Cách đây vài năm, một công ty dịch vụ tài chính lớn ở Boston đã phỏng vấn một cậu sinh viên năm cuối của một trường đại học Dòng Tên cho vị trí trong nhóm làm việc về các giao dịch kinh doanh quốc tế. Những nhà tuyển dụng trẻ trong độ tuổi từ 20 tới hơn 30 đã nói với cậu sinh viên ấy rằng, mặc dù công việc rất thách đố và đòi hỏi 70 giờ làm việc một tuần, nhưng mức lương rất tốt. Sau một ngày làm việc trong các văn phòng công ty được trang bị đầy đủ tiện nghi, cậu ấy đã hỏi họ: “Anh chị có thích công việc này không?”. Có một khoảng lặng ngượng ngùng. Họ trả lời rằng có thể công việc không thú vị hay không có ý nghĩa gì lắm, nhưng mức lương và các chế độ phúc lợi thì tuyệt vời. Vào thời điểm đó, cậu ấy biết mình không nên nhận công việc đó.
Cho dù chàng sinh viên năm cuối đó có nhận ra hay không thì cậu ấy đang thắc mắc về ơn gọi. Cậu ấy đang cố gắng tìm một công việc có thể khơi nguồn những giá trị sâu sắc hơn của bản thân và mang lại ý nghĩa. Cậu ấy muốn nhiều hơn một công việc đơn thuần, một công việc có thể trả các hóa đơn và các khoản vay sinh viên của cậu ấy. Những người trẻ đang cố gắng tuyển dụng cậu ấy đã có nhiều hơn một công việc; họ có một sự nghiệp, bao gồm sự tập trung cá nhân lớn hơn, sự chuẩn bị nghiêm túc và cam kết lâu dài với một nghề nghiệp. Thế nhưng câu hỏi mà chàng trai trẻ đặt ra cho thấy cậu ấy đang tìm kiếm nhiều hơn cả sự nghiệp. Cậu ấy muốn một công việc có ý nghĩa bởi vì nó đóng góp cho điều gì đó lớn hơn là sự an toàn về tài chính.
Tôi nên làm gì? Đó là câu hỏi gợi mở chi phối truyền thống giáo dục khai phóng, vốn là cốt lõi của nền giáo dục phương Tây. Trong linh đạo Kitô giáo, câu hỏi đó thường được hiểu như là vấn đề về ơn gọi — tức là, “Tôi được mời gọi trở nên điều gì?” Câu hỏi đó trở nên cấp thiết đối với sinh viên đại học năm cuối, khi kỳ tốt nghiệp sắp tới buộc họ phải lựa chọn một con đường cho cuộc sống của mình, hoặc phải lây lất trong vài năm nữa. Khi đối mặt với vô số lựa chọn nghề nghiệp và thường không chắc chắn về năng lực và nguyện vọng của chính mình, họ thường để những tiếng nói khác quyết định những gì họ sẽ làm. Kỳ vọng của gia đình, ý kiến của bạn bè và nhu cầu thị trường thường quyết định cuộc sống của họ sẽ như thế nào.
Lời khuyên phổ biến về lựa chọn nghề nghiệp thường là như sau: hãy xác định lối sống bạn muốn; sau đó ước tính mức thu nhập cần có để sống theo cách đó; cuối cùng, tìm một nghề nghiệp mang lại mức thu nhập đó. Tôi e rằng khó có cách nào tệ hơn thế khi muốn tìm ra một cuộc sống có ý nghĩa. Cách lập luận đó đã đảo ngược quá trình. Công việc có vẻ như chỉ là phương tiện để đạt được mục đích tài chính. Nó bỏ qua khả thể về một công việc đáng giá bởi vì công việc đó thể hiện tài năng độc đáo của chúng ta và thực sự tạo ra sự khác biệt trên thế giới. Tôi biết một luật sư ngoài ba mươi tuổi đã nói rằng: “Tôi ghét phải dành 60 giờ một tuần để làm cho những người giàu trở nên giàu có hơn.”
Linh đạo I-Nhã đưa ra một sự khôn ngoan khác về ơn gọi. Nó khuyên chúng ta khám phá ơn gọi bản thân bằng cách liên kết các năng khiếu và nguyện vọng của mình với những gì chúng ta coi là nhu cầu lớn nhất của thế giới. Đối với những người có đức tin, sự hội tụ đó là nơi Thần Khí của Thiên Chúa mời gọi họ bước theo một con đường độc đáo. Việc suy ngẫm cầu nguyện giúp chúng ta mở ra với những khao khát nền tảng đó và với lòng trắc ẩn về thế giới. Một lời mời gọi đích thực vượt ra ngoài sự hoàn thiện cá nhân để quan tâm đến sự công bình, vốn đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu của người khác, ngay cả khi họ là người lạ.
Từ góc nhìn của linh đạo I-Nhã, chúng ta tìm thấy ơn gọi của mình bằng cách dấn thân vào thế giới và suy ngẫm về cách sự dấn thân đó khơi dậy những khao khát nền tảng để chữa lành, phục vụ và sáng tạo. Bởi vì Thần Khí thông truyền qua cả thực tại của thế giới lẫn tài năng của mỗi người, ơn gọi nảy sinh từ sự tương tác giữa đức tin và công bằng, giữa trái tim và thế giới. Sự hiểu biết về ơn gọi như thế được thể hiện trong lời của Herman Hesse: Có nhiều loại và kiểu ơn gọi, nhưng cốt lõi của trải nghiệm đó luôn giống nhau: tâm hồn thức tỉnh, biến đổi, hoặc hoan hỉ đến mức thay vì đi theo những giấc mơ và dự cảm bên trong, nó đi theo lời hiệu triệu từ bên ngoài: một phần của thực tại tự tỏ lộ và đưa ra lời thỉnh cầu.
Tìm kiếm và lựa chọn con đường
Kể từ Công đồng Vatican II, người Công giáo đã nhận ra rằng khái niệm ơn gọi mở rộng đến tất cả những người đã chịu phép rửa tội, chứ không chỉ dành cho những người được gọi vào chức thánh hoặc đời sống tu trì. Tất cả những ai tham gia vào thân thể của Chúa Kitô đều được kêu gọi nên thánh và phục vụ để biến vương quốc của Chúa thành hiện thực trên thế gian này. Linh đạo I-Nhã nhấn mạnh rằng đây không phải là nghĩa vụ chung chung, mà là lời kêu gọi dành cho cá nhân, phù hợp với cả tài năng của họ và nhu cầu của cộng đồng.
Sự phân định ơn gọi nằm ở cốt lõi của truyền thống Dòng Tên. Thánh I-Nhã thành Loyola đã dựa vào kinh nghiệm hoán cải của chính mình để biên soạn cuốn Linh Thao nổi tiếng. Là người lính và là người phục vụ triều đình ở thế kỷ 16, ngài đã học được nghệ thuật phân định thiêng liêng khi phải vật lộn để khám phá ơn gọi của chính mình trong suốt 20 năm. Nhìn lại những năm tháng tìm kiếm đó, thánh I-nhã tự gọi mình là người hành hương. Ngày nay, một số người có thể gọi ngài là kẻ đi tìm, một trong những người luôn thao thức vì không hài lòng với cuộc sống tầm thường và các truyền thống xa xưa truyền lại, và là người khẳng định rằng cuộc sống cần phải có nhiều hơn những gì đang có.
Các bài Linh Thao được thiết kế để trở thành khoảng thời gian nhận ra lời mời độc đáo của Chúa. Nó không đến như một tia sét giữa trời quang hay một mệnh lệnh trực tiếp, mà như một lời mời gọi hướng đến sự tự do của chúng ta. Nếu lời mời gọi của Thiên Chúa là các mệnh lệnh thực hành rõ ràng, thánh I-Nhã đã không phải nhọc công dành 20 năm thử nghiệm và sai lầm để có được sự khôn ngoan. Những sai lầm đó đã dạy cho ngài cách giúp đỡ người khác tìm ra con đường để họ có được sự tự do. Thay vào đó, thánh I-Nhã yêu cầu chúng ta nhìn vào ý thức của riêng mình và tự hỏi: Tôi bị thu hút bởi điều gì? Điều gì qua thời gian đã lôi kéo tôi theo một hướng nhất định? Những gốc rễ của động cơ thúc đẩy tôi là gì? Những ước muốn sâu thẳm nhất của con tim tôi là gì? Cần có thời gian và sự thành thật để sàng lọc chúng ra khỏi những sức hấp dẫn bề ngoài và kỳ vọng của người khác.
Tuy nhiên, những hy vọng và mong muốn nền tảng đó chỉ là một nửa câu chuyện. Như Hesse đã chỉ ra, phải có một khía cạnh bên ngoài cho một lời mời gọi, một tình huống mà hy vọng của chúng ta có thể trở thành hiện thực. Những hy vọng không dựa trên thực tế hoặc không có hy vọng thực hiện được sẽ dẫn chúng ta đến thất vọng. Nhiều lần thánh I-Nhã nhận ra rằng những giấc mơ của mình không phù hợp với những sự kiện trong thực tế. Ngài không thể là một ẩn sĩ luộm thuộm và cũng không thể phục vụ mọi người trong đấu trường công cộng. Ngài không thể rao giảng Tin Mừng nếu không quay lại trường học để học tiếng Latinh, triết học và thần học. Ngài và những người bạn đồng hành của ngài không thể thực hiện được ước mơ đến Đất Thánh, vì đang có chiến tranh. Họ muốn trở thành những nhà thuyết giáo lưu động, nhưng họ nhận ra rằng những gì thế giới thực sự cần là trường học và nền giáo dục vững chắc.
Họ phải chú ý chặt chẽ đến nhu cầu thực tế của Giáo hội và thế giới để biến những mong muốn lớn lao của họ thành sự phục vụ thiết thực. Cuộc đời của Chúa Kitô đã chỉ rõ rằng, các tôi tớ phải chiều theo người họ phục vụ, chứ không phải theo nhu cầu của chính họ. Ngay từ đầu cuộc hành trình, thánh I-Nhã đã làm theo ý riêng của mình và đã đưa ra một số quyết định tồi. Theo thời gian, ngài nhận ra rằng sự phân định cần lời khuyên của người khác như một sự kiểm chứng, nhằm tránh việc tự lừa dối mình. Khi làm các bài tập thao luyện trong bối cảnh một cuộc linh thao, vị linh hướng đóng vai trò nâng đỡ này. Nhiều người ngày nay thấy rằng việc linh hướng thường xuyên giúp chúng ta biết phân định theo nguyên tắc thực tế. Những người khác sử dụng các nhóm cố vấn và diễn đàn để trò chuyện nghiêm túc về cuộc sống của họ, để có thể tìm thấy sự tập trung và tính trách nhiệm.
Giống như bất kỳ ai thấm nhuần truyền thống tôn giáo, thánh I-Nhã đã giải thích kinh nghiệm trung tâm của con người về lời mời gọi này bằng các biểu tượng và ngôn ngữ của đức tin. Ngài tin rằng khao khát phục vụ của con người phản ánh lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, rằng mối quan tâm chữa lành thế giới trong phạm vi nhỏ bé của công việc, gia đình và cộng đồng của chúng ta bắt nguồn từ mong muốn chữa lành thế giới của Thiên Chúa. Ngài muốn mọi người tìm thấy nơi mà những khao khát sâu xa nhất sẽ dẫn họ đến việc phục vụ, bởi vì Ngài tin rằng đó sẽ là nơi họ sẽ tìm thấy Chúa, hay đúng hơn, nơi Chúa sẽ tìm thấy họ. Thánh I-Nhã đã không dành 20 năm để tìm kiếm một bản thiết kế cố định cho cuộc đời mình. Chúng ta cần thời gian để học nghệ thuật phân định khi làm cuộc hành hương đầy chông gai của riêng mình. Cuối cùng cái mà chúng ta có không phải là một bản đồ mà là cái la bàn.
Sự phân định theo thánh I-Nhã có thể mang lại sự khôn ngoan không chỉ khi bắt đầu sự nghiệp mà còn sau này, khi lời mời gọi có thể trở nên tinh tế hơn. Khi sự nghiệp của một người tiến triển, những câu hỏi khác sẽ xuất hiện: Làm thế nào tôi có thể duy trì ơn gọi trong khi theo đuổi sự nghiệp? Những khát vọng sâu sắc của chúng ta có thể kết nối với những nhu cầu nhỏ nhặt của thế giới, như rửa bát, chuẩn bị biểu mẫu thuế và tham dự các cuộc họp của ủy ban không?
Được mời gọi cho Công bình
Cam kết hiện tại của Dòng Tên nhằm kết hợp đức tin với đấu tranh công bình nhấn mạnh đến cực xã hội của ơn gọi. Thế giới cũng là nơi để khám phá tiếng gọi của Chúa, cũng như những chuyển động của con tim. Theo truyền thống, các tổ chức Dòng Tên được hướng dẫn bởi chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo nhằm mục đích giáo dục con người toàn diện về mặt trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần. Việc nhấn mạnh đến lợi ích cá nhân của giáo dục nhằm hỗ trợ lợi ích chung của xã hội. Bây giờ, lợi ích chung của toàn thế giới đã trở nên cấp thiết theo một nghĩa mới và được coi là bao gồm lợi ích cá nhân. Bề trên tổng quyền của Dòng Tên, cha Peter-Hans Kolvenbach, S.J., đã thúc giục các trường cao đẳng và đại học Dòng Tên Hoa Kỳ đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có tinh thần liên đới được giáo dục tốt, những người có cuộc sống kết nối với những người nghèo và bị áp bức, những người chiếm phần lớn nhân loại.
Sự nhấn mạnh mới này nhắm vào nhân đức liên đới có nguồn gốc thần học sâu xa. Sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là toàn bộ lịch sử và kinh nghiệm của con người đều mở ra cho sự biến đổi cứu chuộc. Thập giá và sự phục sinh của Chúa đặt sự biến đổi đó vào giữa đau khổ và áp bức của con người. Bởi vì mối quan tâm về công bình theo Kinh Thánh này bắt nguồn từ tình yêu thương tha nhân và việc hiện thực hóa giao ước của Thiên Chúa với nhân loại, nên những người có đức tin phải đặc biệt chú ý đến những người con cái Chúa đang đau khổ.
Thiên Chúa gọi chúng ta đi đúng đường như thế nào? Thông thường, nhận thức này đến từ quá trình phân định cả hai cực của ơn gọi: nội tâm và thế giới. Chúa Thánh Thần hoạt động trong chiều sâu nhân tính của chúng ta để giúp chúng ta nhận thức được những tài năng và khát vọng của mình, và cũng cùng một Chúa Thánh Thần đó hoạt động thông qua kinh nghiệm của chúng ta để chỉ ra những gì thế giới cần từ chúng ta. Thường thì Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra các vấn đề mà chúng ta có những tài năng phù hợp một cách đặc biệt để giải quyết. Ân sủng kết nối hai cực này như một tia lửa tỏa sáng giữa chúng. Việc phản tỉnh với những người khác về kinh nghiệm được mời gọi giúp củng cố tiếng gọi đó và giữ cho nó trở nên thực tiễn.
Đức tin và công bình cùng nhau hoạt động để đảm bảo rằng cả hai thái cực đều được xem xét bình đẳng trong việc phân định ơn gọi. Một đức tin sâu sắc mang lại sự tự nhận thức và niềm tin tưởng vào sự giúp đỡ của Chúa, trong khi đức công bình làm sắc nét nhận thức của chúng ta về những gì bị bóp méo trong các cấu trúc xã hội. Các thực hành đức tin và công bình đặt ý thức về ơn gọi của chúng ta trong thế giới thực, đầy khả năng và cũng đầy rẫy sự đổ vỡ. Nếu không có ánh sáng đức tin và sự nhận thức thành thực rằng chúng ta đã được Chúa ban cho khả năng, nhu cầu của thế giới có thể trở thành gánh nặng quá sức. Nếu không hiểu biết về thực trạng thực tế của thế giới, tài năng và khát vọng của chúng ta có thể bị lãng phí. Và thật đáng tiếc, nó chỉ mang lại sự thành công suông mà thôi.
Tác giả: William C. Spohn
Chuyển ngữ: Kim Linh
Nguồn: America Magazine