Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 16 TNA: Đối diện với sự dữ thế nào?

Mt 13,24-43

 

Thông thường, chúng ta mang suy nghĩ loại trừ kẻ ác ra khỏi xã hội. Chúng ta muốn nhốt họ trong phòng tối và ném chìa khóa đi, hoặc trói họ vào ghế điện, hoặc dội bom vào họ… với những lý do biện mình hợp lý: để nhổ tận gốc, hay để ngăn ngừa hiểm họa… Đôi lúc, chúng ta tán thành các biện pháp này và coi đó là điều hiển nhiên, được phép làm.

Trong bài tin mừng hôm nay,[1] khi thấy cỏ lùng xuất hiện trên cánh đồng lúa, các đầy tớ bèn hiến kế sách cho ông chủ: Ông có muốn chúng tôi đi loại bỏ chúng không? Lời đề nghị, nghe có vẻ tốt và hợp lý, nhưng ông chủ đáp: cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.

Câu trả lời của ông chủ có thể làm cho nhiều người nổi nóng! Tại sao ông chủ không thực hiện ngay các biện pháp mạnh, như những người nông dân thường làm: nhổ cỏ, ném những thứ vô tích sự ra ngoài và diệt trừ ngay những mầm mống gây hại… Trong cuộc sống thường ngày, đôi lúc chúng ta cũng từng chất vấn Thiên Chúa: Tại sao Ngài không ra tay ngay với kẻ dữ, mà cứ để cho chúng sống nhởn nhơ và làm nhiều điều xấu?

Có lẽ, cách hành xử „không bình thường” của ông chủ trong dụ ngôn hôm nay, mời gọi chúng ta suy ngẫm câu chuyện một cách kỹ lưỡng hơn: về cỏ dại và về điều ông chủ nói.

Đầu tiên về cỏ dại. Hằng năm, trên cánh đồng lúa, có rất nhiều cỏ dại mọc lên. Đây là điều rất bình thường. Lúc đầu, chúng trông rất giống lùa mì. Việc phân biệt cỏ dại và lúa mì ở giai đoạn đầu là không dễ chút nào. Khi trưởng thành, rễ của cỏ dại và lúa mì đan xen vào nhau. Lúc này, nếu muốn tách rời chúng ra, thì sẽ làm ảnh hưởng đến lúa mì. Tuy nhiên, việc tách rời và loại bỏ cỏ lùng khỏi lúa mì là cần thiết. Nếu không loại bỏ cỏ lùng, thì lúa mì có thể bị hủy hại. Cỏ lùng vừa đắng lại vừa độc. Thông thường, vào mùa thu hoạch, người nông dân có thể dễ dàng phân biệt cỏ lùng và lúa mì, vì chúng có màu khác nhau. Cho nên, việc ông chủ đợi cho đến thời điểm thích hợp, để loại bỏ cỏ lùng, là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, lời của ông chủ: „cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa thu hoạch” muốn nói với chúng ta điều gì?

 Khi chứng kiến những điều xấu đang diễn ra trên thế giới, chúng ta xuống tinh thần và mất kiên nhẫn. Chúng ta muốn dẹp bỏ điều ác ngay lập tức, hoặc ít nhất là mong Chúa hành động như vậy. Và khi thấy Chúa dường như không làm như thế, chúng ta nổi cơn thịnh nộ với  Ngài: Tại sao Chúa không làm điều gì đó với những kẻ xấu? Chúa ở đâu, mà để cho những kẻ xấu gây ra tội ác khủng khiếp như thế?…

Chúng ta cần để ý đến một số điều: Dụ ngôn không phủ nhận sự xuất hiện cỏ lùng trong đồng lúa; Dụ ngôn nói rõ sự ác đang có mặt trong thế giới; Dụ ngôn cũng cho hay: ông chủ biết rõ chuyện gì đang xảy ra… Chỉ có quyết định của ông chủ: để cho cả lúa mì và cỏ dại cùng mọc lên cho đến mùa thu hoạch… là điều làm cho chúng ta bối rối, khó hiểu và tự hỏi: Dường như ông chủ cam chịu để cho đồng lúa của mình bị cỏ dại xâm lấn!

Nếu để ý một chút đến cách dùng từ ngữ của ông chủ trong bản văn Hy Lạp, thì lời nói của ông chủ có thể hiểu theo nhiều nghĩa. „Cứ để[2] có thể hiểu là cho phép, nhưng cũng có thể hiểu là tha thứ. Đức Giê-su cũng sử dụng từ này trong Kinh Lạy Cha, ở lời cầu xin: „Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có tội với chúng con.[3] Như thế, theo lớp nghĩa này, có thể diễn lại câu nói của ông chủ một dễ hiểu là hãy tha thứ cho kẻ thù. Thay vì dùng „biện pháp mạnh” – dùng sự ác để diệt kẻ ác, thì Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tin tưởng vào kế hoạch của Ngài. Nói một cách khác, Thiên Chúa là ông chủ cánh đồng lúa. Ngài mời gọi chúng ta thực hành sự tha thứ và kiên nhẫn với anh chị em mình.

Chúng ta biết rằng: Hạt giống mãi là hạt giống, và cỏ dại mãi là cỏ dại. Nhưng con người có lúc là hạt giống, có lúc là cỏ dại. Chẳng ai dám chắc rằng mình luôn luôn tốt lành! Vì con người có tự do để chọn lựa. Đôi khi, chúng ta sử dụng tự do thái quá. Chúng ta có thể chọn làm điều xấu, gây hại cho chính mình và cho người khác. Chắc chắn Thiên Chúa không kéo con người khỏi vũng lầy tội lỗi bằng cách lên án, nhưng là bằng sự yêu thương và tha thứ. Thiên Chúa không đối xử với con người theo cách suy nghĩ của chúng ta, phải diệt ngay cỏ dại bằng mọi giá! Nhưng Ngài chậm giận và kiên nhẫn với tất cả mọi người.

Đức Giê-su không chỉ dùng dụ ngôn để nói về sự tha thứ và yêu thương, mà Ngài còn sống và làm chứng về những điều ấy. Trong cuộc thương khó, Đức Giê-su đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài vào thập giá, vì họ không biết việc họ làm.[4] Sau khi sống lại từ cõi chết, Ngài đã hiện ra và tha thứ cho những môn đệ.

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong dụ ngôn hôm nay có thể khiến chúng ta khó hiểu, thậm chí gây lên sự mâu thuẫn với Ngài. Nhưng thử hỏi, nếu Thiên Chúa không nhẫn nại và không tha thứ cho chúng ta, thì ai có thể tồn tại trên thế giới này! Tuy nhiên, chúng ta không cổ vũ cho sự cam chịu và chai lỳ trong tội lỗi. Chúng ta không nên cam chịu và sống mãi với những điều không thể chịu đựng được. Có những trường hợp cần phải mạnh dạn và dứt khoát chấm dứt một mối tương quan không lành mạnh. Đặc biệt là mối tương quan liên quan đến sự lạm dụng hoặc bạo lực… Nhưng, chúng ta cần lưu ý đến điều này: Làm sao để đối diện với những sự dữ ấy một cách tỉnh táo và khôn ngoan? Nếu chúng ta hoặc đòi hỏi quá nhiều, hoặc lên án quá nhanh, hoặc cắt đứt các mối tương quan quá nóng vội…., thì chúng ta sẽ tự cô lập chính mình. Chúng ta được mời gọi thực hành sự nhẫn nại. Nhất là, nhận ra sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho mình, và sẵn sàng tha thứ cho những vấp phạm của người khác.

Cỏ dại và sự dữ đang hiện diện trên thế giới, cũng như trong con tim của mỗi người. Chúng ta phải đối diện với sự dữ cả ở trong lẫn ở ngoài mình. Đừng thất vọng, khi thấy sự dữ dường như thắng thế. Hai dụ ngôn hạt cảimen trong bột đều hứa hẹn những kết quả to lớn từ những điều nhỏ bé. Chúng ta đừng nản lòng trước những khởi đầu nho nhỏ, và không được bỏ cuộc khi thấy những nỗ lực của mình dường như vô vọng.

Dụ ngôn cỏ lùng khích lệ các môn đệ và mỗi người chúng ta, hãy đối diện với thực tế: sự dữ đang hiện diện nhan nhản trước mắt chúng ta. Chúng có vẻ mạnh và dường như thắng thế, nhưng đừng sợ, vì đây chưa phải là kết quả cuối cùng. Kết quả sau cùng, Thiên Chúa và những người trung thành với Ngài sẽ chiến thắng và thắng lớn.

Ai trong chúng ta cũng muốn cứu thế giới và muốn môi trường sống trở nên trong sạch hơn. Chúng ta được mời gọi tiếp tục suy ngẫm và trả lời câu hỏi: Đâu là cách thế thích hợp để chiến thắng sự dữ?

 

Lm. Giu-se Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A (Mt 13,24-43).

[2] ἄφετε theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ là cứ để. Từ gốc: ἀφίημι có nghĩa là mặc kệ, (buông) đi, tha thứ; hoặc ἄφες có nghĩa là để mặc nó!

[3] Xem (Mt 6,12): „καὶ ἄφες ἡμῖν τὰ ὀφειλήματα ἡμῶν, ὡς καὶ ἡμεῖς ἀφήκαμεν τοῖς ὀφειλέταις ἡμῶν·”

[4] Xem Lc 23,34.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …