Chuyện Bù Xa – Bù Có

Bù Xa – Bù Có nghe thật xa xôi như một cái tên trong chuyện cổ tích thần tiên, nhưng thực tế lại là một địa danh thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nơi sinh sống từ bao đời của người dân tộc Stieng với biết bao khó khăn thiếu thốn, nhưng đậm đà bản sắc.

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc kể về những đứa trẻ. Chúng mỗi đứa mỗi cảnh. Hảo có lẽ là đứa tốt số nhất, được ba mẹ hết mực quan tâm chăm sóc và dạy dỗ. Quần áo của nó lúc nào cũng tươm tất gọn gàng, đi học được ba đưa mẹ đón, và tối đến còn được mẹ kèm cặp chuyện học hành. Trái lại, Dương thì trông không được sạch sẽ cho lắm, có lẽ vì nhà Dương đông con, gia đình luôn tất bật với công việc nương rẫy nên chả còn thì giờ nghĩ đến con cái. Riêng thằng Cường, học hành khá nhưng nhà nghèo quá, ba mẹ cứ giục con mình nghỉ học. Đáng buồn là khi người ta đến hướng dẫn làm thủ tục miễn giảm, ba mẹ nó lấy hết lý do công việc hay không biết chữ mà trì hoãn. Có lẽ các bậc phụ huynh nơi đây ít ai tin rằng con chữ phần nào đó sẽ làm thay đổi tương lai của đám trẻ, bởi với họ học lắm cũng về đi cạo mủ cao su. Tội nghiệp hơn cả là những đứa trẻ không có cha mẹ. Con Hồng, nhỏ Hạnh bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Một ngày nọ, bà đưa chúng đến thăm người thân, rồi trong đêm tối lặng lẽ bỏ đi để hai đứa con thơ lại cho người cô tàn tật. Còn ba mẹ của con Út và thằng Đen cũng chẳng biết ở nơi đâu, chúng phải sống với ông bà. Vì không có giấy khai sinh, nên chúng chẳng được đến trường, cái quyền mà lẽ ra mọi trẻ em đều phải có.

Nghỉ học sớm, lũ trẻ phải đi chăn trâu, làm thuê hay cạo mủ mướn. Khi có thời gian rảnh rỗi, chúng lại loay hoay với cái điện thoại để giải trí hoặc lành mạnh hơn là đi đá banh. Cuộc sống của các em cứ mỗi ngày trôi qua như vậy trong cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo, chẳng có chút gì xán lạn cho tương lai. Cứ thế, các em ngồi chờ cho cái tuổi thiếu nhi qua đi, đợi đến ngày lập gia đình.

Hôn nhân ở đây, xét về mặt kinh tế, phần nào đó là một gánh nặng hơn là niềm phúc, sau đám cưới nhiều nhà phải mang nợ nần. Người dân vẫn còn giữ lấy nhiều hủ tục tốn kém, kìm hãm sự phát triển của chính họ. Của hồi môn, chẳng hạn cái tố, một dụng cụ giống bình nước, đôi khi lại là những thứ có giá trị tạm thời, sau đám cưới sẽ bị vứt vào một xó, không giúp ích gì về mặt kinh tế cho đôi vợ chồng trẻ. Họ ăn cưới quá lớn, phải nở mày nở mặt với mọi người và cũng chính bởi tư tưởng như thế, cuối cùng nhiều nhà phải bán đất, bán bông điều để trả nợ. Cái nghèo bởi thế mãi thừa sức bủa vây họ.

Nhưng trong cái nghèo về vật chất, và tri thức ấy, người dân Bù Xa – Bù Có lại nổi lên với những vẻ đẹp rất nhân văn.

Trước hết, họ có đặc sắc riêng về ẩm thực. Những món ăn không thể không nhắc đến khi đến vùng này là canh thục, canh bồi, rau nhiếp, đọt đắng, đọt ngọt, cơm lam và rượu cần. Tất cả chúng đều bắt nguồn từ việc làm nương rẫy của họ. Ví dụ, canh thục là một món ăn được nấu trong ống tre, với các nguyên liệu có sẵn trong rừng như rau nhiếp, hay đọt của các bụi cây mà người ta đặt tên theo vị của chúng. Nước được lấy từ dòng suối, rồi đổ vào ống tre để nấu cùng các nguyên liệu khác. Canh sau khi đã sôi, người ta dùng một cành tre dài thục thật nhiều lần vào ống để các nguyên liệu được trộn đều vào với nhau và đó cũng chính là lý do vì sao món ăn này mang tên canh thục. Khi đổ ra, món canh trông sệt sệt như súp và khi ăn có vị đắng đắng ngọt ngọt của đọt mây, bùi bùi của rau nhiếp và thơm thơm của ống tre. Ở đất Sài Thành thì khó có thể kiếm được một món ăn đơn sơ mà ngon như vậy.

Nhưng nói về ẩm thực của người Stieng, thì không thể thiếu rượu cần. Một chiều khi tôi đến thăm một gia đình nọ, người chồng đã giới thiệu cho tôi về cách nấu rượu. Anh nói với tôi về loại lá rừng được dùng để ủ với cơm để làm men, về loại vỏ cây sẽ được trộn để làm rượu. Sau đó, anh cho tôi nếm thử cơm rượu đang được ủ để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh. Người dân ở đây tự hào về chính thứ rượu mà họ tự chế biến, rằng đây là thứ rượu tự nhiên, nguyên chất, và rất đáng uống.

Ngoài ẩm thực, người dân Stieng còn là những con người rất mộc mạc, đơn sơ, chân chất, thật thà. Người ta kể chuyện vui rằng một ngày nọ thiếu nhi đem chuối đến cho sơ, nhưng vì thương các em nghèo, nên sơ bảo các em đem về ăn. Các em đáp lại: “Sơ ơi! Nhà con chuối nhiều lắm, heo ăn cũng không hết!”. Câu chuyện vui, nhưng cũng nói lên cả lòng hiếu khách của họ. Họ chẳng có gì để cho, ngoài điều quý giá nhất là tấm lòng thành, một điều rất đáng chân quý.

Nhưng trên tất cả, tôi thấy được nơi họ lòng khát khao tìm đến với Chúa. Nhiều người rất nhiệt tâm lo việc nhà Chúa. Chị trưởng giáo lý viên chẳng hạn. Chị bị té khi còn nhỏ, và vì thiếu được chăm sóc y tế cần thiết, khi lớn lên chị bị gù lưng, sức khỏe nhiều khi khá yếu, nhưng chị vẫn rất nhiệt huyết trong các công việc giảng dạy giáo lý, tập hát ca đoàn, sinh hoạt giới trẻ. Chị giống như linh hồn của giới trẻ, người mang lửa cho giáo họ. Và còn rất nhiều người khác, những con người nhiệt tâm, dành hết thời giờ để lo lắng cho đời sống thiêng liêng của nơi đây.

Một tháng thực nghiệm tông đồ kết thúc, tạm biệt Bù Xa – Bù Có, nơi đã cho tôi rất nhiều tình cảm thân thương. Điều duy nhất mà tôi mong ước là xin Chúa luôn đồng hành cùng giáo dân nơi đây và đem thêm nhiều con người mới đến để phục vụ và nâng đỡ người dân.

 

Hồng Phúc

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …