Đừng để mình bị lừa tiền

Thi thoảng chúng ta nghe thấy nhiều người bị kẻ xấu giả danh lừa tiền bạc, chiếm đoạt tài sản. Kẻ xấu đó có thể là một người hoặc một tổ chức với những thủ đoạn tinh vi khó bị phát hiện. Trong nhà đạo cũng thế, có không ít kẻ giả danh linh mục, tu sĩ để lừa xin tiền của giáo dân. Họ lợi dụng tiếng tăm của dòng tu, của Giáo hội để mong người ta sẵn lòng bố thí mà không cần tra hỏi.

Chúng tôi đang xuất bản một cuốn sách dành cho người trẻ Công giáo. Việc xuất bản sách ở Việt Nam là mình phải tự bỏ tiền túi ra để chi trả cho việc in ấn. Do đó mỗi lần xuất bản sách, tác giả hoặc người chịu trách nhiệm phải tự tìm nguồn tài chính. Hôm nay tôi viết thư cho một cô được người khác giới thiệu để xin tiền. Cô trả lời: “Con xin lỗi thầy, dạo này nhiều người giả dạng tu sĩ để xin tiền quá, nên con phải hỏi một cha trong Dòng của thầy trước!”. Tôi vui mừng và khâm phục cách ứng xử của cô. “Con cảm ơn cô vì sự thận trọng cần thiết này!” – tôi thầm nghĩ.

Trường hợp của cô trong câu chuyện trên cho chúng ta thấy cần phải cẩn trọng trước khi làm việc bác ái. Nhất là chuyện liên quan đến tiền bạc, càng thận trọng càng tốt, để đảm bảo rằng số tiền của mình được cho đúng người, đúng việc. Tới đây chúng ta hiểu rằng nhiều người đã có lý khi thắc mắc: “Sao nhà Dòng, Giáo hội phải xin tiền của Giáo dân?”  

Bạn thân mến,

Mục đích chính của Giáo hội và các dòng tu là giúp đỡ các linh hồn. Mối quan tâm ưu tiên của người mục tử của Chúa chính là đời sống thiêng liêng của tha nhân. Trong khi đồng hành với con người, nhất là những người nghèo, Giáo hội cũng như các tổ chức tôn giáo (trong đó có các dòng tu) luôn cần đến sự trợ giúp về mặt tài chính. Hẳn nhiên các linh mục và tu sĩ không làm kinh tế, nghĩa là hoạt động của họ không nhắm đến việc kinh doanh, kiếm tiền. Ngược lại, họ dành thời gian để thờ phượng Thiên Chúa và tìm cách đồng hành với con người. Họ muốn đưa con người về với Thiên Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau. Để thi hành sứ mạng đó một cách tốt đẹp, các linh mục và tu sĩ thực sự cần đến tiền bạc vật chất để duy trì đời sống và giúp đỡ những người đang cần đến họ.

Như thế, có thể nói Giáo hội và các dòng tu như là nhịp cầu nối kết giữa những người sẵn sàng cho đi với những người đang cần được giúp đỡ. Một ví dụ cụ thể là trận lũ lụt ở miền Trung Việt Nam xảy ra cách đây không lâu. Biết bao tấm lòng hảo tâm qua Giáo hội và các dòng tu đã gửi tiền đến giúp đồng bào mình đang chịu cảnh màn trời chiếu đất. Do vậy, để giúp đỡ các linh hồn, người tông đồ của Chúa có khi phải đi “gõ cửa” các ân nhân để xin trợ giúp, không phải cho chính họ mà là cho những người đang cần. Nhờ đó, các ân nhân cũng được chung tay trong sứ mạng của Thiên Chúa.

Từ thiện, bác ái và trợ giúp luôn đòi người ta phải có lòng quảng đại và tinh thần tự nguyện. Như thế, một mặt, người cho sẽ nhận được nhiều niềm vui. Những ai làm việc bác ái với tấm lòng thành thì chắc chắn sẽ không mất phần thưởng trước mặt Chúa: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em: kẻ ấy sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10,42). Mặt khác, người nhận cũng có điều kiện để vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Đó là tinh thần tương thân tương ái luôn có trong tâm thức người Việt. Tạ ơn Chúa là Giáo hội và các dòng tu luôn có những ân nhân tốt lành đồng hành trong sứ mạng loan báo Tin Mừng và thực thi công việc bác ái.

Tôi rất tâm đắc với cách làm từ thiện của một cha trong Dòng Tên mà tôi được biết. Trong mỗi dự án từ thiện cha ấy đều thu hút được nhiều người tham gia. Người có ít cho ít, người có nhiều cho nhiều. Cha ấy nói: “Công việc bác ái luôn tác động tốt đến cả hai: người cho và người nhận. Do đó, càng nhiều người tham gia càng tốt.” Bởi đó, sứ vụ tông đồ xã hội của cha luôn trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.   

Tôi tin rằng trong xã hội nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng luôn có nhiều người quảng đại, sẵn sàng cho đi mà không tính toán. Họ hiểu rằng mình đã nhận được nhưng không từ Thiên Chúa thì cũng nên sẵn lòng chia sẻ với những người đang cần họ giúp đỡ. Hơn nữa, “việc bố thí cho người nghèo là một chứng từ của đức mến Kitô giáo; đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (GLHTCH 2462). Như tôi đã đề cập ngay từ đầu, có không ít kẻ xấu tìm cách lợi dụng lòng tốt của người khác. Cách làm của cô trong câu chuyện tôi kể là một ví dụ để chúng ta khỏi bị lừa tiền từ những kẻ mạo danh Giáo hội.

Xin mọi người hãy cứ mạnh dạn và khôn ngoan tìm hiểu kỹ thông tin về người hay tổ chức nào gõ cửa xin tiền mình. Với điện thoại và các phương tiện truyền thông ngày nay, chúng ta dễ dàng kiểm chứng thông tin trước khi trao món quà cho một ai đó mà chúng ta chưa thực sự biết rõ.  

Một lần nữa, tôi gửi lời cám ơn cô trong câu chuyện trên đây. Tôi tri ân cô không chỉ vì số tiền cô cho, mà còn vì cách thức cô làm! Nhờ đó, tiền bạc kiếm được từ lao công vất vả của cô được sử dụng đúng đắn cho mục đích tông đồ. Nếu ai ai cũng biết thận trọng như cô thì tôi tin rằng kẻ xấu sẽ không còn cơ hội lợi dụng lòng tốt của nhiều người.

Nhân đây tôi cũng xin chân thành cám ơn những tấm lòng hảo tâm, những người cộng tác vào sứ mạng của Thiên Chúa trong Giáo hội và các dòng tu. Xin Chúa trả công xứng đáng cho những người luôn giàu lòng quảng đại giúp đỡ tha nhân.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Tìm thấy Chúa trong vận động: Linh đạo của thể thao

Đối với người Công giáo, thể thao không chỉ là hoạt động thể chất, mà …

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *