Nhân đức trong Gia đình: Sự hiệp nhất

“Sự hiệp nhất trong một con người cho phép họ nhìn mình trong toàn thể tạo thành, nhìn thấy toàn thể trong chính mình, nhìn mọi sự với con mắt vô tư”

Trích sách BHAGAVAD-GITA chương VI, câu 29

 

1. Thế nào là sự hiệp nhất?

Nhân đức có thế lực lớn lao chính là sự hiệp nhất, nó mang đến cho con người nguồn sức mạnh vô biên. Sự hiệp nhất cho phép bạn có một cái nhìn thống nhất về vũ trụ tạo thành vì đó là sản phẩm của Đấng Sáng tạo và cũng chính là Đấng đã dựng nên ta. Sự hiệp nhất trong con người cho bạn cảm nhận sự nối kết bản thân với toàn bộ tạo thành.

Sự hiệp nhất chính là sự thống nhất trong một bản thể, nó mang đến cho ta sự hòa điệu với cuộc sống, giống như một bản nhạc là kết quả của sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ khác nhau trong dàn nhạc. Thống nhất không có nghĩa là đồng nhất. Một cây sáo sẽ không bao giờ mất công cố sức để mình tạo ra một âm thanh giống như cái trống. Khi khởi tấu chung với nhau, chúng tạo thành một bản nhạc tuyệt vời. Sống trong sự hiệp nhất cho bạn một khả năng để nhìn nhận giá trị của từng phần trong tổng thể. Với sự hiệp nhất đó, bạn có thể cố gắng để hòa hợp với tất cả mọi người trong gia đình nhỏ bé của mình và trong đại gia đình nhân loại.

Sự hiệp nhất mang lại cho chúng ta bình an. Như đã nói, hiệp nhất không nhất thiết đòi hỏi phải cố gắng để cho mọi người nhìn, nói, nghĩ giống nhau. Nhưng trong sự hiệp nhất chúng ta tìm được nguồn sức mạnh giúp giải quyết các xung đột. Sức mạnh đó có thể giúp bạn khám phá ra một ý tưởng hay một giải pháp mới giúp giải quyết được nhu cầu của mọi người. Sức mạnh ấy cho bạn khả năng nhận ra những điểm chung giữa những con người khác biệt. Sự hiệp nhất là một sức mạnh lớn lao có thể thắp sáng thế giới và dập tắt ngọn lửa chiến tranh tương tàn. Chính nhờ nguồn sức mạnh của sự hiệp nhất bạn cũng tìm ra được động lực cho mình để thực hiện các hành động mang tính chất kiến tạo hòa bình bất cứ nơi nào bạn đến.

 

2. Tại sao cần thực hành sự hiệp nhất?

Tuy con người chúng ta khác nhau về màu da, quốc gia, tôn giáo, giới tính, tuổi tác nhưng chúng ta đều là con người của cùng một chủng tộc, chủng tộc nhân loại. Tất cả đều được Thiên Chúa dựng nên.

Nếu không có sự hiệp nhất thì những khác biệt sẽ trở thành mối đe dọa cho con người và có thể khai trừ bất kỳ một ai. Định kiến đã gây nên tình trạng chia rẽ ở nhiều nơi trên thế giới. Con người bị tổn thương, con người bị giết vì những khác biệt trong màu da, tôn giáo, ý thức hệ. Họ quên rằng tất cả đang cùng tồn tại trên một hành tinh, và Thiên Chúa, Đấng tạo dựng tất cả muốn mọi người yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu.

Thiếu vắng tinh thần hiệp nhất nên giữa con người và hành tinh họ đang tồn tại thì hành tinh này có thể trở thành một chốn đầy rẫy những hung tàn, ví thể như việc giết chết các động vật cách dã man chỉ vì lợi nhuận trước mắt, hoặc không quan tâm đến nguồn nước, nguồn không khí mà cả nhân loại này đang hít thở. Thiếu vắng sự hiệp nhất này thì con người và chính hành tinh họ đang tồn tại chẳng còn ý nghĩa gì.

Khi có sự hiệp nhất tồn tại trong một gia đình thì mọi thành viên ân cần trợ giúp nhau, lắng nghe nhau và tôn trọng nhau để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống theo cách thức riêng của mình. Mọi người cảm thấy ấm áp và an toàn khi ở bên nhau. Sự hiệp nhất là sức mạnh và có sức ảnh hưởng lớn lao. Khi một gia đình sống hiệp thông với nhau, sự hiệp nhất của họ có sức lan tỏa ra cả thế giới xung quanh.

 

3. Thực hành như thế nào?

Sự khác biệt làm cho cuộc sống phong phú, thú vị và nó cũng không làm hại ai dù trong gia đình hay trong nhân loại vì chính Thiên Chúa cũng yêu thích sự đa dạng. Thật dễ hiểu khi thấy những bông hoa trong vườn trở nên lu mờ nếu tất cả mọi bông hoa có cùng một màu sắc. Một gia đình sẽ thực sự buồn nếu mọi người đều giống y như nhau!

Sự hiệp nhất trong một gia đình không có nghĩa là mọi người phải suy nghĩ và hành động giống như nhau. Nhưng là khi có khó khăn đến, chúng ta cùng ngồi lại và lắng nghe ý kiến của nhau để cùng tìm ra một giải pháp. Tránh đổ lỗi vì đổ lỗi không bao giờ là khởi điểm tốt lành cho một cuộc đối thoại. Bạn chia sẻ cảm xúc và ý tưởng của mình nhưng không khăng khăng giữ nó. Giống như khi nấu món súp, bạn phải cho khoai tây vào và làm cho nó tan ra để chính khoai tây cũng mang hương vị của món súp. Khi mọi người cùng chia sẻ vấn đề trong tự do và tin tưởng, chúng ta sẽ có được một kết quả kì diệu. Mọi người đều cảm thấy mãn nguyện.

Khi thực hành sự hiệp nhất, bạn nhìn nhận định kiến và sẵn sàng loại nó ra khỏi cuộc sống của mình. Giống như mỗi một chiếc lá được tạo ra khác nhau, mỗi người chúng ta cũng là một tác phẩm độc nhất, đặc biệt. Khi bạn sống sự hiệp nhất, bạn sẽ cố gắng để thấy được điều đặc biệt nơi mỗi con người, đón nhận sự khác biệt như những món quà của tạo hóa chứ không phải một điều gì đó đáng khiếp sợ.

Sống sự hiệp nhất giúp bạn nhìn nhận trái đất này như là nhà của mình, một ngôi nhà thiêng liêng. Bạn là con cái Chúa Vũ Trụ, bạn tôn trọng mọi cuộc đời trong đó.

Sự hiệp nhất trong một gia đình nhân loại cho chúng ta cảm nhận mình và người khác đang nối kết với nhau. Niềm vui của một người là của tất cả. Nỗi đau của người khác cũng là của tôi. Niềm vinh dự của một người là cho mọi người.

 

4. Dấu hiệu sự thành công

Chúc mừng bạn khi:

  • Ý thức mọi người là thành viên trong gia đình nhân loại
  • Nhìn thấy ân huệ trong những khác biệt
  • Giải quyết xung đột qua việc lắng nghe, và tìm giải pháp
  • Quan tâm tới trái đất và tất cả sinh vật trong đó
  • Trở thành sứ giả của hòa bình bất cứ nơi nào bạn đến

Hãy cố gắng khi:

  • Giữ thái độ phe nhóm
  • Tránh những người khác biệt với mình vì sợ
  • Hành xử với người khác như thể họ thấp kém hoặc hơn bạn
  • Cố để có cách riêng của mình
  • Đổ lỗi khi có ý kiến khác biệt
  • Lạm dụng trái đất hay những sinh vật sống khác

 

Khẳng định:

Tôi là một phần của vũ trụ tạo thành. Tôi trân trọng sự khác biệt và không ủng hộ định kiến. Tôi là người kiến tạo hòa bình. Tôi quan tâm tới trái đất và tất cả các sinh vật sống trên nó.

Trích sách: The Family Virtues Guide

Chuyển ngữ: Hướng Dương

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …