Hãm mình để nâng dậy tâm hồn

Câu hỏi: Con hiểu từ hãm mình rất tiêu cực. Chẳng hạn muốn thành công con phải khẳng định chính mình chứ. Không phải kiêu ngạo, nhưng con cũng cần phải thăng tiến bản thân nữa. Vậy Giáo hội mời gọi hãm mình đền tội trong Mùa Chay có ý nghĩa như thế nào ạ?

Trả lời:

Mấy ngày nay tôi trăn trở với câu hỏi của bạn. Trăn trở vì đây là câu hỏi không dễ trả lời trong xã hội luôn đẩy đưa người ta đến danh vọng quyền uy. Thăng tiến bản thân là điều Giáo hội cũng mời gọi, Thiên Chúa cũng đề nghị mỗi người: Hãy nên hoàn thiện. Trong Mùa Chay cũng thế, hoàn thiện mỗi ngày để trở nên con Chúa, nên người tốt lành và thành công trong công việc. Để “phá băng” câu hỏi của bạn, chúng ta thử tìm hiểu về ý nghĩa của hãm mình trong Giáo hội nhé:

1. Hãm mình để nâng cao phẩm giá

Nhiều người hiểu từ hãm mình nhuốm màu tiêu cực. Không! Giáo hội mời gọi chúng ta hãm mình nghĩa là mời gọi mỗi người từ từ bỏ đi thú vui thích hay chấp nhận sự khó nhọc, thiếu thốn để ý chí dễ dàng tuân theo thánh ý Thiên Chúa và từ đó dễ dự phần vào cái chết của Chúa Kitô. Lý do là ai đi với Chúa trong đau khổ, cũng ở với Ngài trong vinh quang.

Điều trên đúng trong mọi trường hợp của thành công. Miệt mài suy tư lao động nghĩa là hãm mình từ bỏ những cuộc vui đang mời gọi. Một doanh nhân không thể suốt ngày la cà trong những chốn ăn chơi. Cha mẹ tốt không thể chạy theo những đam mê của mình mà bỏ quên gia đình, con cái. Trái lại, họ biết từ bỏ đam mê nhỏ để đặt được hạnh phúc lớn. Hãm mình cũng mang ý nghĩa tích cực này. Hơn nữa, Giáo hội chỉ ra vài mục đích hãm mình[1]:

  • Giáo dục: rèn luyện ý chí, bắt tình cảm nâng theo lý trí.
  • Thanh luyện: chấp nhận những đau khổ, hy sinh để đền tội. Đây là lý do thiêng liêng, với ơn của Chúa giúp.
  • Tông đồ: Theo gương Chúa Giêsu, hãm mình để câu nguyện cho mình và tha nhân.
  • Cánh chung: Với cặp kính hãm mình, ta dễ nhìn thấy nhiều niềm vui thiêng liêng giá trị hơn nhiều so với thú vui trần tục.

Với những mục đích trên, Mùa Chay là cơ hội để tập luyện chính mình để hoàn thiện, để trở nên con người kiên cường theo đuổi những giá trị cao quý hơn. Hãm mình để biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng là vậy!

2. Vài cách giúp hãm mình

Rất dễ để nhận ra, nhưng vô cùng thách đố để từ bỏ một thói quen xấu. Chẳng hạn nếu nghiện Internet, tôi cố gắng tập từng ngày giảm phụ thuộc vào nó. Tôi dành giờ để đọc sách, để giao lưu với bạn bè, để suy nghĩ về kế hoạch tương lai, v.v.

Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội, để vươn đến nhân đức nhanh hơn, hãm mình là cần thiết: ăn chay, đánh tội, từ bỏ ý riêng, khiêm nhường. Hoặc dễ hơn, chúng ta cần chu toàn bổn phận của mình, thực thi bác ái, đón nhận những đau khổ trong niềm vui. (Giáo lý số 2015). Cụ thể:

  • Ăn uống đơn giản: Hãy cân nhắc giảm lượng thức ăn và chọn lựa các loại thức ăn nhẹ nhàng, giàu chất xơ và dễ tiêu hóa. Tránh thức ăn nồng nặc gia vị, và các loại đồ ăn nhanh.
  • Tĩnh tâm cầu nguyện: Dành thời gian hàng ngày để thiền định hoặc cầu nguyện. Điều này có thể giúp làm dịu tâm hồn và tinh thần, tạo ra một không gian tĩnh lặng để nội tâm hóa những gì mình học và điều chỉnh bản thân.
  • Thiết bị điện tử: Thế giới số làm phân tán tâm trí và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khi dùng quá mức. Cân nhắc dùng Internet hợp lý.
  • Bác ái: Giúp đỡ người khác, biểu hiện lòng biết ơn với những gì mình có, và thực hành lòng khoan dung và từ bi trong giao tiếp hàng ngày.
  • Tìm sự hỗ trợ: Nếu có nhóm cùng nhau tập hãm mình thì càng tốt. Có thể xin ơn Chúa để cùng với Chúa, tôi tập nhận đức khiêm nhường.

Nhớ rằng, việc hãm mình không chỉ đơn giản là về thức ăn, mà còn là một cơ hội để làm sạch tâm hồn, thanh thản trong tinh thần, từ đó tạo ra một cuộc sống cân bằng và ý nghĩa hơn. Chính lúc này, bạn có thể định vị bản thân và nâng tầm giá trị của mình lên một bậc rất cao trong công việc cũng như trên đang nhân đức. Hoàn thiện như lời Chúa Giêsu mời gọi là vậy! (Mt 5,43-48)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và nhân hậu,

Xin ban cho con sức mạnh và lòng kiên nhẫn để có thể hãm mình, kiểm soát thân xác và tâm trí con. Xin cho con nhận ra tầm quan trọng của sự kỷ luật và tự kiểm soát mình trong cuộc sống hàng ngày. Lúc đó, con không chỉ thành công trong công việc, nhưng con hạnh phúc trong tâm hồn. Amen

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc S.J

[1] Từ Điển Công Giáo, mục từ Hãm Mình

Kiểm tra tương tự

3 vị thánh Bắc Mỹ không nên bị lãng quên

  Trong số tám tu sĩ Dòng Tên đến Tân Pháp từ năm 1634 đến …

Từ nhỏ bé, yếu đuối đến tín thác: Hành trình ơn gọi của thầy Phó tế Giuse Vũ Thành Trung, S.J.

  Vào ngày 3/12/2024 tới đây, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, …