Gặp chúng tôi trên con đường nhỏ dẫn lối tới Bến đò Bình Quới, đôi mắt sung sướng, giọng nói nhẹ nhàng trên khuôn mặt bám đầy bụi đời, đủ thứ nhăn nheo trên đồi gò má hằn rõ nỗi khổ của những truân chuyên, bà vui mừng khoe:
Người ta cho đồ nhiều lắm các chú ạ!
Ông bảo vệ khách sạn mới cho cái màn hình 14 inch,
ông chủ nào đó cho tiền mua chiếc máy lạnh nhỏ để đựng đồ.
Mới đây thôi, hai chị bán quán ngoài chợ cho bao gạo 5 kí.
Bà mừng lắm vì người ta mới cho tấm bánh chưng…
Chỉ một chốc một lát, bà như mở ra một thế giới của niềm vui, sự vui mừng của một người nhận. Chỉ trong phút chốc ngắn ngủi ấy, bà phủi chút tâm tư, gạt chút muộn phiền của một người cô gái sông Tiền ngày nào. Bà rón rén đặt chân lên đất Sài Thành vào một ngày âm thầm nào đó giữa dòng người với ước mơ đổi vận chuyển đời. Bị đời quật, người giật, chồng xa, người ta đâu còn để ý, bà một mình nuôi thằng con trai khôn lớn trong một căn nhà lúp xụp đã bấy nhiêu năm kiên cường trước dòng thời dòng đời. Tưởng như đứa con đã khôn, đã lớn của bà bù đắp được phần nào cái quá khứ đầy ứ nước mắt, nỗi đau dằn lòng bao buổi sớm chiều ấy, thế mà cảnh đời đẩy đưa, gia đình nhỏ của nó cũng tan tác, xác xơ để lại đứa con gái bơ vơ với người đàn bà khốn cùng. Con trai, con dâu mỗi người mỗi ngả đi tìm một nửa hạnh phúc cho riêng mình, tìm bình mình cho một ngày mới, tận hưởng sức phơi phới của tuổi trẻ. Giờ à! Nhà chỉ có một già này với đứa cháu gái 12 tuổi mà thôi.
Già ấy cứ lam lũ “ la cà” ba ca một ngày, đẩy cái xe ba bánh, cuốc bộ, lượm đồ, ai thương cho gì lấy đó, không bỏ xó nào, bước đi trong dòng lệ tuôn trào vì gánh nặng nơi đôi chân bị nứt mạch máu. Đôi chân ấy vẫn hằng ngày rong ruổi nơi những con phố, lê bước trong từng tước phim của cảnh nghèo cảnh khổ, mở lối cho chén cơm manh áo từng ngày.
Chúng tôi trao cho bà điều gì? Tôi cũng không biết nữa.
Quay xe ra về, phía sau kia, người đàn bà già nua ấy vẫn gượng gạo thập thễnh đẩy chiếc xe chậm dãi đi về phía con đường nhỏ, khó khăn cúi mình nhặt từng vỏ chai, lượm từng mảnh vụn để nuôi cái thân già, dưỡng cho đứa trẻ. Thấp thoáng cuối đường những vệt nắng chiều vẫn rọi sau lưng bà. Chúng tôi trở về, lòng vẫn rạo rực niềm vui của bà, lòng vẫn tràn ngập hạnh phúc nhỏ nhoi hàng ngày của bà…Đắm chìm nơi niềm vui của phận già vẫn la cà trên từng con phố, từng con hẻm thân quen suốt mấy chục năm trường.
Bà ơi, cuộc sống bà vẫn thế
Suốt mấy năm trời vẫn tìm kế sinh nhai với cái nghề ve chai vui vẻ
Kẻ qua người lại bên đời
Kẻ cho người giúp bên đường, bà ơi.
Bà nhận bà lãnh từng phần
Mỗi lần như thế dạt dào niềm vui
Ngày vẫn lon ton gánh gồng
Không chồng chẳng kẻ đỡ đần nuôi thân
Bà vẫn vui vẫn đẹp trong con hẻm bao thời
Cái vui cái đẹp nơi bà chẳng ai dám chối chẳng kẻ dám than
Đời già gan dạ, phi thường, một niềm hy vọng không ngày thở than….
Giữa đất Sài Thành đắm lệ này, đâu chỉ có một bà hai, đâu chỉ có một căn lều lụp xụp, đâu chỉ có một chiếc xe lượm ve chai…Bạn có hiểu có thấu những cuộc đời ấy vẫn đầy niềm vui, ắp tiếng cười nơi cái xó xỉnh nào đó ngay bên bạn cạnh chúng ta.
Thiên Chúa vẫn cần nơi bạn một tiếng cười, một bàn tay, một cử chỉ, một an ủi, và hơn thế nữa kìa…
Lyeur Nguyễn