ít-ra-en được sinh ra”.[7]

Như thế, vị mục tử đó chính là vị lãnh tụ được nhắc đến trong quyển hai Samuen (5,2). Đó là hình ảnh của vua Đa-vít mới được hiện thực ngay trong Chúa Giê-su với tinh thần yêu thương và giàu lòng thương xót. Ngài là vị mục tử và cũng là lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en. Khi nghe các kinh sư và thượng tế cho biết rõ ràng nơi chốn mà Hài Nhi Giê-su sẽ sinh ra, thì Hê-rô-đê có phản ứng nào tiếp theo?

Thánh sử Mát-thêu kể tiếp như sau: “7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Việc Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến và hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện nói lên sự bối rối của ông nhiều hơn nữa. Nếu đọc câu truyện đến đây, thì ai ai cũng có một linh cảm là sẽ có truyện chẳng lành có thể xảy ra. Sự chẳng lành này “được bọc” bởi sự nham hiểm của vua Hê-rô-đê, khi ông như thể rất tán thành điều mà các đạo sĩ làm: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Hê-rô-đê cũng dùng động từ “proskynesis – bái lạy – thờ lạy”, nhưng có thực sự Hê-rô-đê và các đạo sĩ đang “ngồi chung một chiếc xuồng”? Gregory the great chia sẻ: “Hê-rô-đê hỏi cho biết nơi Hài Nhi sinh ra với ý hướng ông thờ lạy Hài Nhi, nhưng thực ra ông sẽ tiêu diệt Hài Nhi, nếu ông tìm thấy Hài Nhi. Nhưng có lợi gì, khi sự độc ác của con người chống lại kế hoạch của Thiên Chúa? Không có sự khôn ngoan nào, hiểu biết nào và kế hoạch nào có thể chống lại Thiên Chúa (x.Cn 21,30)”.[8]

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, vua Hê-rô-đê cũng đang kéo các đạo sĩ theo bè theo phái của ông. Nguy hiểm biết bao, khi sự dữ “lên đường” để đi kiếm đồng minh, để kéo bè lập phái. Khốn thay cho những phận người lại đui mù nghe theo và trở thành đồng minh và rồi sau đó là đồng loã của sự dữ. May mắn thay, khôn ngoan của con người không thể bằng khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng quyền năng và nhân ái. Chính Ngài đã can thiệp và tiêu diệt mưu mô ác độc xấu xa của vị vua ác ôn kia.

Sau khi nghe nhà vua nói xong, ba nhà chiêm tinh liền ra đi. Điều thú vị của câu truyện là sự xuất hiện trở lại của ngôi sao mà họ đã thấy trước đó. “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. Khi đọc những câu trên, chắc là chúng ta sẽ có những câu hỏi về ngôi sao ở Bê-lem như: Ngôi sao nào vậy? Có ngôi sao này hay không có? Và nếu có, thì ngôi sao có thực sự xuất hiện vào thời điểm đó không? Thiên văn học nói gì về điều này?

 

Trước những câu hỏi mang tính thiên văn này, một số giáo phụ và một số nhà chú giải cho rằng, không nhất thiết phải mày mò tìm hiểu để có câu trả lời dựa trên phương diện thiên văn học, vì hình ảnh ngôi sao ở đây được hiểu trong ý nghĩa thần học và không dính líu tới thiên văn học. Nhà thánh kinh học Pater Lagrange đã chú ý như sau: “Qua ngôi sao này Thánh Kinh chắc chắn dạy cho chúng ta nhiều điều hơn là qua các hành tinh của các nhà thiên văn học”.[9] Như thế, điều mà nhiều nhà chú giải hướng đến là ý nghĩa thần học của ngôi sao.

 

Tuy vậy, dù có hiểu theo nghĩa thần học, nhưng theo Ratzinger, cũng không nên bỏ qua câu hỏi mang tính cách thiên văn, vì vậy cũng nên hỏi xem có thể đây là một hiện tượng trên trời được xác định như hiện tượng thiên văn học hay không. Vì thế, với Ratzinger chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa theo thiên văn học. Sau đó, chúng ta sẽ cùng hướng đến ý nghĩa thần học của ngôi sao.

 

“Johannes Kepler (+1630) đã đưa ra một cách giải quyết dựa trên khoa thiên văn tân tiến. Kepler tính toán vào các năm 7-6 trước công nguyên (tcn), theo đó có một sự hội tụ các hành tinh Jupiter, Saturn và Mars. Vào năm 1604 cũng có một cuộc hội tụ tương tự như vậy, và có một supernova – một siêu tinh tú xuất hiện. Nó được xem như một ngôi sao yếu ớt và thật xa. Tiếp đến là một vụ nổ vĩ đại, đến độ suốt tháng, suốt tuần đã bung ra một sức sáng mạnh mẽ. Kepler cho supernova này là một ngôi sao mới. Theo ông, sự hội tụ ngày xưa liên kết với một supernova, đến độ hiện tượng ngôi sao sáng chói trên Bê-lem cũng có thể được giải thích theo thiên văn. Cũng gây cấn không kém, nhà trí thức vùng Goettingen Friedrich Wiesler tìm được trong bản thời biểu Trung Hoa, vào năm 4 tcn ‘một ngôi sao sáng chói xuất hiện và chiếu sáng suốt một thời gian dài’ (Gnilka t.44).

 

Nhà thiên văn học thành Vienne, Konradin Ferrari d’Occhieppo, cho thấy, trong thành Babylon – trung tâm thiên văn học vào thời xưa, nhưng đã sa sút vào thời Chúa Giê-su – ‘vẫn còn một nhóm nhà thiên văn hoạt động… Hiện tại còn có những bản bằng đất nung, có ghi những tính toán về thiên văn…đây là những bằng chứng không thể chối cãi được’. Sự hội tụ giữa những hành tinh Jupiter và Saturn theo chòm sao hình con cá, đã xuất hiện vào năm 7-6 tcn – ngày nay người ta cho rằng sao này thực sự xuất hiện vào thời Giáng Sinh của Chúa Giê-su – theo các nhà thiên văn Babylon tính toán và đưa đến kết luận, nơi đất Giuđa đã có ‘vị vua của dân Do-thái’ được sinh ra.

 

Nhà thiên Ferrari d’Occhieppo đưa ra lý thuyết về supernova ad acta. Theo ông, chỉ cần giải thích ngôi sao Bê-lem qua việc hội tụ các sao Jupiter và Saturn trong chòm sao Con Cá, mà ông tin rằng có thể xác định được ngày tháng. Về việc này, điều quan trọng là hành tinh Jupiter đại diện cho thần linh chính yếu của Babylon là thần Marduk. Ferrari tóm kết như sau: ‘Jupiter, ngôi sao của thần linh vĩ đại Babylon, xuất hiện với tất cả ánh quang vào lúc chiều tàn cạnh sao Saturn, tinh tú đại diện cho dân Do Thái’. Chúng ta nên bỏ qua các chi tiết. Qua việc hội tụ các hành tinh, các nhà chiêm tinh Babylon có thể đúc kết một biến cố quan trọng mang tính phổ quát, một vị Chúa mang ơn cứu độ được sinh trong xứ Giu-đa – theo như Ferrari”.[10]

 

Những điều trên có ý nghĩa gì? Ratzinger giải thích và đưa về ý nghĩa thần học của ngôi sao: “việc hội tụ lớn lao giữa Jupiter và Saturn theo dấu chòm sao con cá vào năm 7-6 tcn có thể là một sự kiện có thật có thể minh chứng. Hội tụ này gợi ý cho các nhà chiêm tinh trong vùng Babylon – Ba Tư hướng đến xứ Giu-đa, đến vị ‘vua của dân Do Thái’… Hình ảnh ngôi sao có thể là một động lực thúc đẩy, dấu chứng đầu tiên để lên đường bề ngoài và bề trong; nhưng ngôi sao đã không thể nói cho những con người này, nếu như họ đã không được đánh động từ bên trong nhờ niềm hy vọng vào ngôi sao xuất hiện trên nhà Gia-cóp:

‘Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc,
tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;
một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp’
(Ds 24,17).

 

Trong câu chuyện này, có hai điểm nổi bật: trước tiên, ngôi sao dẫn các nhà đạo sĩ đến xứ Giu-đa. Đương nhiên, khi đi tìm vị vua mới sinh của người Do Thái, họ phải đến vương quốc Ít-ra-en và vào dinh nhà vua. Nơi đó, vị vua tương lai mới có thể sinh ra. Nhưng để tìm cách dứt khoát con đường đi đến người thừa kế đích thật của nhà Đa-vít, họ cần phải có những lời chỉ dẫn của Thánh Kinh Ít-ra-en, lời của Thiên Chúa hằng sống.

Các giáo phụ còn nhấn mạnh một phương diện khác. Gregor thành Nazianz nói, ngay giây phút các đạo sĩ quỳ phục trước Đức Giê-su, thời điểm chấm dứt của thiên văn học đã đến, từ bây giờ các ngôi sao sẽ đi theo con đường do chính Đức Ki-tô xác định”.[11]

 

Thật là thú vị khi Mát-thêu nói về ngôi sao của Chúa Giê-su, ngôi sao của Đấng Mê-sia. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan cũng đề cập đến Sao Mai là biểu tượng hướng về Chúa Giê-su: “Đó là quyền mà chính Ta đã được Cha Ta trao cho. Ta sẽ ban Sao Mai cho người ấy” (Kh 2,28) và “Ta là Giê-su, Ta đã sai thiên thần của Ta đến với các ngươi để làm chứng về những điều trên đây, liên quan đến các Hội Thánh. Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đa-vít, là Sao Mai sáng ngời” (Kh 22,16). Theo Ravasi, có thể nói rằng, “Ngôi sao mà thánh Mát-thêu đề cập tới là dấu hiệu của việc mạc khải về Đấng Mê-sia của vũ trụ”.[12]

Như thế với sự dẫn đường của ngôi sao, các nhà chiêm tinh tìm đến được hang Bê-lem. Tiếp theo Mát-thêu diễn tả: “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. Trong câu này, Mát-thêu nói về niềm vui lớn lao “vô cùng” của các nhà chiêm tinh, khi họ nhìn thấy ngôi sao dừng lại chỗ Hài Nhi Giê-su sinh ra. Thật vậy, khi Thiên Chúa chiếu toả ánh sáng của Ngài, thì phận hèn thấp kém của nhân trần sẽ tràn ngập niềm vui khôn tả. Niềm vui của các đạo sĩ còn “lớn lao” hơn nữa, vì kẻ đi tìm đã gặp được điều mình mong ước. Nếu chúng ta nhìn đến hậu cảnh của các đạo sĩ, thì niềm vui này còn mang một ý nghĩa sâu hơn, vì các đạo sĩ là những người đại diện cho những dân tộc ngoại giáo, giờ đây tìm thấy được ơn cứu độ, tìm và gặp được Vị Mục Tử nhân lành giàu lòng thương xót.

Chrysostom chia sẻ rằng: “Trên con đường này, hết điều kỳ diệu này đến điều kỳ diệu khác liên kết với nhau: các nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi, ngôi sao đi trước họ. Tất cả những điều này đủ để làm say mê cả trái tim bị chai đá… Hơn nữa, ngôi sao khi thì xuất hiện trên chỗ Hài Nhi nằm, khi thì tan biến đi đâu đó. Điều này tự nó đã chỉ ra một quyền năng lớn lao hơn bất cứ vì sao nào: đầu tiên thì tự ẩn náu, sau thì lại xuất hiện và rồi đứng yên tại chỗ và chiếu sáng. Từ tất cả những điều này, ai nhìn ngắm đều được thúc đẩy đi đến niềm tin. Đó là lý do tại sao mà các nhà chiêm tinh vui mừng. Họ đã tìm thấy điều mà họ tìm kiếm. Họ đã tỏ ra là những sứ giả của niềm tin. Cuộc hành trình dài của họ đã không hoài công. Sự ước ao tìm được Đấng được Xức Dầu đã trở thành hiện thực. Hài Nhi mới sinh là Đấng Thánh. Họ đã nhận ra điều này trong sự thờ lạy của họ”.[13]

 

Ngoài ra, khi nói về niềm vui, trong Tin Mừng cũng có nhiều niềm vui của cuộc hội ngộ giữa thiên và trần. Có thể nói đến niềm vui hiện diện trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho Mẹ Maria, niềm vui của các phụ nữ trong buổi sáng ngày Chúa Phục Sinh (x.Mt 28,8).

 

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy các nhà chiêm tinh bước vào trong chỗ Hài Nhi đang nằm, sau đó trước Hài Nhi, họ đã quỳ mọp xuống. Đó là cách thờ lạy phải thực hiện trước vị Thiên Chúa là Vua. Theo Pesch, “bái lạy” hay “sấp mình thờ lạy” là từ ngữ được Mát-thêu thích dùng cho nhiều nhân vật trong Tin Mừng. Như người phong hủi sụp lạy trước Chúa để xin cứu chữa (x.Mt 8,2); viên thủ lãnh đến gần và bái lạy Chúa để xin chữa cho cô con gái vừa mới chết (x.Mt 9,18); các môn đệ chứng kiến Chúa Giê-su đi trên mặt nước đến với các ông và trong khung cảnh Chúa làm cho biển lặng, các môn đệ bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14,33); người phụ nữ thành Ca-na-an đến bái lạy và nài van Chúa Giê-su chữa cho cô con gái bị quỷ ám (x.Mt 15,25); mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến bái lạy Chúa Giê-su để xin cho hai người con mình: “một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,20); sau khi Chúa phục sinh, Chúa hiện ra và chào các phụ nữ và“Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người” (Mt 28,9). Mười một môn đệ được Chúa Phục Sinh hiện ra trên một ngọn núi ở miền Ga-li-lê cũng bái lạy Người (x.Mt 28,17).[14]

 

Nhưng hành vi bái lạy hay sấp mình thờ lạy này có ý nghĩa gì? Luz giải thích như sau: “Đây là hành vi sấp mình trên nền nhà để tôn thờ thần thánh hoặc những người có địa vị cao, chẳng hạn các vua. Tác giả Mát-thêu hầu như chỉ dùng động từ này để diễn tả lòng tôn kính đối với Đức Giê-su bởi những người khẩn cầu (8,2; 9,18; 15,25; 20,20) và bởi các môn đệ (14,33), liên kết với việc tuyên xưng niềm tin vào Con Thiên Chúa, đặc biệt dành cho Đấng Phục Sinh (28,9.17).[15]

 

Trở về với bài Tin Mừng, các nhà chiêm tinh là những người khôn ngoan đã phủ phục trước Hài Nhi và thờ lạy Người, một trẻ sơ sinh không hề tỏ ra có chút uy hùng hay quyền lực gì. Đó là dấu hiệu họ công nhận Hài Nhi và quyền năng của Người có trên họ. Với sự thờ lạy của các nhà chiêm tinh trước Hài Nhi, chúng ta được hướng dẫn đến với dung mạo của Chúa Giê-su, Người là “con cháu vua Đavít” (Mt 1,1), là “Con Thiên Chúa” (x. Mt 1,21; 2,15) và là Đấng “Em-ma-nu-en” (Mt 1,23). Hài Nhi Giê-su không nói gì với các vị ấy và cũng chẳng cho các vị ấy món gì cả. Các vị không thấy vẻ huy hoàng chúa tể của Người, cũng chẳng trải nghiệm về quyền lực của Người, nhưng các vị nhận biết Người nhờ lòng tin.

 

Về thái độ “thờ lạy” của ba nhà chiêm tinh, Walter Kasper suy niệm như sau: “Với sự thờ lạy Hài Nhi, ba nhà chiêm tinh đã diễn tả rõ ràng điều nền tảng và quan trọng, điều là chuẩn mực và tiêu chí cuối cùng, để có thể phân định và để có thể đi đến những quyết định. Đó chính Chúa Giê-su Ki-tô. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa, Đấng ẩn mình và vô hình, đang hiện diện sống động. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình, Đấng bình thường ngự trong ánh sáng không thể vươn tới và đối với con người chúng ta luôn là một mầu nhiệm sâu thẳm không bao giờ đạt tới. Trong Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và trở nên một người như chúng ta. Như thế, Chúa đã giúp cho chúng ta có được khả năng phân biệt Thiên Chúa thật và các thần thánh ngẫu tượng sai lạc. Ai hướng nhìn lên Hài Nhi Giê-su và lắng nghe Người, thì sẽ không bao giờ lạc đường cả. Chúa Giê-su Ki-tô đã tự nói cho chúng ta biết rằng, ai thấy Người, là thấy Chúa Cha. Chúa Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,8)… Hôm nay có nhiều người không biết về chính nguồn cội họ đến từ đâu và cùng đích họ sẽ đi về đâu, cũng như họ cũng không biết phải bắt đầu cuộc sống của họ ở điểm nào và với cái gì, họ cũng không tìm ra nơi có thể tin tưởng và cậy dựa vào. Còn với chúng ta là Ki-tô hữu thì khác. Điều lớn lao và tuyệt đẹp trong Ki-tô giáo là: Trong Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta có được tiêu chí cụ thể, có được hướng đi rõ ràng. Người là Mục Tử nhân lành, là Người Đồng Hành với chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta cần phải tin tưởng vào Người luôn mãi”.[16]

 

Đi cùng với thái độ thờ lạy, ba nhà chiêm tinh đã dâng lên Hài Nhi ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Theo Ratzinger, “Trước Hài Nhi, các nhà đạo sĩ đã thực hiện việc proskyneô, có nghĩa là quỳ mọp trước Hài Nhi. Đó là cách thức thờ lạy phải thực hiện trước vị Thiên Chúa là Vua. Hành động này nói lên ý nghĩa của những lễ vật mà ba đạo sĩ dâng lên. Đây không phải là những quà tặng thông thường mà Thánh Gia có thể sử dụng ngay lúc này. Các lễ vật nói lên ý nghĩa của việc thờ lạy. Chúng công nhận tước hiệu là vua cao sang. Vàng và nhũ hương, như trong đoạn I-sai-a 60,6 nói, như lễ vật thờ phượng mà các dân tiến dâng Thiên Chúa của Ít-ra-en:

‘Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa’
(Is 60,6)”.[17]

 

Ngoài ra, theo truyền thống của Giáo Hội, thì vàng hướng ý đến vương quyền của Đức Giê-su, nhũ hương về tính chất là Con Thiên Chúa và mộc dược nói lên mầu nhiệm khổ nạn. Thánh Phê-rô Kim Ngôn có nói: “Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là Vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết” (Bài giảng của thánh Phê-rô Kim Ngôn, Giờ Kinh sách, vọng Hiển Linh).

 

Kết thúc câu truyện, thánh sử Mát-thêu cho người đọc biết được hành trình tiếp theo của các nhà chiêm tinh: “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình (Mt 2,12). Lời kết thúc bài Tin Mừng đã diễn tả sự hoạt động quyền năng của Thiên Chúa. Ngài đã hướng dẫn các đạo sĩ về lại xứ sở của họ, và song song chính Thiên Chúa đã làm cho âm mưu quỷ quyệt của vua Hê-rô-đê đổ vỡ hoàn toàn, và vị vua trần gian này không có quyền hành và ảnh hưởng gì trên Hài Nhi Giê-su, vị Vua trên hết các vua.

 

Để cho bài Tin Mừng “vang vọng” lại trong tâm hồn, chúng ta cùng suy tư và cầu nguyện với những gợi ý sau:

 

  • Nhìn ba nhà chiêm tinh, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta cũng thuộc về thành phần dân ngoại như họ, vì chúng ta không phải là người Do-thái.

Tuy vậy, Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài vẫn chiếu dãi ánh sáng đến với chúng ta, vì Hài Nhi sinh ra cho mọi người chứ không cho riêng ai. Thật vậy, lời Ngài hứa luôn là lời sống động: “Để bất cứ ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Hôm nay, bạn và tôi cùng đọc lại lời kinh tin kính một cách chậm rãi. Chúng ta đọc như là một tín hữu sống sự ý thức cao độ, chứ không như “chú vẹt” cất lên những lời kinh quá quen thuộc.

Khi đọc kinh Tin Kính chậm rãi và chú tâm, bạn và tôi coi xem câu nào trong lời kinh “lôi cuốn”, thì dừng lại để nghiền ngẫm, suy tư và cầu nguyện với câu đó.

 

  • Ba nhà chiêm tinh là những người đi tìm, những người hỏi thăm và những người hy vọng sẽ tìm thấy được điều họ tìm kiếm. Như ba nhà chiêm tinh, chúng ta cũng cần trở thành những người đi tìm, những người hỏi thăm và những người hy vọng. Chúng ta không nên là những người sống theo kiểu “dửng dưng mặc kệ”, nhất là trong xã hội văn minh Tây Phương, nơi người ta đang “dửng dưng và mặc kệ” Thiên Chúa. Với họ niềm tin vào tôn giáo không còn quan trọng nữa. Chúng ta không đi vào “vết chân” này, ngược lại chúng ta cần dõi theo ngôi sao, cần có lý tưởng là Chúa Giê-su Hài Đồng. Trên hành trình của niềm tin, chúng ta tiếp tục tìm nhiều hơn nữa, hỏi thăm nhiều hơn nữa. Chúng ta hỏi về chính Chúa, về Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa, chúng ta tìm sự hiện diện gần gũi của Chúa, chúng ta tìm chính sự dịu ngọt của Chúa. “Quaerere Deum, tìm kiếm Chúa: Điều đó làm nên con người, điều đó làm cho con người lớn lên và làm cho phẩm giá của con người tỏ lộ. Nếu chúng ta không còn tìm Chúa nữa, thì chúng ta đang đi vào một ‘ngã rẽ’ làm cho chúng ta trở nên những con thú”.[18]

 

  • Ba nhà chiêm tinh đã được ngôi sao dẫn đến gặp Hài Nhi Giê-su. Trong đời bạn, ngôi sao nào đã dẫn đường bạn đến với Đức Tin, đến để gặp Chúa? Ngôi sao đó có thể là chính cha mẹ, bạn bè hay một người nào đó. Bạn hãy nhớ đến người đó và nhìn lại sự kiện bạn được dẫn đến gặp Chúa. Giờ đây, đến với Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, với hết tấm lòng bạn hãy thờ lạy Người và hãy cảm tạ tri ân Thiên Chúa.

 

  • Ba nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi. Đó là hình ảnh thật đẹp! “Ai quỳ phục thờ lạy trước Chúa Giê-su, người đó không bị ‘nhỏ lại’, ngược lại người đó sẽ cảm nhận được sự lớn lao thật và lời mời gọi đích thật. Thái độ thờ lạy không làm cho chúng ta ‘nhỏ lại’, mà còn gìn giữ chúng ta trước tình trạng ‘thích làm lớn’. Thái độ thờ lạy Hài Nhi Giê-su nói cho chúng ta biết rằng: Có một người lớn hơn tất cả sức mạnh và quyền lực của thế giới này”.[19]

“Thờ lạy và kính sợ” là hành động rất căn bản cho đời sống của người Ki-tô hữu. “Kính sợ Chúa là đầu mối mọi sự khôn ngoan”. Điều răn đầu tiên trong 10 điều răn là “Thờ phượng và kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự”. Bạn đã và đang thờ phượng Thiên Chúa như thế nào? Bạn hãy xét lại cách thờ phượng của bạn với Chúa xem, bạn đã thờ phượng và kính sợ Chúa cách xứng hợp và đúng đắn chưa? Ngoài ra, cũng nên coi kỹ lại xem, gián tiếp hay trực tiếp, ý thức hay vô thức bạn đang thờ phượng một thần thánh khác, có thể là tiền bạc, là danh vọng, là “cái tôi to tướng”… Bạn nên làm gì để quay về với Thiên Chúa, Đấng duy nhất bạn phải thờ lạy? Với những câu hỏi này, bạn hãy đến với Hài Nhi Giê-su, thờ lạy Người và tâm tình với Người nhé!

 

  • Hê-rô-đê rất mưu mô xảo quyết và rất ác tâm. Ông ta chỉ muốn giữ vững chiếc ghế của mình, và manh tâm giết hại Hài Nhi Giê-su. Hơn nữa, ông ta còn muốn lôi kéo các đạo sĩ về phía ông. Bạn có trải nghiệm gì về việc bị sự dữ “cám dỗ” và lôi kéo bạn về phe phái của chúng? Bạn nên làm gì để tránh được sự lôi kéo đó, để không trở thành đồng minh của sự dữ?

 

  • Ba đạo sĩ tìm thấy được Hài Nhi, thì vui mừng và dâng lễ vật lên cho Hài Nhi. Bạn có muốn dâng lễ vật của bạn lên cho Hài Nhi không? Lễ vật đó là gì vậy?

 

Hình ảnh của ba nhà chiêm tinh với tâm tình thờ lạy Hài Nhi Giê-su đưa chúng ta đi vào trong cầu nguyện. Giờ đây chúng ta cùng dâng lên Chúa lời Thánh Thi trong Lễ Hiển Linh:

 

Ba hiền sĩ thoạt nhìn Con Trẻ,

Vội cúi mình thi lễ tiến dâng :

Này đây phẩm vật đông phương,

Vàng ròng mộc dược nhũ hương kính chầu.

 

Như biểu tượng Vua cao Chúa cả,

Nắm uy quyền nhiệm lạ vô song,

Chúa Cha tiền định cho Con

Thể theo tiến vật mà tuân ý trời.

 

Vàng rực rỡ soi ngời ngôi vị,

Ngát hương trầm nhủ ý Thiên Vương,

Ra đời gieo vãi tình thương

Liệm thân mộc dược dọn đường mai sau.

 

Bê-lem hỡi, ta nào ngờ tới,

Ngươi trở nên vĩ đại đâu bằng!

Nơi Ngôi Thiên Tử cao sang,

Giáng trần cứu thế ngang hàng lê dân.

 

Ðoàn ngôn sứ bao lần tường thuật

Nhiều cớ bằng sự thật hiển nhiên,

Vua Trời kêu gọi chăm chuyên,

Ngõ hầu đạt tới cơ duyên Nước Người.

 

Nước Trời ấy trải dài muôn vật,

Phủ trăng sao biển đất thinh không,

Cả bình minh lẫn hoàng hôn,

Thiên nhai vời vợi âm cung mịt mù.

 

Muôn lạy Ðức Giê-su trìu mến,

Ðã dủ thương tỏ hiện rõ ràng,

Dâng Ngài hai chữ vinh quang,

Muôn đời hiển trị thiên đàng uy linh.[20]

 

 

[1] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.127-128.

[2] FX. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mát-thêu dùng trong phụng vụ. T.33.

[3] Pesch R., Die Weihnachtsbotschaft. Bibelwerk Verlag, Stuttgart 2016. S.117-118.

[4] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.135-136.

[5] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.143.

[6] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.144.

[7] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.145-146.

[8] Manlio Simonetti (Edited). Ancient Christian commentary on Schripture, Matthew 1-13. Inter Varsity Press 2001. S.23.

[9] Trích bởi Ravasi G.F., Das Evangelium nach Matthaeus. Neue Stadt Verlag. München 1992. S.56.

[10] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.138-139.

[11] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.139-141.

[12] Ravasi G.F., Das Evangelium nach Matthaeus. Neue Stadt Verlag. München 1992. S.56.

[13] Manlio Simonetti (Edited). Ancient Christian commentary on Schripture, Matthew 1-13. S.26-27.

[14] Pesch R., Die Weihnachtsbotschaft. S.143-144.

[15] Luz U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1. Teilband, Benziger Verlag, Zuerich 1985. S.120.

[16] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. Meditation zu Advent und Weihnachten. Kbw. Verlag. Stuttgart 2015. S.81-83.

[17] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.149.

[18] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. Meditation zu Advent und Weihnachten. S.76.

[19] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. Meditation zu Advent und Weihnachten. S.83-84.

[20] Thánh thi giờ kinh Sách lễ Hiển Linh.

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *