Các thánh đối diện với sự buồn chán như thế nào?

“Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo.” (Roma 13,1)

 

Thánh Inhaxiô thành Loyola

 

Một trong những cuộc hoán cải quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội đã xảy ra, nguyên nhân một phần là do một vấn đề mà hầu hết chúng ta đều gặp phải, đó là sự buồn chán. Đấy là câu chuyện về đấng sáng lập Dòng Tên, thánh Inhaxiô thành Loyola.

 

Thánh Inhaxiô thành Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên. Ảnh: Pinterest.com

 

Là con út trong gia đình có 11 người con, thánh Inhaxiô sinh năm 1491 tại lâu đài Loyola ở Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc thời xưa. Thời niên thiếu, ngài mơ ước giành được vinh quang chiến thắng quân sự và tạo lập được tên tuổi cho mình. Nhưng trong một cuộc chiến với quân Pháp, khi thánh Inhaxiô và những người lính Tây Ban Nha khác đang bảo vệ thành phố Pamplona thì ​​​​một viên đạn đại bác đã bắn trúng chân ngài. Ngài bị thương và được đưa về nhà để điều trị. Vì buộc phải nằm trên giường, ngài cảm thấy buồn chán và muốn đọc một cái gì đó, ưu tiên truyện ngôn tình. Thế nhưng ở nhà lại chẳng có quyển sách nào khác ngoài hạnh các thánh, vốn không phải loại sách Inhaxiô yêu thích.

 

Tuy nhiên, để giết thời gian, ngài bắt đầu đọc, và khi đọc, ngài thấy ngày càng hứng thú, rồi sau đó được truyền cảm hứng bởi đời sống của các vị thánh. Những ước mơ về vinh quang quân sự và danh dự tại triều đình trước kia nhanh chóng nhường chỗ cho ước muốn mãnh liệt được trở thành người chiến binh của Chúa Kitô. Cuối cùng, sau nhiều thử thách và trưởng thành về mặt thiêng liêng, Inhaxiô Loyola đã trở thành một trong những vị thánh vĩ đại nhất của Giáo hội, và là đấng sáng lập ra một trong những dòng tu quan trọng nhất của Giáo hội, Dòng Tên.

 

Thánh Têrêsa và thánh Gioan Bosco

 

Một chút buồn chán đã làm thay đổi lịch sử Giáo hội. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên, vì Thiên Chúa có thể sử dụng hầu như mọi kinh nghiệm dù đơn giản hay tầm thường đến đâu để giúp chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Vị thánh hiểu chân lý này rõ hơn bất kỳ ai khác có lẽ là thánh Têrêsa thành Lisieux, ngài được biết đến với cái tên Bông Hoa Nhỏ. Chín năm thánh nữ ở trong tu viện cho đến khi qua đời vào năm 1897 ở tuổi 24 thật bình yên và đơn điệu, nhưng cũng rất hào hùng. Vị nữ tu này đã làm mọi thứ và chịu đựng mọi thứ với nhiều tình yêu bao nhiêu có thể. Têrêsa gọi đây là “con đường nhỏ” của mình. Thánh nữ nhận ra rằng sự cao cả trước mắt Chúa không đến từ việc thực hiện những hành động anh hùng, mà từ việc mở lòng ra để yêu thương trọn vẹn nhất có thể.  Dù cuộc sống “buồn chán” đến đâu thì mọi người đều có tiềm năng trở thành một vị thánh.

 

 

Cách tốt nhất để tránh sự buồn chán là sử dụng cuộc sống của chúng ta một cách tốt đẹp, không chỉ trong công việc mà còn trong giải trí. Những hình thức giải trí sai trái và lạm dụng thời gian rảnh rỗi đều có thể dễ dàng dẫn chúng ta đi theo đường tội lỗi. Câu nói được nhiều người biết đến “Sự lười biếng là nơi trú ngụ của ma quỷ” chứa đựng nhiều sự khôn ngoan. Sự thật này được thánh Gioan Bosco, vị linh mục người Ý ở thế kỷ 19, người đã dành cả đời làm việc với những cậu bé “bụi đời”, đặc biệt hiểu rõ. Ngài biết rằng chỉ giúp cho chúng học hành và việc làm thôi thì chưa đủ, điều cần thiết là phải làm cho những việc này trở nên thú vị và hấp dẫn, bao gồm cả việc giáo dục đức tin. Ngoài việc chăm sóc bọn trẻ, ngài và những người bạn đồng hành của ngài đã nỗ lực rất nhiều để mang đến những hoạt động lành mạnh và thú vị cho các bạn thanh thiếu niên.

 

Thánh Gioan Bosco kết hợp giáo dục và giải trí khi chăm lo các bạn trẻ. Ảnh: timetoast.com

 

Chân phước Emmanuel Domingo Y Sol, một linh mục người Tây Ban Nha sống cùng thời với thánh Gioan Bosco cũng đã sử dụng cách tiếp cận tương tự. Ngài đã xây một nhà hát và sân vận động giải trí dành cho giới trẻ, vì ngài biết rằng những hoạt động thú vị, lành mạnh sẽ làm cho tội lỗi và cám dỗ ít ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta hơn.

 

Ngày nay, nhận thức đó vẫn còn đúng. Dù chúng ta chăm lo cho linh hồn người khác hay của chính mình, thì chúng ta chỉ nên tìm cách làm những điều có ích cho sự phát triển đời sống thiêng liêng của chúng ta, hoặc ít nhất là không cản trở sự phát triển ấy. Cuộc sống của chúng ta trên thiên đàng chắc chắn sẽ không nhàm chán, và Chúa cũng vui lòng khi chúng ta thấy cuộc sống trên đời này thú vị và đáng yêu, miễn là chúng ta đặt ý muốn của Chúa lên hàng đầu.

 

Điều bạn có thể thử

 

Theo Đức Tổng Giám mục Fulton J. Sheen: “Nếu bạn làm theo ý Chúa, bạn sẽ luôn có được chính xác những gì bạn muốn. Khi bạn muốn bất cứ điều gì khác, bạn không hạnh phúc trước khi có được nó, và khi bạn có được nó, bạn lại không muốn nó. Đó là lý do tại sao cảm xúc của bạn hôm nay “tăng lên” và ngày mai “tụt xuống”. Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu hạnh phúc của bạn chỉ phụ thuộc vào việc đạt được những gì bạn muốn. Hãy thay đổi trọng tâm. Hãy tìm kiếm một tâm điểm mới. Hãy làm theo ý Chúa, và không ai có thể lấy mất đi niềm vui của bạn được.” Vì vậy, bạn có thể tìm thấy sự thỏa mãn (và trên thực tế là sự phấn khích lành mạnh) chỉ bằng cách chuyển trọng tâm từ bản thân và mong muốn của bạn sang Chúa.

 

 

Khi bạn sống quy về chính mình, tách biệt với người khác, không có gì ngạc nhiên là bạn cảm thấy buồn chán. Thông thường, cách chữa trị sự buồn chán là nghĩ đến người khác thay vì bản thân mình, ví dụ như làm một việc tốt, giúp đỡ người khác hoặc tạo bất ngờ cho ai đó theo cách bạn quan tâm đến họ.

 

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, khi con buồn chán,
Xin hãy giúp con nghĩ đến Chúa với lòng biết ơn và niềm vui,
và nghĩ đến người khác với lòng cảm kích và quan tâm.

Xin đừng để con chỉ coi mình là trung tâm nhưng biết mở lòng trước vẻ đẹp thụ tạo của Chúa.

Xin cho tất cả những trải nghiệm của con, dù bình thường đến đâu đi nữa, đều giúp con nhận thức sâu sắc hơn về sự hiện diện của Chúa, và biết ơn nhiều hơn vì những ơn lành Chúa ban.

Amen.

 

Tác giả: Fr. Joseph M. Esper
Chuyển ngữ: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange

Kiểm tra tương tự

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Lời Chúa trở nên quan trọng đối với con như thế nào?

  Lời Chúa trở nên quan trọng đối với con như thế nào?   Đó …