Chuyến về quê

Lần đầu tiên được ba dẫn về làng thăm quê, hắn chộn rộn rạo rực suốt cả đêm không ngủ với biết bao hình ảnh bay bổng trong trí về những trò chơi sông nước và những món ăn dân dã thôn quê. Len lỏi theo ba qua lớp người dày đặc để lên tàu, ngồi cùng với rất đông người khác mồ hôi ướt đẫm, thuốc lá phì phèo, miệng chóp chép nhai trầu và vô số hàng hóa ngổn ngang chất chồng lên khoang. Những âm thanh loảng xoảng va chạm nhau theo từng nhịp xình xịch, cót két của bánh xe lăn trên đường ray. Những cú hãm phanh hay những lúc tăng hay giảm tốc là dịp để bản hòa ca loạn xạ bộc phát một cách tự nhiên của dàn đồng ca lẫn lộn của gia cầm và những thứ linh tinh khác… Đặc biệt là sự pha trộn của tất cả các loại mùi lan tỏa xung quanh cũng đủ làm hắn khó chịu, nhưng cảm giác lần đầu tiên đi tàu hỏa đã xua tan hết tất cả.

 

Xình xịch… xình xịch … cả một đoàn tàu vẫn vô tư lăn bánh ầm ầm tiến về phía trước băng qua làng chài Nam Ô, uốn lượn trên sườn đèo Hải Vân… May mắn thay hắn được ngồi gần cửa sổ nên tất cả những cảnh đẹp quê hương trên đường đều được thu rõ nét bên trong tâm trí non nớt của thằng bé lên bảy. Rồi một tiếng …hai …ba tiếng … ầm ầm ngay bên thành tàu gần trúng chỗ ngồi, nó giật mình tỉnh giấc sau vài phút liu riu ngủ, chưa kịp hoàn hồn thì ba đã lôi nó vào bên trong để tránh những trận mưa đá được ném lên tàu của những thanh thiếu niên sống hai bên đường mà đoàn tàu chạy qua cứ hồn nhiên xem việc ném đá lên tàu là thú vui hàng ngày của trẻ con thời đó. Cũng rất may trận mưa đá ấy không hề hấn gì nhưng cũng đủ làm cho tất cả những con người ngồi trên khoang trải qua những phút giây hoảng loạn.

Tiếng rít ken két, từng hồi còi hú cũng không thấm vào đâu so với những pha nhảy tàu, những tiếng hò hét, những câu chửi thề mà nó cũng chưa được nghe lần nào và cả những màn giành giật hàng hóa của những người buôn chuyến. Sáu tiếng nhồi nhét trên khoang tàu nó đã nhận thấy hết tất cả một thế giới kỳ lạ, hoàn toàn khác những gì mà nó được đọc, được học ở trên trường hay ở lớp giáo lý. Nó trầm tư một lúc …??? những hình ảnh và vài câu văng tục vẫn rang rảng bên tai … rồi nó lại nhắm mắt liu riu ngủ bỏ tất cả ngoài tai. Mệt lả nhưng vẫn còn sức cuốc bộ để đến nhà bác, được bác trai dẫn lên chiếc xuồng nhỏ chèo ra giữa lòng hồ tự nhiên rộng hơn 2.000m2  bao quanh căn nhà gỗ đơn sơ, ngắt từng cọng rau muống, bắt vài chục con ốc bươu đen và vài ba con cá tràu (cá lóc). Hai cha con được chiêu đãi một bữa ăn đồng quê đúng chất Huế do bác gái đạo diễn, một bữa tối thịnh soạn và dư năng lượng bù vào cơ thể cho một ngày ròng rã trên đường dài theo tàu chợ từ Đà Nẵng ra Huế của những năm đầu thập kỷ 80.

 

Cuốc đi bộ không mong đợi sáng hôm sau, lâu và xa vượt qua những cánh đồng lúa bao la, những vườn cau cao chót vót, những làng quê nghèo lác đác bên mương nước … cũng vơi đi sự mệt mỏi khi ba khéo léo kể cho thằng “lười đi bộ” những câu chuyện thời niên thiếu chăn vịt đồng, soi ếch đêm … của bạn bè cùng trang lứa trong làng quê mà ba hắn được sinh ra. Hắn say sưa nghe, đôi lúc lại vặn ba bằng những câu hỏi khó của thằng nhóc tò mò muốn tìm hiểu.

 

Đến nơi là một căn nhỏ, bên ngoài là vườn sắn thẳng tắp trên thửa đất khô cằn chen lẫn vài cây ổi, mãng cầu cùng những luống rau khoai lang. Đằng sau vườn là dãy chuối dày đặc như muốn che khuất tầm nhìn của ai đó. Đón hai cha con là ba người phụ nữ mà ba bảo nó chào bà nội, bà nội dì và o (chị gái của ba), cả ba người phụ nữ neo đơn ấy sống đùm bọc yêu thương che chở nhau trong mối quan hệ huyết thống, tình mẫu tử. Sau màn chào hỏi rất bài bản và lễ phép, hắn lăn tăn chạy khắp nơi nhìn đàn gà quanh sân chăm chú một cách tò mò, theo dõi đàn heo con bé xíu đang ngấu nghiến ôm lấy bầu vú mẹ lục xục nuốt từng giọt sữa tươi …

 

Và lần về quê này nó loay hoay tìm lại trong ký ức dù rất mờ nhạt, đã là 40 năm rồi … nhưng vẫn còn đó những kỷ niệm, những góc nhỏ đơn sơ …  Riêng ba người phụ nữ neo đơn kia thì lần lượt về “Quê Trời Vĩnh Phúc” để lại cho đàn con cháu những niềm thương kính và mến khôn nguôi.

Những người đã từng yêu thương chăm sóc và sẵn sàng chia sẻ những cái bánh, chén cơm không những cho hắn mà còn biết bao con cháu nội ngoại sống quanh làng. Đôi lúc lại dúi những đồng tiền ít ỏi ki cóp được sau những lần bán được vài quả trứng gà, trứng vịt hay vài bó rau hoặc một ít quả ngọt trong vườn cho con cháu trong những dịp đi xa bôn ba tìm kế sinh nhai. Hai người phụ nữ neo đơn ấy là bà cố, bà nội, bà ngoại và là cô dì của cả vài trăm cháu chít nay đã đuề huề vợ con, đã có cuộc sống ổn định thậm chỉ có những người khá giả. Nhưng hai bà ấy vẫn là những linh hồn mồ côi, thậm chí những người cháu đã từng được che chở đùm bọc bằng tấm lòng rộng lượng và hai đôi bàn tay khô khóc ấy vẫn không còn nhớ nổi tên thánh của hai linh hồn kia là gì. Hy vọng sẽ có nhiều người khác trong đàn cháu chắc vài trăm người đó vẫn còn nhớ đến và cầu nguyện trong dịp tháng Mười Một dành cho các đảng linh hồn này.

 

Riêng hắn, thằng cháu ở xa đã từng cuốc bộ cả chục cây số khi lần đầu được ba dẫn về thăm quê nội sẽ xin một thánh kể cầu nguyện cho hai linh hồn mồ côi có cùng tên thánh Anna

 

Andre Phong

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *