BEIRUT. Chiều ngày 14-9-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến Beirut, thủ đô Liban, để bắt đầu chuyến viếng thăm gần 60 tiếng đồng hồ tại nước này, cho đến chiều chúa nhật 16-9-2012.
Cơ hội chính cho cuộc viếng thăm của ĐTC đương kim tại Liban là việc ký và công bố Tông Huấn ”Giáo Hội tại Trung Đông” đúc kết thành quả Thượng HĐGM đặc biệt về Trung Đông, nhóm tại Roma hồi tháng 10 năm 2010. Cuộc viếng thăm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng của vùng Trung Đông, với mùa xuân Arập đang có nguy cơ biến thành mùa đông, và nhất là với cuộc xung đột đẫm máu tại Siria từ bao tháng nay làm cho hơn 27 ngàn người thiệt mạng, 250 ngàn người tị nạn, và có nguy cơ lan sang cả Liban. Trong bối cảnh đó, chủ đề chuyến viếng thăm của ĐTC là câu nói của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ ”Thầy ban bình an cho các con” (Ga 14,27).
Liban, quốc gia bé nhỏ, chỉ rộng gần 10.500 cây số vuống, một phần 30 nước Việt Nam, với dân số chỉ có hơn 4 triệu người, trong đó gần 60% theo Hồi giáo và phần còn lại 40% là tín hữu Kitô và 1,3% thuộc các tôn giáo khác. Tổng cộng Liban hiện có 18 cộng đoàn tôn giáo khác nhau, trong đó có 5 cộng đoàn Hồi giáo, và 1 cộng đoàn Do thái giáo, 12 cộng đoàn Kitô, trong số này có 6 cộng đoàn Công Giáo gồm 6 nghi lễ khác nhau. Tổng cộng với 6 nghi lễ, Giáo Hội Công Giáo tại Liban có 53 GM, 1543 LM triều và dòng, 2.650 nữ tu và gần 150 tu huynh, 390 đại chủng sinh.
Phỏng vấn
Trên chuyến bay, ĐTC đã dành một khoảng thời gian để trả lời 4 câu hỏi do các ký giả tháp tùng nêu lên. Chẳng hạn, ĐTC cho biết là tuy tình hình Trung Đông và Liban khó khăn, nhưng ngài không hề nghĩ đến việc từ bỏ cuộc viếng thăm này, vì hễ tình hình càng phức tạp thì càng cần mang lại một dấu hiệu huynh đệ, khích lệ và liên đới. Mục đích cuộc viếng thăm của ngài tại Liban là để mời gọi đối thoại, kiến tạo hòa bình chống lại bạo lực, cùng nhau tìm giải pháp cho các vấn đề.
Trả lời một câu hỏi khác về trào lưu tôn giáo cực đoan ĐTC nhận định rằng trào lưu này luôn luôn là một sự giả tạo hóa, làm biến thái tôn giáo, và đi ngược với ý nghĩa tôn giáo, vốn là một lời mời gọi phổ biến an bình của Thiên Chúa trên thế giới. Vì thế, nghĩa vụ của Giáo Hội và các tông iáo là thanh tẩy chống lại những cám dỗ ấy, soi sáng lương tâm, và làm sao để mỗi người có ý niệm rõ ràng về Thiên Chúa.
Sau hơn 3 giờ bay, ĐTC và đoàn tùy tùng đã tới phi trường Rafiq Hariri của thủ đô Beirut vào lúc gần 2 giờ chiều giờ địa phương.
Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Tổng thống Liban là tướng Michel Sleiman, một tín hữu Công giáo Maronit, cùng với phu nhân, cùng với các vị chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các vị Thượng Phụ, GM tiếp đón nồng nhiệt. Hàng trăm học sinh và tín hữu cầm cờ Tòa Thánh và Liban hiện diện tại Phi trường cũng reo hò vui mừng và hô tên của ĐTC: Benedicto! Benedicto!
Trong khi đó 21 phát đại bác nổ vang trước khi quốc thiều Vatican và Liban được trổi lên.
Trong lời chào mừng ĐTC, tổng thống Sleiman đã gợi lại những đóng góp quan trọng của đất nước và nhân dân Liban, qua dòng lịch sử, cho nền văn hóa của thế giới. Ông cũng nói đến sự kiện sự cởi mở và hiếu khách của Liban nhiều khi bị lợi dụng, và đất nước này nhiều khi cũng bị xâm lăng và tấn công, nhưng Liban luôn biết kháng cự và chống lại các cuộc tấn kích ấy.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Trong lời đáp từ tổng thống Liban, ĐTC nhấn mạnh lý do cuộc viếng thăm của ngài:
”Một lý do khác trong cuộc viếng thăm của tôi là để ký và trao Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM Trung Đông, Ecclesia in Medio Oriente, Giáo Hội tại Trung Đông. Đó là một biến cố quan trọng của Giáo Hội. Tôi cám ơn tất cả các Thượng Phụ Công Giáo đã đến đây và đặc viết là Đức Cựu Thượng Phụ HY quí mến Nasrallah Boutros Sfeir và người kế vị là Đức Thượng Phụ Béchara Rai. Tôi chào thăm trong tinh thần huynh đệ tất cả các GM Liban, cũng như những người đã đến đây để cầu nguyện với tôi và nhận lãnh từ chính tay Giáo Hoàng Văn kiện này. Qua họ tôi chào thăm như hiền phụ tất cả các tin hữu KItô Trung Đông. Tông huấn này được gửi tới toàn thế giới, và là một chương trình hành động trong những năm tới đây. Tôi cũng vui mừng vì được gặp gỡ trong những ngày này nhiều đại diện của các cộng đoàn Công Giáo tại đất nước anh em, cử hành và cầu nguyện chung với họ. Sự hiện diện, sự dấn thân và chứng tá của họ là một đóng góp được nhìn nhận và đánh giá cao trong đời sống thường nhật của mọi người dân nơi đất nước yêu quí của anh em.
”Tôi cũng kính chào các Thượng Phụ và GM Chính Thống đến đón chào tôi cũng như đại diện của các cộng đoàn tôn giáo khác nhau của Liban. Các bạn thân mến, sự hiện diện của các bạn chứng tỏ sự quí chuộng và cộng tác mà các bạn mong muốn thăng tiến giữa mọi người trong niềm tôn trọng nhau. Tôi cám ơn các bị vì những cố gắng ấy và tôi chức chắn rằng các bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm những con đường hiệp nhất và hòa hợp. Tôi không quên những biến cố đau thương đã gây sầu khổ cho đất nước tươi đẹp của các bạn trong những năm dài. Sự sống chung hòa họp đặc biệt của Liban phải chứng tỏ cho toàn Trung Đông và thế giới thế rằng trong mỗi nước có thể có sự sộpng tác giữa các Giáo Hội khác nhau, tất cả đều là thành phần của một Giáo Hội Công Giáo duy nhất, trong tinh thần hiệp thông huynh đệ với các tín hữu Kitô khác, và đồng thời, có sự sống chung và đối thoại trân trọng giữa các tín hữu Kitô và những anh chị em thuộc các tôn giáo khác. Cũng như tôi, Anh chị em đều biết rằng sự quân bình ấy rất tế nhị, tuy nó được trình bày ở các nơi như một mẫu gương. Đôi khi nó bị đe dọa tan võ khi ở trong tình trạng căng thẳng như cây cung, hoặc phải chịu những sức ép quá nhiều khi có tính chất phe phái, thậm chí là do vụ lợi, trái ngược, xa lạ với sự hòa hợp và dịu dàng của Liban. Chính trong những trường hợp như thế cần tỏ ra thực sự phải ôn hòa và rất khôn ngoan. Và lý trí phải trổi vượt trên sự đam mê một chiều để tạo điều kiện cho ích chung của mọi người. Đại vương Salomon đã quen biết Hiram, Vua miền Tyro, đã chẳng coi đức khôn ngoan là nhân đức tối cao sao? Vì thế, ngài đã nài nỉ xin Chúa ơn khôn ngoan và Chúa đã ban cho Vua một tâm hồn khôn ngoan và thông minh (Xc 1 V 3,9-12).
ĐTC nói thêm rằng:
”Tôi đến đây cũng để nói lên rằng sự hiện diện của Thiên Chúa thật là quan trọng trong đời sống của mỗi người và cách sống chung, điều mà đất nước anh chị em muốn chứng tỏ, chỉ có thể trở nên sâu xa nếu nó được xây dựng trên một cái nhìn chào đón và thái độ tử tế vối với tha nhân, nếu nó ăn rễ sâu nơi Thiên Chúa, là Đấng muốn cho mọi người trở nên anh chị em với nhau. Sự quân bình nổi tiếng của Liban muốn tiếp tục là một thực tại, có thể kéo dài nhờ thiện chí và sự dấn thân của mọi người Liban. Chỉ như thế, sự quân bình ấy mới là mẫu gương cho người dân của toàn vùng và thế giới. Đây không phải chỉ là một công trình của con người, nhưng còn là một hồng ân của Thiên Chúa mà ta phải nài nỉ cầu xin, kiên trì với bất kỳ giá nào, và quyết tâm củng cố”.
”Thưa tổng thống và các bạn, mối liên hệ giữa Liban và người kế vị thánh Phêrô có tính chất lịch sử và sâu xa. Tôi đến Liban như người lữ hành hòa bình, như một người bạn của Thiên Chúa và như một người bạn của con người. Chúa Kitô đã nói: ”Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Đi xa hơn đất nước của anh chi em, ngày hôm nay tôi cũng đến tượng trưng nơi tất cả các nước Trung Đông, như một người lữ hành hòa bình, như một người bạn của Thiên Chúa và là bạn của mọi người dân của mọi nước trong vùng, không phân biệt tín ngưỡng. Chúa Kitô cũng nói với họ ”Thầy ban bình an cho các con”. Những vui mừng và cơ cực của anh chị em cũng liên tục hiện diện trong kinh nguyện của Giáo Hoàng và tôi cầu xin Chúa tháp tùng, an ủi anh chị em. Tôi có thể cam đoan với anh chị em rằng tôi đặc biệt cầu nguyện cho tất cả những người đang chịu đau khổ tại vùng này và họ thật là đông đảo. Tượng thánh Maron nhắc nhở cho tôi về những gì anh chị em đang sống và chịu đựng”.
Sau bài diễn văn của ĐTC, một đoàn quân danh dự đã diễn hành trước ĐTC, Tổng thống và các quan khách, rồi phái đoàn chính phủ Liban được giới thiệu lên ngài và phái đoàn Tòa Thánh cũng được giới thiệu với Tổng thống Liban. Tiếp đến, ĐTC còn hội kiến với tổng thống và 2 vị chủ tịch quốc hội và Hội đồng bộ trưởng Liban, cũng với các phu nhân liên hệ tại Phòng khánh tiết của Phi trường.
Tòa Sứ Thần Tòa Thánh
Rời Phi trường thủ đô Beirut, ĐTC về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Harissa trên miền núi phía bắc cách đó 37 cây số.
Đây là một làng nhỏ ở trên đỉnh đồi cao 550 mét so nhìn xuống bờ biển và vịnh Jounieh. Harissa nổi tiếng với Đền thánh Đức Mẹ Liban được kiến thiết hồi năm 1904 nhân dịp kỷ niệm 50 năm tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội do Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 10 tuyên tín. Lễ khánh thành Đền thánh vào chúa nhật đầu tháng 5 năm 1908, và từ đó trở thành ngày lễ hàng năm kính Đức Mẹ Liban.
Pho tượng Đức Mẹ màu trắng được đúc bằng đồng tại Lyon bên Pháp cao 8 mét rưỡi và nặng 15 tấn, được đặt trên một bệ tháp bằng đá đẽo hình nón cao 21 mét, có thang xoáy ốc dẫn từ dưới lên tới tượng. Các tín hữu hành hương vẫn thường đi chân không hoặc đi bằng đầu gối leo lên các bậc thang này tới tượng Đức Mẹ ở trên đỉnh.
Ngày nay, Đền thánh Đức Mẹ quan trọng nhất ở Trung Đông này được ủy thác cho các tu sĩ dòng Thừa Sai Liban coi sóc. Mỗi ngày có 3 thánh lễ được cử hành tại đây và chúa nhật có tới 10 thánh lễ, để đáp ứng nhu cầu của các tín hữu hành hương. Họ đến đây quanh năm, nhưng nhất là trong thánh 5 kính Đức Mẹ, với những cuộc rước ban đêm khởi hành từ bờ biển lên tới Đền thánh vào lúc bình minh. Các tín hữu tay cầm đuốc sáng, vừa đi vừa hát thánh ca và cầu nguyện. Cả người Hồi giáo cũng đến hành hương tại đây để tôn kính Đức Mẹ, đặc biệt vào những ngày chúa nhật.
Cách đây gần 20 năm, vào tháng 7-1993, một Vương cung thánh đường mới được xây cất cạnh tháp bệ của Đền thánh, và có hình như một mũi tàu của người Phenici. Bên trong thánh đường có bản sao tượng Đức Mẹ Lộ Đức do ĐTC Gioan Phaolô 2 làm phép ngày 22-3 năm 1992 trong thánh lễ cho các bệnh nhân ở Đền thờ Thánh Phêrô và được Cơ quan hành hương của Giáo Phận Roma đưa tới đây. Thánh đường mới có thể chứa được 7 ngàn người, và chính tại tiền đường Đền thờ này ngày 10-5 năm 1997 ĐTC Gioan Phaolô 2 đã gặp gỡ các bạn trẻ Liban.
Đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Harissa vào lúc gần 3 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã nghỉ ngơi trong vòng 2 tiếng rưỡi trước khi bắt đầu hoạt động đầu tiên của ngài là ký Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM Trung Đông.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Radio Vatican
Hình ảnh từ: www.emty.org