Cách đầu tư của bà góa nghèo

Trong xã hội ngày này, người ta hay nói đến việc mở rộng kinh doanh, phát triển doanh số, đầu tư kiếm lời nhưng có lẽ ít ai nghĩ đến nên đầu tư vào một dự án có giá trị bền vững, nó sẽ không mất đi khi bạn không còn là chủ sở hữu. Đó là đầu tư vào lòng thương xót, vào tài khoản Nước Trời. Lời Chúa hôm nay chỉ cho bạn, cách mà bạn nên đầu tư và cách làm giàu. Bà góa làm giàu bằng cách cho đi. Việc dâng hiến đồng xu nhỏ bé của các bà góa diễn tả tình yêu trao hiến của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa trao tặng sự sống của Ngài trong Đức Ki-tô.

Hình ảnh hai bà góa, hai cách đóng góp nhưng có một điểm chung là đóng góp bằng tình yêu và lòng quảng đại. Nắm bột và ít dầu của bà góa thành Sa-reph-ta trở nên đầy tràn với tình yêu và lòng quảng đại, ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất’ “.[1] Đồng xu ít ỏi của bà góa lại có giá trị to lớn trước mặt Chúa, khi nó được dâng hiến với cả con người và mạng sống. Điều mà Chúa muốn không phải là tiền dư gạo thừa nhưng là chính trái tim, chính con người, chính sự sống của mình. Thay vì dâng hiến cái mình có, Chúa mời gọi tôi dâng hiến cài là. Cái làm nên sự sống và con người của tôi.

Cũng thế, Chúa Giêsu không dâng hiến đồng xu hay ít bột và dầu ăn như hai bà góa, nhưng Chúa Giê-su dâng hiến chính mình. “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”[2] Khác với các vị thượng tế, họ phải dâng hiến nhiều lần bằng máu của các con vật, còn Chúa Giê-su chấp nhận dâng hiến chính mình để hủy diệt tội lỗi. Ngài dâng hiến một lần để xóa tội của nhiều người. “Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi.”[3] Như thế điều mà các bạn có thể nhận ra ở đây là Chúa Giê-su không chỉ dâng hiến cái có, cái bên ngoài mình giống như hai bà góa, mặc dù những cái có này gắn liền với mạng sống của họ. Chúa Giê-su dâng hiến chính cái là, dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và cho toàn thể nhân loại. “Đồng xu nhỏ bé” và ít bột đã là điều tốt, nhưng Chúa Giê-su tự nguyện dâng hiến chính mình. Đồng xu mà Chúa Giê-su dâng hiến không phải là vật chất nhưng là sự sống, giá trị của việc dâng hiến không chỉ có giá trị về mặt cá nhân nhưng có giá trị phổ quát. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt bác ái và dâng cúng mang tính cá nhân nhưng mang chiều kích phổ quát. “Giá chuộc” mà Chúa Giê-su đem lại có ý nghĩa cho toàn thể nhân loại.

Chúa Giê-su cần bạn và tôi dâng những đồng xu ít ỏi cho Ngài với một tấm lòng quảng đại để qua Ngài, sự ít ỏi của tôi và bạn trở nên sự giàu có hầu mang lại lợi ích cho mình và cho người khác. Ở đây bạn và tôi hiểu thêm một nghĩa nữa của sự dâng cúng. Dâng cúng chính là trao hiến sự nghèo nàn của chúng ta cho Chúa, để rồi sự giàu có của Chúa biến đổi sự nghèo nàn của chúng ta. Đây là điều mà chúng ta gọi là cứu độ và các thánh giáo phụ gọi là “cuộc trao đổi kỳ diệu.” “Thiên Chúa làm người để con người được làm thiên chúa,” chính là theo nghĩa này. Bạn và tôi đặt sự nghèo nàn và ít ỏi trong tay Chúa, để rồi qua cái chết, sự phục sinh, sự giàu có của lòng thương xót Chúa, sự ít ỏi của bạn và tôi trở nên phong phú và sinh ích cho tha nhân.

Như thế sự dâng hiến ở đây không chỉ là vật chất nhưng là tinh thần, không chỉ là số lượng nhưng là chất lượng, không chỉ là đồng xu nhỏ nhưng là tấm lòng lớn lao, không chỉ là cái có bên ngoài nhưng là chính cài là, cái gắn với sự bảo đảm cho sự sống và là chính sự sống. Chúa Giêsu không chỉ dâng hiến chính đồng xu ít ỏi mà Ngài có nhưng là Ngài dâng hiến chính bản thân Ngài cho Thiên Chúa và cho con người. Với những thứ nghèo nàn của con người, cùng với sự giàu có của Thiên Chúa, Chúa Giê-su kết hợp điều này để dâng lên Chúa Cha. Chúa Giêsu mang lấy sự nghèo nàn của con người và kết hợp với sự giàu có của Thiên Chúa mà dâng lên tất cả cho Thiên Chúa Cha.

