Bệnh dịch đến, để lại cho con người nhiều đau thương. Chiến tranh qua đi sẽ để lại sự hận thù và sự đổ vỡ. Những hậu quả để lại bệnh dịch và chiến tranh vẫn ảnh hưởng lâu dài trên đời sống của những người trong cuộc. Cho nên, ai trong chúng ta cũng mong muốn để lại những điều tốt đẹp, hơn là để lại sự đau thương và mất mát cho người ở lại. Có thể nói, thông thường những người sắp „ra đi,” luôn thao thức để lại một điều gì đó có ích cho đời.
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh,[1] Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em.” Ở chương tiếp theo, Đức Giê-su tiếp tục tỏ lộ cho các môn đệ biết Ngài còn để lại yêu thương và niềm vui nữa.[2]
Họ được nhắc nhớ rằng: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (câu 27b). Vào lúc đó, người Do-thái đang tận hưởng một loại „hòa bình La-mã”. Loại hòa bình ấy được thành lập dựa trên sức mạnh quân sự của người La-mã, được tài trợ bởi thuế và được duy trì bởi những người lính La-mã. Thực ra, đây là sự thống trị hơn là hòa bình thực sự. Cho nên dễ hiểu, có nhiều người muốn nổi dậy để đánh đuổi những kẻ chiếm đóng La-mã ra khỏi đất nước của họ. Tuy nhiên, người La-mã có đủ sức mạnh quân đội để dẹp tan các cuộc nổi loạn. Đôi khi, họ sử dụng sức mạnh quân sự một cách tàn nhẫn.
Ngược lại, Đức Giê-su hứa ban sự bình an thực sự, nhưng chỉ những ai sống gắn bó và phó thác cuộc đời cho Đức Giê-su, mới hưởng nếm được niềm bình an này. Ở thời kỳ đầu của Giáo hội, những kẻ bắt bớ các ki-tô hữu đã ghen tị với sức mạnh nội tâm của họ. Các ki-tô hữu đầu tiên trong thời bách hại, họ xác tín rằng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”[3] và họ được bình an nội tâm, cho dù cuộc sống của họ bị khó khăn trăm bề.
Cho nên, bình an mà Đức Giê-su hứa ban, không có nghĩa là cuộc sống của họ được trải thảm nhung và hoa hồng. Chính khi đưa ra lời hứa này, Đức Giê-su đang trên đường hướng đến cuộc khổ nạn. Và trên đường thương khó, sự bình an nội tâm của Đức Giê-su đã biến ngày thứ sáu tội lỗi, thành ngày thứ sáu thánh thiện. Ngài lấy tình yêu và tha thứ để đáp lại hận thù và gian ác. Sau này, khi phải đối diện với những cuộc vu khống và bách hại, các môn đệ và những người ki-tô hữu đầu tiên luôn có được sự bình tĩnh và an nhiên. Đó là sự bình an của Đức Giê-su đã để lại. Bình an ấy được thực hiện một cách cụ thể nhờ Đấng Bảo Trợ. Ngài có nhiệm vụ đưa anh em đến sự thật toàn vẹn và niềm vui trọn vẹn.
“Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (câu 26). Đức Giê-su bảo đảm với các môn đệ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi họ. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, Đấng Bảo Trợ[4] có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau là Người bênh vực, Người an ủi, Người cố vấn hoặc Người trợ giúp… Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa và luôn ở bên cạnh chúng ta mãi mãi (câu 16). Đấng Bảo Trợ là người đại diện, bảo vệ, tranh luận cho chúng ta, và dẫn đưa chúng ta đến bình an đích thực. Có thể hiểu, Ngài sẽ đưa ra những lời khuyên như cần thiết cho chúng ta trong những hoàn cảnh sống cụ thể. Tuy nhiên, không giống như các luật sư bào chữa ngày nay, những người không có trách nhiệm tiết lộ sự thật mà thay vào đó, họ phải cố gắng đảm bảo một phán quyết có lợi cho thân chủ của họ. Còn Đấng Bảo Trợ mà Đức Giê-su giới thiệu ở đây là “Thần Khí sự thật” (câu 17). Như vậy, Đấng Bảo Trợ đóng vai trò là người cố vấn, người bênh vực, người trợ giúp… để nâng đỡ những ai đang gặp khó khăn.
Nhiệm vụ quan trọng, Chúa Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (câu 26). Trong Tin Mừng Gio-an, các môn đệ là những người thường thường hoặc hiểu sai, hoặc không hiểu điều Đức Giê-su nói.[5] Cho nên, nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ là giúp họ ghi nhớ và giải thích những lời dạy của Đức Giê-su trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Lời hứa này vẫn là một lời khích lệ cho chúng ta ngày nay. Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần luôn đứng bên cạnh để hướng dẫn chúng ta. Nếu chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự thật. Và nếu chúng ta vâng lời, Thần Khí sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui trọn vẹn. Nhưng các ơn lành này cần sự cộng tác của con người. Chúng ta phải làm theo, phải tuân theo những lời dạy dỗ của Đức Giê-su.
“Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây, không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.”(câu 24). Chắc chắn, ai yêu mến Đức Giê-su thật lòng, sẽ giữ lời Ngài. Những ai không yêu mến Đức Giê-su sẽ không giữ lời Ngài – sẽ không tuân theo điều răn mới của Ngài – sẽ không yêu thương nhau.
Như vậy, bình an của Đức Giê-su để lại có hiện diện trong đời sống của chúng ta hay không, tùy thuộc vào sự đáp trả của chúng ta về lời mời gọi „anh em hãy tuân giữ những điều Thầy dạy.”
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm C (Ga 14,23-29).
[2] „Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15,9-11)
[3] Xem Rm 8,31.
[4] Chỉ có Tin Mừng Gioan dùng danh từ παράκλητος (Paráklētos) = Chúa Thánh Thần. Danh từ này cho thấy Chúa Thánh Thần là một ngôi vị, chứ không phải là một đặc tính hoặc một thuộc tính của Thiên Chúa. Nói một cách khác, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị Thiên Chúa. Các tác giả Tin Mừng khác có nhắc đến Thánh Thần (Holy Spirit), và dùng cụm từ πνεῦμα ἅγιον (πνεῦμα = spirit = tinh thần; ἅγιον = holy = thánh). Trong Tin Mừng Gioan và các thư của thánh Gioan, cũng dùng danh từ pneuma, nhưng chỉ để đề cập đến những đặc tính, những tính cách thôi. Ví dụ như gió (Ga 3,8); sinh lực sống của con người (Ga 3, 6); tinh thần/ tâm thần của Đức Giê-su (Ga 11,33; 13,21; 19,30); thứ mà Đức Giê-su ban cho các môn đồ (Ga 20,22), hoặc thứ gì đó đến từ Thiên Chúa (Ga 1,32-33; 3,5-8; 15,26)…. Thánh Gio-an dùng danh từ παράκλητος (Paráklētos) để chỉ đích danh Chúa Thánh Thần. Danh từ παράκλητος (Paráklētos) = Chúa Thánh Thần chỉ xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,16; 14,26; 15,26; 16,7) và 1 lần trong thư thứ nhất của thánh Gioan (1 Ga 2,1).
[5] Xem Ga 14,4-6,8-9….