Xác sống lại nghĩa là sao?

Niềm tin vào sự bất tử của linh hồn đã có nguồn gốc từ rất lâu, trước khi Kitô giáo ra đời. Từ trực giác tôn giáo, người ta tin là con người mình không chỉ là cái thân xác thể lý đang phô bày ra trước mắt đây. Có một cái gì đó rất linh thiêng đang tồn tại trong mình, làm nên chính mình và nó vẫn còn tồn tại, vượt trên không gian và thời gian. Họ đặt tên cho cái đó là linh hồn. Ngày nay, người ta vẫn tin là khi chết đi, linh hồn “xuất” ra khỏi thân xác và bay đi xa. Lối suy tư này đã từng một thời rất thịnh hành, nhưng cũng khơi lên rất nhiều vấn đề nan giải. Chẳng hạn: nếu con người là hồn và xác, vậy thì khi hồn đã xuất khỏi xác thì có còn gọi đó là “con người” nữa không? Liệu có thể thực sự tồn tại một cái “hồn” đơn thuần như vậy không? Liệu “hồn” có thể tồn tại mà không cần một thân xác không? “Hồn” thực chất là một cái gì đó, hay chỉ là một ý niệm thôi?…

Ngày nay, người ta đã chuyển hướng suy tư, không còn nói nhiều đến linh hồn nữa, mà chuyển sang đề tài về thân xác. Ở một khía cạnh nào đó, thân xác giúp ta được hữu hình hoá trong thế giới này. Nó là chính ta, giúp định hình ta, phân biệt ta với những con người khác. Nó có một giá trị quan trọng đến nỗi, nếu không có thân xác, ta chẳng còn là ta nữa. Đặc biệt, dưới ánh sáng của biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa linh thánh của thân xác. Thiên Chúa cứu độ, là cứu luôn cả thân xác, chứ không phải chỉ cứu linh hồn. Sau này, khi trở về với Thiên Chúa, Đức Giêsu mang theo cả thân xác của Ngài, chứ Ngài không để nó lại trần thế. Thiên Chúa thì không cần thân xác, nhưng sẽ không thể tồn tại một Giêsu Cứu Thế nào không có thân xác. Chính nơi thân xác mình, Giêsu đụng chạm đến từng ngõ ngách của phận người và thánh hoá nó. Thân xác mang tên Giêsu chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngôi Lời của Chúa Cha.

Dưới cái nhìn ấy, đức tin Công Giáo không chối bỏ tính bất tử của linh hồn, nhưng nhìn về nó trong thể thống nhất của con người, chứ không phân biệt hai thực tại hồn và xác như hai thể đối lập nhau. Công Giáo còn đi xa hơn chuyện bất tử của linh hồn bằng việc tuyên xưng rằng “xác loài người ngày sau sẽ sống lại”. Sự sống lại của thân xác vào ngày sau hết mà Giáo Hội tuyên tín không có ý nói đến khối vật chất đã bị huỷ hoại trong lòng đất, rằng các mảnh xương sẽ được ghép lại, rồi linh hồn ở đâu đó nhập vào, biến nó trở thành con người như bây giờ. Nếu như thế, con người lại tiếp tục sống một cuộc sống lệ thuộc vào không gian thời gian, giống như một số nhân vật mà Tin Mừng thuật lại như Lazaro (Ga 11,1-45), con trai bà goá thành Na-in (Lc 7,11-17)… Dù đã được đưa về từ cõi chết, nhưng họ sẽ phải đối diện với cái chết một lần nữa ở cuối chặng đường của hành trình dương gian.

“Xác sống lại” nghĩa là chính trọn vẹn con người đó sẽ sống lại (chứ không phải chỉ là “linh hồn”) trong một sự sống mới (chứ không phải quay lại với sự sống cũ). Chúng ta không thể biết được là việc ấy sẽ xảy ra như thế nào, vì “ngày sau” vẫn chưa đến. Nhưng chúng ta có thể có chút mường tượng về nó khi nhìn đến mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Đức Giêsu phục sinh, nghĩa là Ngài đã chết thật, các bộ phận trên cơ thể Ngài đã ngừng hoạt động, nhưng chính cơ thể ấy đã được ban cho một sự sống mới. Sự phục sinh xảy ra trên cơ thể đã chết của Ngài, chứ không xảy ra ở một cơ thể khác, hay diễn ra cách chung chung không cần cơ thể nào. Nói cách khác, Đức Giêsu phục sinh cũng là Đức Giêsu đã sống trước kia, đã giảng dạy, đã bị giết chết. Nhưng Đức Giêsu phục sinh cũng khác trước rất nhiều vì Ngài thoát ẩn thoát hiện, không bị già đi, không bị lão hoá. Có thể nói, với sự phục sinh, Đức Giêsu đã đi vào sự bất tử. Thời gian, không gian và mọi định luật tự nhiên không còn có quyền gì với Ngài nữa. Đối với Ngài, hôm qua, hôm nay, hay ngày mai không có sự phân biệt nào cả, tất cả đều chỉ là “bây giờ”; Ngài có thể cùng một lúc hiện diện ở bất cứ nơi nào Ngài muốn. Kiểu sự sống này chỉ có thể tồn tại nơi Thiên Chúa. Phục sinh, sống sự sống mới chính là đi vào trong sự sống của Thiên Chúa. Với sự phục sinh, Đức Giêsu đã trở về tình trạng hiệp nhất nguyên thuỷ với Cha và Thánh Thần.

Người Kitô tin rằng khi “ngày sau” đến, họ cũng sẽ vui hưởng sự sống tròn đầy trong Thiên Chúa như vậy. Là “họ”, chứ không phải chỉ có “linh hồn” họ, vì nếu chỉ có linh hồn không thôi, thì đó không phải là họ. Đi vào trong sự sống của Thiên Chúa sẽ là trọn vẹn con người, một con người tròn đầy, nguyên thuỷ, không có chỗ khiếm khuyết nào. Lúc đó, con người được biến đổi một cách toàn diện, trong một thể thống nhất, chứ không còn bị phân chia thành những phần này phần nọ. Và ta chỉ có thể được như vậy nhờ thông phần vào Đức Kitô, bởi ơn Thánh Thần. Nó là một món quà, một cái gì đó mà ta được ban cho cách nhưng không, chứ không phải là thành quả tất yếu của những gì ta làm được. Chỉ Thiên Chúa mới có thể đưa chúng ta vào trong chính Ngài, xuất phát từ tình yêu và ý định ngàn đời Ngài dành cho ta.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Kiểm tra tương tự

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …

Sức mạnh của thinh lặng

Đối với những người phấn đấu sống một cuộc sống đức hạnh, việc học cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *