Nữ tu có biết làm đẹp không?

Chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài là mối bận tâm của rất nhiều phụ nữ. Người ta vẫn thường nói rằng phụ nữ là phái đẹp, biểu tượng của cái đẹp. Họ thường quan tâm đến nhan sắc, chăm sóc, tô điểm và giữ gìn nó. Đó là điều chính đáng. Bởi họ muốn trở nên xinh đẹp trước mặt mọi người nhất là trước những người quan trọng đối với họ.

Nữ tu cũng là phụ nữ, là biểu tượng của cái đẹp. Có người nói với tôi rằng: “Sao sơ không trang điểm?, “Sắp khấn rồi sơ có cần chăm sóc da cho đẹp hơn không?”. Tôi cảm động vì sự quan tâm thân tình của họ dành cho tôi. Câu hỏi đó cho tôi một cơ hội để tự vấn. Là nữ tu, tôi có còn xinh đẹp chăng? Tôi có ngày càng trở nên xinh đẹp trước mặt mọi người và nhất là trước mặt Thiên Chúa?

Người ta vẫn nói: “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Có phải nữ tu là những người phụ nữ xấu xí và không biết làm đẹp? Không phải nữ tu nào cũng được sở hữu một nhan sắc tuyệt thế giai nhân, họ có một nhan sắc bình thường nhưng họ vẫn là những người phụ nữ “xinh đẹp”, bởi họ những người biết “làm đẹp”, họ vẫn đang làm cho bản thân trở nên xinh đẹp hơn mỗi ngày. Một vẻ đẹp mà không phấn son nào có thể tô điểm được.

“Cái đẹp” còn được diễn tả đồng nghĩa với thần thánh là sự thiện tốt đẹp, cái đẹp của tâm hồn, của nhân đức. Nét đẹp của người tu sĩ được diễn tả rõ ràng ở khía cạnh này nhiều hơn.

Trước hết họ làm đẹp cho chính mình bằng cách yêu thương bản thân, biết cách chăm sóc sức khoẻ, quân bình và điều độ; Họ tô điểm cho mình vẻ đẹp của sự đơn sơ, giản dị bề ngoài, vẻ đẹp của nét mặt an vui, không cần cầu kỳ phấn son. Thứ đến họ chăm chút cho mình nét đẹp của sự dễ mến, dễ thương, dịu dàng, thánh thiện, đơn sơ, khiêm nhường…Cuối cùng họ làm đẹp cho đời bằng đời sống âm thầm, dịu dàng, làm chứng tá cho Chúa và phục vụ mọi người với vai trò là một người nữ. Cái đẹp này đáng quý biết bao nhiêu. Người nữ tu tô điểm cho mình nét đẹp đó, và tôi dám chắc rằng, có rất nhiều nữ tu càng tu càng trở nên xinh đẹp trước mắt mọi người và Thiên Chúa.

Bạn cũng có thể bắt gặp đâu đó những nữ tu chưa “xinh đẹp”. Họ chưa bao giờ “đẹp” hay họ đã từng là những người “đẹp” và dần trở nên bớt “xinh đẹp”. Tôi thích quan điểm sau hơn. Mỗi người đều là những tạo vật rất tốt đẹp của Thiên Chúa. Chúng ta được sở hữu một vẻ đẹp riêng biệt, là phẩm giá, là sự thiện hảo đặt trong lòng mỗi người. Người nữ tu chắc chắn là những người xinh đẹp, nhưng vì một lý do gì đó họ bỏ bê chính mình và nét đẹp đó dần xuống cấp.

Bắt gặp hình ảnh người thiếu nữ trong sách Diễm ca để diễn tả điều này, nàng có một vẻ đẹp đặc biệt, một nhan sắc tuyệt thế giai nhân, nhưng nàng nhận thấy da nàng đen: “xin đừng để ý đến da tôi rám nắng” (Dc 1, 6) và cho rằng nó là khuyết điểm và nàng biện hộ cho điều đó: “Mặt trời đã làm cháy da tôi”. Mặt trời không có lỗi vì nó chỉ vận hành theo quy luật tự nhiên mà thôi. Trước đó chắc hẳn nàng sở hữu một làn da trắng, nhưng có thể vì áp lực bên ngoài như thành công, quyền lực, bổn phận, vườn nho phải chăm sóc…Áp lực đó khiến nàng bỏ qua việc chăm sóc bản thân mình. Cũng vậy, là nữ tu, họ cũng có những áp lực bên trong và bên ngoài không kiểm soát được, điều đó khiến cho họ bỏ quên việc chăm sóc nét đẹp của chính mình. Nữ tu chưa đẹp không phải lỗi do “mặt trời” (sứ vụ, bổn phận, áp lực cuộc sống…), nhưng do họ quên chăm sóc, chưa quan tâm đủ, chưa xét mình kỹ hay do thân phận con người yếu đuối. Ý thức điều đó, mỗi người nữ tu luôn được mời gọi năng xét mình mỗi ngày để trang điểm lại cho chính mình bằng ân sủng và tình yêu Chúa.

Thiên Chúa trang điểm cho người nữ tu bằng hồng ân của Ngài, vì họ là người được Chúa yêu thương và tuyển chọn. Mỗi ngày họ đều nhìn lại chính mình, “soi gương” xem mình có còn đẹp trước mặt Chúa, điều gì khiến họ không còn đẹp nữa để điều chỉnh mỗi ngày.

Chúng ta cũng nhau cầu nguyện cho những người nữ tu của Chúa ngày càng thêm “xinh đẹp” trước mặt Chúa và mọi người, để khi nhìn thấy họ, mọi người sẽ nhìn thấy sự thánh thiện và ân sủng của Thiên Chúa, qua vẻ đẹp của họ Giáo Hội thêm xinh đẹp hơn, thánh thiện hơn.

Diễm Ngọc

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *