Bài giảng lễ giỗ ba năm cha Adolfo Nicolás, S.J.

 

Khi chúng ta tưởng nhớ cha Adolfo Nicolás nhân dịp lễ giỗ ba năm, thì thật là trùng hợp với bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc phục vụ vốn là một trong những từ ngữ mà cha ưa thích. Dĩ nhiên “phục vụ” là từ ngữ sâu sắc của thánh I-nhã. Tại La Storta, thánh I-nhã đã nghe Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “Ta muốn con nhận người này làm người phục vụ.” Rồi Chúa Giêsu nói với thánh I-nhã: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”. Trong bài Chiêm Niệm Để Đạt Được Tình Yêu, đỉnh cao của Linh Thao, thánh I-nhã mời gọi chúng ta xin ơn để “tôi có thể yêu mến và phụng sự Thiên Chúa Chí Tôn trong mọi sự” (Lt 233). Trong một chúc thư thiêng liêng trước lần cuối cùng trở lại Nhật Bản và nhà hưu, chính cha Nicolás đã viết: “Tôi luôn luôn thích những bản văn mời gọi chúng ta phục vụ người khác,” và kết luận bằng việc gọi câu cuối cùng của Tin Mừng hôm nay là “bản văn trọng tâm của việc phục vụ.”

Tôi nghĩ rằng Tin Mừng ngày hôm nay mà một học giả Kinh thánh gọi là “Dụ ngôn người đầy tớ vâng phục” nhắc nhở chúng ta về ba khía cạnh của việc phục vụ, ba chiều kích mà cha Nicolás đã sống và làm chứng bằng cuộc đời của ngài.

Thứ nhất, người đầy tớ trong dụ ngôn hoàn toàn tận tụy phục vụ Chủ của mình. Anh ta cày ruộng, anh ta chăn cừu, anh ta trở về nhà và chuẩn bị bữa ăn trưa cho Chủ của mình mà không tỏ ra bực dọc, do dự, hay phàn nàn. Người đầy tớ cho chúng ta thấy rằng phục vụ là sự cho đi trọn vẹn bản thân để đáp ứng nhu cầu của người khác.

Cha Nicolás đã sống như thế đó. Ngài không muốn trở thành Bề Trên Cả. Cha cứ khăng khăng với mọi người rằng ngài đã quá lớn tuổi rồi. Vào ngày cha Nicolás được bầu chọn trong kỳ họp Tổng Hội 35, Cha Ben Nebres ngồi cạnh ngài nhận thấy rằng khi các phiếu bầu được kiểm và ngài nghe thấy tên mình được gọi đi gọi lại nhiều lần, đầu và vai của ngài cứ nặng trĩu dần như thể một sức nặng khổng lồ đang đè lên mình. Nhưng khi việc đếm phiếu kết thúc, và rõ ràng ngài là người được anh em chọn, ngài đứng thẳng dậy và bình tĩnh bước về phía trước để đón nhận ý muốn của Tổng Hội.

Một năm sau, trong một bài giảng ở Manila, ngài đã giải thích điều gì đã diễn ra trong lòng mình trong thời khắc làm thay đổi cuộc đời ấy. Ngài giãi bày: “Khi tôi được bầu chọn làm BTC, tôi cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng mà Chúa ban cho tôi để lần cuối ‘Cho đi tất cả’. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến khả năng đó. Khi ngày ấy đến gần và tôi bắt đầu thấy rằng mọi thứ có thể trở nên phức tạp, tôi tin rằng mình có thể dễ dàng từ chối và thoái thác. Nhưng khi giờ ấy đến, tôi không thể trốn chạy. . . . Tôi cảm thấy sâu thẳm trong trái tim mình rằng đây là lời mời gọi cuối cùng. Bạn đón nhận nó, hoặc bỏ lỡ chuyến bay của cuộc đời bạn. Đó là thời gian để cho đi, thời gian để yêu thương và phục vụ, thời gian để biết ơn về mọi thứ đã nhận được, thời gian để trả lại, hay đúng hơn, để Chúa lấy lại.” Ngài đã đúc kết lời đáp trả của mình như sau: “Lời cuối cùng của thánh I-nhã luôn là: hãy cho đi tất cả hoặc đi theo con đường của bạn.”

Do đó vào năm 2012, tại Nairobi, không có gì ngạc nhiên, cha Nicolás đã nhấn mạnh rằng sức khỏe và tương lai của Dòng chỉ phụ thuộc vào điều này: liệu các Giêsu hữu có còn “khả năng dâng hiến tất cả mọi sự cho Chúa một cách trọn vẹn như thánh I-nhã đã làm hay không.” Ngài tiếc nuối khi thấy có nhiều Giêsu hữu xuất chúng, thì cũng có những Giêsu hữu, “nhiều hơn những gì chúng ta mong muốn”, “làm việc tốt, chu toàn nghĩa vụ của mình một cách hợp lý,” nhưng lại đánh mất tinh thần Magis trong việc cho đi mọi sự. Ngài nhấn mạnh rằng, nếu Dòng muốn được tái lập trong thời đại chúng ta, thì Dòng cần phải trải qua “một sự thấm đượm tinh thần Nguyên thủy của chúng ta ở mức độ sâu sắc như vậy đến mức có thể hoàn toàn hòa hợp với Thần Khí, để trở thành những con người của Magis, của Nước Trời, của Giáo hội.”

Thứ hai, người đầy tớ trong dụ ngôn phục vụ mà không mong chờ sự biết ơn hoặc trả công. Anh ta không bao giờ nói “Hãy nhìn tôi này. Tôi đang làm rất nhiều, tôi đã hoàn thành rất nhiều, tôi đã hy sinh rất nhiều.” Sự phục vụ của anh ta khiêm tốn và tự do: không bị quy về bản thân và tự đề cao bản thân, không phục vụ vì để đạt được danh dự hoặc quyền lực.

Phục vụ khiêm tốn và nhưng không: điều này quá đặc trưng nơi cuộc sống của cha Nicolás. Những ngày này, tôi đã suy ngẫm về lời khuyên mà cha Nicolás đã dành cho các học viên ở Arrupe International Residence. Cha nói với họ: “Hãy là chính mình. Anh em sẽ không bao giờ sai lầm khi là chính mình. Nhưng hãy để Đức Kitô chạm vào anh em và bước vào cuộc đời anh em.” Càng nghĩ về điều đó, tôi càng nghĩ rằng đây là cách cha Nicolás truyền hứng sự khiêm nhường dành cho các Giêsu hữu trẻ. “Hãy là chính mình”: nói cách khác, hãy hài lòng với con người của anh em, không hơn, không kém; không cần phải giả vờ thông minh hơn hoặc tốt hơn điều anh em đang là; không cố để gây ấn tượng, cạnh tranh, chứng minh giá trị của anh em. Nghịch lý thay, chỉ cần là chính mình, anh em sẽ không còn quan tâm đến bản thân nữa mà có thể tự do tập trung vào người khác. Hãy để Đức Kitô bước vào và để Ngài giải phóng anh em khỏi sự ràng buộc với cái tôi mà cha Nicolás gọi là “sự xao lãng lớn nhất và chính yếu nhất trước mọi sự.”

Có lẽ đây là bí mật của cha Nicolás. Tôi nghĩ, ngoại trừ cha Nicolás tôi chưa từng gặp ai thanh thoát với cái tôi và với những đòi hỏi ồn ào của nó vì muốn được đặc biệt công nhận. Ngài luôn là chính mình: đơn sơ, trong sáng, không giả hình hay màu mè, không hề cần được công nhận hay đối xử với sự tôn trọng đặc biệt. Ngài không bao giờ ham muốn địa vị: ngài luôn là một Nicolás như thế cho dù ngài gặp gỡ các hồng y hay người đầu bếp. Ngài không bao giờ nói về những thành tựu, vị thế lãnh đạo, những bức thư hay sứ mạng của ngài. Ngài không bao giờ xấu hổ khi xin được sự giúp đỡ từ các cộng sự của mình, mà không cần phải khẳng định mình là bề trên. Ngài vô cùng ghét biệt danh “Giáo Hoàng Đen” được đặt cho BTC, vì ngài cho rằng nó khoa trương, thổi phồng tầm quan trọng của Dòng và BTC. Một lần nọ, khi chúng tôi cùng nhau bay về Rome từ Singapore, tại cổng lên máy bay ở Dubai, tôi đã được nâng lên hạng thương gia trong khi cha Nicolás thì không. Tôi không thể chuyển hạng cho ngài, hoặc đổi chỗ cho ngài, nhưng ngài cười và bảo tôi cứ tiếp tục và tận hưởng chỗ cao cấp ấy. Vậy đó, Trợ lý ngồi ở Hạng Thương gia trong khi BTC ngồi ở Hạng Phổ thông—và điều đó hoàn toàn không phải là vấn đề đối với ngài! Nghiêm trọng hơn, ngài lo lắng về việc các Giêsu hữu và các thiết chế Dòng bị mê hoặc bởi “sự thành công”, khi thấy trong xu hướng này Cái Tôi trồi lên. Ngài nhiều lần đề nghị rằng chúng ta cũng nên chú ý đến thất bại hơn là sự thành công, bởi vì chính kinh nghiệm thất bại dạy chúng ta những bài học sâu xa hơn.

Sự thanh thoát khỏi cái tôi của ngài có nghĩa là ngài được tự do hướng ra, quan tâm đến người khác và quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và những người đau khổ trên thế giới. Tôi thường nghe ngài lặp đi lặp lại rằng chúng ta là các Giêsu hữu, chúng ta nên tìm cách hiểu những nhu cầu của Giáo hội và thế giới, và câu hỏi duy nhất của chúng ta nên là, “Chúng ta có thể giúp đỡ bằng cách nào?”

Cuối cùng, người đầy tớ trong dụ ngôn cho chúng ta thấy rằng phục vụ là niềm vui. Câu cuối cùng đáng ghi nhớ của dụ ngôn mà cha Nicolás yêu thích thường không được chuyển dịch tốt. Người đầy tớ nói: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” Tuy nhiên, học giả Kinh thánh, Kenneth Bailey, chỉ ra rằng từ “vô dụng” hoặc “vô ích” là cách dịch không chính xác của từ achreios (tiếng Hy-lạp), có nghĩa đen là “không cần”. Suy ngẫm về cách nói chuyện của dân làng Palestin ngày nay, Bailey giải thích điều người đầy tớ vâng phục nói như sau: “Chúng tôi là những đầy tớ không cần được trả công hay khen thưởng. Chủ không nợ chúng tôi điều gì. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” Đó là tiếng thốt lên của một đầy tớ hạnh phúc và vinh dự được phục vụ một người Chủ vĩ đại như vậy. Đó là lời cảm thán mãn nguyện của một người yêu mến người mình phục vụ, và vì thế, đối với họ, sự phục vụ chính là niềm vui.

Có lẽ, điều chúng ta nhớ và trân quý nhất về cha Nicolás là niềm vui, nụ cười, tiếng cười, những trò đùa, khiếu hài hước lan toả của ngài. Đó là điều làm cho người ta dễ kết bạn với ngài. Nhưng niềm vui của ngài không hề hời hợt hay chóng qua. Khi đối diện với những vấn đề nghiêm trọng và những vấn đề không có hồi kết trong tư cách là BTC, tôi chưa bao giờ thấy ngài mất đi sự bình tĩnh hay khả năng mỉm cười. Lần cuối cùng tôi gặp ngài là ở Kamishakujii vào tháng 10 năm 2018, rõ ràng là bệnh tình của ngài đã nặng hơn và ngài gầy đi nhiều, nhưng nụ cười, niềm vui, sự quan tâm đến cuộc sống, bạn bè, Dòng vẫn còn đó. Trong những cuộc nói chuyện khác nhau với ngài, tôi chắc chắn rằng niềm vui của cha Nicolás không chỉ đơn giản là kết quả của một khuynh hướng vui vẻ tự nhiên, mà là hoa trái của sự ân sủng quý giá, của nỗ lực không ngừng, có kỷ luật, chịu đóng đinh để chết đi cho chính mình.

Vì thế mà ngài viết rằng, trong số những phẩm chất mà chúng ta cần tìm kiếm nơi các ứng sinh cho Dòng, những phẩm chất này là quan trọng nhất: “Chúng ta không tìm kiếm những vị thánh hoàn hảo, nhưng chúng ta muốn những người coi việc phục vụ người khác như là phần thưởng thoả đáng trong cuộc sống, và không tìm kiếm sự đề cao liên tục đối với những gì họ làm hoặc là. Chúng ta không tìm kiếm những người hay pha trò, nhưng chúng ta muốn những người có khiếu hài hước sâu sắc, những người có thể cười nhạo chính mình và mỉm cười với niềm hy vọng khi gặp khó khăn trong Giáo hội, trong Cộng đoàn hoặc với các Bề trên.”

Phục vụ là hoàn toàn cho đi chính mình. Phục vụ là khiêm nhường và thanh thoát. Phục vụ chính là niềm vui. Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta trong đoạn dụ ngôn ngắn ngủi này, và đó là điều cha Nicolás dạy chúng ta bằng lời nói và cuộc sống của ngài.

Sau cuộc bầu chọn cha Nicolás làm BTC vào năm 2008, cha Giám tỉnh của tỉnh dòng Anh, cha Michael Holman nói nhỏ với tôi, “Này nói cho tôi nghe xem: chúng ta đã bầu chọn một vị thánh phải không?” Tôi chưa bao giờ nói với cha Nicolás về câu hỏi ấy vì biết rằng cha không hề thích điều đó chút nào. Nhưng trong dịp giỗ ba năm này của ngài, tôi có thể chia sẻ câu hỏi ấy một cách công khái vì 2 lý do.

Thứ nhất, vị thánh là một người được kết hiệp với Chúa. Bultmann đã nói một cách đáng nhớ rằng, trong Tân Ước, phần thưởng được trao cho những ai không tìm kiếm chúng. Cha Nicolás không bao giờ tìm kiếm phần thưởng cho mình trong cuộc sống này, vì vậy chúng ta tin tưởng rằng người đầy tớ trung thành và thanh thoát này của Chúa giờ đây sẽ được hưởng phần thưởng là cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui bất tận với người Chủ yêu dấu của mình.

Thứ hai, một vị thánh là người luôn nhớ mời gọi chúng ta đi theo Chúa sâu xa hơn. Chủ tịch CLC Thế giới đã viết rằng cứ mỗi lần gặp Cha Nicolás, thì “được khơi lên một niềm khao khát sâu xa trở thành người tốt hơn.” Đối với chính mình, tôi biết rằng ký ức về ngài, con người khó quên này, là món quà phi thường của Chúa, luôn khiến tôi muốn trở thành một Giêsu hữu tốt hơn. Vì vậy, cùng nhau tưởng nhớ đến cha Nicolás ngày hôm nay, cầu mong tất cả chúng ta được truyền cảm hứng để trở thành những đầy tớ quảng đại hơn, khiêm tốn hơn, thanh thoát hơn, vui vẻ hơn, giống như người anh em và người bạn của chúng ta, Adolfo Nicolás.

Daniel Patrick Huang, S.J.

Nguồn: https://nicolas.jcapsj.org/homily-for-the-third-anniversary-of-the-death-of-fr-adolfo-nicolas-sj/

Chuyển ngữ: Bảo Lộc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …