Giống như tu sĩ trong mọi hội dòng trong Giáo Hội Công Giáo, các tu sĩ Dòng Tên cũng tuyên khấn trung thành tuân giữ 3 lời khấn tu trì truyền thống: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; nhưng cách thức tuyên các lời khấn ấy của người tu sĩ Dòng Tên có nhiều khác biệt. Đó là một trong những đặc nét của Dòng Tên cũng như phản ánh linh đạo và tầm nhìn sứ mạng của thánh Inhã.
Tuyên khấn lần đầu
Các dòng tu thường cho các tập sinh sau khi kết thúc giai đoạn nhà Tập được khấn tạm. Mỗi năm đều phải khấn lại vì nếu không khấn lại hàng năm thì lời khấn sẽ tự động được giải. Rồi sau vài năm mới được khấn trọn. Đối với các dòng nam, các tu sĩ phải khấn trọn rồi mới được thụ phong linh mục.
Với Dòng Tên thì khác. Theo Hiến Pháp Dòng Tên, ngay sau thời gian Nhà Tập, các tập sinh sẽ tuyên khấn lần đầu, công khai “khấn với Thiên Chúa” (HP 539) ba lời khấn đơn “khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục” trước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, với sự chứng giám của “Đức Trinh Nữ Maria rất thánh và cả Triều Đình Thiên Quốc” (HP 540). Họ “không khấn trong ai” tức không khấn với Bề Trên (hoặc đại diện của ngài) (x. HP 534), nhưng họ được Bề Trên hợp pháp nhận lời khấn nhân danh Hội Thánh (x. GL 1192 §1; ĐP 889 §4). Dù là lời khấn lần đầu nhưng cũng là lời khấn trọn đời, chứ không phải lời khấn tạm (x. BS 116). Với lời khấn ấy, họ chính thức và trọn đời trở thành tu sĩ của Giáo Hội.
Vì không phải là lời khấn tạm, nên tu sĩ Dòng Tên không cần phải “khấn lại” theo định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, cũng khác với các Dòng tu khác, tu sĩ Dòng Tên với lời khấn đầu, dù đã trọn vẹn trở thành tu sĩ của Giáo Hội vẫn chưa chính thức thuộc về thân thể Dòng Tên. Lời khấn sẽ theo họ bao lâu Dòng còn muốn giữ họ ở lại trong Dòng để phục vụ “mục đích Dòng nhắm tới là phục vụ Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong việc giúp đỡ các linh hồn“ (HP 204). Vì thế, trong lời khấn, họ tuyên một lời hứa “với Thiên Chúa là Chúa chúng ta” là “sẽ gia nhập và sống suốt đời trong Dòng này” (x. HP 121, 540). Do đó, lời khấn đầu này không phải là điểm đến nhưng là “quà tặng” Chúa ban cho họ như lời mời gọi tiếp tục bước theo Chúa Giêsu, và là khởi đầu cho một cuộc hành trình dài với sự đan quyện của niềm vui lẫn nỗi buồn, và cả mồ hôi lẫn nước mắt trên từng bước chân.
Từ nay, các tân khấn sinh sẽ bắt đầu một trang mới trong cuộc đời của người tu sĩ. Họ tiếp bước thánh Inhã và các bạn đầu tiên trở thành bạn đường bước theo Chúa Giêsu nghèo khó, chịu sỉ nhục và vác thập giá. Trong đời sống người học viên Dòng Tên, họ tiếp tục khám phá và tháp nhập tiệm tiến vào thân thể lẫn sứ mạng tông đồ của Dòng Tên trong Giáo Hội qua việc mặc lấy “cung cách hành xử của Dòng” và xây dựng mối tương quan thiết thân hơn với Chúa để được thuộc trọn về Người và quảng đại dâng hiến cho tha nhân.
Nhắc lại/lặp lại lời khấn hàng năm
“Mỗi năm hai lần,” họ nhắc lại những lời khấn đầu ấy cho đến khi khấn cuối sau Năm Tập Ba, tức là cho đến khi được tháp nhập trọn vẹn vào thân thể Dòng. Việc nhắc lại lời khấn này chỉ mang hình thức thiêng liêng, một kiểu “canh tân,” làm mới lại những gì đã cam kết trước Chúa “để thêm lòng sốt mến và để thêm vững chắc trong ơn gọi” (x. HP 346, 544, 546). Không nhắc lại thì lời khấn đó vẫn còn giá trị.
Với các học viên Dòng Tên Việt Nam, hai dịp nhắc lại lời khấn trong năm thường là vào dịp mừng Lễ Thánh Tổ phụ Inhã trước khi bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 8 và dịp kết thúc học kỳ I của năm học. Dù chỉ là nhắc lại lời khấn nhưng hai dịp lễ này không hề mang tính hình thức hay bị xem nhẹ. Bằng chứng là Dòng đòi phải có “sự chuẩn bị thích hợp bằng cuộc tĩnh tâm hằng năm, hoặc bằng ba ngày tĩnh tâm (triduum) truyền thống, hoặc bằng một thời gian ngắn hơn nhưng đậm đặc hơn dành để hồi tâm và cầu nguyện” (BS 75). Chính trong bầu khí cầu nguyện, người học viên nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi tiếp tục làm bạn đường của Chúa Giêsu, dù phận người yếu đuối với không ít lỗi lầm lớn nhỏ trong đời. Việc được nhắc lại lời khấn vì thế trở thành một ơn huệ lớn lao Chúa ban cho từng học viên ngang qua Dòng. Ngang qua việc lặp lại lời khấn, người học viên tiếp tục cá vị hóa, cụ thể hóa và sống động hóa lời mời gọi của Thiên Chúa để tận tình sống cuộc đời thánh hiến.
Nghi thức nhắc lại lời khấn bên ngoài hàm chứa và biểu thị ý nghĩa bên trong, đó là những điều họ phải giữ và là những điều họ tuyên hứa với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với Dòng. Khi nhắc lại lời khấn trước Thánh Thể, họ thêm ý thức về điều mình khấn hứa và tự nhắc nhở mình phải “ghi nhớ tường tận lời cam kết khi khấn lần đầu, một lời cam kết có tính dứt khoát trong chừng mực liên hệ đến những lời khấn. Ý thức về lời cam kết dứt khoát này tại nhiều nước trở nên tương phản sâu sắc với những hướng chiều của nền văn hóa đang chi phối.” Họ nhớ lại và tuyên lại lời cam kết của mình chọn và đi theo Đức Giêsu vác thập giá, “tái khẳng định” sự tự nguyện “buộc mình với Đức Kitô là Chúa chúng ta.”
Việc nhắc lại lời khấn cũng giúp họ ý thức mình là một tu sĩ của Giáo Hội và trong Giáo Hội, từ đó tích cực xây dựng một “cảm thức chân thực về Giáo Hội và một thái độ tích cực đối với Giáo Hội” cùng thủ đắc những trang bị thiêng liêng được thánh Inhã xác định trong “Các quy tắc để có cùng cảm nghĩ trong và với Giáo Hội” (x. BS 70). Cha Peter-Hans Kolvenbach, S.J. nhắc nhở rằng: “Quả thật sau giai đoạn nhà tập, Giêsu hữu từng bước dấn mình vào một Giáo Hội cụ thể, Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội địa phương, nơi phố thị và xứ đạo của mình; và anh phải học cách đồng hóa chính mình với chính Giáo Hội này; bởi lẽ những người anh gặp gỡ sẽ trông chờ anh hiểu biết và đồng cảm một cách nào đó với chính Giáo Hội ấy. Phải tránh né bất kỳ việc rút mình vào cộng đoàn tu trì, như thể thay mặt Giáo Hội, cũng như có thái độ phê phán trước việc tách biệt khỏi Giáo Hội.”
Khấn cuối
Vì sứ mạng tông đồ, họ còn phải được thử luyện và huấn luyện qua “nhiều thử thách lâu dài và nghiêm túc.” Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện căn bản gồm: 3 năm triết, 2 năm thực tập tông đồ, 4 năm thần học và học chuyên môn, họ sẽ làm thêm một năm tập nữa (Năm Tập Ba), mà thánh Inhã gọi là trường huấn luyện con tim (x. HP 516; BS 125). Cha Peter-Hans Kolvenbach, S.J. chia sẻ với tập sinh Năm Ba: “Anh cuối cùng để cho Chúa chiếm hữu mình một lần nữa, trong sự trọn vẹn của cuộc đời anh, bởi vì Thiên Chúa là và Thiên Chúa muốn trở nên mỗi ngày là Thiên Chúa duy nhất của anh. Anh chấp nhận để mình được dẫn đi trong con đường thập giá với Đấng mong muốn anh kết hiệp với Ngài trong sứ mạng cứu độ.”
Sau đó, Dòng sẽ mời gọi họ tuyên khấn lời khấn cuối. Với người tu sĩ Dòng Tên, khấn cuối là biến cố quan trọng đánh dấu sự tháp nhập chính thức và trọn vẹn vào thân thể tông đồ của Dòng, chính thức trở thành thành viên của Dòng. Họ “được thâu nhận một cách thâm sâu hơn, với tư cách là chi thể của cùng một thân thể duy nhất” (HP 510). Đó là lý do vì sao học viên Dòng Tên phải “nhắc lại lời khấn” hai lần mỗi năm cho đến khi khấn cuối.
Khi khấn cuối, ngoài ba lời khấn (khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh), một số người sẽ được mời gọi để khấn thêm lời khấn thứ tư: vâng phục Đức Giáo Hoàng liên quan đến sứ mạng. Đi kèm với lời khấn thứ tư này là 5 “lời khấn đơn” khác (x. BS 134-135.137-142) mà theo truyền thống, đương sự sẽ khấn trước mặt cha Bề Trên Cả (hoặc vị Đại diện của ngài) trong phòng thánh. 5 lời khấn đơn này liên quan nhiều hơn tới Thể Chế Dòng Tên và việc quản trị các thành viên của Dòng. Đó là (1) không bao giờ vận động bất cứ cách nào, hoặc ưng thuận thay đổi những điều đã quy định trong Hiến Pháp liên hệ đến thanh bần, trừ khi vì lý do chính đáng, tùy theo hoàn cảnh, xem ra phải làm cho đời sống thanh bần nghiêm ngặt hơn; (2) không bao giờ vận động hay tìm cách, dù là gián tiếp, để được bầu hay tiến cử vào một chức tước hay địa vị nào trong Dòng; (3) không bao giờ mưu đồ, hay tìm kiếm một chức tước hay địa vị nào ngoài Dòng, và trong mức độ sự việc tùy thuộc nơi mình, họ sẽ không khi nào ưng thuận một sự bổ nhiệm như thế, trừ khi bị bó buộc phải tuân phục người có thể truyền lệnh cho họ, mà nếu không tuân phục, họ sẽ mắc tội; (4) nếu họ nhận thấy ai mưu đồ hay tìm kiếm một trong hai điều nói trên, dù là trong Dòng hay ngoài Dòng, họ hứa sẽ báo cho Dòng hoặc Bề Trên Cả biết; (5) nếu một ngày nào đó, dù đã có lời khấn thứ ba, họ vẫn thụ phong Giám Mục, họ hứa sẽ không từ chối nghe Bề Trên Cả, nếu chính ngài, hoặc bất kỳ ai khác trong Dòng được ngài chỉ định, khuyên họ.
Đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc đời họ. Như Đức Maria đã thưa lời “xin vâng” như một lời khấn vĩnh viễn để đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, các Giêsu hữu cũng cam kết phục vụ Chúa trong ơn gọi và linh đạo Dòng Tên “với sự ứng trực và di động hoàn toàn đối với các sứ vụ và thừa tác vụ của Dòng.” Họ được xem như là “chết với đời,” đã “đóng đinh chính mình vào cây thập giá” (x. Gl 5,24; 6,14), và họ thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19).
Xin cho mỗi anh em tu sĩ Dòng Tên, dù đã tiến bước lâu dài hay chỉ mới chập chững theo Chúa trong Dòng nhỏ bé mang tên Chúa Giêsu, biết dùng chính đời sống âm thầm và hy sinh hàng ngày để diễn tả những gì đã tuyên khấn, và không ngừng đổi mới mỗi ngày để “yêu mến và phụng sự Chúa chí tôn trong mọi sự” (LT 233).
Hv: Văn Quynh, S.J.
Các chữ viết tắt
HP = Hiến Pháp Dòng Tên
BS = Quy Luật Bổ Sung Hiến Pháp Dòng Tên
LT = sách Linh Thao của thánh Inhã
GL = Giáo Luật Giáo Hội Latinh
ĐP = Giáo Luật Các Giáo Hội Đông Phương