Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, SThật và là SSống

(Ga 14,1-12)

Chúa Nhật Phục Sinh 5 – A

 

 

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

BÀI TIN MỪNG

 

  • Bản dịch của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ.

 

1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? “6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

 

 

  • Bối cảnh sơ lược

 

Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20). Sau đó Người đã loan báo Giu-đa sẽ phản bội Người (Ga 13,21-30). Tiếp đến Chúa nói những lời cáo biệt với các môn đệ (Ga 13,31-14,30). Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay nằm trong mạch văn của lời cáo biệt của Chúa Giê-su với các tông đồ (Ga 14,1-12).

 

  • Cấu trúc của bài Tin Mừng

 

Bài Tin Mừng có thể chia làm các phần sau:

 

1) Mở đầu với việc Chúa nói về sự ra đi và trở lại của Chúa (câu 1-4);

2) Ông Tô-ma đối thoại với Chúa Giê-su và Người mạc khải về Cha và con đường dẫn đến Cha (câu 5-7).

3) Ông Phi-líp-phê đối thoại với Chúa Giê-su và Người mạch khải về sự duy nhất trong tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con (cầu 8-12).

 

 

  • Tìm hiểu và suy niệm

 

1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

 

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Chúa Giê-su mở đầ lời tâm tình với các môn đệ bằng lời kêu gọi thật đẹp. Chúa nói lời này trong bối cảnh Chúa chuẩn bị rời bỏ các ông. Sứ mạng của Chúa chuẩn bị kết thúc. Chúa chuẩn bị bước vào con đường của kế hoạch Thiên Chúa, con đường Người sẽ đi. Con đường của khổ nạn và Phục Sinh. Khi bước vào con đường đó, Chúa sẽ không còn hiện diện ở bên và ở giữa các môn đệ như các ông mong muốn nữa. Vì thế, Chúa hiểu được tâm tình các môn đệ thiếu vắng Chúa sẽ như thế nào. Vì thế, Chúa đã lên tiếng trấn an các ông: “Anh em đừng xao xuyến!” Lời của Chúa không chỉ “lướt” qua như gió thoảng, mà lời Chúa nói muốn “đụng” tới trái tim của các ông. Các môn đệ cần giữ lòng mình vững vàng, để không rơi vào tình trạng xao xuyến và sợ hãi.

 

Để được như vậy, Chúa kêu gọi các ông: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Ở đây ta hiểu thế nào về chữ tin?

 

“Tin”, là đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa và Chúa Giêsu, “tin vào tôi” (cc. 1.11.12), và giao phó chính mình cho Chúa.

 

Như thế, Đức Tin sẽ giúp cho các môn đệ vững vàng và giúp cho trái tim của các ông luôn có được sự an bình, ngay cả khi Thầy không còn ở bên, ngay cả khi các ông phải lênh đênh trên biển khơi một mình. Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy! Thật vậy, nếu các môn đệ tin vào chính bản thân mình hay tin vào một thế lực bên ngoài nào khác, thì các ông sẽ không thể giữ vững lòng mình và các ông sẽ xao xuyến, khi gió từ bên ngoài thổi tới. Đó là trải nghiệm của chính Phê-rô ngày nào. Tin vào Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Cội và là Cùng Đích, là đá tảng và là khiên che thuẫn đỡ. Tin vào Chúa Giê-su, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là Ánh Sáng vĩnh cửu và là Nước Trường Sinh. Như thế, tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Giê-su, là các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay “thả mình” hoàn toàn vào bàn tay quyền năng của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su. Qua đó, chúng ta được thông dự vào sự vững chắc và quyền năng của Ngài.

 

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Lời thật đẹp của Chúa Giê-su vẫn còn đang vang vọng đến với chúng ta, các tín hữu và con cái của Người. Trong hành trình sống Đức Tin và trên biển đời không chỉ có sự bình lặng của dòng nước được ánh sáng mặt trời chiếu soi, mà còn có biết bao sóng gió làm nghiêng ngả con thuyền và làm cho lòng người dễ dàng bồn chồn xao xuyến, chúng ta được mời gọi hãy bám chặt vào Chúa và hãy kiên vững tin tưởng vào Chúa. Ngôi nhà chúng ta cần được tiếp tục xây dựng trên nền đá là chính Lời Chúa và là chính Chúa. Con đường chúng ta bước đi vẫn là con đường có Chúa cùng đi.

 

Chúa đi trước, con đi sau. Có Chúa cùng đi con vững bước.

 

Sau lời kêu gọi dịu dàng và mạnh mẽ đó, Chúa Giê-su nhắc nhớ các môn đệ rằng: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em”. Chúa ra đi nhưng không có nghĩa là Chúa bỏ rơi các môn đệ cô đơn lẻ loi một mình. Chúa ra đi không chỉ để thi hành thánh ý của Cha, mà còn để “dọn chỗ” cho các môn đệ. Chúng ta nhớ lại lời Chúa nói với các môn đệ trước đó trong bối cảnh của bữa tiệc ly: “Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. (Ga 13,1).

 

Trong bản văn tiếng Hy-lạp có từ ngữ monai pollai – nhiều chỗ ở, có nghĩa là có nhiều chỗ cư ngụ, lưu lại. Nơi cư ngụ nầy được gắn liền với “nhà của Cha”. Điều nầy muốn nói là nơi cư ngụ ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Như thế, “chuẩn bị một chỗ” có thể hiểu là chuẩn bị đưa các môn đệ vào một cách tương quan mới và một cách hiện diện mới.

 

“Chỗ” ấy không mang tính cách không gian. “Chỗ” ấy sẽ là nơi thông hiệp giữa Thiên Chúa và những người yêu mến Chúa Giêsu và giữ lời của Người (x. 14,23). “Chỗ” ấy không bị giới hạn bởi bất cứ biên giới nào: Chúa Giêsu ở đâu, các môn đệ ở đó (c. 3b; 12,26.32)”.

 

Về với Chúa Cha. Đó là đích mà Chúa Giê-su hướng về và đích đó cũng là đích điểm của cuộc sống mỗi người chúng ta. Nhưng tự mình, các môn đệ và chúng ta không thể đạt được đích đến đó. Tự mình, các môn đệ và chúng ta không thể có chỗ trong nhà của Cha trên trời. Vì thế, Chúa Giê-su, trong tình yêu, muốn chuẩn bị cho các môn đệ và cho chúng ta chỗ trong nhà Cha và giúp chúng ta đạt được đích đến đó.

 

Hơn nữa, ở trong nhà Thiên Chúa các môn đệ và chúng ta được hiệp thông và kết hiệp với Chúa mãi mãi: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”.

 

Như thế, con đường khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su không bao giờ là điểm kết. Sứ mạng của Chúa Giê-su không bao giờ kết thúc ở thứ sáu tuần thánh. Con đường của Chúa Giê-su xuyên suốt qua bóng đêm để vươn tới Ánh Sáng Phục Sinh. Con đường của Chúa Giê-su tiếp tục dẫn các môn đệ và các tín hữu đến với Cha trên trời.

 

Hơn nữa, ở trong nhà Cha trên trời, các môn đệ và chúng ta được ở bên Chúa luôn mãi. “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Lời kết hiệp của tình yêu thật đẹp biết bao nhiêu! Lời này làm chúng ta nhớ lại hình ảnh của cây nho và cành nho mà Chúa nói trong chương 15 cũng của tin mừng Gioan. Sự hiệp nhất với Chúa, sự ở lại và ở trong Chúa chính là điều mà Chúa mời gọi chúng ta.

 

Nếu suy cho thật kỹ, thì khi Chúa mong muốn chúng ta kết hiệp với Chúa là Chúa đang cho chúng ta hồng ân lơn lao nhất, món quà cao quý nhất đem lại hạnh phúc tuyệt đỉnh cho chúng ta.

 

Thánh Tê-rê-sa A-vi-la đã nói rằng: “Chúa là tất cả của tôi”. Thật vậy, thánh nữ đã nhận ra được sự kết hiệp với Chúa chính là hạnh phúc lớn lao nhất. Thánh nữ đã được hồng ân đón nhận tình yêu của Chúa Giê-su như mũi tên đâm thấu tâm hồn của mình và người đã nhận ra được Chúa Giê-su chính là Đấng Tình Quân mà Ngài hiệp nhất và tôn thờ.

 

Trở về với bài Tin Mừng, tiếp đến Chúa nói với các môn đệ: “Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. Câu nói này của Chúa mang ý nghĩa gì? Sau khi Chúa nói “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”, thì Chúa lại đưa các môn đệ vào trong một giao động mới. Nghĩa là các ông biết con đường dẫn các ông tới Chúa. Giao động “biết” này mang một năng động với tính chủ động cao.

Các môn đệ và chúng ta không được “ngồi mát ăn bát vàng”, mà cần phải cộng tác vào với ân sủng của Thiên Chúa. Trước lời của Chúa Giê-su, các môn đệ phản ứng như thế nào? Đọc tiếp bài Tin Mừng chúng ta thấy nhân vật Tô-ma được nhắc tới.

 

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? “6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

 

Sau khi nghe Chúa nói về con đường mà các ông biết rồi, thì ông Tô-ma đã thành thật hỏi Chúa:  “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Chính câu hỏi này đã “thúc đẩy” Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ ngày xưa và cho chúng ta hôm nay con đường cần phải đi. Chúa Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

Câu trả lời của Chúa Giê-su trở thành một lời mà các Ki-tô hữu rất thường nhắc đi nhắc lại, mỗi lần hướng về, suy gẫm và cầu nguyện với Chúa Giê-su. Đi vào bản văn, chúng ta thử tìm hiểu xem ba cụm từ ngữ “con đường”, “sự thật” và “sự sống” liên hệ với nhau thế nào?

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Suy niệm lời này, chúng ta được mời gọi hướng trọn vẹn về Chúa Giê-su. Ngài là trung tâm điểm của cuộc sống chúng ta. Hành trình cuộc sống của chúng ta luôn có sự hiện diện của Chúa. Mỗi nẻo đường trong cuộc sống của đời người là nẻo đường của Chúa Giê-su. Trên nẻo đường này chúng ta không bao giờ lạc lối, dù cho đôi khi chúng ta phải đi qua những nơi phủ đầy bóng đêm dày đặc, dù cho đôi lúc chúng ta phải băng qua lũng âm u đầy hiểm nguy. Có Chúa ở cùng và vẫn bước đi trên nẻo đường là chính Chúa, chúng ta không sợ hãi gì. Đường đời có chông gai, đường gian nan đến mấy, có Chúa cùng đi, chúng ta vẫn một lòng trung kiên vững bước.

Vững bước theo Chúa chúng ta không lạc hướng. Cứ đi như thế chúng ta sẽ tìm thấy được sự thật, được chân lý mà chúng ta hằng khao khát. Chân lý đó sẽ dần lộ diện, khi chúng ta băng qua bóng đêm của cuộc đời này. Chân lý chất chứa tình yêu thương và lòng thương xót. Sự thật mà chúng ta hằng tìm kiếm nằm ở nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương và dẫn bước chúng ta đi. Chúa Giê-su đã nói, khi bị điệu ra trước toà tổng trấn Phi-la-tô: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Theo bước Chúa thì tìm thấy được sự thật, chính Người là người Mục Tử nhân lành sẽ mở cánh cửa để chúng ta bước vào và chúng ta sẽ được cứu rỗi: “Chính tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (10,9).

Được cứu độ nghĩa là chúng ta tìm thấy được sự tròn đầy cho cuộc sống hiện tại. Nói khác đi, với ơn cứu độ Chúa ban tặng, cuộc sống trần thế này được tình yêu chinh phục và biến đổi để trở nên cuộc sống vĩnh cửu. Thật vậy, như người phụ nữ Samaria khao khát dòng nước Chúa ban làm cho chị không bao giờ khát nữa, chúng ta cầu xin Chúa – Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống – cho chúng ta được kín múc nguồn nước trường sinh cao quý này. Trường sinh không chỉ là không bao giờ chết nữa theo kiểu của trường sinh bất tử, mà trường sinh mang một ý nghĩa sâu hơn. Đó là được sống mãi trong sự kết hiệp nên một với Chúa Giê-su và với Chúa Cha ở trên trời.

Vì vậy, phúc thay những ai đi trên con đường là chính Chúa Giê-su, để với Chúa, trong Chúa và nhờ Chúa sẽ tìm thấy sự thật và sự sống vĩnh cửu là chính đời sống hạnh phúc trường cửu ở bên Cha trên trời. Mong thay chúng ta luôn ý thức bám chặt vào Chúa Giê-su, luôn học biết Chúa trong cuộc sống. Càng biết Chúa Giê-su nhiều, thì chúng ta càng biết Cha trên trời nhiều. “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”. Nhưng cái “biết” ở đây không chỉ nằm trên lý trí, mà cái biết này còn là cái biết của trái tim. Như thế, biết và yêu ở đây là một. Xin cho con biết Chúa, để con yêu Chúa mỗi ngày. Xin cho con biết Cha, để con được yêu Cha nhiều hơn. Như thế, cái biết mà Chúa Giê-su nói tới mang tinh thần hiệp nhất nên một, tinh thần kết hiệp của kiếp sống con người với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót.

Hơn nữa, chúng ta đọc lời suy tư rất sâu sắc của Đức Cha Georges Pontier đã viết: ” Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”… Đức Giêsu tự giới thiệu mình là Người “đưa” đến với Chúa Cha, vì Người đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Cái chết và sống lại của Người là thời điểm lịch sử Người vĩnh viễn phá rào cho anh em nhân loại của Người có lối đi qua. Người đi đầu để mở đường, để “dọn một chỗ ” cho họ trong nhà Cha. Nhà Cha đây không là gì khác ngoài trái tim Cha. Ở trong tim của ai còn quí hơn ở trong nhà người ấy.” Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy “. Đây chỉ nơi cư ngụ là trái tim, là sự hiện diện bên trong, là tình hiệp thông vĩnh hằng, tức là chính bản thể Thiên Chúa.

Người đưa đường đã trả chi phí: trả bằng sinh mạng của Người, trả bằng ơn tha thứ. Người đã đi đầu để vượt qua: “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”, “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”. Người chỉ xin chúng ta một điều là đừng đi lầm đường: “Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”.

Ngoài ra, có một lời nói của một cụ già trong bộ phim “Sám Hối” nhắc nhớ chúng ta luôn ý thức vững bước và kiên trung trên con đường là chính Chúa Giê-su: “Nếu đường này không dẫn tới Nhà thờ thì quả thực là vô ích. Đường dẫn tới Nhà thờ là đường dẫn tới Chúa, dẫn tới Quê trời”.

Thật vậy, trên thế giới và trong cuộc sống có biết bao nhiêu con đường. Nhưng đường nào dẫn bước chúng ta đến với Chúa đây? Chúa mời gọi chúng ta cần phải ý thức nhận định và lựa chọn. Chúa nói với các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay: “Thầy đi đâu, các con biết đường rồi”. Như thế, Chúa trao cho chúng ta khả năng “biết”, thì chúng ta cần phải biết chọn lựa cho đúng. Nhưng đường nào đây? Đường nào không đưa lại bình an, không mang lại hoa trái của yêu thương và không dẫn bước chúng ta đến gần Chúa và gần anh chị em, thì đường đó không nên bước vào.

Đường yêu thương, đường an bình là đường Giê-su.

Sẽ không lạc lối và không chọn đường lầm lẫn, khi luôn bước đi với Chúa Giê-su, luôn cùng Ngài chia sẻ tất cả mọi điều trong cuộc sống. Thánh I-nhã đã mời gọi: “Hãy tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự”. Đó là cách sống của những Ki-tô hữu lữ hành trên đường. Đôi mắt cần phải luốn “dán chặt” vào Chúa. Đi tìm Chúa chứ không đi tìm người này kẻ khác. Đi tìm Chúa chứ không đi tìm danh vọng hão huyền. Đi tìm Chúa chứ không đi tìm tiền của giàu sang. Đi tìm Chúa chứ không đi tìm sự công nhận và lời khen. Đi tìm Chúa chứ không phải đi tìm công việc của Chúa. Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta thấy một nhân vật khác xuất hiện. Đó là Phi-líp-phê.

 

8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

 

Sau khi lắng nghe tâm tình của Chúa Giê-su mạc khải Ngài chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống và chính Ngài sẽ dẫn bước mọi người đến với Cha trên trời, thì Phi-líp-Phê cầu xin Chúa một điều: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Lời cầu xin này thật là dễ thương. Xin cho được thấy Chúa Cha. Phải chăng Phi-líp-phê muốn Chúa cho ông và các bạn của ông được trải nghiệm một sự thần hiện đầy vinh quang của Thiên Chúa? Chúng ta xem coi Chúa Giê-su có đáp ứng lời cầu xin của Phi-líp-phê không. Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?

 

Với câu trả lời này, Chúa Giê-su không đáp ứng lòng ao ước của Phi-líp-phê. Chúa không đi vào “con đường” mà con người thích đặt ra cho Chúa. Chúa không làm cho con người được “mãn nguyện” với những ao ước thích điều lạ, thích sự phi thường và ngoại hạng. May thay! Một cách nào đó, sự ao ước được những điều phi thường và qua đó trở thành những tín hữu “ngoại hạng” luôn là cám dỗ đối với các Ki-tô hữu. Có những người chỉ thích “nói tiếng lạ” và “ngã nhào xuống”, khi được đụng vào. Vẫn biết là Chúa Thánh Thần làm việc để có thể tạo nên hiện tượng nói tiếng lạ, nhưng không ít người đã coi việc “nói tiếng lạ” là đích đến của đời sống Đức Tin, đến nỗi họ dám nói rằng: “Ai không nói được tiếng lạ, vì Đức Tin người đó còn yếu”. Đây là một lời nói của những người thích nói tiếng lạ và coi việc này là việc trên hết họ đi tìm. Những người này cần phải đi học giáo lý lại, cần phải thấm nhuần tinh thần của Tin Mừng và của Chúa Giê-su. Họ cần nhận ra được rõ ràng sự hoạt động của Chúa Thánh Thần mang lại hoa quả gì. Một trong những hoa quả tốt lành Chúa Thán Thần đưa lại là bác ái và khiêm nhu. Ai càng “ngã nhiều” và ai càng thích “nói tiếng lạ”, thì cần phải khiêm tốn và nói ít đi. Hơn hết, họ sống tinh thần bác ái và yêu thương cách cụ thể. Yêu thương trong lời nói, trong suy nghĩ và trong việc làm.

 

Trở về với bài Tin Mừng, lời của Chúa Giê-su cho Phi-líp-phê và các môn đệ cùng chúng ta nhận ra được tương quan mật thiết của Chúa với Cha trên trời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Câu nói này của Chúa Giê-su chỉ dành cho những người có Đức Tin mạnh mẽ. Vì chỉ ai tin vào Chúa Giê-su, mới nhận ra được sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa và Cha trên trời. Vì thế, một cách nào đó, Phi-líp-phê tin đó, nhưng niềm tin của ông vẫn còn “yếu” và chưa đủ để nhận ra điều mà Chúa Giê-su nói. Vì thế, Chúa Giê-su đã lên tiếng nói tiếp với ông: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. Như thế, chỉ ở trong niềm tin chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giê-su ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giê-su. Đó là sự hiệp nhất nên một hoàn toàn. Trong sự kết hiệp này, Chúa Giê-su làm những gì, là đều làm theo thánh ý của Cha. Chúng ta còn được Chúa nói: Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Trong ý nghĩa đó, ai ngắm nhìn Chúa Giê-su với niềm tin mạnh mẽ, thì thấy Chúa Cha nơi Người và nhờ Người.

 

Một lần nữa, Chúa không chỉ kêu gọi Phi-líp-phê mà Người kêu gọi tất cả các môn đệ: Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm”. Như thế, Chúa mời gọi các môn đệ “hãy tin”. Nếu các ông không tin vào lời của Chúa nói, thì các ông hãy nhìn việc Chúa làm mà tin. Ở đây, có một sự tương hợp với lời Chúa nói trong cuộc đối thoại với người Do-thái: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,37-38).

 

Như thế, chúng ta thấy rằng, lời của Chúa Giê-su mà thánh sử Gioan thuật lại ở đây mang một sức mạnh giúp cho các môn đệ tin tưởng vào Chúa. Cùng với lời Chúa nói đó, các môn đệ còn được củng cố niềm tin bởi các việc Chúa làm và Chúa thực hiện. Thiết nghĩ, lời và việc Chúa làm trở thành điểm tựa mạnh mẽ cho cả những ai yếu lòng tin. Câu cuối của bài Tin Mừng, Chúa nói: Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”.

 

Với lời này Chúa Giê-su hứa với các môn đệ một điều: Nếu các ông tin vào Chúa thực sự, thì các ông cũng sẽ làm được những điều Chúa đã làm và còn làm được nhiều điều lớn hơn nữa. Ở đây, chúng ta nhớ lại lời Chúa nói trong Tin Mừng nhất lãm: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý” (Mc 11,22-23); “Đức Giê-su trả lời: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển! “, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,21-22).

 

Như thế, niềm tin vào Chúa quan trọng và nền tảng. Tin để sống và tin để phục vụ cho Nước Chúa và cho Tin Mừng. Trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Chúa Giê-su, người tín hữu và môn đệ sẽ làm được những điều cao quý, để làm sáng danh Chúa và hữu ích cho các linh hồn.

 

 

  • Câu hỏi gợi ý.

 

  1. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6). Hãy để lời của Chúa vang lại thật nhiều trong tâm hồn bạn. Hãy dành thời gian cầu nguyện với lời này. Chúa nói với bạn đó! Đường bạn đang đi hiện giờ là đường gì vậy? Trên hành trình đời bạn lúc này, bạn có thấy chút hương thơm của chân lý và của cuộc sống vĩnh cửu không?

 

  1. “Thầy đi đâu, các con biết đường rồi” (Ga 14,4). Bạn đã biết và đã chọn con đường cho cuộc sống của bạn như thế nào? Có lần nào bạn đã chọn con đường đưa lại buồn đau, thất vọng và làm cho bạn rơi vào hiểm nguy có thể đánh mất chính mình? Hãy nhớ lại trải nghiệm đó để xin Chúa cho bạn học được điều gì hữu ích ngay trong lũng âm u đó.

 

  1. “Thầy ở đâu, các con sẽ ở đó” (Ga 14,3). Lời của Chúa Giê-su đưa lại cảm xúc nào cho bạn? Chúa cho bạn ở nơi Chúa ở. Đó là một món quà quá lớn lao vượt trên mọi sự mường tượng và chờ đợi của con người chúng ta. Bạn nên dừng bước trong thinh lặng và ở lại bên Chúa trong vài phút thinh lặng.

 

  1. “Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy!” (Ga 14,1). Lời của Chúa Giê-su giúp bạn nhìn lại Đức Tin của bạn. Bạn đã và đang tin tưởng vào Chúa như thế nào? Khi gặp gian nan thử thách, khi rơi vào khổ đau và bệnh hoạn, Đức Tin của bạn có là sức mạnh để bạn vươn lên không? Hãy cầu xin với Chúa: “Lạy Chúa con tin tưởng vào Chúa, nhưng xin Chúa củng cố niềm tin của con, đặc biệt trong những giây phút gian nan thử thách”.

 

 

 

 

  • Tham khảo

 

– Lm. Vũ Phan Long OFM., Các bài Tin Mừng Gioan dùng trong Phụng Vụ, NXB. Tôn Giáo 2014.

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến, Chúa Nhật V Phục Sinh A, Tôi Ở Đâu, Anh Em Cũng Ở Đó.

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Manna: Ai là mẹ tôi? (Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ – Mt 12,46-50)

  Lời Chúa: Mt 12, 46-50 Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám …