Lửa 27 – Học cùng Giê-su sống nghèo

(mp3) Nghe bài Lửa 27 – Học cùng Giê-su sống nghèo

Bạn trẻ thân mến,

Chúng ta ngày nay đang sống trong một thế giới vật chất với biết bao lời mời gọi: điện thoại di động Iphone, Ipad, Ultrabook. Có những thiết bị cần thiết cho công việc và sự phục vụ của chúng ta, thì thật xứng đáng để mua chúng; nhưng cũng có nhiều bạn trẻ trong chúng ta muốn sở hữu những món hàng công nghệ cao chỉ vì muốn đua đòi, hoặc muốn bằng bạn bè. Hơn bao giờ hết, lời mời gọi sống nghèo khó của Chúa Giê-su có ý nghĩa đặc biệt hiện nay trong thế giới này. Sống tinh thần nghèo để chúng ta có thể hiểu và cảm thông những người nghèo khó; sống tinh thần nghèo để Chúa có một chỗ đứng trong tâm hồn chúng ta, vì bao lâu chúng ta cảm thấy đầy đủ, bấy lâu chúng ta không có nhu cầu cần Chúa bên mình. Chuyên mục bạn trẻ hôm nay muốn cùng với các bạn học cùng Chúa Giê-su sống đời nghèo khó khiêm hạ.

Yêu thương là mặc lấy và chia sẻ thân phận của nhau. Vì yêu con người, nên Chúa không nề hà đến với con người trong cảnh cơ hàn. Biến cố Giáng Sinh dường như báo hiệu một cuộc đời nghèo khó, bị người đời từ chối. Con Thiên Chúa đến thế gian trong cảnh cơ hàn: Ngài được sinh ra bởi một người nữ, trong chuồng của loài vật. Người nữ trong xã hội Do Thái thời bấy giờ thuộc hạng thứ yếu, họ không được tham dự chính thức vào việc phụng tự.[1] Kinh nhật tụng của người Do Thái đến thời nay vẫn còn tuyên xưng một cách đơn sơ “Lạy Chúa, chúng tôi chúc tụng Chúa vì Chúa đã không sinh con làm dân ngoại, làm người nữ hay kẻ dốt nát!”[2] Thế mà con Thiên Chúa lại chấp nhận được sinh ra bởi một người thuộc lớp hạng thứ yếu đó. Ngài không chọn cho mình một cung điện nguy nga, không chọn để làm con trong một gia đình quyền thế. Ngài hài lòng làm con của của một người nữ nghèo, và chấp nhận được sinh ra nơi máng cỏ. Con người dường như từ chối Con Thiên Chúa khi họ không có chỗ cho mẹ Ngài trong ngày “mãn nguyệt khai hoa” (x. Lc 2,6-7).

Đời sống nghèo khó của Ngài tiếp tục được biểu lộ qua biến cố chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Ngài không những từ bỏ vinh quang Thiên Chúa, mà còn đồng nhất với nhân loại tội lỗi, coi tội của thế nhân là tội lỗi của Ngài. Nếu xưa kia A-đam đã đổ tội cho E-và để thanh minh cho mình vô tội; thì bây giờ, Đức Giê-su, Đấng hoàn toàn vô tội, lại ôm lấy tội lỗi của thế nhân mà thưa lên cùng Cha: Lạy Cha, xin tha cho các em con, mọi tội lỗi của chúng con xin gánh lấy (x. Lc 23,34). Lần đầu tiên nhân loại một người sống đúng với bản tính con người, bản tính đã được Thiên Chúa dựng nên, đó là bản tính nên một với mọi người. Nghĩa cử ấy của Đức Giê-su đã làm cho toàn thể Thiên Quốc vui mừng, đến nỗi Trời mở ra và có tiếng Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1,11).

Sống nghèo để cảm thông, để tha thứ. Chúa Giê-su đã tha thứ cho Phê-rô, cho Giu-đa, cho các môn đệ bằng cách cúi xuống rửa chân cha họ. Khiêm hạ, trở nên người tôi tớ, để ước mong các môn đệ hiểu rằng ngài đã tha thứ cho họ và ước mong họ cũng tha thứ cho nhau, trở nên người phục vụ của nhau. Cuộc sống chúng ta cũng gặp biết bao người làm chúng ta khó chịu, nhưng Chúa mời gọi chúng ta băng qua những khó chịu, những rào cản để tha thứ cho nhau, hiệp nhất với nhau. Chúng ta thử sống lại cảm nghiệm của Chúa khi bị các môn đệ thân tín của mình phản bội: người Chúa thương, chia sẻ với Ngài cuộc sống đã ba năm, nay đang tìm cách bán Ngài; vị tông đồ trưởng sẽ chối Ngài lúc gặp gian khó… Nhưng Ngài đã băng qua những điều đó để cúi xuống rửa chân cho họ. Cuộc sống của con người sẽ đẹp nếu như từng người bắt chước Chúa, dù chỉ là một khía cạnh nhỏ trong cuộc đời. Ngày mai, nếu trên đường bạn gặp một người ăn xin, một em bé đường phố, xin đừng hất hủi em, hãy dừng lại, lắng nghe, cảm thông, và chia sẻ bạn nhé. Đừng tiết chi chút tiền để có thể cho em một tô phở, một nụ cười.

Cuộc sống nghèo theo ý Chúa không phải là một cuộc sống đê hèn, nhưng là một cuộc sống cao thượng. Chúa tạo dựng nên chúng ta không riêng lẽ, nhưng tạo dựng nên chúng ta và đặt trong cộng đoàn để chúng ta chia sẻ với nhau. Ước mong Ý Chúa được thể hiện trong từng bạn trẻ chúng ta. Nhìn về cách hành xử của Chúa, bạn trẻ tự hỏi: có bao giờ chúng ta đã dám cúi mình phục vụ người chúng ta ghét để tỏ lòng tha thứ cho họ hay chưa?

Lạy Chúa Giê-su,

sự nghèo khó là điều mà mỗi người chúng con không muốn đón nhận,

nhưng chính Chúa đã thánh hóa nó, để chúng con thấy rằng nghèo cũng là một ơn.

Xin cho chúng con đón nhận món quà nghèo khó khiêm nhu của Chúa tặng ban, để chúng con sẵn sàng mở rộng đôi bàn tay chia sẻ với người thân cận,

Xin cho chúng con lòng khiêm nhường cần thiết,

để chúng con có thể hạ mình mang lại sự hòa giải cho tha nhân.

Trên hết tất cả, xin cho chúng con yêu Chúa hơn tất cả,

để cánh của lòng chúng con luôn rộng mở đón Chúa.

 



[1] Cf. Philippus Gomez, Điển Ngữ, cuốn III, “”người nữ”, p. 203.

[2] Ibid., cuốn III, “người nữ”, p.205.

RADIO VATICANA

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Đời sống chứng tá của Kitô hữu trong xã hội thế tục

Nguồn ảnh: Christophe Olinger Chuyến tông du lần thứ 46 của Đức Thánh Cha Phanxicô …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *