Vâng, hôn nhân cũng là một việc tông đồ!

Trong hôn nhân, cả hai vợ chồng cùng làm việc để mối liên kết của họ trổ sinh hoa trái thiêng liêng, đưa họ đến sự sống đời đời. Vâng, hôn nhân cũng là một việc tông đồ!

 

“Anh/Em hứa giữ lòng chung thủy với em/anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời anh/em.” Lời nguyện hứa long trọng này, được cô dâu và chú rể tuyên xưng trước cộng đoàn khi họ hiến mình cho nhau trong Bí tích Hôn phối, chứa đựng cả một hành trình trong nó.

 

Hôn nhân là một sứ mạng, và việc nuôi dưỡng tình yêu này, trân trọng nó như là tài sản quý giá nhất, là một nhiệm vụ lâu dài báo hiệu Nước Trời trị đến. Vậy tại sao chúng ta có thể nói rằng hôn nhân cũng là một việc tông đồ? Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (Về Sứ vụ tông đồ của Giáo dân) nêu rõ rằng:

 

Giáo hội được thành lập với mục đích truyền bá vương quốc của Chúa Kitô trên khắp trái đất để tôn vinh Thiên Chúa Cha, để mọi người có thể hưởng ơn cứu độ của Ngài, và qua họ, toàn thể thế giới có thể đi vào mối tương quan với Đức Kitô. Tất cả hoạt động của Nhiệm Thể hướng đến việc đạt được mục tiêu này được gọi là sứ vụ tông đồ mà Giáo hội thực hiện theo nhiều cách khác nhau thông qua tất cả các tín hữu. Vì ơn gọi Kitô hữu theo bản chất của nó cũng là ơn gọi tông đồ.

 

 

Mỗi người đã chịu phép rửa tội đều được kêu gọi rao giảng Tin Mừng, để “mọi người được cứu độ và […] nhận biết chân lý” ( 1 Tm 2,4 ). Chúng ta có thể đáp lại lời kêu gọi này trong hôn nhân như thế nào?

 

Phúc Âm Hóa Gia Đình

 

Người nam và người nữ khi kết hôn cam kết yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày trong cuộc sống, chia sẻ niềm vui và thử thách, chung thủy với nhau, và nếu Chúa ban cho họ con cái thì giáo dục chúng theo đức tin Công giáo. Công việc này góp phần vào việc loan báo Tin Mừng, vì cả hai vợ chồng phải chăm sóc gia đình để truyền lại cho con cái đức tin mà họ đã nhận được.

 

Họ làm điều này trước hết bằng cách nêu gương cho con cái, nhưng cũng bằng cách dạy giáo lý cho chúng, vì gia đình là Hội thánh tại gia (GLHTCG, số 1655). Hiến chế Tín lý Lumen Gentium của Giáo hội cho biết rằng, trong gia đình, “cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái bằng lời nói và gương sáng; họ phải khuyến khích con cái phát huy ơn gọi riêng của mình, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức.” (LG 11). Theo cách này, vợ chồng hoàn thành sứ mạng mà Chúa Kitô trao phó cho tất cả những người đã chịu phép rửa tội, loan báo cho thế giới ơn cứu độ đến từ Chúa Kitô và là lý do hiện hữu của Giáo hội.

 

Nguồn: Aleteia
Tác giả: Mónica Muñoz
Chuyển ngữ: Mary Kim Linh

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …