Suy Tư TM CN 4 – A: Công Dân Nước Trời

Bishops, Archbishops during the Opening ceremony & holy mass with first communion on 52nd International Eucharistic Congress at 05. Sept. 2021 in Budapest, Hungary. (Photo by Robert Szaniszló/NurPhoto) (Photo by Robert Szaniszlo / NurPhoto / NurPhoto via AFP)

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta thường cầu chúc cho nhau những gì là tốt đẹp nhất, như được sức khỏe được dồi dào và công việc làm ăn được thịnh vượng phát đạt. Ấy vậy, một số lời chúc phúc của Chúa Giêsu trong Hiến Chương Nước Trời không dễ dàng để chúng ta có thể đón nhận. Ai mà lại mong muốn cho mình sự nghèo khó, sầu khổ, bị sỉ vả, bách hại, hay bị vu khống. Tuy vậy, những đặc tính dường như đi ngược lại với những gì người đời vẫn tìm kiếm, lại là những đặc tính quan trọng cho thấy một người đang là ‘công dân nước Trời’, hay vẫn chỉ là ‘công dân của thế gian’.

Trước hết, đặc tính của một công dân nước Trời đó là một người không cậy dựa vào sức riêng của mình nhưng cậy dựa nơi Thiên Chúa.

Mối phúc “tâm hồn nghèo khó” là mối phúc đầu tiên được Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ. Chúng ta tự hỏi tại sao “nghèo khó” lại là có phúc, trong khi chẳng có ai lại mong cho mình có cuộc sống vất vả cả. Sự thực là Chúa Giêsu cũng làm phép lạ hóa bánh nuôi dân chúng đang đói khát. Chúng ta có thể hiểu rằng người nghèo chẳng bao giờ chắc chắn về tương lai của mình: ăn bữa sáng chưa xong đã phải lo cho bữa tối. Người nghèo rất nhiều khi phải cúi mình để xin sự giúp đỡ của người khác. Người nghèo có khi chẳng có gì đáng giá để mà tự hào với đời. Người nghèo chẳng có gì để trông mong cậy dựa nữa ngoại trừ việc chạy đến với Thiên Chúa. Một tâm hồn nghèo khó ở đây là một tâm hồn không tự cao tự đại, không cậy vào sức riêng của mình, chẳng bám víu vào điều gì, nhưng chỉ biết khiêm tốn cố hết sức mình, và rồi phó thác mọi sự cho sự quan phòng của Thiên Chúa.

Thật ra, chẳng ai trong chúng ta hay bất cứ ai là giàu có cả, và chúng ta thực sự là những người nghèo theo một nghĩa nào đó. Đơn giản vì những gì chúng ta đang có đều là ơn ban từ Thiên Chúa cả. Trước khi được sinh ra, chúng ta thậm chí ‘chẳng là gì, là không có, là hư vô.’ Thế nên, thật phúc cho chúng ta dù có nhiều hay ít của cải, nhưng chúng ta luôn nhận ra mình là ‘nghèo khó,’ vì mọi sự đều là ơn ban cho chúng ta. Ngược lại, thật không phúc cho những ai vì cậy vào tiền của hay tài năng của mình, mà lãng quên những ơn ban của Thiên Chúa. Những ai cậy dựa vào Thiên Chúa được xem là khôn ngoan và được Thiên Chúa chúc phúc. Đơn giản vì khi ta cậy dựa vào tiền của, danh vọng… những thứ ấy sẽ một ngày nào đó tan biến mất. Ngược lại khi ta cậy dựa vào Thiên Chúa, chúng ta được vững vàng vì Thiên Chúa là thường hằng bất biến.

Kế đến, một người được xem là công dân nước Trời khi cuộc sống của họ không ích kỷ nhưng vị tha.

Thiên Chúa chúc lành cho những ai biết xót thương người khác, vì đây chính là đặc tính của Thiên Chúa hay thương xót. Chúng ta học được sự thương xót từ chính Thiên Chúa, vì Người đã xót thương chúng ta trước. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện nên Người vẫn luôn sẵn lòng tha thứ mỗi khi chúng ta quay trở về nẻo chính đường ngay. Chúng ta chỉ có thể thương xót người khác khi chúng ta thấy được những đau khổ những khó khăn của tha nhân. Khi chúng ta sống ích kỷ, chúng ta chỉ thấy được những nhu cầu của bản thân mình. Khi tâm hồn ta sống vị tha, ta sẽ dễ dàng thấy được những thiếu thốn và những nhu cầu của anh chị em mình. Cũng như với tâm tình của thánh Phaolô, chúng ta cũng được mời gọi để sống tâm tình “vui với người vui, khóc với người khóc.” Mối phúc sầu khổ ở đây không phải là sự ủ dột bi quan, nhưng là sự sầu khổ mang tính tích cực. Họ sầu khổ với những ai đang sầu khổ vì họ có sự đồng cảm với những nỗi đau của họ. Họ sầu khổ khi thấy sự dữ vẫn còn mạnh thế trong thế giới hôm nay. Họ thấy sầu khổ khi bản thân hoặc thấy người khác sống trong tình trạng tội lỗi.

Người có lòng vị tha cũng là một người luôn mang lại sự bình an và hạnh phúc cho người khác. Họ luôn cố gắng bắt chước sự hiền lành của Đức Giêsu và cuộc đời của họ không phải là mối đe dọa cho người khác. Một người sống cho người khác cũng là một người mà cuộc sống của họ nhắm đến việc kiến tạo hòa bình. Họ không dùng bạo lực để đối lại bạo lực mà trong cuộc sống hằng ngày có thể họ vẫn phải đối diện. Giữa bao con đường khác nhau, thì họ chọn con đường của tình yêu và sự tha thứ. Chính tình yêu mới có khả năng mang lại bình an cho con người, còn bạo lực sẽ chỉ đổi lấy bạo lực. Tâm hồn của những ai biết sống cho người khác thì trong suốt vì họ chẳng mưu mô hại người, và luôn sống công chính trước mặt Thiên Chúa.

Và để có thể sống những đặc tính của một công dân nước Trời, đòi buộc mỗi người phải nỗ lực từng ngày. Đây không phải là cố gắng một hai ngày, nhưng là nỗ lực để sống cả cuộc đời. Để được như vậy, đôi khi họ cũng chịu sự ‘bách hại’ từ chính bản thân mình cũng như từ người khác. Họ bị bách hại khi phải sống ngược với những gì thế gian vẫn luôn tìm kiếm. Người ta thật có phúc khi vẫn kiên trì sống như vậy suốt cuộc đời. Bởi vì, phần thưởng nước Trời là điều tất cả chúng ta mong đạt tới, và đây là phần thưởng mà họ thấy đáng để hy sinh cả cuộc đời của mình.

Lm. Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.

Kiểm tra tương tự

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …