Tôi đang viết những dòng này khi mặt trời đã đi ngủ và cũng là lúc tôi đang lảng bảng trong một mớ suy tư về ơn gọi thuở ban đầu. Ngược dòng thời gian để sống lại giây phút ban sơ, ngày tĩnh tâm đã giúp tôi có cơ hội nhìn lại bản thân trong những năm tháng dấn thân theo Chúa. Từng bộ sưu tập các ý nguyện, từng trang tập ảnh của dĩ vãng được lắng đọng trong tôi qua dòng chảy thời gian. Hôm nay, tôi có dịp suy tư và tôi muốn chia sẻ chính câu chuyện rất thật về ơn gọi mà tôi cất bước ngay từ những ngày đầu đời cuả tuổi trẻ. Có những câu chuyện dù nghe nhiều lần ta vẫn không thể nhớ. Lại có những câu chuyện dù chỉ nghe một lần ta vẫn không thể quên. Có những hạnh phúc muộn màng và ngắn ngủi, khiến ta phải chực trào nước mắt. Có những tình cảm ấm nồng và thiêng liêng ta chỉ có thể cảm nhận trong tim, qua hai chữ “nhà tu”.
Không biết từ bao giờ, tôi lại ở trong mái nhà này – Ngôi nhà mang tên Thanh tuyển viện- Hội dòng Mến Thánh Gía Vinh. Cũng chẳng biết vì sao, hôm nay tôi lại khoác trên mình bộ áo dài trăng trắng, với một tên gọi siêu dễ thương, mọi người thường gọi tôi bằng cái tên rất kêu, rất sang- xịn- mịn” như bà sr nhí, chị nhỏ…Tôi lấy làm ngượng ngùng mà thinh thích làm sao!
Tôi sinh ra và lớn lên trong một xã đạo toàn tòng (tất cả những người trong xã đều theo đạo Công Giáo). Đó là Giáo xứ Thanh Dạ, thuộc Giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất được nhiều người biết đến bởi nhiều cái nhất: Đông dân nhất địa phận, nhất đoàn kèn, nhất các Hội đoàn và cái nhất làm tôi tự hào ở quê hương muốn kể cho các bạn, đó chính là một cái nôi sản sinh ơn gọi nhiều nhất không chỉ cho giáo hội Việt Nam mà còn cho cả giáo hội Hoàn vũ. Cứ mỗi lần nhìn thế hệ anh chị đi trước, mỗi người mỗi vẻ tạo nên muôn điều khác biệt qua màu áo tu phục, tôi thường nói đùa bộ tu phục áo dòng nhiều màu có 7 sắc cầu vồng xanh, đỏ , tím, vàng, lục, lam, chàm, tím…. Phải chăng đó là lý do nảy sinh trong tôi ý định tò mò đi tu.
Bốn giờ sáng, chuông nhà thờ đánh thức. Tôi được mẹ gọi dậy đi lễ, có lẽ sót buổi lễ nào là bị “ăn” roi vào mông như chơi; có khi tôi nằm lì trên giường, chực chờ mẹ đi lễ rồi là nằm ngủ lại, đặc biệt thời tiết mùa đông tạo cho tôi cảm giác khoan khoái, dễ chịu làm sao khi được làm bạn với chiếc giường chăn ấm nệm êm. Có lẽ, từ những điều nhỏ nhặt mà mẹ tôi dạy hồi nhỏ, đã hình thành trong tôi một lý tưởng dâng mình cho Chúa. Ngay từ hồi còn bé, còn nhớ thuở thiếu thời, khi đó tôi 9 tuổi. Tôi thì thầm, nhỏ to với mẹ rằng: “con muốn vào hội đoàn Con Đức Mẹ”, và rồi xin gia nhập sinh hoạt vào Hội đoàn cho bằng được. Nơi đây, tôi được các sr Nữ tữ bác ái Vinh Sơn dạy về nhân bản, giáo lý, tiểu sử về Đức Maria và chị thánh Catherina Laboure, còn nhớ đó là Sr Anna Von- người đồng hành với tôi hồi ấy. Hằng ngày tôi được nghe những bài học về ơn gọi, cũng từ đó nhen nhóm trong tôi ngọn lửa khao khát đi tu làm “ma sơ” chỉ vì các sơ ăn mặc rất đơn giản, “mặc áo cúc nào ra cúc nấy”.
Cái ngày cắp sách đến trường cứ thế trôi theo dòng thời gian. Đây là lúc tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp, chọn ngành học và cũng là lúc quyết định lựa chọn con đường, hướng đi mới của mình trong tương lai. Ngày quyết định học đại học, gia đình tôi gặp một biến cố không may xảy ra là bố tôi đổ bệnh rất nặng cần tiền chữa trị, nên mẹ tôi mới bảo rằng: “Con ơi, mẹ biết con thích đi tu, nhưng chưa thể đi học ngay năm này được, vì nếu như con đi học sẽ không có tiền lo liệu cho bố chữa bệnh”; tôi nghe xong chẳng nói chẳng rằng, liền vội vàng quẹt ngang nước mắt quay đi. Đến giờ tôi vẫn chưa thể hiểu vì sao mình lại được học đại học, có lẽ Chúa đã an bài, quan phòng mọi sự, Người sắp xếp và có chương trình riêng cho đời tôi. Đó là tất cả những gì mà tôi cảm nghiệm được trong cuộc đời này.
Hồi vị lại, thước phim quay chậm đang tời lại các biến cố lớn nhỏ trong đời tôi. Ngày nhập dòng, tôi mang theo chiếc balo dày cộp trên vai, ánh mắt của bố mẹ cứ dõi nhìn theo tôi mãi, tôi cảm thấy lưu luyến một nỗi nhớ nhà khôn tả, lúc này chẳng biết phải làm gì để trốn tránh cảm xúc thực tại. Cái ngày vào cộng đoàn Gia Hòa chỉ vỏn vẹn một ngày rồi tôi vào Huế học đại học. Chuyến đi ấy chuyên chở đầy ắp những kỉ niệm trong tôi, cái lần vào Huế không người thân thích, không đứa bạn, nhưng vẫn phó mặc cho ô tô đưa đến mảnh đất nửa vòng cong chữ S. Lúc tới Cửa Hữu Huế, bác tài dừng xe cho tôi xuống. Tôi đứng lặng giữa ngã ba đường một lúc lâu, cũng chẳng biết nhóm các chị học Huế ở ngã đường nào, cũng chẳng biết khuôn mặt các chị như thế nào, tôi ngó qua ngó về, lúc này tôi cảm thấy bơ vơ. Nhưng tôi mường tượng trong tâm trí mình rằng, khi nào thấy bóng dáng các chị mang đồ nhà tu thì nhận ra ngay các chị tới đón mình, linh tính mách bảo đúng là như vậy. Dọc dài cuộc sống cứ thế diễn ra, cứ chầm chậm trôi một cách vô định.
Bắt đầu một hành trình mới, tôi phải làm quen mọi thứ. Từ sinh hoạt cho tới môi trường sống nhà tu. Mảnh đất Cố đô được nhiều người biết đến như một thức ăn đặc sản duy nhất là mưa. Ngày nắng thì ít mà ngày mưa thì nhiều. Huế đó! bỗng xanh xao, sầu lặng, nhưng có lẽ Huế chỉ đẹp nhất khi trầm mình trong những màn mưa mà thôi! Vắng mưa, Huế trở nên đơn điệu. ” Mưa ” ngồi góc quán cafe quen, nghe nhạc không lời, đọc cuốn sách hay, thế giới ta đang sống tự nhiên thu nhỏ lại… Ai rồi cũng sẽ có những thử thách, chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Tôi cũng có những cái khó khăn nhất định, mấy tháng đầu học đại học, tôi phát hiện tai phải bị thủng màng nhĩ hai lỗ rất lớn. Tôi thấy đau, nhói ran đến nhường nào, chỉ khi được các chị dẫn đi khám bác sĩ chỉ định uống 5 liều rồi sẽ phải nhập viện để mổ vết thương. Tôi lo xanh mang, về nhà cầu nguyện rồi cũng đặt điều kiện với Chúa như bao nhiêu người “Chúa ơi! Nếu Chúa chữa tai con, nếu con không phải nằm viện, thì con hứa với Chúa trọn đời này, con chỉ thuộc về Chúa”. Có lẽ Chúa nghe tôi nài nỉ nên đâm ra “điếc tai” đành phải nhậm lời tôi cầu xin, hành trình vừa tu vừa học cứ thế trải dài xuyên suốt 4 năm đại học.
“Những ngọn gió tháng mười hai ráo khan đã thổi về rồi” làm cho tôi nhớ lại thời sinh viên. Cứ mỗi lần đi học trên một chiếc xe đạp cào cào màu trắng, áo sơ mi “kín cổng cao tường”, quần tây đen một màu, để tóc lọn đuôi gáy với một chiếc cặp nhỏ nhỏ màu đen là dấu hiệu bạn bè nhận ra đó là tôi. Hành trang ấy theo tôi suốt những năm tháng triền miên. Nếu như sau này có ai hỏi tôi, kỉ niệm nào là kỉ niệm đáng nhớ nhất thời sinh viên. Tôi sẽ nghĩ đến ngay cảnh trời mưa vi vu với nhóm bạn đi tác nghiệp, là những lần vội vã ăn thật nhanh cho kịp chương trình, sự kiện diễn ra, là những lúc được thưởng thức món bánh ép nóng hổi, là những lúc tranh luận sôi nổi làm việc nhóm với đám bạn khó tính, là những lần ngủ gục nằm xoài trên bàn học… Đã ba năm mùa mưa, mùa nắng cứ thế trôi qua, tôi vẫn kiên trì đạp tới trường Khoa học Huế chừng bốn cây số gì đó, đó là chưa tính đến trường Giáo dục thể chất- trường Ngoại ngữ thì tầm 7 cây số. Có nhiều lúc tôi rất tức giận vì những lần trật xích đều rơi trúng vào thời điểm quan trọng như mùa kiểm tra, mùa thi. Nó không trật ngay buổi nào lại trúng ngay đầu 1 giờ chiều. Trời nắng chang chang, cái nắng mà người ta hay ví von là nắng bể đầu, lúc đó tôi phải dừng xe tại cổng trường Học viện Âm nhạc để kiểm tra tình trạng xe, lên tới lớp thì đã trễ 30 phút mất rồi. Trong tâm thức tôi vẫn nhớ như in lời mẹ căn dặn: “Con đường ngắn nhất chở con đến với ước mơ là con đường kiên trì”. Rồi tôi cố gắng lao mình vào phía trước nhất là những ngày giông bão. Vừa đạp vừa nhớ như in lời mẹ dạy, cứ thế luôn vui vẻ đạp một mạch tới trường mà không hề cảm thấy mệt mỏi khi trời mưa, hay khi trời nắng. Nỗi nhớ ấy cuộn dài, cứ dai dẳng, đeo bám tôi mỗi lần thời tiết Hà Tĩnh cứ như thế này.
Chiều! Chiều rồi. Một chiều êm ả! Một chiều nhẹ nhàng. Cũng là màu trời, màu mây này, tôi chạy đôn chạy đáo rảo khắp thành phố cùng với đứa bạn cùng quê học Báo chí để lấy thông tin viết bài. Nhà bạn ấy cách nhà tôi chỉ một cánh đồng thôi! Có lẽ đó cũng là duyên, ai cũng bảo đó là đôi bạn cùng tiến. Giờ thì mỗi đứa một tỉnh học tập, lập nghiệp khác nhau.. “Gặp gỡ là một cái duyên và đi qua cuộc đời nhau cũng là một sự sắp đặt định mệnh, một món quà của cuộc sống. Đôi khi chỉ nghĩ lại thôi người ta càng có lý do để mỉm cười”. Mỗi khi chúng ta quyết định biết ơn thì sẽ dễ dàng để nhìn thấy những điều mới để biết ơn. Lòng biết ơn sinh ra lòng biết ơn, cũng giống như tình yêu sinh ra tình yêu.
Thật quý hóa biết bao trong một xã hội tục hóa như ngày nay, có hình bóng người tu sĩ rảo quanh nơi các giảng đường, môi trường đang học tập và sinh sống tại quê hương hay hải ngoại. Thời đại này, nếu người trẻ nói về Thiên Chúa, về chuyện đạo nghĩa, chúng bạn dán mác cho tôi là đứa sống trên mây, sống lạc loài và quê mùa “ôi con sông quê, con sông quê”. Cái đứa bạn học đại học biết tôi quyết định đi tu, nó bảo với tôi rằng: “Đi tu khổ lắm mi ơi, nhìn mi cũng đâu đến nỗi mà không có anh nào hỏi han? Nói ngang đến đây là tôi cười thầm trong bụng vì lâu lâu có người khen. Lúc làm báo, tôi có chia sẻ với Chú Tâm, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại rằng là sau khi cháu tốt nghiệp, cháu sẽ trở lại nhà tu. Chú nói với tôi rằng: “Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa mà không làm báo thì phí quá”. Lúc học trên trường mấy đứa rỉ tai bảo nhau “tiếc quá bạn ơi! Cầm bằng về cất trong rương”. Thậm chí, tệ hơn nữa “Con điên, đang yên đang lành tự dưng nói đi tu, cứ nghĩ là mi nói đùa” Câu nói này làm cho tôi có chút mảy may bị lung lay, đứng hình mất 5 giây; nhưng rồi lại nghĩ đến giây phút thuở ban đầu tôi đã được Chúa yêu thương, nên tôi không muốn đánh mất tình yêu ấy. Chuyến phiêu lưu thánh thiện nào cũng có những thử thách, giăng ải bày ra trước mắt. Đằng sau là cả những giọt nước mắt của những lần vấp ngã, yếu đuối; bởi vừa tu vừa học luôn có những cản trở, khó khăn nhất định, thế nhưng tôi tin sự lựa chọn này có giá trị hơn các bạn khác khi tôi được gặp gỡ thân mật sớm với người bạn đường Giê su; được học hỏi, lĩnh hội các môn học nhà dòng trước các bạn. Nói thật nhé, điều mà tôi tự hào nhất là khi tới trường lớp, tôi luôn tâm niệm một điều là không bao giờ sao chép bài vở của các bạn, hay sao chép tài liệu vào giờ thi, giờ kiểm tra. Tôi quyết tâm làm chứng nơi tôi học tập, những tài liệu tôi soạn ra để ôn tập, tôi chia sẻ cho chúng bạn, kể cả thầy cô, cuối cùng điều đó tôi cũng đã làm được. Có phải vì vậy mà bạn bè, giảng viên dành tình thương mến đặc biệt cho tôi chăng?
Là con người, tôi cũng đã từng yêu đương, thương thầm vụng dại một ai đó khác giới, đã từng bị cám dỗ trước những lời mời mọc làm kinh tế của các cơ quan báo đài, cũng đã từng được trường giữ lại, nhưng tôi lại từ chối và lội ngược dòng những gì mà nhiều bạn trẻ khác khao khát muốn có được. Huyền nhiệm thay, Chúa có chương trình của Chúa và cách Ngài thực hiện . Ngài dẫn tôi qua các khúc quanh của cuộc đời, cho tôi đi trên con đường gồ ghề và nhiều dốc cao, vực thẳm. Chính Chúa đã làm mọi sự trong đời con. Chính bàn tay Chúa đã dìu dắt và hướng dẫn tôi để cho tôi có được như ngày hôm nay. Qủa thực Ngài là vị Thiên Chúa đầy quyền năng và là người thợ thêu tài ba. Chỉ có Ngài mới có thể làm nên những kì công vĩ đại từ cái hư vô thành cái hiện hữu, từ cái tầm thường thành điều vĩ đại, từ cái nhỏ bé thành cái lớn lao và tuyệt vời. Khi bức tranh thêu của Chúa được hoàn tất, chính lúc ấy tôi mới có thể hiểu và nhìn thấy Người một cách trọn vẹn tuyệt tác bức tranh thêu, đó chính là kì công tuyệt diệu của Chúa, và đó cũng chính là bức tranh mà Chúa muốn thêu cho tôi ngang qua các biến cố thăng trầm mà Chúa đã để cho tôi được trải nghiệm. Quãng đường gần 5 năm theo Chúa tôi nghiệm ra một điều “con đường ngắn nhất để đạt được hạnh phúc chính là con đường Giêsu”.
SAO BIỂN (TB)
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)