Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại Việt Nam từ hồi cuối tháng 4 năm nay đã làm cho đất nước Việt Nam, cách riêng là người dân Sài Gòn điêu đứng. Ngang qua báo đài, số người bị nhiễm bệnh, số ca tử vong không ngừng tăng lên. Đời sống của người dân bị đặt trong tình trạng bấp bênh, thiếu an toàn.
Đứng trước thảm trạng đó, trong tư cách là một người Kitô hữu tự trong thâm tâm tôi cảm thấy được mời gọi ra khỏi vùng an toàn để đồng hành với những bệnh nhân Covid. Trong tư cách là một Tu sĩ, tôi càng cảm thấy bản thân không được phép làm ngơ trước tiếng kêu cứu của đồng bào. Trải qua hai tháng phục vụ trong một Bệnh viện Hồi sức Covid, một mặt tôi phải chứng kiến không ít đồng bào mình ra đi vì bệnh dịch, mặt khác tôi có được cảm nghiệm sâu sắc về tình người nồng ấm vốn có triển vọng hồi sinh những đau thương.
Cái chết của một Cô gái. Ảnh: Internet
Cho đến lúc này, một trong những điều để lại ấn tượng sâu sắc nơi tôi là hình ảnh những tử thi gần như xếp chồng lên nhau trong Nhà xác lạnh lẽo. Khi bắt gặp cảnh tượng đó, một nỗi sầu buồn trào dâng trong lòng tôi. Tôi tự hỏi: Đời người chỉ có vậy thôi ư? Khi sống thì ông này bà nọ, đến khi chết chỉ độc một túi nilon làm chỗ an nghỉ, cô độc. Dẫu biết rằng đã làm người thì ắt phải chết, nhưng khi chứng kiến những xác người nằm gần như vung vãi tôi không khỏi bàng hoàng, rúng động… Đời sống này quả thật mong manh, chóng qua biết dường nào!!!
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong,chốn xưa mình ở cũng không biết mình. (Tv 103, 15- 16)
Đứng nghiêng mình trước một thi hài, một cách tự nhiên, từ đáy lòng, tôi không chỉ cảm nghiệm sự mong manh của phận người, nhưng còn phảng phất đâu đó sự tuyệt vọng, một bí ẩn lớn lao về cái chết muốn khám phá…Chết rồi là hết..hết những lo toan về miếng cơm manh áo; hết những cuộc tranh giành địa vị, tìm cách ảnh hưởng, thậm chí thống trị lên người khác; hết những tháng ngày gồng mình lên để chứng tỏ tôi đây là đẹp đẽ hơn người, đáng để mọi người kính nể… Nếu như chết là dấu chấm hết cho những tham vọng về danh, lợi, dục tại sao tôi cứ mãi quẩn quanh kiếm tìm những thứ đó làm chi? Đang tự tra vấn chính mình, tôi bất giác nhận ra, chết là một sự cô đơn cùng cực, vì đó là thời khắc một người đang cơn hấp hối phải bước đi một mình, không một ai hiểu thấu hết họ đang phải chiến đấu với điều gì, ngoại trừ Đấng đã làm cho con người được sống…Quả thế, đứng trước những tử thi nằm bất động, tôi nghiệm thấy chỉ có lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa mới đem đếm niềm Hy vọng đích thực, là Ánh Sáng xóa tan sự tuyệt vọng do cái chết mang lại. Tin rằng, một khi không có niềm xác tín về một đời sống sau cái chết, đời sống dương thế này chẳng khác chi một tù ngục giam hãm con người…
Có thể nói chết là dấu chấm hết cho những tham vọng trần thế, nhưng lại là sự khởi đầu một đời sống mới đối với những ai đặt lòng tin vào Thiên Chúa Hằng Sống. Rồi đây, tôi sẽ đối diện với cái Chết trong một tâm thế sợ hãi run rẩy vì còn nhiều cuồng vọng thế gian chưa thỏa mãn, hay với một tâm hồn an bình, thảnh thơi vì đã sống một đời xả thân cho ích lợi của tha nhân dưới cờ hiệu của Vị Vua Hằng Sống? Tất cả đều tùy thuộc vào chọn lựa và quyết định của tôi trong từng giây phút hiện tại.
Cơn đại dịch cho thấy sự tàn phá kinh hãi của sự chết, nhưng đồng thời cũng bộc lộ một sức sống bất diệt, nằm sâu trong trái tim con người. Chính khi xã hội đang dần trở nên bấn loạn vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thì không ít người lại bất chấp hiểm nguy, ra khỏi vùng an toàn để đến phục vụ những bệnh nhân bị nhiễm Covid. Họ là những Bác sỹ, nhân viên y tế, các tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau, sinh viên, nhân viên văn phòng…Do sự đa dạng của các thành phần, tôi không có khả năng nói hết những động cơ ẩn kín đằng sau hành động dấn thân trợ giúp các bệnh nhân Covid của những người này. Tuy nhiên, tôi cảm nghiệm có một điểm chung nơi các nhân viên y tế và các thiện nguyện viên, chí ít nơi những người tôi có dịp gặp gỡ và đối thoại, chính là lòng yêu thương đồng loại. Một cách chung, họ không thể dửng dưng trước những đau khổ mà đồng loại đang phải chịu đựng. Tự con tim, họ cảm thấy phải hành động, phải làm một điều gì đó cho tha nhân…dẫu biết rằng nếu làm, nếu hành động tính mạng của họ có thể bị đe dọa…Quả thế đã có không ít người bị lây bệnh đang khi phát quà từ thiện, hay làm việc trong Bệnh viện Hồi sức và đã nằm xuống mãi mãi…
Nhìn vào sự hy sinh của những con người này tôi tự hỏi điều gì đang diễn ra nơi con tim nhân ái của họ?…Phải chăng đang có một Tình Yêu phổ quát thúc bách họ? Hay do bản tính Thiện vốn có sẵn trong bản chất con người? Trong mức độ hiểu biết của mình, tôi nghiệm thấy lòng nhân ái nơi con người được soi dẫn vừa do bởi bản tính Thiện vừa do bởi Tình yêu phổ quát. Là một Kitô hữu, tôi tin rằng Đức Giêsu vừa chính là Tình yêu phổ quát, vừa là tác giả của bản tính Thiện trong con người. Chính Ngài đã nêu gương triệt để về một tình yêu hiến tế cho từng người trong nhân loại được sống và sống dồi dào… Sự hiện diện của những con người liều mình cứu giúp những bệnh nhân Covid đã góp phần đẩy lùi bóng tối sự chết đang bao phủ nơi tâm thức, nơi bầu khí xã hội trong cơn đại dịch. Trong bóng đêm của sự chết chóc, hạt mầm của Tình người, của Lòng thương xót thần linh vốn được ký thác nơi tâm khảm mỗi người chỗi dậy, lớn mạnh và trổ sinh hoa trái. Hy vọng rằng, cùng với thời gian, nhân loại sẽ được chữa lành khỏi những đau thương do chết chóc gây ra trong đại dịch Corona, và thiết nghĩ một trong những phương thuốc hữu hiệu nhất là làm sống lại một cách mạnh mẽ và cụ thể những giá trị về tình người, tình tương thân, tương ái trong xã hội.
Đại dịch Covid-19 có thể được xem như một phép thử cho nhân loại về nhiều phương diện. Một virus nhỏ bé đã thách thức cả một nền khoa học, cụ thể là y học tối tân. Cũng vậy, chính virus này đã thay đổi cách thức vận hành nhà nước ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Corona đã lấy đi hàng triệu sinh mạng trên toàn thế giới. Ở cấp độ cá nhân, thiết nghĩ, Corona đã làm thay đổi quan điểm về nhân sinh quan của không ít người: Con người được ban đặc ân để quản trị thế giới nhưng chưa bao giờ hoàn toàn làm chủ nó, con người chưa bao giờ là cứu cánh của chính mình, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Cứu Độ nhân loại. Chiêm ngắm về sự Sống và cái Chết trong cơn đại dịch cho thấy những giá trị Kitô giáo nền tảng như: Lòng yêu mến Thiên Chúa, Tình yêu vô vị lợi dành cho tha nhân trở nên những phương dược có sức chữa lành những tổn thương và mất mát lớn lao. Thiết nghĩ, sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con người ở đời này và đời sau không xóa bỏ hết những đau thương mà con người có thể gặp phải trong cuộc đời dương thế, nhưng hẳn chắc đức tin vào sự sống đó sẽ mang đến cho con người niềm hy vọng chính đáng để chấp nhận, và chiến đấu với nghịch cảnh. Sự thật rằng rồi một lúc nào đó tôi cũng sẽ chết như bao người khác sẽ không còn làm tôi quá run rẩy và sợ hãi, vì ngay lúc này với ơn Chúa tôi hoàn toàn có thể học cách “chết” đi cho tha nhân được sống, và như thế cái chết theo nghĩa đen là cánh cửa để tôi bước vào một đời sống mới trong cung lòng từ ái của Thiên Chúa.
TNV: Tu sĩ. Joseph Trần Xuân Mỹ, SJ.