Lửa 20: Lời xin lỗi

Nghe bài Lửa 20 – Lời xin lỗi

Thật bất hạnh biết bao nếu không có mẹ. Có mẹ là có hạnh phúc. Thiền Sư Nhất Hạnh đã cảm nghiệm được phần nào nỗi đau của những người đã mất mẹ, và hạnh phúc của những người đang còn mẹ khi viết lên những câu thơ nhắc nhớ cho những người con phải hiếu thảo với đấng sinh thành; và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dường như đồng cảm với Thiền Sư Nhát Hạnh khi dùng chính những câu thơ ấy để phổ nên điệu nhạc đi sâu vào lòng người: “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…”.

Là con trong gia đình, đã có bao lần bạn trẻ chúng ta làm mẹ tổn thương. Đừng ngại để nói với mẹ một lời xin lỗi bạn nhé. Chuyên mục bạn trẻ hôm nay muốn gởi đến các bạn “lời xin lỗi” của một người bạn nam trong chúng ta dành cho mẹ.

 

Mẹ Ơi – Tha Lỗi Cho Con!

Tôi được  sinh ra và lớn lên trong tình thương của biết bao con người, nhưng hình ảnh mẹ in đậm trong tôi nhiều hơn cả. Mẹ luôn có mặt trong mọi thời khắc cuộc đời tôi. Có cái bánh ngon, mẹ không nở ăn, mẹ để dành cho tôi khi tôi đi học về. Từng lời ăn, tiếng nói của tôi đều do mẹ đều chỉ bảo…. Giờ đây, khi sống xa nhà, tôi mới nhận ra phần nào tình yêu của mẹ dành cho tôi. Tôi thật sự hạnh phúc vì có mẹ. Thế nhưng, đã có lần tôi mê muội, tôi đã cư xử không phải với mẹ.

Tôi còn nhớ ngày tôi được gọi vào nhà Ứng Sinh Dòng Tên. Đó là một cú sốc lớn đối với mẹ tôi. Ba tôi bệnh nhồi máu cơ tim đã hơn mười một năm và vừa mới qua đời. Trong suốt thời gian ba tôi bệnh, tôi cũng ốm yếu không kém gì ba tôi. Chẳng những tôi không giúp được gì cho gia đình mà gia đình còn phải tiêu tốn nhiều tiền vì căn bệnh tôi mang theo mình từ nhỏ. Các em của tôi vẫn đang còn quá nhỏ và tất cả đều đang đi học; các anh chị đã lập gia đình nên cũng không giúp được gì. Mọi gánh nặng đều đặt trên đôi vai của mẹ. Vì quá lao lực nên mẹ tôi đã sớm kiệt sức. Khi ấy, niềm hy vọng của mẹ chính là tôi. Mẹ mong rằng sau khi ra trường tôi sẽ san sẻ với mẹ phần nào khó khăn trong gia đình. Tuy nhiên, khi còn khoảng một tháng nữa là tốt nghiệp, tôi đột ngột quyết định đi tu mà chưa bàn bạc với mẹ một lời nào. Khi tôi báo tin, mẹ đã bàng hoàng. Nói thật, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấu được nỗi bàng hoàng của mẹ lúc ấy. Tôi chỉ thấy mẹ rơi nước mắt, nét mặt tái dần, rồi vài phút sau mẹ cố gượng dậy đi ra sau bếp. Có lẽ mẹ thật sự thất vọng về tôi, có lẽ mẹ bàng hoàng vì tôi thực hiện một quyết định quan trọng như thế mà không cho mẹ biết trước, và cũng có lẽ mẹ vui với quyết định của tôi nhưng thấy chới với vì quá đột ngột…. Giá mà tôi đã thưa chuyện với mẹ trước, giá mà tôi thực hiện quyết định có sự bàn bạc với mẹ!

Có một điều khác mà tôi chưa bao giờ tha thứ cho mình mặc dầu tôi biết rằng mẹ đã tha thứ cho tôi từ lâu. Đi tu được một thời gian, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên tôi trở về nhà để phụ giúp gia đình. Với nguồn hậu thuẩn của mẹ và gia đình, tôi ngày càng thành đạt trong công việc. Cứ mỗi lần tôi đi công tác đây đó, mẹ đều đích thân xếp hành lý cho tôi. Bạn bè tôi đến nhà, mẹ lo tiếp đãi tử tế. Một lần tôi phải ra Hà Nội gấp vì công việc, tôi gọi điện về nhà nhờ mẹ gấp hành lý giúp, hôm ấy tôi không hài lòng với một số người trên công ty nên khi về nhà tôi đã vô tình nói những lời nói làm mẹ buồn lòng. Nét mặt của mẹ trông rất buồn và tôi biết rằng tôi đã sai. Mẹ lầm lũi làm và không nói một lời nào. Trên đôi mắt mẹ, tôi thấy dường như đôi giọt lệ đang muốn tuôn trào. Những ngày sau đó, khi tôi ở Hà Nội, trong lòng cứ nôn nao muốn về để có thể xin lỗi mẹ. Tôi biết mẹ đang rất buồn.

Trở về nhà sau chuyến đi, tôi lập tức đến với mẹ, lấy hết can đảm để nói lời xin lỗi. Mẹ đã bật khóc, khóc nức nở. Mẹ nói với tôi “Con ơi, Mẹ không buồn về con, nhưng lần sau con đừng như thế nữa”. Tôi biết tôi có lỗi với mẹ thật nhiều.

Đó là hai kinh nghiệm có lẽ sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Bây giờ, tôi không gặp được mẹ, nhưng trong lòng, tôi vẫn muốn một lần nữa xin mẹ tha thứ cho tôi.

Thật bất hạnh biết bao nếu không có mẹ. Có mẹ là có hạnh phúc. Thiền Sư Nhất Hạnh đã cảm nghiệm được phần nào nỗi đau của những người đã mất mẹ, và hạnh phúc của những người đang còn mẹ khi viết lên những câu thơ nhắc nhớ cho những người con phải hiếu thảo với đấng sinh thành; và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dường như đồng cảm với Thiền Sư Nhát Hạnh khi dùng chính những câu thơ ấy để phổ nên điệu nhạc đi vào lòng người: “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…”. Tôi thấy mình hạnh phúc vì có mẹ, một người mẹ đã hy sinh trọn cuộc đời cho tôi, cho những người con.

RADIO VATICANA

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *