Trong Tông Huấn Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống, số 66, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Người lớn chúng ta có thể thường bị cám dỗ để liệt kê tất cả các vấn đề và các nhược điểm của giới trẻ. Có lẽ một số người sẽ ủng hộ điều đó, cho rằng như vậy chúng ta tỏ ra sắc sảo trong việc nhận định những khó khăn và những nguy hiểm. Nhưng một thái độ như thế sẽ dẫn tới điều gì nếu không phải là xa cách hơn, ít gần gũi hơn, và ít sự hỗ trợ nhau hơn?” (Chrtitus Vivit, số 66)[1]
Qua kinh nghiệm đồng hành và sinh hoạt với người trẻ, đặc biệt với các bạn sinh viên Công Giáo, tôi cảm nghiệm được phần nào điều vị cha chung của Giáo Hội đã đề cập đến. Một đàng, tôi cố gắng để nghe xem các bậc phụ huynh nói gì về con cái của họ. Tôi nghe nhiều người than phiền về người trẻ rằng “lớp trẻ bây giờ lóng nga lóng ngóng, không làm gì nên ăn,” “chúng nó có biết đến ai đâu,” “giới trẻ bây giờ hời hợt, chỉ biết chạy đua với vẻ bề ngoài,” “suốt ngày quẹt quẹt cái điện thoại,” v.v. Không phải tất cả, nhưng tôi nghe nhiều người than phiền như thế về người trẻ.
Đàng khác, tôi cũng lắng nghe để đồng cảm, để nâng đỡ các bạn trẻ. Những câu chuyện của họ cho tôi cảm giác rằng từ cái nhìn tiêu cực về người trẻ nói chung, nhiều phụ huynh mất luôn cả niềm tin tưởng vào con cái. Họ không tin nổi đứa con của họ có thể trưởng thành và tự đưa ra những quyết định của mình, dù con cái họ đã là những cô cậu sinh viên tài giỏi. Nhiều bạn trẻ cảm thấy bị tù túng, bị “theo dõi” như thể họ là những đứa không ra gì. Có những bậc phụ huynh quá lo lắng nên thuê riêng cho các em một căn phòng trọ, gắn Camara khắp nơi để có thể “kiểm soát” dễ dàng hơn.
Dĩ nhiên nhiều bạn trẻ vẫn hiểu vì ba mẹ thương, ba mẹ quan tâm đến mình nên làm thế. Tuy nhiên, nhiều bạn cảm thấy mình như một đứa trẻ mãi mãi “không được phép trưởng thành,” dù sắp phải bước vào đời, phải đưa ra những quyết định lớn, phải chịu trách nhiệm với cuộc đời, với thế giới xung quanh.
Nhiều người lớn muốn kiểm soát con cái, nhưng họ có thể kiểm soát được chăng khi họ không thể đi vào thế giới của con mình? Mà người ta có thể đi vào thế giới của người trẻ được chăng khi trong họ vẫn còn thái độ nghi ngại và những suy nghĩ tiêu cực về người trẻ? Chúng ta có thể suy nghĩ một lần nữa nhận định của Đức Giáo Hoàng: “Nhưng một thái độ như thế sẽ dẫn tới điều gì nếu không phải là xa cách hơn, ít gần gũi hơn, và ít sự hỗ trợ nhau hơn?” (Chrtitus Vivit, số 66)
Hãy tin tưởng vào người trẻ, vì Đức Kitô đang sống trong họ. Cho dù tôi được Chúa ban cho quà tặng là sứ mạng đồng hành với người trẻ mới chỉ vài năm gần đây, và số người trẻ tôi được gặp gỡ cũng chỉ như vài hạt cát nhỏ bé so với cả một “sa mạc cát bao la” những người trẻ, tôi vẫn được diễm phúc chiêm ngắm sức sống, bầu nhiệt huyết, lòng cao thượng, tinh thần dấn thân, phục vụ, và cả chiều sâu thiêng liêng nơi nhiều bạn trẻ của chúng ta. Hãy tin tưởng vào người trẻ! Tôi nghĩ đó là bước đầu tiên trong các bước căn bản trong hành trình giáo dục người trẻ.
Tôi cảm thấy say mê một Đức Kitô sống động nơi người trẻ. Tôi thấy nơi những sinh viên tôi đồng hành một sức sống mãnh liệt. Tôi nhìn thấy những con người can đảm, dám vượt ra khỏi vùng an toàn quen thuộc, dám lên đường, dám dấn thân vào cuộc đời, dám chạnh lòng thương, và dám để cho người khác đi vào cuộc đời của mình. Trong khi nhiều người lớn còn đang nói về tinh thần dấn thân phục vụ, sẻ chia với người nghèo khổ, bất hạnh, thì tôi thấy những người trẻ của chúng ta đã lên đường, đã đi vào cuộc gặp gỡ.
Chiêm ngắm hành trình gần 170 km từ Sài Gòn về Cần Thơ để trải nghiệm cuộc sống, để thăm viếng người nghèo trên những chiếc Honda thường ngày dùng để đi học của một số bạn Ban Điều Hành SVCG Tin Yêu & Hiệp Nhất, tôi thấy bừng lên một ánh sáng hy vọng phát ra từ người trẻ trong thế giới hôm nay. Trong mắt tôi, các bạn trẻ ấy đã trở thành chuyên viên chia sẻ thông điệp của Đức Giáo Hoàng trong Tông huấn Christus Vivit: “Các bạn trẻ thân mến, các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình. Đừng nhìn đời từ một ban công. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, hay sống đời sống các con sau một bức màn. Làm gì thì làm, đừng trở thành thê thảm như một chiếc ô tô phế thải nghĩa địa! Cũng đừng như những chiếc xe đậu trong bãi, nhưng hãy ước mơ thỏa chí và hãy đưa ra các quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả dù điều đó có nghĩa là phạm sai lầm. Đừng đi qua đời sống một cách vô cảm giác, hay tiếp cận thế giới như những khách du lịch. Hãy sôi nổi lên! Hãy xua tan nỗi sợ vốn làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong đời sống! Hãy mở cửa lồng, thoát ra và bay lên! Xin các con đừng về hưu sớm. (Christus Vivit, 143)
Tác giả bài viết: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.
Video: Thương Thương, SVCG Tin Yêu & Hiệp Nhất – Thủ Đức, Sài Gòn.
[1] Trong bài viết này, khi trích dẫn nội dung tông huấn Christus Vivit, tôi sử dụng bản dịch của Linh mục Lê Công Đức, PSS. (ĐGH Phanxicô, Christus Vivit, Lm Lê Công Đức, PSS dịch, (Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2019)