Ở thời nào cũng vậy, viêc đóng góp những của cải vật chất, tinh thần, và lời cầu nguyện là cần thiết. Nhưng con người thường thì đánh giá theo vẻ bề ngoài còn Thiên Chúa thì nhìn ở tấm lòng. Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết. Bà góa không hẳn là đã đóng góp nhiều hơn so với người khác nhưng điều quan trọng là bao nhiêu tình yêu và sự hy sinh mà bà đã nỗ lực để đóng góp. Trong một xã hội mà người ta hay đánh giá giá trị của người khác ở “đầu ra”, sản phẩm sản xuất, hiệu quả công việc. Giá trị của một người đôi khi bị đánh giá ở góc độ sự đóng góp hơn là sự hiện hữu và giá trị nội tại. Điều này làm mất đi tính huyền nhiệm nơi con người, con người bị giảm trừ bằng sự đóng góp và đồng hóa như công cụ sản xuất. Bạn càng đóng góp nhiều, đời sống bạn càng có giá trị, bạn đóng góp ít, đời sống của bạn càng ít giá trị?! Điều quan trọng mà bạn cần nhớ là không chỉ bao nhiêu sản phẩm mà bạn đã sản xuất được nhưng là bao nhiêu tấm lòng, tình yêu và nỗ lực mà bạn đã đóng góp!

Xét trong bối cảnh gia đình, tương quan giữa giá trị, sự hiện hữu và sự đóng góp cũng có thể ảnh hưởng đến cách mà bạn nhìn người khác. Điều này cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Giá trị của cuộc sống và sự kính trọng dành cho những ai có những đóng góp nhiều hơn. Sự chênh lệch trong thu nhập và sự đóng góp cho gia đình đôi khi dẫn đến sự thiếu tôn trọng và sự đỗ vỡ trong đời sống gia đình. Cũng thế, cuộc sống của bạn và tôi diễn ra quá nhanh đến nỗi chúng ta không có thời gian cho nhau. Chúng ta dễ dàng lướt qua cuộc đời nhau như một cơn gió thoảng. Sự dâng hiến không phải là điều gì xa vời nhưng đôi khi chỉ là việc sống chậm lại để dành thời gian cho gia đình và người thân, sống trọn vẹn giây phút hiện tại và sống trong sự hiện diện với Chúa và với nhau. Bạn đang mỏi mòn đi tìm một điều gì xa xôi để rồi phung phí những cái bạn đang có và đáng để đầu tư. Bạn nên đầu tư vào một dự án mà nó sẽ không bị mất khi chúng ta không còn là chủ sở hữu. Dự án đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc, tài khoản của lòng thương xót, là giấc mơ của Chúa, là dự án thần linh. Nói một cách đơn giản, bạn nên đầu tư vào điều gì giúp bạn và tôi đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.   

Giáo hội đôi khi cũng ảnh hưởng bởi cách đánh giá giá trị và sự đóng góp thay vì giá trị và giá trị tự nội. Giáo hội không được nhìn nhận ở việc bao nhiêu tình yêu và sự gắn bó mà tôi có với Chúa Giê-su mà chỉ dừng lại ở việc thống kê những công việc đạo đức. Điều này làm mất đi ý nghĩa của người môn đệ, khi Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ: “hãy ở lại trong tình yêu của thầy” và “anh có yêu mến thầy không?!” Câu hỏi này cũng đồng nghĩa với việc anh đã nỗ lưc bao nhiêu để tự hoàn thiện chính mình, tự dâng hiến và cho đi chính mình. Như thế càng ở sâu trong tình yêu với Chúa thì bạn sẽ nhận ra bao nhiêu nỗ lực bạn cần đóng góp. Thay vì bao nhiêu công việc bạn đóng góp mà thiếu chiều sâu trong tương quan và tình yêu. Thay vì tự hỏi tôi đã đóng góp bao nhiêu, thì hãy tự hỏi tôi đã hiện hữu ra sao trước tình yêu Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Và đến cuối cuộc đời, Thiên Chúa chắc sẽ không hỏi bạn đã đóng góp bao nhiêu nhưng sẽ hỏi tôi đã hiện hữu ra sao trước tình yêu Thiên Chúa và con người. Tự sự hiện hữu đó sẽ quyết định giá trị mà bạn cần đóng góp! Giống như bà góa nghèo, hãy mang những cái ít ỏi mà bạn có như sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, dâng hiến thời gian và sự hiện diện. Đầu tư vào tài khoản của lòng thương xót và dự án Nước Trời. Sự giàu có của Thiên Chúa sẽ biến sự nghèo hèn của các bạn trở nên giàu có. Sự giàu có đích thực là đạt đến sự sống viên mãn trong Đức Giê-su Ki-tô. 

Gioan Phạm Duy Anh, SJ    

              

[1] 1V 17,14

[2] Ga 17, 19

[3] Dt 9, 25-26

Kiểm tra tương tự

Thầy Phó tế Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn, S.J. – Hành trình của hòn đá lăn trong tình yêu Thiên Chúa

  Sau 21 năm từ ngày biết đến Dòng Tên, và trải qua 13 năm …

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *