Lửa 25 – Chúa Thánh Thần trong đời bạn

(mp3) Nghe bài Lửa 25: CTT trong đời bạn

Bạn thân mến,

Có bao giờ bạn hỏi “Chúa Thánh Thần quan trọng như thế nào mà khi Chúa Giê-su lại tặng ban cho chúng ta khi về trời?” “Chúa Thánh Thần có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chính chúng ta?” Hai câu hỏi này xem ra khá bình thường, nhưng lại quan trọng cho chúng ta trong đời sống làm con Chúa. Để tìm câu trả lời, chúng ta cùng nhìn lại hình ảnh vị trụ cột của Giáo Hội, thánh Phê-rô, để từ đó thấy được vai trò của Chúa Thành Thần trong việc biến đổi Phê-rô để ngài trở nên trụ cột cho giáo hội của Chúa, và trong đời sống của từng người chúng ta.

Trước khi được Chúa Thánh Thần biến đổi, Phê-rô là người thế nào? Trước hết, chúng ta thấy một con người tự phụ và không biết mình, ảo tưởng về mình. Trong vườn cây dầu, trước khi Chúa Giê-su chịu nạn, Phê-rô khẳng định với Chúa “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây sẽ chẳng bao giờ vấp ngã.” (Mt 26,34). Chúa Giê-su cảnh tỉnh ông “Thầy bảo thật anh, nội trong đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Mt 26,35). Tuy nhiên, Phê-rô vẫn chưa biết mình yếu đuối, ông tiếp tục khẳng định “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối thầy.” (Mt 26,36).

Ngay sau những lời mạnh mẽ đó, chúng ta lại bắt gặp một con người Phê-rô nhút nhát. Khi người ta điệu Chúa vào dinh Caipha, ông Phê-rô ngồi ngoài sân. Có một người tớ gái đến bên ông và nói “cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Nhưng ông liền chối trước mặt mọi người và nói “Tôi không biết cô nói gì!”. Lần thứ hai và thứ ba, ông Phê-rô vẫn tiếp tục chối “Tôi không biết người ấy!” Trước một người tớ gái, chẳng có nguy hiểm gì, thế mà Phê-rô lại quên hẵn đi lời khẳng định trung thành với Thầy mà ngài vừa quả quyết. Con người là thế, yếu đuối và ảo tưởng. Cũng với con người ấy, cũng với tính cách ấy, nhưng khi được Thánh Thần biết đổi, lại trở nên một con người can trường làm chứng cho đức tin.

Trước hết, khi đã được Chúa Thánh Thần hoán đổi, Phê-rô khiêm tốn nhận biết mình yếu đuối và chỉ biết dựa vào Chúa.

Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ðức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”…(Ga 21,15-17)

Rồi chúng ta còn bắt gặp một Phê-rô can đảm lạ thường. Nếu như trước đây ông run sợ trước một người tớ gái, thì giờ đây, ông dám đối đầu với hơn ba ngàn đối thủ. Ông làm chứng cho Chúa trước những người chống đối đang tìm cách tiêu diệt Giáo Hội của Chúa.

(22) “Thưa đồng bào Ítraen, xin nghe những lời sau đây. Ðức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. … (36) “Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Ðức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô”. (Cv 2,22-24.36)

Sách Công Vụ Tông Đồ còn thuật lại cho chúng thấy hình ảnh một thánh Phê-rô dám cưỡng lại lệnh của Tòa Công Nghị, cơ quan quyền lực cao nhất của người Do Thái. Ông tuyên bố “Nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Nazaret, Đấng mà quý ông đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm chô trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh và ra trước mặt quý vị” (Cv 4,10). Và chúng ta còn thấy hình ảnh một thánh Phê-rô càn trường làm chứng cho đức tin cho đến chết. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp cho lời nói ảo tưởng “sẽ không bao giờ vấp ngã vì Thầy” của Phê-rô trước đây thành sự nơi ông.

Thánh Thần là di sản quý giá mà Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ của Ngài và cho tất cả chúng ta. Chúng ta còn mong muốn có điều gì quý hơn nữa khi Ngài đã ban cho chúng ta chính Thánh Thần của Ngài.

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt trong lòng Giáo Hội, trong lòng xã hội, nơi trường học của bạn, trong gia đình bạn. Thử nhìn vào hình ảnh các Maso Nữ Tử Bác Ái đang phục vụ bệnh nhân Sida giai đoạn cuối tại trung tâm Mai Hòa, sức mạnh nào làm cho những người nữ chân yếu tay mềm như thế lại đang gánh vác những công việc mà không chắc có ai đó trong chúng ta có thể đảm đương. Sự tận tụy chăm sóc từng vết lỡ loét cho bệnh nhân, can đảm đưa đôi bàn tay của mình rửa các vết thối của thịt cũng đủ để chúng ta nể phục. Các sơ đã phục vụ với sức mạnh nào nếu không phải là Thánh Thần.

Bạn trẻ chúng ta được Chúa ban tặng Thánh Thần như hành trang vào đời, hãy cảm tạ Ngài và đừng ngại để Thánh Thần thúc đẩy dẫn lối đưa đường bạn nhé.

Nhạc…..

RADIO VATICANA

CHUYÊN MỤC: Lửa

NGƯỜI VIẾT: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *